Mục tiêu đưa ngành nông nghiệp miền Trung trở thành nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, hội nhập quốc tế.

Theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sẽ trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, hiệu quả và bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu rất cụ thể cho ngành nông nghiệp khu vực này.

anh2-1675944984.jpg

Định hướng chiến lược

Đưa ra định hướng chiến lược cụ thể, cơ cấu lại nông nghiệp, trong đó tập trung khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với công nghiệp chế biến; đẩy mạnh phát triển hạ tầng và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai. Đồng thời, phát triển một nền nông nghiệp Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sinh thái, hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn thịnh và văn minh. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn xanh sạch, đẹp, đảm bảo an ninh với hệ thống kết cấu hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ, tiệm cận với khu vực đô thị.

Miền Trung có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy - hải sản, nghề muối, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển rừng, với diện tích tự nhiên chiếm 28,9% diện tích của cả nước, bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước. Vì thế, trong nhiều năm qua, phát triển nông nghiệp, nông thôn Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, từ sản xuất nhỏ lẻ dựa vào kinh tế hộ sang sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập cho nông dân. Đáng chú ý là, với gần 1.800 km bờ biển, khai thác thủy sản trở thành thế mạnh của miền Trung.

So với cả nước, miền Trung vẫn là vùng kinh tế gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn còn chậm chuyển đổi để thích ứng với yêu cầu của thị trường… Vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cho nông nghiệp chưa đáp ứng đủ yêu cầu và chưa khai thác được nhiều nguồn vốn đầu tư.

Với những khó khăn như vậy, định hướng chiến lược cho nông nghiệp miền Trung được nêu cụ thể trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị mở ra một không gian phát triển mới cho nông nghiệp của vùng.

Đặc biệt, với không gian biển bao la, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản là tiềm năng to lớn của miền Trung. Vì thế, các địa phương đều có quy hoạch chiến lược để phát triển ngành thủy sản.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phát triển thủy sản, miền Trung cần tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển hiệu quả khai thác hải sản vùng khơi, đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương. Tổ chức hiệu quả các mô hình dịch vụ hậu cần khai thác vùng khơi, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, các trạm dịch vụ hậu cần nghề cá trên các đảo, cũng như phát triển nuôi trồng thủy sản. Đầu tư nâng cấp, phát triển Trung tâm Nghề cá lớn ở Đà Nẵng gắn với ngư trường biển Đông và Hoàng Sa; Trung tâm Nghề cá lớn Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW, phát triển nông nghiệp miền Trung hiệu quả cao, bền vững. Bên cạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cần tận dụng tốt các lợi thế của vùng, phát huy hiệu quả các nguồn lực để nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Song song với đó, sẽ thúc đẩy cơ chế hợp tác vùng, liên vùng; tăng cường hợp tác để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… Ngoài ra, cần hoàn thiện quy hoạch tổng thể vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, quy hoạch các tỉnh, trong đó có phương án phát triển sản xuất nông nghiệp của từng địa phương và toàn vùng theo hướng dựa vào thị trường mở, thực hiện bảo tồn và phát triển đất nông nghiệp khi quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng đẩy mạnh sản xuất các nông, lâm, thủy sản có lợi thế cạnh tranh…

Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu cụ thể cho nông nghiệp miền Trung, đặc biệt với ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với công nghiệp chế biến. Vì thế, tương lai của nông nghiệp miền Trung chắc chắn sẽ rất hứa hẹn.

Hoài Trinh

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/muc-tieu-dua-nganh-nong-nghiep-mien-trung-tro-thanh-nen-nong-nghiep-sinh-thai-hien-dai-hoi-nhap-quoc-te-a10893.html