Ký ức về 81 ngày đêm “Mùa hè đỏ lửa” của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi

11/08/2022 09:01

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về 81 ngày đêm “Mùa hè đỏ lửa” vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người cựu chiến binh. Nỗi nhớ và ký ức về chiến tranh, về những đồng đội đã anh dũng ngã xuống vẫn luôn cháy bỏng khôn nguôi trong lòng ông.

Được gặp gỡ cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi - thương binh ¼, nguyên Trợ lý Quân lực Tiểu đoàn K3, Trung đoàn 246 vào một buổi chiều mùa hè tháng 7 trong căn nhà nhỏ đơn sơ nằm trên đường Trường Chinh, TP. Nam Định, tôi như được cùng ông sống lại những năm tháng lịch sử hào hùng nhưng vô cùng ác liệt. Trước khi tham gia cuộc chiến bảo vệ Thành cổ, ông cùng đồng đội đã chiến đấu dũng cảm giải phóng Khe Xanh, đánh lính thủy đánh bộ Mỹ ở cao điểm 832 - 845… Và đặc biệt là chiến thắng vang dội ở cao điểm 689, đơn vị ông đã tiêu diệt 152 tên lính Mỹ, phá hủy 9 máy vô tuyến điện, thu một lượng lớn súng đạn, góp phần giải phóng hoàn toàn Khe Sanh. Làm nên một huyền thoại cùng với lời ca, “Cả nước xin được ôm hôn các dũng sỹ trên cao điểm 689” - phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam như những lời tri ân đối với những người lính đã chiến đấu anh dũng trên cao điểm 689. Với chiến công này, ông cùng đồng đội được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ cấp 3”, bản thân ông được kết nạp vào Đảng.

Khi nói đến chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, ông xúc động kể cho tôi nghe về “Một thời Quảng Trị”. Cách đây 50 năm cũng vào mùa hè như thế này, bắt đầu từ ngày 28/6/1972 - 16/9/1972, Mỹ - Ngụy mở cuộc hành quân mang mật danh “Lam Sơn 72” với mưu đồ “tái chiếm Quảng Trị”, tiểu đoàn ông có nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Thành cổ. Ông bảo: “Làm sao quên được, tất cả đều hiển hiện ra trước mắt tôi, bom rơi, đạn nổ, những chiến sỹ, đồng đội của tôi lần lượt ngã xuống”. Chỉ trong 81 ngày đêm ấy, Thành cổ Quảng Trị phải hứng chịu hàng trăm ngàn tấn bom đạn của các máy bay phản lực và pháo đài bay B52 mà giặc Mỹ dội xuống nhằm hủy diệt sự sống trên mảnh đất này. Hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà, đất đai bị cày xới, Thị xã Quảng Trị lúc đó được ví như hố chứa bom bởi mật độ ném bom dày đặc 150 đến 170 lần/ngày đúng như báo chí đã nói “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử”.

1-ccb-nguyen-van-hoi-1660186714.jpg

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi - người đã từng trực tiếp tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972.

Tàn khốc, ác liệt là thế nhưng cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn K3 Tam Đảo vẫn quyết tâm “Bằng mọi giá phải giữ vững Thành cổ không cho địch cắm cờ lên bờ thành” như Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến đã thay mặt đơn vị hứa với đồng chí Lê Trọng Tấn - Tư lệnh Mặt trận B5 và Tham mưu trưởng Mặt trận Bùi Thúc Dưỡng: “K3 - Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn”. Đây không chỉ là lời hứa, mà còn là lời thề sắt son của người lính Tiểu đoàn K3 Tam Đảo - những người con anh hùng của quê hương đất Việt.

Rồi ông kể cho tôi nghe về những trận đánh vào sinh ra tử của Tiểu đoàn ông bảo vệ Thành cổ trong 81 ngày đêm. Ngày đó, vào buổi sáng ngày 9/7/1972, tại làng Nhan Biều 3 bên bờ sông Thạch Hãn tan hoang còn ngổn ngang cây cối, nhà cửa đổ nát do trận bom hôm trước. Tiểu đoàn K3 Tam Đảo của ông được giao nhiệm vụ đặc biệt: Trực tiếp chốt giữ bảo vệ bên trong Thành cổ Quảng Trị với mục tiêu đập tan chiến dịch hành quân “Lam Sơn 72” và mưu đồ tái chiếm Quảng Trị của Mỹ - Ngụy.

