Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam: Những kết quả tích cực sau một năm hoạt động

Năm 2022, cả nước nỗ lực, quyết tâm cao phục hồi, phát triển kinh tế hậu COVID-19 và từng bước khắc phục những khó khăn thách thức do tác động từ tình hình thế giới. Trong bối cảnh đó, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO đã tích cực chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung phương thức làm việc để phù hợp với tình hình mới và phối hợp có hiệu quả với nhiều đơn vị trong ngành Nông nghiệp và PTNT.

Trong năm 2022, tiếp tục phát huy những kết quả hoạt động trong các năm trước, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO đã tích cực phối hợp với các Cục, Vụ, Viện, Trường học và đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, cũng như các địa phương và các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực triển khai nhiều hoạt động như: Nghiên cứu khoa học, phản biện chính sách, tổ chức hội thảo chuyên ngành; Xuất bản sách, tạp chí khoa học; Tăng cường hợp tác quốc tế, giao lưu hữu nghị nhân dân; Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; Thúc đẩy công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức chuyên ngành và triển khai các sự kiện có liên quan đến các hoạt động của ngành Nông nghiệp và PTNT ở Trung ương và địa phương mà PHANO có thế mạnh. 

phano1-1672837860.jpg

PHANO và các nhà khoa học, các chuyên gia của PHANO tích cực tham gia các hoạt động tham vấn, góp ý, phản biện chính sách, các Hội nghị, Hội thảo, Diễn đàn chuyên ngành

1. Đối với hoạt động tham vấn, góp ý, phản biện các văn bản dự thảo chính sách, trong năm 2022, các nhà khoa học thuộc PHANO thông qua các diễn đàn, các kênh góp ý dự thảo văn bản chính sách về Nông nghiệp và PTNT đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực giúp các cơ quan chức năng tham khảo trong quá trình ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng như: Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Quyết định 801/QĐ-TTg, ngày 07/07/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030...Đáng chú ý, năm 2022, PHANO tham gia xây dựng Chương trình hành động quốc gia Chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững đến 2030 với Bộ Nông nghiệp và PTNT.

thu09-1672851465.jpg

knc2-1672840608.jpg

Năm 2022, PHANO tổ chức Tọa đàm tri ân Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn và tặng Kỷ niệm chương Kỷ sự nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam cho các nhà khoa học, các chuyên gia tiêu biểu của Hội

2. Về hoạt động nghiên cứu, tổ chức, phối hợp tổ chức và tham gia các Hội thảo, Diễn đàn khoa học chuyên ngành quan trọng, trong năm 2022, PHANO đã tích cực nhiều hoạt động như: Phối hợp cùng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT tổ chức "Diễn đàn nông dân hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp - Chào mừng 76 năm ngày hợp tác xã Việt Nam" vào ngày 07/4/2022; Tổ chức Tọa đàm "Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - Nhà khoa học Nông nghiệp uyên bác" vào ngày 18/6/2022; Phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội, Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội và Viện chuyển đổi số ASEAN tổ chức "Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam với chuyển đổi số" vào ngày 08/10/2022; Phối hợp với Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT tổ chức "Diễn đàn HTX Nông nghiệp phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn" vào ngày 9/11/2022; Tham gia Hội thảo thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức vào ngày 20/5/2022; Tham gia Hội thảo đánh giá kết quả 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia "Không còn nạn đói" (2018 - 2021) tại Thái Nguyên vào ngày 24/11/2022 do Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức; Tham gia Hội thảo khoa học Quốc tế - Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần 3 năm 2022 với chủ đề "Đô thị và Nông nghiệp đô thị thông minh vùng Đông Nam Bộ" do trường Đạo học Thủ Dầu Một, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Sains Malaysia tổ chức tại Bình Dương vào ngày 16/12/2022...Trong năm 2022, các nhà khoa học của PHANO đã tích cực tham gia hàng chục Hội thảo chuyên ngành do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng các tổ chức Quốc tế, các Bộ, Ban ngành và địa phương tổ chức.

