Giúp người nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật
Theo bà Vũ Thị Hương- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong suốt những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt được nhiều kết quả tốt, tuy nhiên cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Thời kỳ đầu, trình độ canh tác của người nông dân còn lạc hậu, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi thấp, dẫn đến năng suất cây trồng, vật nuôi cũng thấp. Trong giai đoạn sau này, chịu tác động rất lớn của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, của tình trạng biến đổi khí hậu, giá cả vật tư đầu vào thường xuyên biến động tăng cao do phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, UBND TP, các cấp, các ngành của TP,.. công tác khuyến nông của Hà Nội đã đạt được một số kết quả nhất định. Hệ thống khuyến nông TP.Hà Nội không ngừng phát triển, lớn mạnh và trưởng thành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Các chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến nông đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ xóa đói giảm nghèo chuyển sang chú trọng sản xuất hàng hóa để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, mô hình khuyến nông ngày càng bám sát thực tế, không còn nặng về chuyển giao kỹ thuật mà chú trọng, kết hợp hài hòa các yếu tố từ sản xuất đến thị trường, tiêu thụ, liên kết 4 "nhà" (chuỗi liên kết giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông nhằm đảm bảo lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững). Vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm với định hướng phát triẻn sản xuất bền vững. Ngoài ra, các trạm khuyến nông phát huy tốt vai trò, tính chủ động trong công tác tham mưu UBND huyện; phối hợp với đơn vị liên quan trong hoạt động khuyến nông của đơn vị tại cơ sở; tận dụng được sự ủng hộ, hỗ trợ về chủ trương, kinh phí phát triển nông nghiệp của huyện về hoạt động khuyến nông.
Ngoài việc đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến nông, phát triển các hình thức hợp tác quốc tế, hợp tác công - tư để thu hút, huy động nguồn nhân lực, vật lực, kết hợp với kinh phí đầu tư ngân sách nhà nước cho các chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm; Khuyến nông Hà Nội còn tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nguồn lực nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; ưu tiên các hoạt động về kinh tế thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường; đào tạo huấn luyện khuyến nông có phạm vi ảnh hưởng, tác động rộng tới sản xuất.
Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với một số đơn vị tổ chức Hội thảo về Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất Nông nghiệp (Trình diễn Máy cấy không người lái và Thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân) trong sản xuất lúa vụ mùa năm 2023 tại huyện Phú Xuyên với sự tham gia của trên 180 đại biểu là nông dân tiêu biểu, cán bộ hợp tác xã, lãnh đạo địa phương.
Tổ chức 6 Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông tại huyện Thường Tín, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Mê Linh, Sóc Sơn. Tại đây, người sản xuất được các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia tư vấn, trao đổi những thông tin, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Qua đây nhiều câu hỏi của nông dân trên các lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y, nuôi trồng thủy sản, thông tin thị trường và các chính sách phát triển nông nghiệp,… đã được giải đáp.
Tổ chức Tọa đàm Khuyến nông với chủ để “Ứng dụng công nghệ số - chìa khóa mở cánh cửa nông nghiệp hiện đại” tại huyện Chương Mỹ, “Sản xuất xanh tiêu dùng xanh” tại huyện Sóc Sơn. Tại buổi tọa đàm các chuyên gia và ban cố vấn đã cùng nhau chia sẻ cách tiếp cận và áp dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất; giải pháp để nông dân có thể bắt nhịp với thời đại số.
Tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực về nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông các huyện, thị xã về: Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp; Nâng cao phương pháp khuyến nông và kỹ năng tiếp cận thị trường.
Thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm, hệ thống khuyến nông Hà Nội thực sự đã trở thành "cầu nối" chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho nông dân, mở ra cơ hội mới, tạo dựng giá trị bền vững cho nông nghiệp, nông dân; góp phần quan trọng vào sự thành công vào đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn TP.
Nhờ ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người nông dân không chỉ tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn có thể tiếp cận với nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững.
Chuyển đổi số trong công tác thông tin tuyên truyền các hoạt động khuyến nông
Không chỉ trong sản xuất, phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Chuyển đổi số còn được ứng dụng trong công tác Thông tin tuyên truyền: Nghiên cứu việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác thông tin và tuyên truyền về nông nghiệp nói chung và khuyến nông nói riêng bằng việc tạo lập và sử dụng kênh thông tin Zalo Official Account (Zalo OA) làm nhiệm vụ truyền thông chủ động, tiếp cận nhanh, hiệu quả giữa Trung tâm và người sản xuất nông nghiệp.
Trang Zalo OA của Trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ ngày 7/4/2023, tính đến nay đã đăng tải hàng trăm tin, bài viết tuyên truyền về các hoạt động khuyến nông, ngành nông nghiệp, chủ trương của Nhà nước, phòng tránh thiên tai,... chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút hàng trăm lượt quan tâm, hàng nghìn lượt xem trên trang từ người dân và cán bộ khuyến nông trên địa bàn thành phố..
Các chương trình tuyên truyền được đầu tư đa dạng về hình thức, cách thức và nội dung thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chuyên môn là các đơn vị trực thuộc Sở NN & PTNT và đơn vị truyền thông.
Vận dụng đa phương tiện truyền thông để quảng bá rộng rãi như trên Youtube, Zalo, các kênh thông tin đại chúng; chất lượng xây dựng video, diễn đàn trực tuyến được nâng cao. Đã tham mưu giúp Sở NN & PTNT xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền của ngành phù hợp yêu cầu thực tế cũng như sự chỉ đạo của UBND TP về phát triển xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Nâng cao nhận thức, trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân vào thực tiễn sản xuất.
Huyền Thao