Gợi ý cách viết kỹ năng trong CV

Kỹ năng là phần được nhà tuyển dụng rất quan tâm trong CV bởi nó liên quan mật thiết đến hiệu quả công việc. Dựa vào những kỹ năng mà ứng viên đề cập, nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc xem ứng viên có phù hợp với các tiêu chí tuyển dụng hay không.

Nhưng bạn đã biết cách viết kỹ năng trong CV xin việc? Nếu chưa thì hãy cùng theo dõi nội dung sau nhé.

Phân loại kỹ năng theo nhóm

Tham khảo các mẫu CV xin việc đẹp, hiện đại và chuyên nghiệp thì bạn có thể thấy kỹ năng được phân làm 2 dạng: kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.

Kỹ năng cứng liên quan đến công việc chuyên môn, muốn làm được việc đầu tiên phải thành thạo kỹ năng cứng. Chẳng hạn như kế toán sẽ phải sử dụng các phần mềm trong ngành, giáo viên cần am hiểu về môn học mình giảng dạy và có nghiệp vụ sư phạm tốt, một phóng viên phải hiểu biết về cách biết bài, đưa tin…

dff-1681119478.png
Ảnh minh họa.

Khác với kỹ năng cứng, kỹ năng mềm gồm các yếu tố bổ trợ cho công việc như khả năng giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm…

Khi viết bạn nên lưu ý sắp xếp kỹ năng theo nhóm để đảm bảo tính logic và để nhà tuyển dụng dễ hình dung về các kỹ năng của bạn.

Lựa chọn kỹ năng phù hợp với công việc

Như đã phân tích ở trên, có rất nhiều kỹ năng và mỗi công việc sẽ có yêu cầu nhóm kỹ năng khác nhau.

Do đó khi viết CV, ứng viên nên tìm hiểu tính chất công việc mình làm, yêu cầu trong bảng mô tả tuyển dụng của công ty để xác định kỹ năng nào là quan trọng. Điều này giúp lựa chọn được những kỹ năng quan phù hợp để tạo được ấn tượng tốt nhất.

Chẳng hạn với một người công nhân thì tay nghề hoặc thao tác sử dụng máy móc là quan trọng nhất; Với nhân viên văn phòng, giỏi chuyên ngành thôi chưa đủ họ còn phải có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm; Với nhân viên kinh doanh thì ngoài sự hiểu biết về sản phẩm, thị trường, họ còn phải giỏi kỹ năng bán hàng, giao tiếp và xây dựng mối quan hệ, thuyết phục, chăm sóc khách hàng…

Trung thực khi viết kỹ năng trong CV

Sẽ thật sai lầm nếu như bạn cố tình thổi phồng những kỹ năng mà mình còn yếu kém. Chẳng hạn ứng viên thấy yêu cầu tuyển dụng là giỏi ngoại ngữ nên đề cập vào trong khi thực tế bạn còn rất yếu.

Điều này có thể gây được ấn tượng tốt ở vòng sàng lọc hồ sơ nhưng sẽ gây khó cho bạn ở những bước tiếp theo. Do đó lời khuyên là nên trung thực khi nói đến cách viết kỹ năng trong CV. Đừng dại dột đề cập đến những kỹ năng bạn không giỏi. Thay vào đó khai thác kỹ năng bạn thật sự giỏi và lựa chọn công việc phù hợp với năng lực để ứng tuyển thì cơ hội thành công sẽ cao hơn.

Phân biệt kỹ năng và thế mạnh để không nhầm lẫn

Kỹ năng và thế mạnh là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau mà ứng viên cần phân biệt rõ khi viết phần này trong CV.

Kỹ năng là khả năng áp dụng kiến thức, sự hiểu biết của bạn để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Kỹ năng được hình thành qua trải nghiệm thực tế hoặc quá trình học hỏi. Chẳng hạn như kiến thức, sự hiểu biết, sử dụng và ứng dụng thành thạo các công cụ làm việc, những kỹ năng mềm bổ trợ cho công việc.

Còn thế mạnh là ưu thế riêng biệt của ứng viên sở hữu, là điểm nổi trội, nổi bật hoặc có thể điều kiện học vấn, nền tảng công việc trước đây, các dự án, trải nghiệm đã được tham gia…

Ví dụ, khi ứng tuyển công việc cho một dự án của tổ chức phi chính phủ, bạn viết bạn đã từng làm việc tại ban quản lý dự án ABC, đó là lợi thế (hay thế mạnh) của bạn. Nhưng, thông qua đó bạn học được kỹ năng đàm phán, giao tiếp với đối tác người Anh, M... thì là ưu điểm về kỹ năng của bạn. Khi viết phần kỹ năng trong CV bạn cũng nên lưu ý điều này tránh “lạc đề” và sa đà vào “khoe khoang” điểm mạnh.

Viết kỹ năng ngắn gọn dạng liệt kê

Khi viết kỹ năng trong CV bạn có thể trình bày theo dạng liệt kê ngắn gọn thay vì giải thích dài dòng.

Với mục kinh nghiệm, ứng viên có thể viết dài hơn vì nói đến vị trí làm việc và những trải nghiệm giúp ích cho công việc. Tuy nhiên với mục kỹ năng, ứng viên nên viết dạng liệt kê. Cách viết này giúp người đọc nắm bắt thông tin nhanh và hơn nữa nó giúp cho CV ngắn gọn, chỉn chu hơn.

cach-viet-cv-1681119539.png
Ảnh minh họa.

CV chính là chìa khóa mở cánh cửa cơ hội đầu tiên khi tìm kiếm việc làm. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ ấn tượng với những CV được đầu tư và sáng tạo, có khí chất và sự thu hút riêng. Từng mục trong CV đều đóng vai trò quan trọng quyết định đến thành – bại dẫn đến vòng phỏng vấn. Hy vọng những thông tin trên giúp bạn hiểu thêm về cách viết kỹ năng trong CV, góp phần tạo nên một hồ sơ xin việc thật thu hút.

                                                                                                    

     Đặng Hảo

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/goi-y-cach-viet-ky-nang-trong-cv-a11327.html