Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi đến đồng bào, cử tri lời chúc mừng tốt đẹp nhân dịp năm mới; lời chúc Giáng sinh an lành, hạnh phúc tới đồng bào Công giáo nói riêng.
Theo Thủ tướng, Vĩnh Thạnh là huyện tiêu biểu khi hội tụ 4 tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa hảo, Cao đài. Thủ tướng mong các tôn giáo luôn duy trì nếp sống "tốt đời, đẹp đạo". Các đồng bào làm tốt nhiệm vụ giáo dục con em lòng yêu nước, tạo điều kiện học tốt, sống trách nhiệm, khao khát cống hiến cho địa phương. Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Với ý kiến cử tri về đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng nhấn mạnh, con người là yếu tố xuyên suốt, trung tâm của sự phát triển, trong đó có nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, có đường lối, chính sách cho nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đại học, đào tạo nghề,... Trong bối cảnh mới, chúng ta đã đổi mới nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo nhân lực, lao động cho các lĩnh vực bán dẫn, chuyển đổi số, vận tải, nông nghiệp xanh,... Đơn cử, Bộ GD-ĐT đã được giao đào tạo 100.000 công nhân lành nghề chất lượng cao; giao Bộ KH-ĐT xây dựng đề án đào tạo 50.000 - 100.000 kỹ sư liên quan đến sản xuất chip bán dẫn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chia sẻ, TP.Cần Thơ triển khai KCN VSIP chậm hơn nhiều địa phương nên phải làm nhanh và tốt về đội ngũ lao động, xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư. Khó khăn về vật liệu cát cho các tuyến cao tốc, đường bộ thời gian qua cơ bản đã được xử lý…
Về giải pháp giúp nông dân tìm thị trường cho nông sản, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo TP.Cần Thơ tập trung nghiên cứu xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, phối hợp doanh nghiệp tìm đầu ra, kết nối ngân hàng hỗ trợ về vốn, xây dựng hợp tác xã, đẩy mạnh khoa học công nghệ để bảo vệ giá trị mặt hàng. Cụ thể, Về thị trường cho nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có gạo, tránh tình trạng "được mùa, mất giá", Thủ tướng nhấn mạnh một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng thương hiệu của các loại nông sản Việt Nam. Thủ tướng lấy ví dụ, vừa qua xây dựng tốt thương hiệu gạo ST25 đã 2 lần được vinh danh gạo ngon nhất thế giới. Bài học rút ra là phải xây dựng vùng nguyên liệu, tiếp tục triển khai bài bản, đồng bộ các công việc, như xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu, làm tốt công tác quy hoạch, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng, xây dựng các hợp tác xã để liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng chỉ dẫn địa lý, quan tâm bao bì, mẫu mã… Hướng phát triển là nông sản chất lượng cao, phát thải thấp. Cùng với đó, làm tốt công tác xúc tiến thương mại, phát huy các thị trường truyền thống và khai thác các thị trường mới.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thêm, đã đề nghị phía Trung Quốc ký kết ổn định mặt hàng nông sản có giá trị cao như tôm, cá, trái cây... Mặt hàng lúa gạo cũng đã có sự trao đổi, thúc đẩy đàm phán, ký kết hiệp định với Philippines, Indonesia; hiệp định thương mại tự do với các nước Trung Đông để khai thác thị trường thực phẩm Halal. Đây có thể xem là tiền để giúp nông dân yên tâm, mở rộng sản xuất nông nghiệp hơn trong thời gian tới.
Hoài Trinh