Phát hành trái phiếu lãi suất đến 18%: Doanh nghiệp nói gì?

Tập đoàn Apec phát hành đã gây xôn xao khi phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 18%/năm, tức gấp 3 lần lãi suất ngân hàng.

Phải mua kỳ hạn 5 năm mới được hưởng lãi suất 18%/năm

Theo bảng lãi suất tập đoàn này công bố, nếu khách hàng lựa chọn kỳ hạn 5 năm, kỳ trả lãi 6 tháng/lần, mức lãi suất nhận được sẽ là 15%/năm. Nếu khách hàng lựa chọn kỳ hạn 5 năm, nhận lãi một lần duy nhất vào cuối kỳ, mức lãi suất sẽ là 18%/năm, tương đương lợi nhuận 90% tại thời điểm đáo hạn

Hiện lãi suất bình quân của trái phiếu doanh nghiệp đang ở mức 9,3%/năm, kỳ hạn bình quân các trái phiếu phát hành trong kỳ là 3,9 năm. Lãi suất bình quân của trái phiếu bất động sản quý 2/2020 là 10,42%. Ngoài ra, lãi suất phát hành cao nhất thị trường sơ cấp trong 6 tháng đầu năm là 13,3%/năm của Công ty cổ phần City Garden, tiếp theo là các lô phát hành với lãi suất 13%/năm của Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần Thủy điện Nậm La…

Với việc phát hành gói trái phiếu Happy18 Bond lãi suất 18%, Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group đã chính thức dẫn đầu nhóm trái phiếu bất động sản về lãi suất huy động. Và là trái phiếu bất động sản có lãi suất cao nhất thị trường hiện nay.

Phát hành trái phiếu lãi suất đến 18%: Doanh nghiệp nói gì? - Ảnh 1.

Tập đoàn Apec phát hành gói trái phiếu Happy18 Bond với lên đến lãi suất 18%

Doanh nghiệp nói gì?

Theo ông Nguyễn Quang Huy – Phó Tổng Giám đốc Apec Group, mục đích chính của đợt phát hành trái phiếu lần này là để doanh nghiệp có vốn đi mua, thâu tóm các dự án bất động sản, giá hợp lý, pháp lý đầy đủ.

"Lãi suất có cao nhưng tính theo vòng đời của 1 dự án thì hoàn toàn bình thường. Tiêu chí là ưu tiên dự án đã có pháp lý đầy đủ, có thể triển khai xây dựng và công tác bán hàng ngay trong thời gian sớm nhất (6 tháng - 12 tháng)", ông Huy cho biết.

Trái phiếu doanh nghiêp: Kênh đầu tư tốt hay rủi ro tiềm ẩn?

Vài năm trở lại đây, trái phiếu doanh nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ và ngày càng chứng tỏ được ưu thế cạnh tranh so với các kênh đầu tư truyền thống như gửi tiết kiệm, ngoại tệ, vàng, bất động sản, cổ phiếu…

Đại dịch COVID-19 khiến cho hệ thống ngân hàng thương mại "thừa tiền", các nhà băng liên tục giảm lãi suất tiết kiệm từ đầu năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn được điều chỉnh giảm còn 5- 6%.

Tuy nhiên, lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro. Theo các chuyên gia, những nhà đầu tư cần xem xét kỹ báo cáo tài chính của các công ty phát hành ít nhất là 3 năm liền kề và được kiểm toán độc lập. Hoặc có thể thông qua công ty tài chính để tham vấn và giúp phân tích tín dụng của các nhà phát hành.

"Nếu tự mình chỉ đi thông qua các công ty kinh doanh bất động sản hay chứng khoán thì dễ dàng rơi vào "bẫy" của nợ xấu", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Thời gian gần đây, Bộ Tài chính cũng đã không dưới hai lần nhắc nhở nhà đầu tư thận trọng với các đợt phát hành, đặc biệt với các lô trái phiếu có mức lãi cao đột biến. Nhà đầu tư được khuyến nghị cân nhắc tiềm lực tài chính của đơn vị phát hành, mục đích sử dụng vốn cũng như tính hiệu quả kinh doanh.

Theo Hoàng Nga

VTV.VN