Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi: Người dân mong muốn đối thoại về thu hồi đất

14/04/2022 16:47

Hàng chục hộ dân tại xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã làm đơn khiếu nại và mong muốn đối thoại với lãnh đạo chính quyền bởi họ cho rằng việc đền bù thu hồi đất chưa thoả đáng, có nhiều trường hợp bị thu hồi toàn bộ nhưng không nhận được đền bù về đất.

Cơ sở nào xác định giá hỗ trợ?

Theo bà Phạm Thị Loan, thôn Phương Nhị, xã Liên Ninh, gia đình bà sống ổn định trên thửa đất do UBND xã Liên Ninh bán từ năm 1989 đến nay, đóng góp nghĩa vụ tiền sử dụng đất, có tên trên bản đồ địa chính năm 1994 được chính quyền huyện, xã xác nhận bằng văn bản. Khi có chủ trương mở rộng, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (tạm gọi là dự án Nâng cấp Quốc lộ 1A) do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư, gia đình bà thuộc diện bị thu hồi đất để thực hiện dự án.

anh-1-33-1649929497.jpg
Bà Phạm Thị Loan, xã Liên Ninh, không đồng tình với phương án bồi thường đưa ra.

Toàn bộ diện tích 90m2 gia đình bà bị thu hồi và được bồi thường, hỗ trợ 60% của 71,1 m2 (số diện tích còn lại 18,9 m2 không được bồi thường, hỗ trợ) với tổng số tiền gần 288 triệu đồng. Lý do Trung tâm quỹ đất huyện Thanh Trì đưa ra bởi đất không có giấy tờ, đất nông nghiệp, lưu không lấn chiếm.

anh-2-31-1649929497.jpg
Trong 90 m2 đất của hộ bà Loan nằm trong diện tích bị thu hồi, có 75m2 đất có nguồn gốc từ việc xã Liên Ninh bán trái thẩm quyền thời điểm 1989 -1991, nhưng khi thu hồi lại chỉ tính hỗ trợ, bồi thường cho 71,1 m2.

Không riêng hộ bà Loan, nhiều hộ dân khác tại xã Liên Ninh mua đất ven Quốc lộ 1A do UBND xã Liên Ninh đấu thầu, bán đều ăn ở ổn định, lâu dài từ 1989, đều chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trong tình cảnh tương tự.

Theo UBND huyện Thanh Trì, nguồn gốc đất của nhiều hộ dân được xã Liên Ninh bán đất trái thẩm quyền giai đoạn 1989-1991 đã thể hiện đất thổ cư tại bản đồ địa chính năm 1994, chính quyền xã Liên Ninh cũng xác nhận việc các hộ dân sử dụng ở, kinh doanh lâu dài, ổn định, không tranh chấp, từ khi mở bán cho đến nay.

Đối với đất xác định là giao trái thẩm quyền thời điểm trước 1/7/2004, đất lấn chiếm được xác nhận sử dụng ổn định, không tranh chấp, đã được cấp hay chưa được cấp GCN QSDĐ, theo quy định tại Luật Đất đai 2013 và Nghị định 47/2014, các hộ dân sử dụng đất sẽ được bồi thường về đất và loại đất được giao.

Tuy nhiên, khi Nhà nước thu hồi đất của gia đình bà Loan để thực hiện dự án Nâng cấp Quốc lộ 1A, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì lại cho rằng thửa đất (75 m2/ 90 m2) do xã bán trái thẩm quyền là đất nông nghiệp, đất lấn chiếm, không có giấy tờ nên chỉ hỗ trợ 60% giá trị 71,1 m2 bị thu hồi với giá 6,734 triệu/m2, số diện tích 18,9 m2 còn lại không được hỗ trợ bồi thường. Gia đình bà Loan cũng không được hỗ trợ đất tái định cư trong khi gia đình có đến 8 nhân khẩu.

Được biết thêm, trong 90 m2 đất của hộ bà Loan nằm trong diện tích bị thu hồi, có 75 m2 đất có nguồn gốc từ việc xã Liên Ninh bán trái thẩm quyền thời điểm 1989 -1991, nhưng khi thu hồi lại chỉ tính hỗ trợ, bồi thường cho 71,1 m2, thay vì 75 m2, bởi vậy người hộ bà Loan đề nghị cơ quan cấp thẩm quyền xem xét, trả lời để quyền lợi của người dân được đảm bảo.

Mức giá bồi thường nói trên được cho là thấp hơn so với mức giá “sàn” bồi thường, hỗ trợ GPMB do UBND thành phố Hà Nội ban hành lúc đầu ở vị trí 1 đường Quốc lộ 1A là 60% của 14,762 triệu/m2.

