Lâm Đồng: "Siêu Dự án" của Sài Gòn - Đại Ninh sau 10 năm vẫn "dậm chân tại chỗ"

05/10/2021 17:51

Khu đô thị Nam Đà Lạt do Cty Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng, quy mô 3.595ha. Sau 10 năm được chấp thuận đầu tư, dự án này liên tục trễ tiến độ, thi công manh mún, để mất hơn 257ha rừng cùng với đó là việc nợ thuế đầm đìa.

saigondaininh-1633424772.png
Hình ảnh phối cảnh của dự án KĐT Nam Đà Lạt.

Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (hay còn gọi là dự án khu đô thị Nam Đà Lạt) có tổng vốn đầu tư lên đến 25.243 tỷ đồng. Dự án được đầu tư trên diện tích đất 3.595ha, trong đó 1.306ha đất quy hoạch lâm nghiệp (thuộc các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia – huyện Đức Trọng) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh Cty Sài Gòn – Đại Ninh) làm chủ đầu (CĐT) tư vào cuối năm 2010.

Năm 2012, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng đất ở để thực hiện dự án. Theo đó, tổng diện tích đất chuyển mục đích gần 324 ha; tổng số tiền sử dụng đất phải nộp trên 226 tỷ đồng, sau khi miễn giảm 30%, số tiền sử dụng đất còn phải nộp trên 158 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thông tin từ cơ quan thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết, số tiền sử dụng đất phải nộp là 158,2 tỷ đồng, dù được đôn đốc nhiều lần nhưng Cty Sài Gòn - Đại Ninh vẫn không nộp. Tính đến tháng 10/2018, tiền phạt chậm nộp là hơn 104 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, dự án trên được triển khai xây dựng từ năm 2010 – 2018, với 6 phân khu chức năng, quy mô dân số lưu trú thường xuyên hơn 19.700 người. Thế nhưng đến giữa năm 2020, dự án trễ tiến độ hơn một năm rưỡi mà các hạng mục chính của dự án hầu như chưa được xây dựng như khu dân cư trú đông, khu biệt thự mùa hè, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị trung tâm, khu công viên cây xanh, thể dục thể thao, vườn hoa, khu cổng mặt trời.... Tức là trong 10 năm qua, CĐT chỉ xây dựng được 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng cho chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20 km đường nội bộ...

Liên quan đến dự án nói trên, tại Kết luận Thanh tra Chính phủ (TTCP) số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020, TTCP yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất. Sau kết luận này, Cty Sài Gòn - Đại Ninh đã có văn bản kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng xem xét lại việc thu hồi dự án.

Đến ngày 8/7/2021, TTCP đã có văn bản thông báo sửa đổi một số nội dung trong Kết luận 929. Theo đó, TTCP đã rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án trên.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Cty Sài Gòn - Đại Ninh, về việc gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng để thực hiện dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái Đại Ninh. Yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp; những hạng mục đã đầu tư, chưa đầu tư.

Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Cty Sài Gòn - Đại Ninh có văn bản xác nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ tài chính (đến thời điểm đề nghị gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng) của cơ quan có thẩm quyền; yêu cầu CĐT có văn bản chứng minh nguồn vốn đảm bảo tiếp tục thực hiện dự án; cam kết cụ thể về thời gian, lộ trình, các biện pháp thực hiện để hoàn thành dự án và cam kết nếu hết thời gian gia hạn mà vẫn không đưa đất vào sử dụng thì dự án bị chấm dứt hoạt động (hoặc thu hồi) vô điều kiện.

Thông tin từ Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ khi được đất, diện tích rừng bị mất tại dự án này là 257,05ha. Đến nay, CĐT là Cty Sài Gòn – Đại Ninh mới chỉ bồi thường tài nguyên rừng đối với phần diện tích 140ha. Phần diện tích còn lại 117ha, Sở Tài chính đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, xác định giá trị 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị.

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Du lịch Sài Gòn – Đại Ninh được thành lập vào đầu năm 2010, trụ sở hiện đặt tại phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Ở thời điểm ban đầu, công ty này có số vốn điều lệ ở mức 600 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (Phương Nam Group - 85%), và 7 cá nhân khác nắm giữ 15% cổ phần còn lại là Hoàng Văn Thọ (2%), Đào Thúy Hằng (5%), Phan Văn Đức (5%), Nguyễn Văn Lam (0,5%), Trần Tấn Công (1%), Trần Hồng Thắng (0,5%) và Nguyễn Đình Tùng (1%). Đến tháng 8/2016, bà Phan Thị Hoa thay Công ty Phương Nam nắm giữ 85% cổ phần Sài Gòn Đại Ninh Corp.

Tới ngày 10/10/2017, Sài Gòn Đại Ninh Corp nâng mức vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, phần vốn chi phối 88,5% lúc này được chuyển sang bà Phan Thị Hoa. Song về bản chất chưa có gì thay đổi, bởi nữ doanh nhân sinh năm 1958 lúc này vẫn là chủ sở hữu của Phương Nam Group (Cổ đông chính của Sài Gòn – Đại Ninh).

Cuối tháng 1/2021, một diễn biến đáng chú ý là bà Phan Thị Hoa không còn là người đại diện theo pháp luật, mà được thay bằng ông Nguyễn Cao Trí, với vai trò Tổng giám đốc. Ông Nguyễn Cao Trí là gương mặt quen thuộc trong giới đại gia Sài Gòn từ nhiều năm nay, được biết đến là ông chủ của hệ sinh thái Capella Holding, hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

 

 

Duy Phong/Hội Nhập
Bạn đang đọc bài viết "Lâm Đồng: "Siêu Dự án" của Sài Gòn - Đại Ninh sau 10 năm vẫn "dậm chân tại chỗ"" tại chuyên mục Kết nối xanh. https://vanhoaphattrien.vn | Hotline: 08.4646.0404  | Đọc phiên bản tiếng Anh TẠI ĐÂY