Kết quả nghiên cứu nổi bật trong năm 2022 của PHANO và các thành viên: Đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu chứng nhận chứng nhận "Bưởi Thạch Thất" của huyện Thạch Thất (Hà Nội); Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Quả tươi hữu lũng" cho sản phẩm quả tươi của huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn); Đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể "Rau an toàn Thanh Đa" của xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ (Hà Nội); Xây dựng đề án phát triển thương mại dịch vụ tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) giai đoạn 2021- 2025 và định hướng tới năm 2030; Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam đã bảo tồn, thuần dưỡng, phân loại, giám định tên cây, mô tả đặc điểm sinh thái và yêu cầu ngoại cảnh của hơn 1000 chậu/giò hoa lan bản địa Việt Nam thuộc 20 chi và hơn 70 loài quý hiếm. Nhân giống bằng phương pháp cây mô hàng triệu cá thể lan Thạch Hộc Tía là lan Gấm phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển dược liệu; Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao ĐGSCL triển khai thành công một số đề tài: Chọn lọc một số giống lúa mùa ruộng trên có chất lượng tốt tại huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang; Ứng dụng công nghệ sinh học để chọn tạo giống dưa leo, khổ qua, đậu que có năng suất cao phấm chất tốt cho thành phố Cần Thơ; Xây dựng quy trình canh tác đậu phộng bền vững tại tỉnh Trà Vinh; Đánh giá khả năng thích nghi và hoàn thiện quy trình canh tác giống đậu phộng mới triển vọng tại tỉnh Trà Vinh...Đồng thời, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao ĐGSCL đã xuất bản 16 công trình và sách đánh giá các ấn phẩm trong năm 2022.

phano3-1672839284.jpg

PHANO và các nhà khoa học của PHANO tích cực tham gia đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy các hoạt động của ngành Nông nghiệp và PTNT

3. Về hoạt động tổ chức sự kiện, trong năm 2022, PHANO đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP. Hà Nội, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh "Một thoáng Nông thôn mới Hà Nội". Cuộc thi được phát động ngày 08/03/2022 và kết thúc ngày 10/10/2022 đã thu hút được hơn 1000 tác phẩm ảnh độc đáo của hàng trăm tác giả là nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên. Riêng Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, đơn vị trực thuộc PHANO đã tài trợ 04 trại sáng tác ảnh về Nông thôn mới tại nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội. Cuộc thi được Ban Chỉ đạo Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội đánh giá cao. Để ghi nhận kết quả của cuộc thi và tiếp tục góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP. Hà Nội đã cho phép xuất bản cuốn sách ảnh với tựa đề "Một thoáng Nông thôn mới Hà Nội". 

Trong năm 2022, PHANO cũng đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP. Hà Nội cùng một số cơ quan tổ chức 04 sự kiện Giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các khu vực: Miền núi phía Bắc, Đồng bằng Sông Hồng, Miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Thông qua các hoạt động có ý nghĩa thiết thực nêu trên, PHANO đã góp phần kết nối giao thương, thúc đẩy xúc tiến thương mại giữa các chủ thể sản xuất và các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số. Đặc biệt, từ ngày 14 - 24/12/2022, trong khuôn khổ Festival Sản phẩm Nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 2 do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức, PHANO đã phối hợp với Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội tổ chức Lễ hội Sinh Vật Cảnh Thủ đô năm 2022 thu hút hàng ngàn tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, đá cảnh, gỗ lũa, tranh tượng dân gian, chim cảnh. Lễ hội Sinh Vật Cảnh Thủ đô năm 2022 được tổ chức quy mô hoành tráng trên diện tích trên 8000 mét vuông với sự tham gia của 500 nghệ nhân đến từ 17 tỉnh/thành phố nhằm tôn vinh những sản phẩm làng nghề, sự tài hoa sáng tạo của các nghệ nhân đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong ngành Nông nghiệp và được các cơ quan đánh giá cao.  

aov1-1647870019-1672837566.jpg

Lãnh đạo PHANO trao cho đại diện Bộ Nông Lâm Sierra Leone một số tiêu bản giống lúa và hoa để thử nghiệm mức độ phù hợp về thổ nhưỡng và khí hậu tại Sierra Leone và Châu Phi

tet1-1672834779.jpg

Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông lâm Cộng hoà Sierra Leone và Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO

