Ký ức của Nhà báo Vương Xuân Nguyên về Giáo sư Nguyễn Quang Thạch

Thật bàng hoàng nghe tin từ PGS.TS Đặng Văn Đông thông tin GS.NGND Nguyễn Quang Thạch vừa đột ngột ra đi về với cõi người Hiền. Từ Hương Khê (Hà Tĩnh), em bồi hồi nhớ lại bao kỷ niệm đẹp được vinh dự cùng thầy gắn bó với lĩnh vực Sinh Vật Cảnh và Phát triển Nông thôn từ năm 2002.

Ngay sau khi ra trường, chúng tôi cùng một nhóm kỹ sư trẻ cùng về công tác tại Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Một trong những công việc đầu tiên mà chúng tôi được giao khi đó là cùng các nhà khoa học (cả tự nhiên và xã hội) thu thập tài liệu và đề xuất nhiệm vụ xây dựng Bảo tàng Sinh Vật Cảnh Việt Nam và đề án phát triển hoa cây cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái theo tinh thần chỉ đạo và gợi ý của Thủ tướng Phan Văn Khải tại buổi làm việc với Hội. 

a38b8053-bb47-4629-b925-8f512bd9d5fe-1674861109.jpeg
GS.NGND Nguyễn Quang Thạch

Nhờ đó chúng tôi có cơ hội được gần gũi với các nhà khoa học tâm huyết gắn bó với Hội lâu năm như: GS. Vũ Khiêu, GS Nguyễn Đức Bình, GS.VS Nguyễn Duy Quý, GS. TS Nguyễn Quang Thạch, GS.TS Ngô Quang Đê, TS. Phạm Thanh Hải, GS.TSKH Trần Duy Quý, TS. Đặng Văn Đông...

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, người mà chúng tôi gắn bó nhiều nhất là GS.TS Nguyễn Quang Thạch.  Chính thầy là người sớm đặt ra vấn đề “Việt Nam phải phấn đấu trở thành một trung tâm xuất khẩu hoa cây cảnh lớn của khu vực và thế giới trong tương lai".

Nhớ tháng 5 năm 2004, khi được giao chuẩn bị dự thảo báo cáo Thủ tướng Phan Văn Khải về một số hoạt động Sinh Vật Cảnh có đóng góp nổi bật cho ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chúng tôi đã làm việc và nhờ GS Nguyễn Quang Thạch hướng dẫn, trực tiếp cung cấp nhiều tài liệu có liên quan.

Thầy nhiều lần phân tích, Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La)...là những nhà kính tự nhiên khổng lồ mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước chúng ta, cùng với những làng nghề trồng hoa cây cảnh truyền thống lâu năm đã cho chúng ta những điều kiện vô cùng thuận lợi đề phát triển thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu hoa cây cảnh lớn của khu vực và thế giới. 

Nhớ tại Hội nghị kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam vào ngày 9/5/2004, GS.TS Nguyễn Quang Thạch với tư cách một nhà khoa học đã có bài phát biểu tham luận về vấn đề trên và trực tiếp kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự của mục tiêu phát triển đất nước nhanh, mạnh và bền vững. 

“Với tư cách là một nhà khoa học gắn bó nhiều năm với Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, tôi để nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm khởi động chương trình phát triển hoa cây cảnh gắn với định hướng xuất khẩu và làm giàu cho nông dân. Chỉ có như vậy sau 20 năm nữa chúng ta mới hy vọng trở thành một cường quốc sản xuất hoa cây cảnh của khu vực và thế giới...”, GS. TS Nguyễn Quang Thạch chia sẻ tại Hội nghị. 

Từ những ý kiến tâm huyết của những nhà khoa học như GS.TS Nguyễn Quang Thạch và kết quả hoạt động thực tiễn hoạt động của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, tại Hội nghị nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho phép tổ chức Lễ hội Hoa Đà Lạt thường niên để xây dựng và quảng bá thương hiệu hoa cây cảnh của Việt Nam với thế giới, đồng thời khởi động chương trình phát triển sinh vật cảnh (trọng tâm là hoa, cây cảnh, cá cảnh) trở thành ngành kinh tế sinh thái có đóng góp tích cực cho chuyển đổi cơ câu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp và cơ cấu lao động trong phát triển nông thôn

Hay tại Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh” được tổ chức vào ngày 18/5/2010 tại Nghệ An, GS.TS Nguyễn Quang Thạch đã có bài phân tích về giá trị văn hoá, lịch sử và khoa học từ hệ sinh thái tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Qua đó, giúp cho chúng ta thấy rõ hơn giá trị nhiều mặt từ phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động, cũng như tư tưởng của Người về phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở nước ta. 

