20 năm trước, khi mới ra trường, tôi về công tác tại Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam và vinh dự được gần gũi nhiều vị lão thành cách mạng, nhà văn hoá, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tại các Ban tư vấn của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, CLB Thăng Long. Trong đó có Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (Nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Phản biện Linh vật Seagame 22
Vừa vào cơ quan được 2 tuần, tôi được dự một phiên họp do đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng khi đó là Chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam chủ trì!
Hôm đó, tôi mặc chiếc áo phông trắng có hình biểu tượng SEAGAME 22: Hình đô vật được cách điệu thành linh vật Trâu Vàng. Khi phiên họp kết thúc mọi người dự họp bàn tán về chiếc áo của tôi có hình tượng Trâu Vàng.
Mở đầu là Nhà báo Đỗ Phượng kéo tôi lại gần, nhìn vào linh vật Trâu Vàng trên áo của tôi rồi lắc đầu băn khoăn: “Không biết các anh có ý kiến thế nào, chứ tôi thấy không nên gọi đây là linh vật Trâu Vàng, mà chỉ nên gọi biểu tượng vui của một sự kiện thể thao. Cần phải nhận thức đúng để truyền thông định hướng đúng đắn. Tôi cảm thấy nó thế nào ý...”
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý (1932 - 2022)
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý tiếp lời: “Tôi đồng tình với ý kiến của anh Phượng. Bởi linh vật hay biểu tượng này đi ngược lại hoàn toàn với cách làm của nhân loại đã làm cả ngàn năm nay. Tượng Nhân Sư ở Ai Cập đã có từ hàng ngàn năm, toàn bộ từ tay chân đến thân là hình hài của con Sư Tử. Riêng phần đầu, phần mặt phải là của Con Người để khẳng định con người là chúa tể của muôn loài và trí tuệ của con người là quý giá nhất. Tương tự, biểu tượng Nàng Tiên Cá của Đan Mạch có phần thân mang hình hài của con cá nhưng phần đầu, phần mặt cũng là của con người, gương mặt một nàng tiên xinh đẹp...Còn biểu tượng Trâu Vàng của ta thì chân, tay, mình là hình hài của con người - một đô vật khỏe mạnh lại mang theo một cái đuôi, đặc biệt còn gây ấn tượng bởi cái đầu trâu với cặp sừng nghênh ngang và bướng bỉnh . Tôi mạo muộn nghĩ vậy không biết có đúng không, xin các anh góp ý cho”.
Khi đó có nhiều ý kiến phản biện trái chiều với ý kiến của Giáo sư Nguyễn Duy Quý và cho rằng, đây chỉ là biểu tượng cho sự kiện thể thao và có những ý nghĩa nội hàm khác như: Trâu vàng hay còn gọi là Kim Ngưu đã gắn với sự tích Hồ Tây của thủ đô Hà Nội. Hình tượng này tượng trưng cho ước vọng về một mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của Việt Nam. Chiếc khố màu đỏ tượng trưng cho trang phục truyền thống thời dựng nước của người Việt. Rồi biểu tượng Trâu Vàng được cách điệu hình tượng một chú trâu gần gũi, thân mật với người dân, là hình tượng người bạn thân thuộc trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và Đông Nam Á...Vì thế, hình tượng này cần phải được truyền thông mạnh mẽ thông qua một sự kiện thể thao lớn nhất khu vực mà Việt Nam đăng cai, với tư cách là một linh vật quốc gia góp phần quảng bá hình ảnh đất nước.
