Điều này đã tạo nên một dấu ấn riêng cho nghệ thuật Thanh nhạc của Việt Nam nói chung, đồng thời là sợi dây kết nối giữa âm nhạc truyền thống với âm nhạc hiện đại. Vì vậy, những ca khúc mang âm hưởng dân ca đã nhanh chóng đi vào đời sống và được đông đảo công chúng đón nhận.
Có thể nhận thấy sự dung hòa và mối quan hệ giữa hai yếu tố nghệ thuật Thanh nhạc trong âm nhạc mới với nghệ thuật ca hát truyền thống dân gian, đây là vấn đề cần thiết để tạo nên nghệ thuật Thanh nhạc chính quy của Việt Nam hội nhập với thế giới, đồng thời lại mang đậm những dấu ấn dân tộc.
Trong hầu hết giáo trình về sư phạm thanh nhạc, các công trình nghiên cứu của những nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc cũng như chuyên gia ngành thanh nhạc đều quan tâm, chú trọng tới thể loại ca khúc mang âm hưởng dân ca, trong đó chất liệu chủ yếu được khai thác là âm hưởng những làn điệu dân ca quen thuộc của cả ba miền đất nước, đặc biệt là các điệu Hò, Lý, Ví, Giặm... Có thể kể sơ qua một số ca khúc tiêu biểu như: Bóng cây Kơ nia nhạc của Phan Huỳnh Điểu, thơ Ngọc Anh; Chiếc khăn Piêu của Doãn Nho; Ấm tình Quê Bác của Văn An; Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ; Qua bến đò quan của Thái Cơ; Chào sông Mã anh hùng của Xuân Giao; Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh của Nguyễn Văn Tý; Miền Nam nhớ mãi ơn Người của Lưu Cầu, thơ Trần Nhật Lam; Cầu hò bên bờ Hiền Lương nhạc của Hoàng Hiệp, thơ Đằng Giao; Tình đất đỏ miền Đông của Trần Long Ẩn...
Những ca khúc mang chất liệu dân ca hiện nay ngày càng được bổ sung nhiều hơn vào giáo trình cũng như hoạt động giảng dạy thanh nhạc ở các bậc học. Số lượng ca khúc mang âm hưởng dân ca ngày càng phát triển nhiều hơn, không chỉ riêng các tác phẩm của những nhạc sĩ lão thành thuộc lớp nhạc sĩ đầu tiên của nền âm nhạc mới Việt Nam, mà còn có các tác phẩm của những nhạc sĩ thuộc thế hệ sau trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và sau khi đất nước thống nhất cũng được khai thác sử dụng vào trong giảng dạy như: Mái đình làng Biển của Nguyễn Cường; Một thoáng Tây Hồ, Về quê của Phó Đức Phương; Hà Tĩnh mình thương, Neo đậu bến quê của An Thuyên; Ngược dòng Hương Giang của Đức Trịnh; Khúc hát sông quê của Nguyễn Trọng Tạo; Huế tình yêu của tôi của Trương Tuyết Mai; Về Đồng Nai của Xuân Hồng...
Khai thác các ca khúc mang âm hưởng dân ca vào trong giảng dạy, ngoài việc góp phần hoàn thiện hơn về kỹ thuật thanh nhạc còn làm nổi bật giá trị thẩm mỹ trong âm nhạc dân tộc Việt Nam như: lối tư duy, cách thức xử lý các ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam có sự khác biệt so với ca khúc nước ngoài. Đây là một trong những việc làm cần thiết, mang tính thực tiễn cao trong công tác giảng dạy thanh nhạc. Thực tế cho thấy, mặc dù các ca khúc mang chất liệu dân ca đã được nhiều giảng viên khai thác sử dụng trong quá trình giảng dạy.
Song, những nghiên cứu mang tính chuyên sâu về vấn đề dạy học thể loại này cho tới nay vẫn còn ít. Đó cũng chính là lý do việc nghiên cứu một cách hệ thống về đề tài “Khai thác yếu tố kỹ thuật thanh nhạc trong giảng dạy và biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca” là vấn đề đang được các chuyên gia, nhà nghiên cứu quan tâm nhằm giúp cho giảng viên, học viên, những người quan tâm tới bộ môn hát Dân gian vừa kế thừa được nền ca hát truyền thống của dân tộc vừa áp dụng thêm nhiều yếu tố kỹ thuật Thanh nhạc phương Tây vào trong hoạt động giảng dạy và biểu diễn của mình.
Một số tài liệu về sư phạm thanh nhạc có liên quan đến nội dung đề cập trong đề tài đã được xuất bản như: Cuốn Phương pháp Sư phạm Thanh nhạc của tác giả Nguyễn Trung Kiên do Viện Âm nhạc, Hà Nội xuất bản năm 2001. Đây là một trong những cuốn sách rất có giá trị đối với lĩnh vực sư phạm thanh nhạc tại Việt Nam. Tuy nhiên, cuốn sách chỉ tập trung vào các phương pháp dạy thanh nhạc chứ không đi sâu vào khía cạnh khai thác các tác phẩm mang âm hưởng dân ca Việt Nam vào trong giảng dạy.
