Thái Lan từ lâu đã nổi tiếng với bề dày thành tích. Đội bóng đến từ xứ sở chùa Vàng đã 8 lần tham dự Cúp bóng đá châu Á. Ngoài ra đội từng có 2 lần tham dự Olympic, 2 lần vào bán kết để giành hạng tư ở ASIAD.
Thái Lan chưa từng được tham dự World Cup nhưng đã từng góp mặt ở vòng loại cuối cùng 2 lần vào các năm 2002 và 2018. Được coi là đội bóng top đầu khu vực Đông Nam Á, đội bóng này đã 6 lần giành ngôi vương Đông Nam Á, giữ kỷ lục 9 lần vô địch SEA Games ở cấp độ đội tuyển.
Để có được những thành công như vậy quốc gia này đã phải quan tâm đến vấn đề đào tạo và tổ chức ra các giải đấu trẻ chuyên nghiệp. Bên cạnh giải đấu lớn nhất là Thai League thì cuộc cách tân hệ thống thi đấu các giải trẻ là kế hoạch trong chiến lược vươn tầm ra châu Á của bóng đá Thái Lan.
Từ mùa giải năm 2020, Thai League đã chuyển đổi thời gian thi đấu từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm. Đi cùng với đó Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) cũng ra mắt Thái Youth League (TYL). Đây là hệ thống giải bóng đá trẻ quốc gia mới của Thái Lan với 5 nhóm tuổi U.19, U.16 và U.14 (11 người mỗi đội) và U.12 và U.10 (7 người mỗi đội)
Về thể thức thi đấu, để giành được ngôi vô địch TYL một đội bóng trẻ Thái Lan sẽ thi đấu tối đa 4 vòng đấu gồm: Play-off, League Zone, Championship, Final.
Vòng đấu Play-off dành dành cho những đội bóng trẻ của địa phương, các học viện tư nhân, những đội bóng trẻ của các tỉnh không có CLB bóng đá chuyên nghiệp ở Thai League. Vòng đấu Play-off thi đấu theo thể thức loại trực tiếp hay đá vòng tròn tùy số lượng đội đăng ký ở khu vực đó.
Ban tổ chức sẽ chia ra thành 8 khu vực trên khắp Thái Lan để thi đấu vòng League Zone. Mỗi khu vực có 10 đội thi đấu bao gồm đội nhất - nhì của TYL khu vực đó mùa bóng trước cộng với những đội bóng trẻ của các CLB bóng đá chuyên nghiệp Thai League 1, Thai League 2 và bổ sung thêm những đội vượt qua vòng đấu Play-off.
Vòng League Zone sẽ thi đấu theo thể thức vòng tròn 2 lượt để chọn ra 2 đội nhất, nhì của khu vực đó tham gia vòng đấu Championship.
Vòng Championship sẽ quy tụ 16 đội xếp nhất - nhì của 8 khu vực để chia làm 4 bảng, do 4 đội đăng cai tổ chức. Mỗi bảng sẽ thi đấu theo thể thức vòng tròn 1 lượt để chọn ra 2 đội xếp đầu mỗi bảng tham gia vòng Final.
Vòng Final sẽ gồm 8 đội xếp nhất nhì 4 bảng ở vòng Championship gom lại đá trên một địa điểm để đá vòng chung kết TYL ở từng nhóm tuổi. 8 đội bóng này không đá vòng tròn mà thi đấu theo thể thức knock-out loại trực tiếp để chọn ra đội vô địch TYL ở từng nhóm tuổi.
Theo con số thống kê ở mùa giải 2019, giải trẻ Thái Lan có đến 4 nhóm tuổi với tổng cộng 489 đội, 17.115 VĐV tham gia. Liên đoàn bóng đá Thái Lan đã tạo điều kiện tối đa cho các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều nhất. Một đội trẻ ở Thái League 1 và Thái League 2 chỉ cần đá vòng đến vòng 2 thôi đã có tới 18 trận.
Nếu vào được vòng 3 mỗi đội sẽ có thêm 3 trận nữa là 21 trận, đặc biệt là từ vòng này các cầu thủ sẽ phải chơi những trận đấu với chất lượng chuyên môn cao và quyết liệt hơn. Cộng thêm 3 trận knock-out những đội bóng vào sâu nhất có thể chơi đến 24 trận. Các cầu thủ trẻ của Thái Lan sẽ trưởng thành hơn rất nhiều khi được thi đấu và cọ sát liên tục.
Liên đoàn bóng đá Thái Lan đang tạo ra bước đi đột phá so với các nước trong khu vực. Họ tạo ra một hệ thống thi đấu rõ ràng, có tính cạnh tranh để các cầu thủ trong nhiều nhóm tuổi được thi đấu và thể hiện khả năng. Đó cũng là cách để Thái Lan tìm kiếm được những cầu thủ trẻ tốt nhất kế cận cho lứa cầu thủ đội tuyển quốc gia.
Mặc dù đến thời điểm hiện tại Thái Lan chưa thực sự có những bước tiến rõ rệt ở những giải đấu trong khu vực nhưng với chiến lược dài hạn này đội bóng đến từ xứ sở chùa Vàng có thể sẽ vươn mình ra châu Á trong tương lai gần.
Tuyển quốc gia Thái Lan tại AFF CUP 2022 (Nguồn:Dugout)
Việt Hoàng
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/giai-tre-thai-lan-chuyen-nghiep-de-vuon-tam-chau-a-trong-tuong-lai-a13960.html