Phàn nàn về sếp cũ
Trong môi trường làm việc, một số nhân viên được quản lí bởi cấp trên yếu kém (hoặc là không hợp) sẽ gây nên mâu thuẫn giữa hai bên. Điều này được xem là hiển nhiên, xảy ra trong bất kì nơi nào.
Cho dù sếp cũ là nguyên nhân khiến bạn nghỉ việc nhưng khi trong buổi phỏng vấn tìm việc làm tại Kiên Giang, Cần Thơ hay TP.HCM…, bạn không nên nói về họ bằng thái độ tiêu cực. Chẳng hạn như “Sếp cũ của tôi là người bảo thủ, không bao giờ tiếp nhận ý kiến của nhân viên” hay “Tôi nhận thấy sếp cũ của tôi không nắm bắt được thị trường và thiếu nhạy bén nên kéo theo năng suất làm việc của bộ phận tôi không tốt”.
Bất cứ lời nói tiêu cực nào về sếp cũ cũng chứng tỏ rằng bạn không thẳng thắn góp ý chân thành với cấp trên của mình để nâng cao chất lượng công việc mà chỉ giỏi đổ lỗi, chê bai.
Nói đến các mâu thuẫn trong công việc với đồng nghiệp cũ
Trong công việc, thật tuyệt vời nếu bạn có được những người đồng nghiệp tốt, ưu tú, sẵn sàng chỉ dạy hỗ trợ cho bạn, hoặc đơn giản mang đến niềm vui, giảm bớt áp lực mỗi ngày. Tuy nhiên nếu trong trường hợp bạn không may mắn có được đồng nghiệp cũ “hợp cạ” thì cũng không nên đề cập đến các mẫu thuẫn với họ trong cuộc phỏng vấn xin việc.
Tương tự như việc bạn nói xấu sếp cũ, nói tiêu cực và tiết lộ mâu thuẫn với đồng nghiệp cũ cũng chứng tỏ bạn “mang một trái tim tổn thương” đầy hằn học, khúc mắc đi tìm công việc mới. Tất nhiên nhà tuyển dụng sẽ e ngại khi trong đội ngũ của mình có 1 nhân viên thiếu kỹ năng hòa hợp với đồng nghiệp.
Do đó, trong cuộc phỏng vấn nếu được hỏi đến, bạn chỉ nên về những trải nghiệm thú vị, những kỹ năng quý giá trong công việc bạn học hỏi được từ họ.
Nói sâu về điểm yếu của mình
Bạn đang trong cuộc phỏng vấn, mục đích là thể hiện được tất cả những ưu điểm của mình để thuyết phục nhà tuyển dụng. Vậy nên không có lí do gì để bạn “kể lể” về điểm yếu của mình như “Em biết mình còn thiếu kinh nghiệm/ Em nhận thấy điểm yếu của mình là không có năng khiếu lĩnh vực này nhưng em sẽ nỗ lực học hỏi để làm tốt…”.
Ngay cả khi được hỏi đến bạn cũng chỉ nên lựa chọn một vài điểm yếu “vô hại” không gây ảnh hưởng đến công việc. Còn lại, bạn nên dành thời gian quý giá trong cuộc phỏng vấn để làm nổi bật ưu thế của mình. Nói về điểm yếu nhiều vô tình gây ra ấn tượng tiêu cực về “lỗ hổng” năng lực, kỹ năng hay tính cách của bạn.
Nói về tình yêu và các mối quan hệ cá nhân
Một số ứng viên thiếu kinh nghiệm đã nói về chủ đề tình cảm và các mối quan hệ cá nhân trong cuộc phỏng vấn. Điều này gây ra khó chịu thực sự dù nhà tuyển dụng đang có vẻ lắng nghe bạn nói. Sự thực là họ không mấy quan tâm đến đời sống riêng tư của bạn. Họ đang đi tìm ứng viên có năng lực làm được việc, phù hợp với môi trường công việc của họ.
Nói về tình cảm cá nhân làm cho cả hai bên đều mất thời gian. Hơn thế, nhà tuyển dụng đánh giá bạn quá bận tâm đến vấn đề tình cảm chứ không phải đầu tư tâm sức cho sự nghiệp. Ngoài ra nếu đi làm bạn sẽ dễ nảy sinh các mối quan hệ tình cảm với đồng nghiệp – điều “cấm kị” ở rất nhiều môi trường làm việc.
Nói về “tham vọng” quá sớm
Là một người có năng lực, có mục tiêu mong muốn thăng tiến cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên bạn nên để trong suy nghĩ của mình thay vì đề cập với nhà tuyển dụng trong cuộc phỏng vấn.
Sẽ quá sớm nếu chưa bắt đầu công việc mà đã có các khẳng định như “Em sẽ phấn đấu để sau 1 năm làm việc tại đây sẽ trở thành trưởng nhóm/ trưởng bộ phận…” hay “Mục tiêu của em là phấn đấu sau 2 năm sẽ được thăng chức và tăng lương thêm 20%...”
Nhà tuyển dụng không đánh giá cao những ứng viên để lộ “tham vọng” thăng tiến quá sớm bởi vì để hưởng được thành quả, bất kì người nào cũng phải trải qua quá trình nỗ lực làm việc, cống hiến bằng thành tích cụ thể cho công ty.
Ngoài ra, các chủ đề thể hiện sự “tọc mạch” vào đời tư người khác, về nội bộ công ty bạn cũng nên tránh trong buổi phỏng vấn xin việc.
Đặng Hảo
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/5-chu-de-cam-ky-khi-phong-van-xin-viec-a10965.html