4. Về hoạt động hợp tác quốc tế và mở rộng đối ngoại nhân dân trong năm 2022, PHANO tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực phát huy vai trò của một tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực khoa học pháp triển nông thôn. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Sierra Leon Julius Maada Bio và Phu nhân từ ngày 14 đến ngày 20/3/2022, PHANO đã có nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi hợp tác và ký kết biên bản hợp tác với Bộ Nông nghiệp Sierra Leon. Chiều ngày 21/3, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông lâm Cộng hoà Sierra Leone và Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO.

Theo đó, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO sẽ chuẩn bị và cử các chuyên gia có năng lực và lý lịch phù hợp, về cả chuyên môn kỹ thuật và quản lý, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Nông Lâm Sierra Leone để tuyển dụng làm việc tại Sierra Leone khi có nhu cầu. Trong khuôn khổ hợp tác, đối thoại và trao đổi thông tin, thúc đẩy và giám sát các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn và kinh doanh được thực hiện với sự hợp tác giữa các Bên trong các lĩnh vực như: Nghiên cứu đa dạng di truyền và chọn tạo giống cây trồng, tập trung vào cây lúa và cây hoa; Công nghệ hạt giống cây trồng và nâng cao năng lực chứng nhận hạt giống ở Sierra Leone; Chuỗi giá trị lúa gạo từ cung cấp giống, sản xuất thương mại đến tiếp thị của các hộ nhỏ và hợp tác xã; Trao đổi các giống và khuyến khích sản xuất hoa, tập trung vào cây hoa lan (Orchids) và hoa Cúc (Chrystancea); Khuyến khích giáo dục đại học và đào tạo nghề; Gây quỹ cho các dự án phát triển...

tet2-1672837182.jpg

Lãnh đạo PHANO trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển Nông thôn Việt Nam cho Nhiếp ảnh gia Jean Michel Gallet

tet4-1672837309.jpg

Ban Nghiệp vụ ảnh báo chí Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đi sáng tác cùng Nhiếp ảnh gia Jean Michel Gallet  tại một số làng nghề ngoại thành Hà Nội

Đặc biệt từ ngày 26/11/2022 đến ngày 06/12/2022, PHANO đã có nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị và tiếp nhận 25.000 tư liệu ảnh về nông thôn Việt Nam từ cựu chuyên gia Hội Nông dân Pháp - Jean Michel Gallet, một người Pháp gắn bó và giúp đỡ ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam từ năm 1997 - 2007. Với PHANO, Jean Michel Gallet là người hỗ trợ những giải pháp và mô hình hoạt động ngay từ những ngày đầu thành lập. Ông cũng là người hỗ trợ nhiều mặt giúp Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, người sáng lập PHANO thực hiện xuất bản những Bản tin PHANO (ấn phẩm tiền thân của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam hiện nay). 

5. Đối với các địa phương, PHANO cũng tham gia nghiên cứu, tư vấn về phát triển chuỗi giá trị nông sản, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng thương hiệu nông sản phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp như với Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Bình, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP HCM….Bên cạnh đó, hiện nay các thành viên của hội cũng tham gia đào tạo tăng cường năng lực cho cán bộ chương trình OCOP ở cấp địa phương về chuỗi giá trị, xây dựng tổ chức nông dân quản lý và phát triển sản phẩm OCOP.