Theo kế hoạch tác chiến, sáng ngày 10/7/1972, Tiểu đoàn vượt sông Thạch Hãn, qua cổng Tây vào chốt giữ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Sơ đồ tác chiến đã được bố trí, Sở chỉ huy Tiểu đoàn đặt tại mép thành phía trong kề cổng Tây; Đại đội 12 - đại đội hỏa lực bố trí ở phía Bắc; Đại đội 10 chốt giữ phía Đông bắc; Đại đội 11 chốt giữ phía Đông nam, còn Đại đội 9 chốt giữ phía Tây nam thành. Để tấn công vào thành, giặc Mỹ đã ào ạt dội bom xuống như mưa, mặt đất rung chuyển, khói lửa mịt mù bao trùm khắp không gian. Trong khi đó máy bay L-19 vòng đi lượn lại, lúc bay vọt lên cao rồi sà xuống nhòm ngó tìm kiếm tiêu diệt bộ đội ta. Với sự oanh tạc liên tiếp dồn dập, Tiểu đoàn K3 không tránh khỏi tổn thất: một hầm chiến đấu của Đại đội 10 bị trúng bom, ba người hy sinh; Một hầm 5 người của Đại đội 12 bị đánh sập, 4 người hy sinh, Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Lâm bị thương nặng, hơn 30 người bị thương.

Ngày 13/7/1972, Tướng ngụy Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh chiến dịch “Lam Sơn 72” ra lệnh cho hải, lục, không quân bằng mọi giá phải chiếm được Thành cổ Quảng Trị và cắm bằng được cờ ba sọc lên tường thành rồi quay chụp những hình ảnh đó để trình chiếu, với mục đích gây áp lực chính trị tại Hội nghị hiệp thương 4 bên bàn về hòa bình ở Việt Nam, khai mạc vào ngày 15/7/1972 tại Paris. Để thực hiện ý đồ đó, khoảng 4 giờ sáng ngày 14/7/1972, địch tổ chức tập kết phía Đông bắc Thành cố cắm bằng được cờ ba sọc lên tường thành. Nhưng trước khi chúng tiếp cận bờ thành đã bị tiểu đội của đồng chí Lê Cảnh Tứ chặn đánh, 3 tên địch bị tiêu diệt. Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ lao lên thu lại lá cờ ba sọc mà chúng mang theo, thừa thắng Trung đội 3 xuất kích tiến công chiếm các vị trí then chốt tại cổng phía Đông thành, bọn địch hoảng hốt tháo chạy về phía nhà thờ Tri Bưu, để lại hàng chục xác chết.  

Những ngày tiếp theo, địch liên tục oanh kích vào Thành cổ, có ngày chúng dội xuống Thị xã và Thành cổ hơn 36 nghìn quả đại bác các loại cùng những đội biệt kích từ nhiều hướng tiến công ngày đêm vào thành. Nhưng với sự mưu trí, dũng cảm và sự gan dạ của những người lính Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo đã sử dụng hiệu quả hầm hào chiến đấu, đẩy lui tất cả các đợt tấn công của quân địch. Điển hình như trưa ngày 24/7, khi phát hiện một đại đội biệt kích Mỹ từ phía Bắc, tiến công tiếp cận đánh chiếm thành, Đại đội 10 và Đại đội 11 từ các hầm hào chiến đấu đồng loạt xuất kích tiêu diệt gần hết đại đội biệt kích Mỹ, một số tên còn lại rút chạy khỏi thành.

2-ccb-nguyen-van-hoi-tham-chien-truong-xua-1660186682.jpg

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi trở lại chiến trường xưa thăm Thành cổ Quảng Trị.

Lợi dụng vào những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8/1972, mưa nhiều, hầm hào liên tục bị sụt lở, địch ra sức bắn phá, dội bom xuống trận địa trong thành của quân ta. Thành cổ lại chìm trong bom đạn, máu của những chiến sĩ Tiểu đoàn K3 đã đổ trộn lẫn bùn đất và phải chịu đói rét vì đường tiếp tế hậu cần bị mưa bão làm gián đoạn. Để giữ vững trận địa trước sự thương vong quá nhiều, Bộ Tư lệnh chiến dịch liên tục tăng cường bổ sung quân cho tiểu đoàn. Nhưng sau cuộc chiến giằng co giữa ta và địch đến gần trưa ngày 13/8, ta bị thiệt hại nặng nề, Sở chỉ huy Tiểu đoàn bị trúng bom dù, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Lê Binh Chủng cùng chỉ huy thông tin, trinh sát, vận tải của Tiểu đoàn đã hy sinh. Từ trong khói lửa mịt mù, Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến mặt sạm đen, mặc chiếc quần đùi với khẩu AK báng gấp bên mình mò mẫm đến từng chốt chiến đấu động viên anh em: “Chúng ta hãy biến đau thương thành hành động, phải kiên cường chiến đấu tiêu diệt địch, giữ vững Thành cổ”. Lúc này Tiểu đoàn chỉ còn vài chục tay súng, trong khi kẻ địch có sự yểm trợ của các loại đạn pháo, nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ Tiểu đoàn K3, ngày nào cũng khiến hơn chục lính thủy đánh bộ Mỹ bỏ mạng khi cố tình tiếp cận đánh chiếm Thành cổ.

