Là một trong 3 trung tâm gốm cổ thuộc phía Bắc Việt Nam, làng gốm Phù Lãng có truyền thống làm nghề lâu đời và nổi tiếng, trong đó có sự góp mặt của Gốm Huân – xưởng Gốm của họa sĩ thiết kế trẻ Bùi Văn Huân.
Đam mê sáng tạo từ thuở nhỏ
Họa sĩ thiết kế trên chất liệu gốm Bùi Văn Huân, hay còn gọi là Gốm Huân sinh năm 1990. Xưởng Gốm của anh Huân nằm thôn Đoàn Kết, xã Phù Lãng, Huyện, Bắc Ninh. Khách hàng có thể liên hệ với xưởng Gốm Huân theo số điện thoại: 0979888455
Làng gốm Phù Lãng là một trong những làng gốm truyền thống nổi tiếng trong cả nước. Theo sử sách ghi lại, ông tổ nghề của làng gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử sang Trung Quốc. Ông học được nghề làm gốm và về truyền dạy cho người trong nước
Từ thuở nhỏ, anh Huân thường nặn các nhân vật nổi tiếng bằng gốm. Đôi bàn tay nặn gốm thời còn vụng về giờ đã khéo léo di chuyển mềm mại trên các tác phẩm gốm cùng kỹ thuật được tích lũy trong nhiều năm.
Để tiếp lửa cho đam mê, anh Huân theo học khoa Mỹ thuật truyền thống chuyên ngành gốm tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Anh từng tham gia Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng Toàn quốc năm 2014 tại Hà Nội và xuất sắc khi có 2 tác phẩm được tham gia và trưng bày trong triển lãm. Từ khi làm nghề, anh Huân đã có nhiều tác phẩm gây ấn tượng khi mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc.
Bàn tay trần và những câu chuyện làm nghề
Đối với người họa sĩ thiết kế gốm, quý nhất là đôi bàn tay lành nghề. Anh Huân chia sẻ: Đam mê làm gốm và được làm gốm là một phần, anh còn muốn được thể hiện sức sáng tạo, câu chuyện và những cảm xúc mình gửi gắm vào từng tác phẩm gốm.
Để truyền được những cảm nhận, suy nghĩ của mình trong từng ý tưởng làm gốm, anh Huân yêu thích việc được nặn gốm bằng đôi tay trần. Phải từ từ và tự tay làm từng bước nhỏ, không chỉ anh thổi hồn vào tác phẩm gốm mà chính gốm cũng mang đến cho anh những cảm xúc đặc biệt thông qua xúc giác.
“Tạo ra cái khác họ, cái đặc trưng của riêng mình nhưng vẫn phải có tính ứng dụng trong đời sống” là kim chỉ nam giúp anh Huân ngày càng hoàn thiện tác phẩm của mình. Là người nghệ sĩ làm gốm, với anh Huân đam mê được nặn gốm thôi là chưa đủ. Anh còn khao khát được học hỏi, tìm tòi những cái mới lạ thông qua việc ngắm nhìn các tác phẩm gốm tại làng nghề, bảo tàng, triển lãm,.. đến mức mà “Đi đâu cũng chỉ nghĩ đến ý tưởng làm gốm” - anh Huân chia sẻ.
Đến với xưởng Gốm của anh Huân, chúng ta dễ dàng nhận thấy các sản phẩm của anh thấm đượm tinh thần Việt, đó là nét đẹp mộc mạc, dân dã và đậm chất văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Anh Huân hi vọng, mỗi khách tham quan không chỉ cảm nhận: Chất liệu gốm hay thiết kế khéo léo mà còn là cả câu chuyện chứa đựng tinh túy hồn cốt Việt.
Bộ sưu tập Gia Đình Sen và khái niệm sâu lắng về gia đình
Khái niệm về gia đình được thể hiện xuyên suốt bộ sưu tập Gia Đình Sen là sự quan tâm, thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình. Mỗi mảnh ghép trong bộ sưu tập là một câu chuyện, có những cái nhìn quan tâm, âu yếm của cha mẹ luôn hướng về con cái và cả những cái nhìn tràn đầy sự yêu thương, biết ơn của con cái dành cho cha mẹ mình.
