Với điều kiện khí hậu, môi trường thuận lợi, nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có rất phong phú từ trồng trọt, là điều kiện thuận lợi để Tây Nguyên phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh. Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha, trong đó có khoảng 2,9 triệu ha đất dành cho trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đặc biệt, tổng đàn gia súc, gia cầm của các tỉnh Tây Nguyên liên tục tăng qua các năm và thu hút nhiều nhà đầu tư đến phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, các địa phương ở khu vực này vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Cụ thể, Tây Nguyên có 87 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong đó, có 3 trang trại chăn nuôi lợn, 3 trang trại chăn nuôi bò và 4 trang trại chăn nuôi gà giống, gà thịt đã được Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, động vật, sản phẩm động vật từ những trang trại chăn nuôi này đủ điều kiện cho xuất khẩu. 77 cơ sở an toàn dịch bệnh còn lại do Chi cục Chăn nuôi - Thú y các tỉnh cấp, đảm bảo được điều kiện phục vụ cho thị trường trong nước.
Theo ông Võ Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 5 (Cục Thú y, Bộ NN-PTNT), trong chăn nuôi nếu tiến hành xây dựng được cơ sở, vùng chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh sẽ là lợi thế. Tại những khu vực này sẽ kiểm soát được dịch bệnh cũng như các chương trình về vacxin. Như vậy tình hình dịch bệnh tại những cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cũng sẽ được khống chế.
Với những lợi ích đó, hàng năm số trang trại đăng ký xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh ngày càng được mở rộng thêm. Trước những năm 2020, số cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên rất khiêm tốn. Ông Võ Quốc Cường chia sẻ thêm.
Đồng thời, ông Cường cho hay: “Phần lớn tổng đàn gia súc, gia cầm của Tây Nguyên hiện nay nằm trong các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Chính vì vậy mà trong năm nay, đến thời điểm hiện tại, tuy tình hình dịch bệnh trên động vật có xảy ra nhưng chỉ ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Chẳng hạn, như bệnh lở mồm long móng chỉ xảy ra 1 ổ dịch tại 1 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Gia Lai; bệnh cúm gia cầm cũng chỉ xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
“Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác cơ bản đã được khống chế, đặc biệt là những bệnh theo tính chất chu kỳ lặp lại, đến hẹn lại lên. Do đó, việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh thực sự rất cần thiết”, ông Cường khẳng định.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có những con số rất là đáng khích lệ, 87 cơ sở ở Tây Nguyên đã được chứng nhận là cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trong đó có những cơ sở được chứng nhận rất nhiều bệnh với mục đích phục vụ cho tiêu dùng sản phẩm trong nước, một số doanh nghiệp hướng đến xuất khẩu. Trong tương lai nếu có những chính sách khuyến khích hợp lý thì số cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh sẽ ngày càng được nhân lên. Thời gian qua với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục Thú y, các cấp, các ngành cùng sự đồng thuận của người chăn nuôi…, việc xây dựng, cơ sở chăn nuôi vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở khu vực Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển, phù hợp với xu thế hội nhập thế giới, mở ra tiềm năng cho xuất khẩu.
Hoài Trinh
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/tay-nguyen-thu-hut-dau-tu-phat-trien-nganh-chan-nuoi-an-toan-dich-benh-a18172.html