Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, địa phương đã giảm diện tích đất trồng lúa xuống còn khoảng 52.000 ha, mỗi năm đạt diện tích gieo trồng trên 129.000 ha, sản lượng từ 780.000 đến 800.000 tấn lúa hàng hóa; hình thành vùng chuyên canh rau màu trên 54.000 ha, sản lượng mỗi năm gần 1,2 triệu tấn rau màu các loại, vùng chuyên canh sầu riêng trên 20.000 ha, vùng chuyên canh thanh long khoảng 9.000 ha, vùng trồng mít trên 13.000 ha, vùng trồng dứa trên Đồng Tháp Mười khoảng 15.000 ha; tổng đàn lợn trên 300.000 con, đàn bò 122.000 con, đàn gia cầm 16,3 triệu con, đưa gần 15.000 ha mặt nước vào nuôi trồng thủy sản…
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, trước mắt, Tiền Giang sẽ cụ thể hóa các chỉ đạo nói trên vào các nội dung điều hành, chỉ đạo để tỉnh thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn trong năm 2024 gắn với phòng, chống hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai mùa khô 2023 - 2024. Đồng thời, về lâu dài tỉnh tiếp tục đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp vào đời sống để phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn một cách đồng bộ, hiệu quả mà nông dân là chủ thể được hưởng lợi một cách thỏa đáng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận những thành quả của tỉnh Tiền Giang trên lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn trong thời gian qua trên cơ sở phát huy các thế mạnh của mình là: quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, vùng cây công nghiệp, vùng trồng lúa chất lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn; thành tựu trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2025; việc phát triển sản phẩm và kết nối thị trường cho các sản phẩm OCOP; xây dựng phương án chủ động ứng phó hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống,…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý trong thời gian tới, địa phương quan tâm xây dựng nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy vai trò chủ thể của nông dân, củng cố chặt chẽ các mối quan hệ giữa liên kết với hợp tác và thị trường; giữa giảm chi phí sản xuất gắn với chế biến tinh và nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa khi tham gia thị trường. Bộ trưởng cho rằng, Tiền Giang cần có cách tiếp cận mới, nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể, tinh thần chủ động của nông dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, còn các yếu tố khác đóng vai trò mang tính bổ sung, ý nghĩa hỗ trợ mà thôi.
Từ đó, tỉnh quan tâm hơn nữa đến cấu trúc các ngành hàng trọng tâm trong nền nông nghiệp hàng hóa của địa phương: ngành hàng lúa gạo, ngành hàng cây ăn quả, ngành hàng chăn nuôi theo hướng bền vững trên cơ sở chuyển đổi tư duy từ phát triển chuỗi giá trị đơn ngành sang mục tiêu chuỗi giá trị kinh tế đa ngành, tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất vừa bảo vệ môi trường cũng như mang lại những lợi ích thiết thực chung cho cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, Tiền Giang cũng cần chú trọng phát triển nông nghiệp kết hợp với làm du lịch. Mô hình tích hợp này không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đồng thời, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quan tâm kết nối cùng các cơ quan khoa học nông nghiệp, các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu chuyển giao quy trình khoa học công nghệ trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng nông sản, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi sinh, môi trường vừa an toàn cho sức khỏe cộng đồng, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu sang các nước trên thế giới.
Hoài Trinh