Lựa chọn hình dáng bông sen “tàn” là toàn bộ tâm ý của anh Bùi Văn Huân trong Bộ sưu tập Gia Đình Sen. Bông sen tàn vừa thể hiện sâu sắc về sự quan tâm, luôn hướng về con cái của các bậc cha mẹ đã quá tuổi “xế chiều” vừa thể hiện một góc khuất chưa từng được khai thác trong nghệ thuật làm gốm. Tùy theo cảm quan và góc nhìn của mỗi người mà tác phẩm trong Bộ sưu tập Gia Đình Sen lại được cảm nhận theo các cách khác nhau. Như những đường sóng nước đan xen khéo léo cùng hoa sen, dưới góc nhìn của người nghệ sĩ Bùi Văn Huân, thì đây là còn đường ốc đi trên đầm sen, đại diện cho những sóng gió là một gia đình đã luôn phải vượt qua. Gia đình luôn hướng về nhau dù gặp nhiều phong ba và trắc trở là giá trị cốt lõi của Gia Đình Sen.
Truyền thống gia đình cũng là một trong những giá trị quý báu của gia đình Việt Nam. Chính vì vậy, bàn tay khéo léo của nghệ sĩ Bùi Văn Huân không chỉ tạo ra các tác phẩm có tính độc đáo mà còn gửi gắm khéo léo các giá trị tinh thần Việt Nam.
Góc nhìn cảm xúc của nghệ sĩ qua Đá Đồng Văn
Lấy cảm hứng từ Cao Nguyên đá Đồng Văn - nơi được gọi là công viên địa chất toàn cầu với những núi đá tầng tầng lớp lớp nhấp nhô hiểm trở, được tạo nên bởi những phiến đá gồ ghề thô ráp, đầy góc cạnh.
Một nơi có khung cảnh hùng vĩ cùng những con đường quanh co, uốn lượn dẫn ta đi tới những bản làng xinh đẹp đầy thơ mộng lại được khắc họa chân thực trên tác phẩm gốm Đá Đồng Văn. Từng phiến đá cho đến các chi tiết rong rêu đều được nghệ sĩ Bùi Văn Huân sử dụng đôi bàn tay trần khắc họa lại. Tác phẩm dường như lột tả được toàn bộ nét đẹp đặc trưng của Văn Hoá Việt - Cảnh quan thiên nhiên Việt Nam.
Anh Huân chia sẻ đặc biệt với những người làm nghệ thuật như anh, không chỉ chiều chuộng cảm xúc của bản thân mà anh còn muốn góp phần nhỏ vào quảng bá thiên nhiên vĩ đại và kì diệu của Việt Nam.
Những câu chuyện còn chưa kể
Dù đã xây dựng được danh tiếng cũng như khẳng định chất riêng trong từng sản phẩm của mình, thì anh Huân còn hi vọng được truyền tải thêm nhiều câu chuyện trong sự nghiệp của mình. Các tác phẩm mang đầy ý vị sâu lắng về tinh thần Việt vẫn chưa chứa đựng được hết mạch suy nghĩ và sáng tạo của người nghệ sĩ Bùi Văn Huân.
Anh chia sẻ việc mình làm gốm không đặt nặng về mục đích kinh tế. Anh cảm nhận được sự hạnh phúc khi ngắm nhìn các tác phẩm của mình. Góc nhìn chiêm nghiệm lại các tác phẩm của anh không chỉ dừng lại ở niềm tự hào về thành quả của mình mà còn khai phá sâu sắc thêm để ngày càng hoàn thiện cả về ý tưởng và kỹ thuật.
Xưởng gốm của anh Huân không chỉ là một không gian trưng bày gốm mà còn chứa đựng những câu chuyện, đam mê và tình yêu quê hương, nghệ thuật của người nghệ sĩ đã tỉ mỉ trên từng tác phẩm của mình.
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/bac-ninh-dau-an-viet-tai-gom-huan-a10776.html