5 lời khuyên tìm kiếm việc làm lỗi thời

Tìm lời khuyên từ những người mình tin tưởng là cách mà nhiều bạn đang làm trong quá trình tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, có lời khuyên đã lỗi thời và không còn phù hợp với xu hướng tuyển dụng hiện nay.

Nếu bạn vẫn áp dụng sẽ khiến quá trình tìm việc kéo dài. Tệ hơn, thất bại liên tiếp khiến bạn hoài nghi bản thân và có thể sẽ dẫn đến việc chọn sai nghề.

Vậy đâu là những lời khuyên tìm việc đã lỗi thời mà bạn nên tránh?

Liệt kê tất cả kinh nghiệm, kỹ năng vào CV

Khi thấy một thông tin tuyển dụng mới, đầu tiên bạn làm là sửa CV. Bạn được khuyên, muốn lọt vào mắt nhà tuyển dụng, phải chứng tỏ là ứng viên giỏi nhất. Thế là bạn tải các mẫu CV xin việc online, liệt kê tất cả những kỹ năng, kinh nghiệm đã có, dù nó không liên quan đến công việc ứng tuyển. Thậm chí bạn “vẽ” một số năng lực mà bản thân không có để chứng tỏ sự vượt trội.

2323-1679327114.png
 

Ngày nay, nhà tuyển dụng ưu tiên chọn ứng viên phù hợp hơn ứng viên giỏi. Do đó, cũng là sửa CV nhưng trước khi sửa bạn cần quan tâm tới 2 yếu tố: năng lực và sự phù hợp. Những kỹ năng, kinh nghiệm có thể ít nhưng phản ánh đúng giá trị của bạn. Quan trọng là nó liên quan tới vị trí ứng tuyển. Thêm nữa, bạn cần chỉ ra phẩm chất chứng tỏ là ứng viên phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Hãy để nhà tuyển dụng thấy, nếu chọn bạn, họ sẽ có một người đồng hành lâu dài, cùng công ty tạo ra kết quả vượt bậc. 

Hãy đọc thật kĩ yêu cầu, phân tích những điểm quan trọng nhà tuyển dụng đề cập. Sau đó, điều chỉnh CV để chứng tỏ là ứng viên phù hợp nhất.

Chỉ ứng tuyển khi đáp ứng 100% yêu cầu

Khi tuyển nhân sự, nhà tuyển dụng đưa ra rất nhiều yêu cầu. Bạn đang đắn đo thì lại được khuyên, phải đáp ứng 100% yêu cầu thì mới nên nộp CV.

Sự thật là, nhà tuyển dụng không mong đợi một ứng viên hoàn hảo. Những yêu cầu đưa ra phần lớn chỉ là bản mong ước lý tưởng của họ. Trong quá trình tuyển dụng, họ chỉ cần tìm ứng viên đáp ứng tương đối yêu cầu trên. Quan trọng hơn, ứng viên cho thấy có tinh thần sẵn sàng học hỏi và đào tạo.

Do đó chỉ cần đáp ứng 50% - 60% là bạn có thể mạnh dạn ứng tuyển. Bởi biết đâu bạn có yếu tố phù hợp với công việc mà bản thân chưa nhận ra nhưng nhà tuyển dụng lại nhìn thấy. Bạn hãy mạnh dạn thử sức, hãy cho mình cơ hội để rèn luyện và khám phá thêm năng lực bằng cách sẵn sàng ứng tuyển công việc yêu cầu cao hơn những gì bạn đang có.

Không nên thương lượng lương

Sau khoảng thời gian dài thất nghiệp, bạn nhận được lời đề nghị việc làm mới. Bạn được khuyên, cần biết ơn và thấy may mắn vì đã tìm được việc. Do đó, không nên thương lượng lương.

Sai lầm này khiến bạn dù có việc mới nhưng không có thu nhập mong muốn. Bạn làm việc trong tâm trạng không thoải mái, tài chính không đáp ứng nhu cầu. Đến khi muốn tăng lương cũng khó mà bỏ việc thì vừa tốn thời gian, vừa lỡ cơ hội khác.

Hãy mạnh dạn đàm phán lương khi tìm kiếm việc làm, bởi giữa bạn và nhà tuyển dụng là bình đẳng. Bạn trao giá trị và nhận lại thu nhập xứng đáng. Hơn nữa, công việc trong quá khứ chưa nói hết năng lực hiện tại của bạn. Vì thế hãy tự tin chứng tỏ bạn có thể làm được gì và cần được hưởng mức thu nhập xứng đáng.

salary-negotiation-2221442169-15680835770471389966444-1679305609.jpg
 

Bị từ chối là do bạn

Sau đôi ba lần xin việc bị từ chối, bạn được chỉ ra lý do là hoàn toàn do bản thân. Nó khiến bạn mất tự tin và không dám đón nhận cơ hội.

Tuy nhiên, dù liên tiếp bị từ chối thì cũng chưa chắc 100% lý do nằm ở bạn. Rất có thể do định hướng của nhà tuyển dụng thay đổi đột ngột. Họ nhận ra cần ứng viên nhiều hoặc ít kinh nghiệm hơn bạn. Hoặc đơn giản, họ muốn tận dụng nguồn nhân sự sẵn có.

Do đó, sau mỗi thất bại, không nên đổ lỗi cho bản thân mà bạn nên tìm ra nguyên nhân, hiểu vấn đề của nhà tuyển dụng hơn. Kể cả lý do từ phía bạn thì cũng không nên “thu” mình lại, không dám thử sức ở cơ hội mới. Ngược lại, bạn cần rút ra kinh nghiệm, tiếp tục trau dồi bản thân và sẵn sàng với cơ hội khác.

Nhảy việc là không tốt

Bạn được khuyên nhảy việc là không tốt nên đừng chia sẻ với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, nhảy việc không xấu, thậm chí rất bình thường. Vấn đề ở lý do nhảy việc.

Nếu bạn bỏ việc vì chán, không hứng thú thì đúng là không nên chia sẻ. Nhưng nếu do môi trường không phù hợp, không sử dụng hết năng lực hay không phát triển được bản thân thì hoàn toàn không phải giấu nhà tuyển dụng.

Do đó, quan trọng là cách bạn xác định mục tiêu, đích đến với tiêu chí cụ thể khi tìm công việc mới.

3-1679304409.jpg
 

Nếu áp dụng những lời khuyên không phù hợp, hành trình tìm kiếm việc làm của bạn sẽ rất gian nan. Kể cả có nhận được việc mới thì rất khó để bạn gắn bó lâu dài. Do đó, dù bất kể là lời khuyên từ ai, hãy phân tích và cân nhắc thật kỹ trước khi áp dụng.      

Nguyễn Lý

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/5-loi-khuyen-tim-kiem-viec-lam-loi-thoi-a11202.html