Là người trẻ tuổi nhất buổi họp lại mặc chiếc áo có biểu tượng Trâu Vàng trở thành tâm điểm của cuộc trao đổi sau buổi họp nên tôi cũng được khuyến khích nêu ý kiến riêng của mình về chủ đề các cụ đang bàn luận sôi nổi: "Dạ thưa các bác, về chiếc áo cháu đang mặc có biểu tượng Trâu Vàng là do một người bạn tặng để cổ động cho sự kiện SEAGAME 22 sắp diễn ra ở Việt Nam. Tuyệt nhiên cháu không để ý tới ý nghĩa sâu xa của biểu tượng Trâu Vàng. Nay nghe các bác bình luận gợi nhớ trong cháu về hai câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du hơn 200 năm trước đã viết: "Người nách thước, kẻ tay đao - Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi" để lên án sự hung hãn, dã man của bọn nha lại trong hoàn cảnh gia đình Kiều bị oan". Trong dân gian, thành ngữ “Đầu trâu mặt ngựa” để nói ám chỉ những người côn đồ hay đánh đấm. Trong xã hội hiện nay hình ảnh "đầu trâu mặt ngựa" hay gắn liền với những phường đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, bảo kê, xã hội đen...", tôi trình bày.
Kết thúc buổi họp, Nhà báo Đỗ Phượng đề nghị Giáo sư Nguyễn Duy Quý và tôi ở lại để tiếp tục trao đổi về chủ đề Trâu Vàng. Để biết rõ hơn về những thông tin liên quan, Nhà báo Đỗ Phượng đã gọi điện thoại cho một đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Qua trao đổi ông Phượng mới biết, biểu tượng Trâu Vàng đã được xét duyệt rất cẩn thận và đã được thông báo tới các nước ASEAN, cũng như đã truyền thông sâu rộng trong nhân dân. Việc góp ý của các cụ sẽ được tiếp thu rút kinh nghiệm cho lần sau.
Với khí chất của một ông Đồ Xứ Nghệ và trách nhiệm phản biện của một nhà khoa học, Giáo sư Nguyễn Duy Quý chưa thật hài lòng với cách giải thích "chuyện đã rồi", mà ông cần những người có trách nhiệm phải nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc, tránh lặp lại những sai sót đáng tiếc. Thế là buổi chiều hôm đó, ông cùng tôi đến trình bày lại những băn khoăn liên quan về biểu tượng Trâu Vàng với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải.
Rất mừng từ sự vào cuộc rốt ráo của những nhà khoa học như Giáo sư Nguyễn Duy Quý và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của những người có trách nhiệm. Biểu tượng của SEAGAME 22 đã được nhận thức đúng đắn và được truyền thông đúng mức với tư cách chỉ là một linh vật của một sự kiện thể thao tại Việt Nam. Trong xã hội không còn nhận thức biểu tượng này với hình tượng Kim Ngưu thiêng liêng trong truyền thuyết về Hồ Tây, càng không nên vội vàng coi hình tượng Trâu Vàng cụ thể của một kỳ SEAGAME 22 là Linh vật biểu tượng quốc gia và văn hóa dân tộc...!?
Tác giả bài viết được Viện sĩ Nguyễn Duy Quý tặng sách mỗi khi ông xuất bản
Cũng kể từ bữa đó, ngoài gần gũi giúp việc Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý với tư cách Phó chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam phụ trách khoa học, tôi cũng thường xuyên ghé thăm ông tại riêng ở Thanh Xuân Bắc - Hà Nội để thụ giáo và ngưỡng mộ một nhà khoa học tài năng nhuần nhuyễn cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên.
Một nhà khoa học tận hiến
Những tư liệu cho thấy, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, được thừa hưởng truyền thống của quê hương cách mạng và vùng đất hiếu học Thanh Chương, Nghệ An, ngay từ nhỏ ông ham học hỏi các môn tự nhiên và xã hội.
Trải qua nhiều vị trí công tác trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1961, ông được cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp chuyên ngành Triết học. Năm 1964, do tình hình biến đổi khách quan trong phong trào cách mạng các nước xã hội chủ nghĩa, những người học về khoa học xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đều rút về nước. Khi về nước, ông được phân công dạy Triết học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cũng trong giai đoạn này, ông học thêm văn bằng hai chuyên ngành Vật lý. Với kết quả học tập xuất sắc, năm 1967, sau khi tốt nghiệp ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý (người đứng hàng đầu bên trái) cùng Ban Thường vụ Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam làm việc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2012
Năm 1982, ông bảo vệ luận án Phó tiến sĩ Triết học tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô với đề tài "Những đặc điểm của nhận thức thế giới vi mô" trước thời hạn 7 tháng nên được nhà trường cử đi nghiên cứu học tập tại một loạt nước Đông Âu: Bungari, Rumani, Hunggari, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức. Năm 1987, ông bảo vệ luận án tiến sĩ Triết học tại Đại học Tổng hợp Humboldt, (CHDC Đức) với đề tài: "Mối tương quan giữa tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận trong nhận thức thế giới vi mô".
