Khi đến thôn Duệ để "mục sở thị" về chuyện giữ gìn, bảo tồn nghề đan lát truyền thống của người K'Ho nơi đây, ở nhà bà Ka Ệp (53 tuổi) có hàng chục người mà đa phần là phụ nữ đang say mê học nghề đan lát, tưởng chừng với nghề này chỉ dành cho cánh đàn ông.
Thôn Duệ có 254 hộ với khoảng 1.533 nhân khẩu, chủ yếu là người DTTS gốc Tây nguyên. Nơi đây hội tụ những tinh hoa văn hóa truyền thống của người bản địa và hiện nay văn hóa ấy vẫn đang được các cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nhân dân gìn giữ và phát triển. Đặc trưng của người dân nơi đây bắt nguồn từ trồng lúa nương, rẫy, dùng gùi để gùi lúa, bắp, khoai, rau… về nhà. Những dụng cụ như gùi, rổ, rá, nia, nong… đó đã đi theo họ từ rất lâu đời - từ thời ông cha, họ đã biết tự tạo ra các sản phẩm, dụng cụ này phục vụ cho đời sống hàng ngày và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay.
Khi hỏi đến nghề này có từ khi nào, Bà Ka Ệp cho hay bà cũng không nhớ được bà biết nghề đan lát này từ khi nào, chỉ nhớ rằng cũng đã được mấy chục năm, khi lớn lên bà đã được cha mẹ truyền lại nghề này. "Nghề đan lát sử dụng những nguyên liệu gần gũi và dễ tìm là mây, tre. Nghề này đòi hỏi sự chịu khó, tỉ mỉ, ai chăm chỉ và có năng khiếu thì chỉ ít ngày đến 1 tháng là sẽ học được nghề, còn ai chậm thì khoảng 6 tháng trở lên mới làm được sản phẩm. Với nghề này thì cả đàn ông, đàn bà, thanh niên, người lớn, người nhỏ đều làm được. Trước đây, những sản phẩm làm ra, phần lớn chỉ phục vụ trong gia đình, nhưng những năm qua, nhiều người - không chỉ là người đồng bào DTTS mà còn có cả người Kinh ở trong và ngoài tỉnh biết, tìm đến mua sản phẩm ngày càng nhiều hơn", bà Ka Ệp cho hay.
Cũng theo bà Ka Ệp, tùy theo loại, kích cỡ, những sản phẩm làm ra được bán có giá từ một vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng/sản phẩm, riêng bà mỗi tháng bình quân cũng bán được trên dưới 8 triệu đồng.
"Với nghề đan lát, chúng tôi không chỉ gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống của cha ông mà nghề này còn giúp chúng tôi có thêm thu nhập, những lúc rảnh rỗi, nông nhàn đều làm được. Chính vì vậy, việc truyền nghề cho bà con, tôi cảm thấy rất vui. Năm vừa qua, tôi đã dạy nghề này cho 30 người và năm nay tiếp tục dạy nghề cho 20 người nữa. Trong thôn hiện có rất nhiều người biết được nghề đan lát", bà Ka Ệp thổ lộ.
Cầm trên tay sản phẩm do chính mình làm ra, bà K'Treoh (68 tuổi), tươi cười: "Tôi tham gia lớp học này đã được hơn nửa năm, đến nay tôi đã có thể tạo ra được sản phẩm đơn giản từ nghề đan lát này. Tôi thấy rất vui khi làm được công việc đan lát này. Nghề này rất hay, sau khi làm vườn về, những lúc rảnh rỗi, mưa gió thì tranh thủ đan lát những vật dụng rổ, rá, gùi để bán kiếm thêm thu nhập".
Bà Nguyễn Thị Gái, Phó chủ tịch UBND xã Đinh Lạc, cho hay địa phương đánh giá rất cao về nghề đan lát tại thôn Duệ. Việc phát triển ngành nghề đan lát truyền thống này vừa góp phần đảm bảo đời sống, nâng cao thu nhập của người dân, vừa giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS gốc Tây nguyên. Địa phương rất quan tâm đến mô hình này và cũng đã tạo điều kiện giúp đỡ cho bà con, đồng thời đề nghị cấp trên quan tâm đến chương trình, dự án liên quan để hỗ trợ, tạo điều kiện, động viên bà con phát triển mô hình này.
Trong xu thế hội nhập và phát triển, để phát huy bản sắc văn hóa DTTS, thời gian tới, xã Đinh Lạc xác định tiếp tục tập trung phát huy vai trò người uy tín để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định công nhận Làng nghề truyền thống đan lát thôn Duệ đạt tiêu chí Làng nghề truyền thống.
PV
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/giu-gin-bao-ton-nghe-dan-lat-truyen-thong-cua-nguoi-thon-due-a17770.html