Đến ngày 12/9/1972, Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Hữu Đoài bị trúng quả đạn M-79 đã anh dũng hy sinh ngay tại cổng phía Tây thành. Gần 12 giờ trưa, từ hai góc phía Đông Nam, 2 đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ liều chết đánh vào Thành. Do lực lượng của ta lúc này quá mỏng, để ngăn chặn bước tiếp cận Thành của quân địch, đồng chí Hán Duy Long, thuộc Đại đội 9 đã bắn liên tiếp 9 quả B40 và một quả B41 vào đội hình địch, đến nỗi đồng chí gục tại trận vì áp lực bắn quá tải. Với hành động chiến đấu dũng cảm, đồng chí Hán Duy Long được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Liên tiếp những ngày sau đó, quân địch dùng bộ binh từ ba hướng bao vây tiến công liên tục với các loại đạn pháo như xe tăng, máy phun lửa đánh vào các chốt của ta nhưng tất cả đều bất thành. Ngày 14/09/1972, lợi dụng trời tối địch liều lĩnh mở đợt tấn công dữ dội vào Thành, nhưng được sự chi viện kịp thời của K8 và các tay súng của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, địch một lần nữa bị đánh bật và tháo chạy khỏi thành. Ngày 16/9/1972, chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ đã kết thúc, bọn địch phải tháo chạy và Tiểu đoàn K3 Tam Đảo cũng nhận được lệnh rút khỏi thành. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, quân ta đã tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hỏng 349 xe quân sự trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại, chiến dịch “Lam Sơn 72” của địch thất bại hoàn toàn, góp phần đập tan âm mưu “tái chiếm Quảng Trị” của Mỹ - Ngụy, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, Bắc - Nam thu về một mối. Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc, Tiểu đoàn K3 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo anh hùng”.

Một buổi chiều quá ngắn ngủi, không sao kể hết được những câu chuyện về một thời binh lửa của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi. Vào mùa xuân năm ấy - 1968, người thanh niên 20 tuổi nghe theo tiếng gọi thiêng liêng Tổ quốc đã sẵn sàng rời làng quê Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) lên đường vào Nam chiến đấu. Và hôm nay trở về với cuộc sống đời thường thì nỗi nhớ về những người đồng chí, đồng đội của mình đã chiến đấu anh dũng rồi nằm xuống nơi đất mẹ Quảng Trị lại luôn canh cánh trong ông.

Đang trò chuyện, bất chợt tôi bắt gặp ánh mắt rưng rưng của ông khi hướng nhìn lên chiếc bàn thờ có di ảnh nấm mộ xanh được đặt trang trọng ngay góc căn phòng - nơi có những người đồng đội của ông, những người đã từng chiến đấu và nằm lại trong nấm mộ chung vô danh còn xanh nguyên màu cỏ. Và cũng chỉ mới đây thôi, ông đã cùng đồng đội của mình đã trở lại chiến trường xưa thăm Thành cổ Quảng Trị - nơi đã để lại dấu ấn của “một thời đạn bom”, thắp một nén nhang tưởng nhớ đồng đội đã nằm xuống trên mảnh đất này. Chắc hẳn ông và đồng đội của ông, những người đã từng có mặt ở đây những tháng năm đạn bom ác liệt cày xới trên mảnh đất đầy nắng gió này, sẽ không khỏi ngỡ ngàng với những đổi thay kỳ diệu của Quảng Trị anh hùng hôm nay. Sự kỳ diệu đó chính là khát vọng của bao người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và cũng là khát vọng của cả tất cả chúng ta đã và đang cống hiến sức lực, trí tuệ của mình để chung tay xây dựng quê hương đất nước ngày thêm giàu đẹp.

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Trần Văn Hồng
Bạn đang đọc bài viết "Ký ức về 81 ngày đêm “Mùa hè đỏ lửa” của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi" tại chuyên mục Kết nối 1. https://vanhoaphattrien.vn | Hotline: 08.4646.0404  | Đọc phiên bản tiếng Anh TẠI ĐÂY