Ông được phong học hàm Giáo sư Triết học năm 1988, được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga tháng 6.1999 và được Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tặng bằng Giáo sư danh dự tháng 11.2000.
Ông là tác giả của trên 200 công trình và bài viết đã công bố ở trong nước và nước ngoài, trong đó có 55 cuốn sách bao gồm sách cá nhân, chủ biên hoặc tham gia, tiêu biểu như: "Nhận thức thế giới vi mô" (1998), "Những vấn đề lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" (1998), "Tiến tới một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển bền vững" (2001), "Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" (2003), "Hợp tác Á - Âu và vai trò của Việt Nam" (2004)...
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng được Đảng và Nhà nước giao phó: Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII, khoá VIII (1991 - 2001); đại biểu Quốc hội khoá IX và khoá X (1992 - 2002); Phó chủ tịch Hội đồng chính sách Khoa học công nghệ Quốc gia (1992 - 2003); nguyên Phó chủ tịch, Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương; Uỷ viên Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội các Hội đồng Nghiên cứu Khoa hoc Xã hội châu Á (1999 - 2001); Uỷ viên Hội đồng xét duyệt Học vị và Chức danh khoa học Nhà nước (1991 - 1995); Uỷ viên Hội đồng Học hàm Nhà nước (1995 - 2001); nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Canada; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam (2001 - 2016); Tổng thư ký Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn Khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ biên giáo trình quốc gia Triết học Mác - Lênin... Nhưng đáng kể hơn cả ông là Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội, sau đó là Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) giai đoạn (1991 - 2003).
Bên cạnh sự nghiệp khoa học rất đáng nể trọng, mấy mươi năm trong sự nghiệp giáo dục, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý đã góp phần đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước, nhiều người đã trở thành những chính khách, nhà khoa học tài năng tiếp nối sự nghiệp của ông. Tiêu biểu trong số đó là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đồng thời ông cũng là người đã phản biện luận án PTS và TS Triết học của Thủ tướng Hun Sen (Campuchia).
Sau khi rời nhiệm sở, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội tại Ủy ban MTTQ Việt Nam, CLB Thăng Long, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam...Riêng trong hoạt động Sinh Vật Cảnh, ông là một trong những người góp phần đưa Sinh Vật Cảnh Việt Nam phát triển theo hướng ngành kinh tế sinh thái giá trị cao, đồng thời coi trọng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc trong thú chơi văn hóa nhân văn đã có tự ngàn đời. Trên cương vị Phó chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam phụ trách khoa học kỹ thuật giai đoạn (2001 - 2016), Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý đã thảo luận và điều hành nhiều hội thảo chuyên ngành. Trong đó, đáng chú ý là những đề xuất về: Phát huy vai trò của Sinh Vật Cảnh trong quảng bá hình ảnh đất nước và phát triển du lịch; Phát triển nền kinh tế xanh gắn với ứng phó của biến đổi khí hậu toàn cầu; Tổ chức lễ hội hoa Đà Lạt thường niên bắt đầu từ năm 2005; Nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và ý nghĩa của phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động...
Sau 91 năm tại thế trên dương gian, với sự tận tâm, nhiệt huyết, hết lòng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và những cống hiến không mệt mỏi cho khoa học nước nhà, cũng như các hoạt động xã hội, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Với người viết bài này, sau hơn 15 năm vinh dự được gần gũi giúp việc Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý với bao kỷ niệm khó quên lại bất chợt ùa về da diết khuôn nguôi ngay khi nhận được tin ông rời cõi tạm về với tổ tiên ngàn đời và các vị lão thành cách mạng tiền bối.
Minh Phương
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/nho-ve-nguoi-thay-o-viet-nam-cua-thu-tuong-campuchia-hun-sen-a11979.html