Để có sự phối hợp chặt chẽ giữa PHANO và các cơ quan quản lý Nhà nước, các hội chuyên ngành trong thực hiện nhiệm vụ chung, vừa qua Hội đã làm việc và xây dựng kế hoạch hợp tác với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội, Cục Hợp tác kinh tế và PTNT - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam...Đồng thời, PHANO cũng đã làm việc với nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có năng lực, nhu cầu hợp tác phát triển. 

pha2-1672839635.png

pha1-1672839602.jpg

PHANO và Tạp chí PHANO đã phối hợp cùng các cơ quan tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể sản xuất Nông sản và cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận giải pháp chuyển đổi số

6. Trong lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp, các nhà khoa học của PHANO đã đầu tư nghiên cứu nghiêm túc và đạt nhiều thành công, tiếp tục phổ biến, chuyển giao các thành tựu nghiên cứu khoa học. Trong đó, tích cực chuyển giao 6 giống lúa mới cấp Quốc gia: VS1, Sơn Lâm 1, QJ1, QJ4, BQ, QP-5, và hai giống siêu lúa NPT3, NPT5, cho bà con nông dân ở các vùng sản xuất lớn như ĐBSH, ĐBSCL, miền núi phía Bắc, phổ biến các quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và phân bón mới. Trong đó, đặc biệt 6 giống Quốc gia có chất lượng cao, được sản xuất đón nhận với diện tích hàng chục ngàn ha, đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho bà con nông dân các tỉnh trông lúa, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Japonica tại Việt Nam. Các cán bộ của Hội đã tích cực tham gia chuyển giao các giống và quy trình kĩ thuật cho 5 tỉnh thành trong dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng Nông thôn mới.

Để năng cường khả năng liên kết trên mặt trận phát triển kinh tế nông thôn cũng như nâng cao khả năng nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, các mô hình sản xuất, trong thời gian vừa qua Hội đã xúc tiến hình thành một số trung tâm nghiên cứu và phát triển trực thuộc PHANO theo hướng xã hội hoá như: Viện Nghiên cứu phát triển NN công nghệ cao ĐBSCL, tại TP HCM; Viện Khoa học Đào tạo nguồn nhân lực KHCN; Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa cây cảnh Việt Nam. Hiện tại PHANO đã hoàn thiện hồ sơ thành lập Viện Khoa học Công nghệ Nông nghiệp thông minh và Viện Khoa học Nông nghiệp sinh thái.

7. Điểm nhấn đặc biệt trong các hoạt động của PHANO trong năm 2022 là công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức chuyên sâu về khoa học phát triển Nông thôn do Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam triển khai nhiều hoạt động sáng tạo, có hiệu quả thiết thực được đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND thành phố Hà Nội và nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đánh giá cao. Trong đó, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tặng Bằng khen về những thành tích hoạt động trong năm 2022. 

nguyen1-1665447658-1672838941.jpg

Cuộc thi và triển lãm ảnh "Một thoáng Nông thôn mới Hà Nội" mang dấu ấn của PHANO

Ngày 26/01/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp lại giấy phép hoạt động xuất bản báo chí số 74/GP - BTTTT cho Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam với 02 loại hình: Tạp chí in ra hằng tháng dày 100 trang mỗi số, đạt chỉ số ISSN 1859 - 4700 và đã được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận tính điểm; Tạp chí điện tử xuất bản thường xuyên tại địa chỉ: https://nongthonvaphattrien.vn.

Theo đó, Tạp chí điện tử Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam có tôn chỉ mục đích hoạt động là: Thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực phát triển nông thôn; Thông tin về hoạt động của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; là diễn đàn của giới khoa học nông nghiệp, nông thôn; là cầu nối của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân, chủ nhà vườn với các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, Tạp chí còn thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một cơ quan báo chí theo Luật Báo chí năm 2016 và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Dù mới đi vào hoạt động được 12 tháng, Tạp chí điện tử Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã dần dần khẳng định là một kênh truyền thông đa phương tiện, tích hợp nhiều công nghệ, giải pháp số tiên tiến, thân thiện với người dùng. Đến nay, Tạp chí điện tử Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã trở thành một kênh thông tin uy tín của giới khoa học chuyên ngành phát triển nông thôn; là diễn đàn trao đổi học thuật, giới thiệu các công trình nghiên cứu mới; là tiếng nói của cán bộ, hội viên Hội PHANO; kênh truyền thông tối ưu tiện ích của cộng đồng doanh nhân, nghệ nhân, chủ nhà vườn và những người hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT. 

