Trời nồm là một hiện tượng thời tiết rất đặc trưng của khí hậu miền Bắc nước ta, thường xuất hiện vào cuối xuân, khoảng từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm. Khi trời nồm, độ ẩm không khí ở mức cao, lên đến hơn 90%, khiến hơi nước ngưng tụ thành nước, đọng lại trên mọi bề mặt như tường, sàn nhà, mặt bếp, đồ nội thất, đồ điện tử,…
Nguyên nhân gây ra trời nồm là do thời tiết rét và khô kéo dài trong những tháng mùa đông làm cho nhiệt độ nền nhà xuống thấp. Sang xuân, khoảng từ tháng 2 đến tháng 4, những đợt gió nồm mang không khí ẩm từ biển vào, gặp không khí lạnh trong đất liền một cách đột ngột sẽ bị ngưng tụ lại thành nước, đọng trên các bề mặt, gây ra hiện tượng trời nồm. Mỗi năm thường có từ 4-5 đợt nồm ẩm, mỗi đợt có thể kéo dài từ 2-6 ngày. Thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng càng đột ngột, chênh lệch nhiệt độ càng cao thì càng dễ xảy ra trời nồm. Hiện tượng nồm ẩm dễ nhận thấy nhất ở những tầng thấp của ngôi nhà. Những tầng cao của nhà mặt đất hoặc căn hộ chung cư cao tầng ít chịu ảnh hưởng của thời tiết nồm ẩm hơn.
Hiện tượng trời nồm thường gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Sàn nhà bị nồm đầy nước đọng hay còn gọi là “đổ mồ hôi”, sờ vào mọi bề mặt đều có cảm giác ẩm ướt, dấp dính; quần áo giặt lâu khô, mùi hôi khó chịu; các thiết bị điện tử dễ hỏng hóc; không khí trong nhà bức bí,… Bên cạnh đó, trời nồm cũng gây tác động xấu đến sức khỏe con người. Độ ẩm cao trong tiết trời nồm là môi trường lý tưởng để nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh như cảm cúm, dị ứng, mẩn ngứa, hen suyễn,… Hiện tượng thời tiết khó chịu này cũng khiến các lỗ chân lông bị bí, làm cản trở quá trình bài tiết qua da, kéo theo hàng loạt các vấn đề như đau đầu, mệt mỏi, các bệnh về khớp, tim mạch, tiêu hóa,… Chính vì vậy, nhiều người coi trời nồm là kiểu thời tiết khó chịu nhất trong năm. Mùa nồm đến khiến ai ai cũng phải ngán ngẩm, chỉ mong nhanh qua.
Theo kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T), có một số biện pháp tránh việc sàn nhà đọng nước vào mùa nồm ẩm như sau:
1 - Bật điều hòa ở chế độ hút ẩm vào những ngày thời tiết có độ ẩm cao, nhằm giảm bớt hơi nước trong phòng.
2- Máy hút ẩm là một trong những thiết bị chống nồm đơn giản và hiệu quả vì xử lý hơi ẩm nhanh chóng, an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
3- Các thiết bị điện tử không nên tắt hẳn mà để ở chế độ chờ để nhiệt độ bên trong thiết bị luôn cao hơn bên ngoài môi trường. Ngoài ra cần lưu ý các thiết bị điện tử nên để cao hơn mặt đất từ 50 cm đến 1 mét và cách tường 10-15 cm. Không kê trực tiếp đồ điện tử như tivi, điện thoại, máy tính... xuống nền nhà hoặc kê sát tường để tránh hiện tượng rò rỉ điện.
4- Lau nhà bằng giẻ khô.
5- Hạn chế mở cửa sổ nhằm hạn chế hơi nước từ không khí bên ngoài mang vào trong nhà.
6- Không bật quạt gió vì càng làm hơi nước trong nhà ngưng tụ nhiều hơn
7- Thắp nến thơm trong phòng. Ngoài việc mang đến mùi thơm dễ chịu, thắp nến cũng giảm đáng kể hơi nước trong phòng.
8- Để đảm bảo cho sàn tầng một không bị ngưng tụ nước trên bề mặt sàn, khi xây mới nhà, bạn nên dùng xỉ than trải dày 15-20 cm sau đó dùng cát vàng trải tiếp lên lớp xỉ than từ 10-15cm rồi mới lát nền. Cách làm này làm giảm sự chênh lệch nhiệt độ phía dưới nền nhà với sàn nhà, tránh việc sàn nhà bị đổ mồ hôi. Kỹ thuật này được các kỹ sư người Pháp sử dụng chống nồm rất hiệu quả cho các công trình ở miền Bắc Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Bởi vậy các công trình của người Pháp như biệt thự cổ không xuất hiện hiện tượng này.
Ngoài ra khi thiết kế sàn, nên chọn các loại vật liệu phù hợp, chống ngưng đọng nước như gạch men sứ, gỗ hoặc tấm lát bằng nhựa composit, vật liệu cách nhiệt nhẹ, gốm bọt... với kích cỡ phù hợp. Kết hợp trải các loại thảm len, thảm đay, thảm cói để tăng khả năng hút ẩm.
Chu Thao
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/bi-kip-ung-pho-voi-troi-nom-vua-don-gian-lai-hieu-qua-a10885.html