Vào ngày 10 tháng 3 năm 1928, cậu bé Walter Collins chín tuổi mặc một chiếc áo khoác kẻ caro, quần vải nhung màu nâu, giày Oxford màu đen và một chiếc mũ lưỡi trai màu xám đi xem phim ở khu phố Mount Washington của Los Angeles. Sau đó, cậu không bao giờ trở về nhà nữa.
Ngày 15 tháng 3, tức 5 ngày sau đó, mẹ Walter là Christine Collins đã tới sở cảnh sát báo an con trai bà mất tích. Vào thời điểm đó, một vụ bắt cóc và sát hại dã man một bé gái 12 tuổi đang là tâm điểm dư luận, nhiều người tỏ ra lo ngại về các vụ án trẻ em mất tích.
Trong quá trình thu thập và tìm kiếm lời khai, có nhiều manh mối khiến cảnh sát phải đau đầu như có người cho biết đã nhìn thấy Walter tại San Francisco, người khác lại khai rằng thấy cậu ở tận Oakland, California - những địa điểm rất xa nhà của cậu bé. Thậm chí có người khẳng định thấy Walter tại một trạm xăng ở Glendale với thi thể quấn trong giấy báo với đầu lộ ra. Cảnh sát liên tiếp điều tra và tìm kiếm Walter trong nhiều tháng mà không có kết quả.
5 tháng sau, vào tháng 8 năm 1928, cảnh sát tiểu bang Illinois đã bắt được một cậu bé đang bỏ trốn giống với mô tả về Walter. Cậu khai với nhà chức trách rằng bản thân chính là Walter Collins, đồng thời kể một câu chuyện mơ hồ về việc mình bị bắt cóc. Cảnh sát đã nối máy cho cậu nói chuyện với Christine Collins qua điện thoại, sau đó người mẹ đã chi trả 70 USD để đưa con trai mình trở lại Los Angeles.
Thế nhưng sau khi sống với cậu bé 3 tuần, Christine nhận ra cậu không phải là con mình. Cô khẳng định Walter cao hơn một inch, cô thậm chí sử dụng hồ sơ nha khoa để chứng minh đây là một đứa trẻ khác. Christine nhanh chóng báo với cảnh sát những nghi ngờ của mình:
"Đúng, thằng bé trông giống Walter và ở một khía cạnh nào đó, nó hành động giống như con trai tôi. Thế nhưng tôi không chắc nữa. Mọi người đều biết Walter rất trầm tính và cư xử tốt, thằng bé sẽ gọi tôi là "mother" (mẹ). Nhưng đứa trẻ này lại tôi là "ma". Tôi thực sự hy vọng đó là con trai tôi, nhưng không, không hiểu sao tôi không thể tin được chuyện này".
Trước áp lực dư luận, cảnh sát khẳng định đứa trẻ thực sự là Walter. Họ đã tiến thành một loạt thử nghiệm để chứng minh, bao gồm yêu cầu đứa trẻ tìm đường về nhà theo kí ức, yêu cầu cậu bé mang theo chú chó cưng của Walter,... Thế nhưng người mẹ vẫn không tin.
Cảnh sát trưởng J.J. Jones đến chỗ người mẹ đang đau buồn và nói: “Cô đang cố làm gì vậy, biến tất cả chúng tôi thành những kẻ ngốc? Hay cô đang cố trốn tránh nghĩa vụ làm mẹ để nhà nước chu cấp cho con trai mình? Cô là người phụ nữ có trái tim độc ác nhất mà tôi từng biết. Đồ ngu ngốc!"
Ngày 8 tháng 9 năm 1928, cảnh sát đưa Christine vào khu điều trị tâm thần tại Bệnh viện Đa khoa Quận Los Angeles.
Thế nhưng một chuyện không ngờ tới đã xảy ra. Khi người mẹ bị nhốt tại bệnh viện tâm thần, cậu bé đã khai thật với cảnh sát rằng mình thực sự không phải Walter Collins. Tên của cậu là Arthur Hutchins, trốn khỏi nhà cha và mẹ kế sau khi mẹ ruột qua đời. Khi đang đi nhờ xe vòng quanh nước Mỹ và tới một quán cà phê, nhiều người nói rằng cậu trông giống hệt một đứa bé mất tích ở Los Angeles. Trong đầu cậu bỗng nảy ra ý định mạo danh Walter để có thể miễn phí đến Hollywood và gặp một nam diễn viên cao bồi tên là Tom Mix. Vì cảnh sát nóng lòng muốn khép lại vụ án, họ đã điều tra qua loa và tin vào những gì Arthur nói.
Christine được thả khỏi bệnh viện tâm thần vào ngày 13 tháng 9 năm 1928, cảnh sát trưởng J.J. Jones đã bị đình chỉ công tác và phải đền bù 10.800 USD cho Christine.
Trong suốt quãng đời còn lại, Christine vẫn miệt mài tìm con trong vô vọng. Bà mất năm 75 tuổi, còn cậu bé Walter Collins chưa bao giờ được tìm thấy. Cảnh sát cho rằng cậu đã trở thành nạn nhân của vụ tấn công tình dục và phân xác của tên sát nhân khét tiếng Gordon Stewart Northcott. Tuy nhiên cho đến khi bị bắt, hắn chưa từng thừa nhận có liên quan đến Walter Collins.
Cậu chuyện khó tin này sau đó đã được dựng thành phim, với sự tham gia của nữ diễn viên đình đám Angelia Jolie vào vai người mẹ trong hành trình tìm con đầy xúc động và đau lòng.
Hạ Thiên
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/bi-an-vu-an-cau-be-mat-tich-chan-dong-nuoc-my-a18235.html