Còn đó những tiếng nói gan ruột của GS.TS Nguyễn Quang Thạch về những vấn đề khoa học có liên quan tại các hội nghị, hội thảo chuyên ngành Sinh Vật Cảnh và những lời dạy cho bao thế hệ học trò của thầy. Cũng như những trăn trở của ông về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa “cởi trói” cho phát triển kinh tế nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân làm giàu trên chính quê hương của mình.

Riêng trong lịch sử gần 35 năm hình thành và phát triển của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam ghi nhận sự chuyển đổi từ một thú chơi nhân văn tao nhã sang manh nha một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng. Thực tế đến nay, Sinh Vật Cảnh đã trở thành một trong 07 nhóm ngành phát triển nông thôn, một trong 06 nhóm sản phẩm tiềm năng công nhận sản phẩm OCOP; Nhóm ngành rau, hoa, quả là một trong những nhóm ngành xuất khẩu chủ lực những năm qua của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...Để có được những thành công to lớn đó, không thể không nhắc đến những cống hiến thầm lặng bền bỉ của những nhà khoa học chân chính, nhiệt huyết, trí tuệ như GS.TS Nguyễn Quang Thạch. 
 

bc88b9b8-2bab-4eb0-8443-bc9967426b62-1674865163.jpeg
Người viết bài và GS Nguyễn Quang Thạch thường xuyên trao đổi về phát triển Sinh Vật Cảnh

Với cá nhân người viết bài này, vô cùng biết ơn sự giúp đỡ ân cần chỉ bảo tận tình của GS.TS Nguyễn Quang Thạch trong hơn 20 năm gắn bó với thầy. Nhắc đến thầy Thạch là nhắc đến một phong thái điềm tĩnh, luôn mềm mỏng nhưng đầy sức thuyết phục bởi những suy luận khoa học biện chứng, giọng nói nhẹ nhàng truyền cảm, ấm áp nghĩa tình.

Sau Hội thảo Phát triển Hoa cây cảnh gắn với xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh được tổ chức vào ngày 21/4/2021, GS.TS Nguyễn Quang Thạch đã nhắn tin động viên tôi: “Thầy và nhiều người biết Nguyên rất tâm huyết với lĩnh vực Sinh Vật Cảnh. Thầy hoàn toàn ủng hộ những bài viết của em gần đây đã kịp thời cảnh báo giúp người dân tránh vướng vào những lình xình dẫn tới tiền mất tật mang, gia đình tan vỡ. Em cần viết thành tài liệu cảnh báo, cũng như những đề xuất cụ thể để thúc đẩy ngành Sinh Vật Cảnh phát triển lành mạnh với tư cách một ngành làm giàu chân chính cho người dân...”.

Nhớ nhất là chuyến đi thăm trang trại, mô hình thực nghiệm khoa học của thầy tại huyện Ba Vì vào năm 2010 của gia đình em cùng thầy cô và vợ chồng TS. Tạ Quang Ngọc. 

Hôm ấy, em trực tiếp lái xe trở vợ con đi đón thầy cô và vợ chồng TS. Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản đi lên Ba Vì. 

Trong lúc cô tự tay vào bếp nấu cơm đãi khách, thầy say sưa giới thiệu những thành quả khoa học thực nghiệm của thầy và cộng sự trên mảnh đất rộng hơn héc-ta. Ở đó ẩn chứa những trăn trở cả đời của thầy về ngành sinh học, những nỗ lực không mệt mỏi liên quan đến phát triển giống cây trồng hướng đến một nền nông nghiệp sạch, và sản xuất hàng hoá hiện đại.

Bữa cơm đạm bạc giữa bạt ngàn cây trái hoà trong những câu chuyện tâm tình, những tiếng cười vui và cả những trăm trở về hướng phát triển lâu bền của đất nước để trở thành “Bếp ăn và Điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới” giữa thầy cô với vợ chồng nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc và gia đình nhỏ của em mãi là những kỷ niệm đẹp, những ấn tượng không thể phải mờ sẽ còn theo mãi trong chúng em. 

Nghĩ về thầy, chúng em luôn trân quý và tự hào về một nhà khoa học Nông nghiệp chân chính suốt đời cống hiến cho khoa học, phụng sự Tổ quốc, đồng hành cùng Dân tộc. 
 

GS.NGND Nguyễn Quang Thạch sinh năm 1943, từng tu nghiệp tại Pháp và Đức. Thành viên Hội đồng khoa học Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Chủ tịch Hội Sinh lý thực vật Việt Nam; nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.

Lĩnh vực chuyên môn: Công nghệ sinh học, nông học. Thành tựu khoa học nổi bật: 4 nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, hơn 100 nghiên cứu được công bố ở các tạp chí khoa học trong nước.

 

Vương Xuân Nguyên

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-cua-nha-bao-vuong-xuan-nguyen-ve-giao-su-nguyen-quang-thach-a10839.html