Những 'ông lớn' nào đứng bên cạnh F88?

Chuỗi cầm đồ F88 tăng trưởng mạnh mẽ nhờ một loạt "ông lớn' đứng bên cạnh cùng góp sức.

Vào ngày 6/3, cơ quan công an đã bất ngờ khám xét trụ sở chính và toàn bộ chi nhánh của Công ty cổ phần Kinh doanh F88 tại TP.HCM.

Đây là động thái khá bất ngờ khi vào ngày 2-3, chuỗi cầm đồ F88 công bố vừa huy động được 50 triệu USD từ hai quỹ đầu tư khá tên tuổi là Quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV.

Công ty cổ phần Kinh doanh F88 là một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ cho vay cầm cố tài sản và các tiện ích tài chính nhưng tên tuổi công ty nổi lên khi một hoa hậu bỏ ra 10 tỉ đồng mua trái phiếu doanh nghiệp của công ty này.

Không chỉ vậy, trong suốt giai đoạn phát triển, F88 nhận được khá nhiều sự hậu thuẫn đầu tư từ các tổ chức tài chính nước ngoài lớn. Chính các công ty này đã làm bệ đỡ cho sự tăng trưởng rất nhanh của F88, vốn chỉ có 15 chi nhánh vào những ngày đầu thành lập, giờ đây F88 đã cán mốc hơn 800 chi nhánh và hiện diện khắp cả nước.

Ngay giai đoạn mới phát triển, F88 đã nhận được đầu tư của Quỹ Mekong Capital.

Năm 2020, F88 nhận được 140 tỉ đồng đầu tư từ Mekong Enterprise Fund III và Granite Oak Advisors Ltd, là nhà đầu tư đa ngành có trụ sở tại Dublin, New York và London. Bên cạnh F88, Granite Oak cũng đầu tư vào một số công ty công nghệ tài chính (Fintech), tài chính tiêu dùng, cho vay thế chấp tài sản tại Mỹ, Anh và Ireland.

Trong năm 2022, F88 cũng nhận được đầu tư từ Tổ chức tài chính quốc tế Lendable Group (Anh) với giá trị 10 triệu USD. Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) cũng đầu tư 50 triệu USD vào F88 trong năm này.

Ngoài ra, F88 còn huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp, hiện có tổng giá trị hơn 2.000 tỉ đồng.

Khi có nguồn vốn lớn, F88 không chỉ thực hiện lĩnh vực doanh cầm cố mà còn chuyển sang mở rộng lĩnh vực đầu tư cung cấp các khoản vay nhỏ cho khách hàng dưới chuẩn ngân hàng để phục vụ các nhu cầu khẩn cấp của họ. F88 cũng đã hợp tác với Ngân hàng CIMB Việt Nam và Ngân hàng Kasikornbank để tạo dựng sự phát triển mô hình tài chính tiện ích này.

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT F88 từng cho biết: "Một cô có sạp bán ngoài chợ hay một chị bán tạp hoá có nguồn thu, có nghề nghiệp nhưng không thể chứng minh được năng lực tài chính với ngân hàng. F88 sẽ có cái nhìn khác trong việc hỗ trợ tài chính cho họ".

Trong buổi lễ ký kết vòng gọi vốn Series C vào 2-3 vừa qua, ông Phùng Anh Tuấn cho biết, F88 sớm phát triển thành chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích trên toàn quốc, phục vụ mọi nhu cầu tài chính cho người dân. Đồng thời, sẽ đưa F88 lên sàn chứng khoán vào năm 2024 với mục tiêu đạt giá trị vốn hoá gần 1 tỉ USD.

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/nhung-ong-lon-nao-dung-ben-canh-f88-a11060.html