Ca khúc “Cõng Chữ Về Bản” là một bản tình ca, ngợi ca sự hi sinh và tình yêu thương vô bờ bến của những người giáo viên từ miền xuôi, mang theo ánh sáng tri thức đến với vùng cao biên giới còn bộn bề khó khăn.
Bằng ngôn ngữ giản dị, ca từ trong sáng xuất phát từ tâm hồn của một người lính đã nhiều năm gắn bó với vùng cao biên giới, Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã khắc họa hành trình vượt qua muôn vàn dốc đá cheo leo, mưa chan nắng gắt của những thầy cô giáo miền xuôi. Ở đó, là bức tranh quê hương hùng vĩ của những bản làng vùng cao biên giới, nhưng cuộc sống vật chất và tinh thần còn khó khăn đủ bề. Nơi những em thơ và đồng bào đang ngày đêm mong ngóng ánh sáng tri thức đến từ những “giáo viên nhân dân” nơi miền xuôi “cõng chữ về bản” để xua đi sự u tối và giá lạnh trong tâm hồn.
Ở đó, những người giáo viên được tác giả mô tả như những người chiến binh trên mặt trận văn hóa. Với sức mạnh của tri thức, họ chính là những người ươm mầm xuân cho bản làng, gieo hạt giống tâm hồn cho cuộc đời thanh xuân đầy khát vọng. Hình ảnh "thương trang sách hồng" mở khoảng trời mơ ước là biểu tượng của tri thức, mang lại cơ hội và niềm hy vọng phơi phới cho những đứa trẻ của bản làng vùng cao, biên giới.
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ và Nhạc sỹ Phan Huy Hà cùng các tác giả xuất sắc tại Lễ trao giải thưởng âm nhạc Việt Nam năm 2023
Những nụ cười tươi xinh nở trên môi trẻ, là kết quả của những tháng ngày đầy gian khó, nhưng thấm đẫm bao tình người của thầy và trò nơi đây. Tri thức và tình yêu thương của những người “giáo viên nhân dân” đã làm hồi sinh sự sống nơi đây, cho đất nở hoa, cho những vụ mùa bội thu trong tương lai không xa.
Đặc biệt phần ca từ của ca khúc, Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ thật tinh tế khi sử dụng những hình ảnh ẩn dụ sâu kín để miên tả những tình cảm ấm áp đong đầy yêu thương của những thầy cô giáo giữa đại ngàn núi rừng heo hút.
Tác giả đã khéo léo so sánh những thầy cô giáo miền xuôi như những đóa hoa rừng, tỏa ngát sắc hương, và đàn em thơ như nắng vương sắc hồng, tạo nên một hình ảnh tươi sáng và đẹp đẽ về mối quan hệ giữa người giáo viên và học trò vùng cao, và cũng là tình yêu thương của họ dành cho tri thức và sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ và Nhạc sỹ Phan Huy Hà, sự đồng điệu hai tâm hồn nghệ sỹ
Đồng điệu với lời thơ sâu lắng của Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ, trong ca khúc này, Nhạc sỹ Phan Huy Hà cũng đã thăng hoa với giai điệu trữ tình mang âm sắc của Dân ca Mông đặc trưng để chấp cánh cho tác phẩm chạm tới triệu triệu trái tim người nghe.
Với ca khúc này, Nhạc sỹ Phan Huy Hà đã viết theo thể thức hai đoạn đơn, giọng thứ, tiết tấu nhanh vui tươi, tiết nhịp 2/4 dứt khoát, sử dụng âm hình tiết tấu giật kép trước, kép sau…tạo bức tranh âm nhạc sống động như miêu tả bước chân gập ghềnh trên sườn đồi, băng qua đồi chè và những thửa ruộng bậc thang giữa đại ngàn rừng núi.
Ở đoạn phát triển là những âm khu cao, sáng, giai điệu trong sáng, trữ tình pha chút mềm mại, uyển chuyển của âm sắc dân ca Mông khiến cho ca khúc trở nên dạt dào, mà không kém phần réo rắt đẩy cảm xúc lên cao trào mạnh mẽ. Với mạch cảm xúc và âm hình tiết tấu được giữ nguyên phần kết trở về âm chủ, ngân dài, tạo nên sự ấm áp, yêu thương và kết thúc bằng phần âm nhạc rộn ràng thắm thiết.
Có thể thấy trong ca khúc này, người nghe dễ dàng bắt gặp sự giao thoa giữa âm nhạc hiện đại với âm hưởng dân ca truyền thống, sự hòa quyện chặt chẽ giữa ca tư trong sáng, giản dị của Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ với âm giai tiết tấu trữ tình, khúc thức rõ ràng trong âm nhạc của Nhạc sỹ Phan Huy Hà... tất cả đã làm nên bản tình ca “Cõng Chữ Về Bản” ngợi ca những người giáo viên nhân dân đang ngày đêm hy sinh thanh xuân của mình để gieo những mùa Xuân bất tận nơi vùng cao biên giới, cho "Sắc Xuân Đất Việt" mãi mãi trường tồn, sắc hương lan tỏa.
Chính những điều đặc biệt này, giúp ca khúc “Cõng Chữ Về Bản” của Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ và Nhạc sỹ Phan Huy Hà đã vượt qua hàng trăm tác phẩm khác để xuất sắc giành Giải B - Giải thưởng Âm nhạc 2023 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam./.
Quyết Tuấn
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/cong-chu-ve-ban-ban-tinh-ca-ve-nguoi-di-gieo-mua-xuan-vung-cao-bien-gioi-bat-tan-a35349.html