Theo tờ health, một củ cà rốt có kích cỡ trung bình có thể cung cấp 100% lượng vitamin A mục tiêu hàng ngày. Chất dinh dưỡng quan trọng này (hoạt động như một chất chống oxy hóa bảo vệ tế bào) giúp bảo vệ chống lại ung thư, thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác và bệnh sởi. Sự thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến tình trạng gọi là xerophthalmia, có thể làm hỏng thị lực và dẫn đến chứng quáng gà.
Vitamin A có trong cà rốt xuất phát từ hai loại caroten gọi là alpha-carotene và beta-carotene. Tuy nhiên, đây không phải chất dinh dưỡng duy nhất trong cà rốt quan trọng đối với thị lực. Các chất chống oxy hóa lutein và zeaxanthin có trong cà rốt cũng giúp tăng cường sức khỏe của mắt. Nhờ đó, hai hợp chất tự nhiên này sẽ bảo vệ võng mạc và thủy tinh thể của mắt.
Mặc dù cà rốt được biết là có lượng đường cao hơn so với các loại rau củ khác, nhưng chúng có đặc tính chống bệnh tiểu đường, điều này đã được báo cáo trong một bài đánh giá được công bố trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng.
Cụ thể, những người có lượng caroten thấp hơn - sắc tố khiến cà rốt có màu cam - có lượng đường trong máu cao hơn và mức insulin lúc đói cũng cao hơn. Điều này cho thấy rằng carotenoids có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường.
Chất xơ trong cà rốt được chứng minh là giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và giảm lượng insulin sau khi ăn. Cà rốt sống hoặc nấu hơi chín cũng có chỉ số đường huyết thấp, giúp chúng cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho cơ thể.
Ngoài chất xơ mà cà rốt cung cấp, chúng còn chứa nhiều nước - một củ cà rốt có chứa 88% là nước. So với các loại rau khác, cà rốt cũng có liên quan đến việc giảm cân. Những người ăn cà rốt thường xuyên có tỷ lệ béo phì thấp hơn người không ăn. Hơn nữa, cà rốt có lượng calo thấp. Một củ cà rốt nhỏ chỉ chứa 52 calo.
Chất chống oxy hóa được tìm thấy trong cà rốt có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm phổi, đại trực tràng, tuyến tiền liệt và bệnh bạch cầu. Chất chống oxy hóa carotene được gọi là beta-carotene được phát hiện có liên quan đến tỷ lệ ung thư thấp, bao gồm cả ung thư đại trực tràng.
Cà rốt cũng chứa một loại caroten khác gọi là lycopene. Theo một nghiên cứu năm 2022, lycopene có khả năng chống ung thư, như ung thư dạ dày, tuyến tiền liệt, phổi và vú, đồng thời còn giúp ngăn ngừa rối loạn tim mạch.
Kali trong cà rốt đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp . Khoáng chất này cân bằng nồng độ natri và giúp loại bỏ natri và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, giúp giảm áp lực cho tim. Điều này cũng làm cho cà rốt trở thành một lựa chọn tốt nếu bạn muốn giảm đầy hơi sau khi ăn quá nhiều thức ăn mặn.
Một bài báo được đăng trên tạp chí Thực phẩm vào năm 2019 cho biết, các hợp chất phenolic có trong cà rốt có khả năng làm giảm các bệnh tim mạch. Các hợp chất này có đặc tính chống oxy hóa, giúp duy trì lượng đường trong máu và cholesterol bình thường.
Trong cà rốt có hai loại vitamin có lợi cho hệ thống miễn dịch: vitamin C và vitamin A. Vitamin C trong cà rốt giúp giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh.
Vitamin A hỗ trợ hệ thống miễn dịch bằng cách đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và bảo vệ màng nhầy. Màng nhầy đóng vai trò là rào cản để giữ vi trùng ra khỏi cơ thể. Chúng tạo nên lớp niêm mạc của đường hô hấp, tiêu hóa và niệu sinh dục.
Các hợp chất tự nhiên trong cà rốt đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm. Một trong số đó là lutein - chất chống oxy hóa tương tự giúp bảo vệ võng mạc khỏi thoái hóa điểm vàng, nó cũng có thể liên quan đến chức năng của não. Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tạp chí Chất dinh dưỡng cho thấy rằng lutein có tác dụng có lợi đối với sức khỏe não bộ ở những người lớn tuổi khỏe mạnh.
Hà My