Theo phân tích của hãng thông tấn Reuters, tính tới năm 2023, các nhà sản xuất ô tô đang chuẩn bị đầu tư 1,2 nghìn tỷ USD cho tới năm 2030 để biến xe điện từ các sản phẩm cho thị trường ngách sang những mẫu xe dành cho đại chúng, trong đó nhiều xe có pin và phần mềm được phát triển riêng.
Khi năm 2023 dần kết thúc, các nhà sản xuất ô tô truyền thống cùng với Tesla , Rivian và các công ty khởi nghiệp xe điện khác đang hạn chế đầu tư và điều chỉnh lại chiến lược sản phẩm. Các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang kêu gọi những nhà hoạch định chính sách trợ giúp nhiều hơn để bù đắp vào khoản chi phí cao của quá trình chuyển đổi sang xe điện (bên cạnh những khoản trợ cấp đã sẵn có).
Nhu cầu của người tiêu dùng đối với xe điện đang tăng lên trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc áp dụng loại phương tiện này không diễn ra nhanh chóng hoặc mang lại lợi nhuận như các công ty trong ngành ô tô dự đoán, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.
Lãi suất cao đã đẩy nhiều xe điện ra khỏi tầm với của người tiêu dùng có thu nhập trung bình. Thiếu cơ sở hạ tầng sạc cũng là một yếu tố cản trở những người mua vốn đã quen với việc đổ đầy bình xăng chỉ trong vài phút.
Jeff Parent, COO của AutoNation, một chuỗi đại lý ô tô Hoa Kỳ cho biết: “Xe điện sẽ là tương lai của ngành kinh doanh ô tô chở khách”. Nhưng vì những lo ngại của người tiêu dùng về giá cả, ông cho rằng ba đến bốn năm tới sẽ là quãng thời gian khó khăn với những phương tiện chạy điện.
Các CEO trong ngành ô tô đang tăng cường chuẩn bị các kế hoạch phòng ngừa để sẵn sàng cho mục tiêu chuyển sang hoàn toàn sử dụng xe điện vào giữa thập kỷ tới.
“Chúng tôi sẽ điều chỉnh theo nhu cầu của khách hàng”, Giám đốc điều hành General Motors Mary Barra trả lời phỏng vấn Hiệp hội báo chí ô tô Detroit vào đầu tháng này khi được hỏi liệu GM có còn đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ đội xe sang ô tô điện vào năm 2035 hay không.
Trong khi đó, do sự thành công ban đầu của mẫu bán tải F-150 Lightning, hồi tháng 8 năm nay Ford đã bổ sung ca làm việc thứ ba tại khu phức hợp lắp ráp Rouge ở Dearborn, bang Michigan, nhằm tăng gấp ba lần tốc độ sản xuất xe bán tải chạy điện lên con số 150.000 xe mỗi năm.
Tuy nhiên, vào tháng 10, Ford đã phải hủy ca làm việc này, thừa nhận rằng nhu cầu với F-150 chạy điện là không đủ để duy trì tốc độ sản xuất như kế hoạch, dẫn đến khoảng 700 công nhân đã bị sa thải.
Thực tế, tại Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ - những thị trường ô tô điện chính - nhu cầu dành cho loại xe này vẫn tăng nhanh hơn so với các phương tiện khác nói chung.
Nghiên cứu của công ty AutoForecast Solutions cho thấy sản lượng xe điện toàn cầu đang trên đà tăng gấp ba lần vào năm 2030 lên mức 33,4 triệu xe, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng.
Theo phân tích của công ty JATO Dynamics, phần lớn sự tăng trưởng đó sẽ diễn ra ở Trung Quốc, nơi các khoản trợ cấp của chính phủ và cuộc chiến về giá do BYD và Tesla khởi xướng đang khiến xe điện có giá cả rẻ hơn so với xe xăng.
Mặt khác, ở Bắc Mỹ, sản lượng xe thuần điện có thể tăng gấp sáu lần lên gần 7 triệu xe vào năm 2030. Con số này tương đương với khoảng 40% thị phần dự kiến của Hoa Kỳ - nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Nhiều giám đốc điều hành ngành ô tô đang vận động Chính phủ Mỹ loại bỏ các quy định về khí thải vốn yêu cầu xe điện phải chiếm 2/3 doanh số bán xe mới của Hoa Kỳ vào năm 2032.
Các chuyên gia nêu lên hai mối lo ngại trong việc mở rộng thị trường xe điện, bao gồm: Khả năng chi trả và khả năng tiếp cận hệ thống sạc.
Ví dụ, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng sạc chậm đã buộc nhiều nhà sản xuất ô tô lớn phải thỏa thuận với Tesla để cho phép người dùng xe điện của họ sử dụng mạng lưới sạc Supercharger.
Mark Wakefield, đồng lãnh đạo bộ phận tư vấn ô tô của công ty AlixPartners, cho biết: “Việc các nhà sản xuất ô tô bắt tay với Tesla là một tín hiệu rõ ràng cho thấy họ đang nhận ra rằng nhu cầu mua xe bị kìm hãm bởi những lo ngại về vấn đề sạc pin”.
Trong khi đó, cụm từ "Khả năng chi trả" (Affordability) được dùng để chỉ khả năng thuyết phục của xe điện đối với người tiêu dùng phổ thông (có thu nhập trung bình), đủ để họ trả tiền mua một chiếc. Đây sẽ là mức chi phí cân bằng giữa giá bán và tỷ suất lợi nhuận.
Mặc dù về lý thuyết nghe có vẻ đơn giản nhưng đối với hầu hết các nhà sản xuất ô tô truyền thống, điều đó cho đến nay đã được chứng minh là không thể xảy ra.
Ngay cả Tesla, công ty vốn kiếm tiền từ xe điện, cũng buộc phải giảm giá để duy trì nhu cầu mua phương tiện ở Trung Quốc và Hoa Kỳ.