Không bồi thường, hỗ trợ về đất

Trường hợp khác, hộ gia đình ông Đỗ Văn Khiết, thôn Phương Nhị, xã Liên Ninh, thành phố Hà Nội, có 7 nhân khẩu bị thu hồi 110,6 m2, cho biết, tháng 11/2017, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Thanh Trì cũng cho rằng đất gia đình trong diện thu hồi là đất nông nghiệp, lấn chiếm và không có giấy tờ nên đưa ra phương án bồi thường 60% giá trị đối với đất nông nghiệp và 20% với đất lưu không, phi nông nghiệp. Cùng với đó tài sản gắn liền với đất, công trình xây dựng và các khoản bồi thường khác…, tổng số tiền gần 755 triệu đồng.

anh-3-21-1649929497.jpg
Bồi thường đất tái định cư của hộ ông Đỗ Văn Khiết giảm từ 40 m2 (năm 2017) xuống còn 30 m2 (2018), không đủ hạn mức giao đất tối thiểu 80m2.

Tuy nhiên, năm 2018, tại dự thảo phương án bồi thường, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Thanh Trì khi thu hồi không bồi thường hỗ trợ với 110,6 m2 của hộ ông Khiết, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tài sản, công trình… sau khi tính toán là gần 369 triệu đồng.

Bên cạnh đó, bồi thường đất tái định cư của hộ ông Khiết giảm từ 40 m2 (năm 2017) xuống còn 30 m2 (2018). Trong khi đó, hạn mức giao đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở theo hạn mức giao đất tối thiểu mà thành phố Hà Nội đề ra là tối thiểu 80m2, tối đa là 180 m2 đối với xã đồng bằng - cụ thể là xã Liên Ninh.

Ông Đỗ Văn Khiết bày tỏ: “Không bàn đến việc áp giá đền bù, chỉ với thu hồi toàn bộ mà không hỗ trợ, đền bù đất. Vậy gia đình có hai sổ và 07 nhân khẩu bị “nhồi nhét” vào không gian chỉ vỏn vẹn 30 m2 thử hỏi liệu người dân chúng tôi có sống được không?”.

anh-4-14-1649929497.jpg
Ông Khiết cho rằng, với phương án thu hồi không đền bù đất và diện tích đất tái định cư 30 m2 không đủ diện tích sinh hoạt cho 7 nhân khẩu.

Nhiều hộ dân khác tại xã Liên Ninh cũng phản ánh những bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, người dân cho biết: “Năm 2013 người dân chúng tôi đã từng bị thu hồi 01 phần đất. Đến năm 2018 tiếp tục ban hành Quyết định thu hồi nhưng người dân có đất bị thu hồi không được bồi thường, hỗ trợ về đất?”.

“Chỉ đến khi người dân nhiều lần có đơn phản ánh, khiếu nại lên cơ quan chức năng các cấp, thì mức hỗ trợ được đưa ra là 60% của 6,734 triệu/ m2, áp mức giá như vậy người dân có đất bị thu hồi không đồng tình bởi đất của người dân chúng tôi là đất ở, vị trí 1 ven trục giao thông mà theo Quyết định của UBND thành phố Hà Nội đang được áp mức giá hơn 14 triệu đồng/ m2.”, bà Vân, xã Liên Ninh cho biết.

Gần đây, sáng 14/2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 19 của Trung ương 6 (khoá XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý việc thu hồi, bồi thường, tái định cư phải bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm cuộc sống người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước…

Bởi vậy, người dân có đất bị thu hồi bày tỏ mong muốn chính quyền các cấp xem xét, đánh giá phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư cho người dân. Đồng thời, bày tỏ nguyện ý được đối thoại với lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết những vướng mắc của người dân nhằm bảo vệ, đảm bảo quyền lợi của người dân địa phương.

“Người dân xã Liên Ninh chúng tôi mong muốn được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo, các ông Chủ tịch thành phố Hà Nội, huyện Thanh Trì để làm sáng tỏ sự việc. Nếu ý kiến người dân có cơ sở thì cần phải giải quyết dứt điểm cho người dân để nhân dân sớm đảm bảo cuộc sống, dự án sớm hoàn thiện, phục vụ lợi ích kinh tế nước nhà, nếu sai, người dân chúng tôi sẽ thực hiện bàn giao, thượng tôn pháp luật”, ông Nguyễn Văn Mạnh, xã Liên Ninh, bày tỏ ý nguyện.

Trước đó, UBND huyện Thanh Trì đã có đề xuất đối với 125 hộ dân được UBND xã Liên Ninh bán đất trái thẩm quyền, theo đó chính quyền huyện đề xuất hỗ trợ bằng 100% giá đất theo Bảng giá đất do UBND thành phố Hà Nội ban hành đối với phần diện tích đất thực tế bị thu hồi có xây dựng nhà cửa và công trình xây dựng nhưng tối đa không vượt quá hạn mức giao đất ở mới (180 m2).

Đối với phần hỗ trợ về nhà ở, công trình xây dựng, hỗ trợ 100% đơn giá xây dựng mới do UBND thành phố ban hành đối với nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố.

Nhưng phía Thanh tra thành phố Hà Nội cho biết, những đề xuất nêu trên không đủ căn cứ.

Nhóm PV