Cuốn Phương pháp giảng dạy Thanh nhạc của tác giả Hồ Mộ La do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa ấn hành năm 2008 tập trung vào các vấn đề về nghiên cứu giải phẫu bộ máy phát âm của con người làm minh chứng cho việc sử dụng kỹ thuật thanh nhạc sao cho khoa học, nhưng tác giả không đi sâu vào khía cạnh xử lý, vận dụng kỹ thuật vào các tác phẩm Việt Nam mang chất liệu dân ca trong giảng dạy.
Trong cuốn Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát của tác giả Trần Ngọc Lan, Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản 2011 đã góp phần đáp ứng cho công tác giảng dạy Thanh nhạc, nhưng cuốn sách mới dừng lại ở việc đề cập tới những đặc trưng cơ bản của tiếng Việt và áp dụng xử lý ngôn ngữ của nghệ thuật ca hát truyền thống vào nghệ thuật Thanh nhạc.
Cũng tương tự, trong cuốn Quá trình hình thành và phát triển ca hát chuyên nghiệp ở Việt Nam của tác giả Trương Ngọc Thắng, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2010, trong đó tác giả có đề cập tới việc khai thác tác phẩm thanh nhạc Việt Nam mang chất liệu dân ca nhằm phát triển ca hát chuyên nghiệp nhưng chưa đề cập tới lĩnh vực sư phạm cũng như phƣơng pháp dạy học thể loại này.
Luận văn cao học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2002 “Vấn đề giảng dạy ca khúc Việt Nam trong chuyên ngành thanh nhạc”, của tác giả Mai Thị Xuân Hương, luận văn đã nghiên cứu với góc nhìn bao quát chung cho toàn bộ các ca khúc Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo thanh nhạc, nên không tập trung nghiên cứu vào thể loại ca khúc mang âm hưởng dân ca.
Bên cạnh đó có một số luận văn khác cũng đã đề cập đến thể loại ca khúc mang âm hưởng dân ca nhưng cũng chỉ mang tính chất đại diện cho một vùng miền mà chưa có sự bao quát chung cho cả ba miền. Như vậy, vấn đề đưa ra một số phương pháp dạy học ca khúc mang âm hưởng dân ca trong luận văn của chúng tôi là không trùng lặp.
Nhiệm vụ nghiên cứu đề tài tập trung: Tìm hiểu những nét đặc trƣng cơ bản trong các ca khúc mang âm hưởng dân ca hiện đang được dạy trong giáo trình thanh nhạc cho bậc Đại học; Nghiên cứu, khảo sát thực trạng việc dạy học các ca khúc mang âm hưởng dân ca và đề xuất được một số phương pháp dạy học các ca khúc này cho bậc đại học đào tạo về Thanh nhạc.
Đề tài sử dụng các phương pháp như: phân tích tổng hợp, so sánh, phỏng vấn, quan sát sửa phạm, chuyên gia, nhằm chỉ ra những yếu tố đặc trong của các ca khúc mang âm hưởng dân ca, từ đó áp dụng kỹ thuật Thanh nhạc để xử lý tác phẩm sao cho hiệu quả nhất; Phương pháp thực nghiệm sư phạm. Để kiểm chứng tính khả thi của các phương pháp dạy học ca khúc mang âm hưởng dân ca theo đề xuất của luận văn.
Về mặt lý luận, nghiên cứu một số đặc điểm âm nhạc, làm rõ vai trò của việc khai thác các ca khúc mang âm hưởng dân ca vào công tác dạy thanh nhạc dành cho hệ Đại học tại các trường Văn hóa Nghệ thuật chuyên nghiệp khác.
Về mặt thực tiễn, đưa ra một số phương pháp dạy học nhằm giải quyết một số vấn đề về mặt kỹ thuật cũng như về mặt thẩm mỹ âm nhạc trong quá trình dạy học và biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca ở Khoa Thanh nhạc các trường nghệ thuật.
Tóm lại, việc nghiên cứu đề tài “Khai thác yếu tố kỹ thuật thanh nhạc trong giảng dạy và biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca” với mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu là tìm hiểu cơ sở lý luận và thực trạng trong dạy học các ca khúc mang âm hưởng dân ca cho bậc Đại học tại các khoa Thanh nhạc của các trường đại học nói chung, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nói riêng là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào công tác giảng dạy thanh nhạc hiện nay. Kết quả nghiên cứu nhằm đề xuất một số phương pháp dạy học các ca khúc mang âm hưởng dân ca trong công tác giảng dạy thanh nhạc tại các trường đại học./.
ĐỌC TOÀN BỘ NỘI DUNG “Khai thác yếu tố kỹ thuật thanh nhạc trong giảng dạy và biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca”
Hương Giang