Tạp chí đã phối hợp với Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT đẩy mạnh truyền thông các chuyên đề: Phát triển HTX trong tình hình mới; Chương trình hành động Quốc gia "không còn nạn đói"; Dự án các Trung tâm Đổi mới - Sáng tạo xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam với hàng chục tin, bài, phóng sự thực hiện tại các vùng miền trong cả nước. Tạp chí đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP. Hà Nội và Chi cục Phát triển Nông thôn - Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền về các chuyên đề: Xây dựng Nông thôn mới; Phát triển sản phẩm OCOP; Phát huy giá trị làng nghề truyền thống; Chuỗi liên kết sản xuất...

phano2-1672838312.jpg

Tạp chí PHANO và các chuyên gia của PHANO tham gia nhiều Talkshow trao đổi về hoạt động, sự kiện có tính thời sự về lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Đặc biệt, Tạp chí đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và nhiều cơ quan báo chí của Trung ương và Hà Nội sản xuất hàng chục phóng sự chuyên đề, Talkshow trao đổi về nhiều hoạt động, sự kiện có tính thời sự về lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. 

Trong năm 2022, bên cạnh việc tích cực đổi mới, nội dung và hình thức trình bày, giao diện để phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn và để đáp ứng được yêu cầu truyền phát tin Nhanh - Trúng - Đúng - Hay, Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã thành lập thêm 02 văn phòng đại diện tại khu vực miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, Tạp chí cũng thí điểm bảo trợ một số hoạt động của CLB Văn hóa Doanh nhân Việt Nam, CLB Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống. Trên cơ sở thí điểm đó, ngày 05/11/2022, Tạp chí đã thành lập Ban nghiệp vụ ảnh báo chí và chấm dứt hoạt động bảo trợ đối với CLB Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống. Tạp chí cũng kiện toàn công tác nhân sự, phân công cán bộ phụ trách Ban Trị sự, Ban Thư ký, Ban Truyền thông và thống nhất công tác quản lý cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, chấp hành nghiêm các quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông. 

pho2-1672840054.jpg

Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen

Có thể nói, năm 2022, với tất cả những sự nỗ lực nêu trên và sự cố gắng không mệt mỏi của toàn thể cán bộ, hội viên, các tổ chức thành viên, giới khoa học, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn và những người hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, PHANO đã có nhiều hoạt động thực sự thiết thực, hiệu quả vào mục tiêu phát triển nền Nông nghiệp sinh thái - bền vững, Nông thôn hiện đại - đáng sống, Nông dân chuyên nghiệp - văn minh./.

Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO được Bộ Nội vụ cho phép thành lập theo quyết định số 953/QĐ-BNV của ngày 15 tháng 06 năm 2006 và Điều lệ Hội mới nhất được Bộ Nội vụ phê duyệt kèm theo Quyết định số 469/QĐ - BNV ngày 5 tháng 6 năm 2019.  

Theo đó, PHANO là một tổ chức nghề nghiệp của các nhà khoa học, cá nhân là công dân Việt Nam và tổ chức quan tâm tới sự phát triển nông thôn, tự nguyện tham gia giúp đỡ nông dân và cộng đồng nông thôn nâng cao năng lực thực hiện các chương trình phát triển nông thôn tổng hợp theo đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và phương hướng phát triển kinh tế xã hội của chính quyền địa phương. Hội hỗ trợ nông dân bằng các hoạt động tư vấn về xây dựng các chương trình phát triển nông thôn, về cách làm ăn, về phát triển thể chế, nâng cao năng lực, đào tạo nâng cao tay nghề cho nông dân và là diễn đàn của giới khoa học, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn và những người hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

PHANO là ngôi nhà chung của giới trí thức, nhà khoa học nông nghiệp. Trong những năm qua, PHANO đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nhân sĩ trí thức tiêu biểu, có uy tín trong giới khoa học nước nhà tham gia và có nhiều hoạt động tích cực. Đồng thời, PHANO cũng đã quy tụ được đông đảo giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn, người hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước. 

 

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/hoi-khoa-hoc-phat-trien-nong-thon-viet-nam-nhung-ket-qua-tich-cuc-sau-mot-nam-hoat-dong-a10761.html