Hôm qua, 21/12, Daihatsu - công ty con của tập đoàn Toyota - xác nhận sẽ tạm dừng các hoạt động vận chuyển ôtô sau khi bê bối về gian lận an toàn bị phanh phui.
Được biết, sự vụ lần này có liên quan đến tổng cộng 64 mẫu xe, trong đó có đến 20 mẫu xe được bán ra dưới thương hiệu Toyota.
Hồi tháng 4, Daihatsu từng thừa nhận gian lận khi tiến hành thử nghiệm an toàn va chạm sườn trên 88.000 ôtô con khác nhau.
Nguồn tin từ Reuters vào thời điểm đó cho biết số này bao gồm khoảng 76.000 xe Toyota Yaris Ativ (còn được biết đến với tên gọi Toyota Vios) dành riêng cho thị trường Thái Lan và Mexico, cùng với khoảng 11.800 xe Perodua Axias sản xuất tại nhà máy ở Malaysia.
Sau sự việc này, một hội đồng độc lập đã được thành lập và tiến hành điều tra, từ đó phát hiện rằng phạm vi của vụ bê bối lớn hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu.
Thông tin trên cũng khiến nhiều người Việt đang sử dụng các mẫu xe của Toyota "đứng ngồi không yên". Để bảo vệ quyền lợi cho người dùng, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM hướng dẫn một số vấn đề liên quan dưới đây.
Theo luật sư Võ Đan Mạch, căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
“Đồng thời, Điều 22 Luật bảo vệ người tiêu dùng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thu hồi và xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi và xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật”- luật sư nhấn mạnh.
Theo luật sư, trong trường hợp thu hồi sản phẩm, hàng hóa, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm sau đây:
Một là, kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.
Hai là, thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 5 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông với các nội dung sau: Mô tả hàng hóa phải thu hồi; Lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra; Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa; Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa; Các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa.
Ba là, thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi.
Bốn là, báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu hồi; trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương.
“Trong vụ việc lần này của Daihatsu, hiện tại Toyota Việt Nam vẫn chưa có thông báo chính thức nào. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình, trước hết, khách hàng nên theo dõi website của công ty hoặc liên hệ trực tiếp với các Đại lý Toyota để kịp thời nắm bắt thông tin về việc thu hồi xe. Sau khi có thông báo, khách hàng có thể mang xe đến Đại lý để tiến hành thay thế bộ phận không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật”- luật sư Mạch cho hay.
Luật sư Mạch cũng cho biết thêm, trường hợp Toyota Việt Nam không tiến hành các biện pháp cần thiết để triệu hồi và kịp thời thay thế thiết bị đảm bảo quy chuẩn đối với xe ô tô thuộc diện triệu hồi của khách hàng, căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật bảo vệ người tiêu dùng, khách hàng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.
Theo Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/nguoi-dung-viet-can-lam-gi-neu-xe-cua-minh-dinh-an-be-boi-toyota-daihatsu-a29019.html