Một giọng nữ trầm vốn đã sẵn những da diết, lại được luyện tôi bởi những nỗi đau của một kiếp người đa đoan khiến cho người nghe phải tự thắc mắc:” Chị hát cho khán giả hay hát cho trái tim mong manh của chính mình?”. Đó là Bích Ngọc.
Ca sĩ Bích Ngọc
Một đời đi hát. Nếu không hát thì cũng chẳng biết làm gì. Bích Ngọc ra album đầu tay ở tuổi không còn trẻ, lại là nhạc tình. Mùa thu trong mưa (tên một nhạc phẩm của nhạc sỹ Trường Sa) được chị lấy làm chủ đề cho album gồm 11 bản tình ca. Trong 11 bản ấy, có bản đêm đêm chị hát trên sân khấu phòng trà, có bản lần đầu tiên hát, nhưng bản nào cũng hay. Chị bảo chị chọn bài vì tính nhân văn, sự nhân bản trong tác phẩm. Tình yêu dù có buồn, có đớn đau nhưng không có chỗ cho những oán than giận hờn nhỏ nhen. Yêu là phải đẹp. Cầm tờ nhạc lên, việc đầu tiên Bích Ngọc làm là đọc lời hát. Đọc như đọc thơ vậy. Và phải tuyệt đối tôn trọng tác phẩm. Không được hát sai, dù chỉ một nốt, dù chỉ một từ.
“Tác giả đều là các nhạc sỹ gạo cội cả. Tuổi của tác phẩm còn hơn cả tuổi người hát. Mỗi nốt nhạc, mỗi lời ca đều là tim óc của người viết. Mình chẳng có lý do gì để sửa cả. Tôn trọng tác phẩm. Tìm hiểu kỹ tác phẩm đi. Làm đến tận cùng đã có bao nhiêu điều hay. Thể hiện cho hết những cai hay cái đẹp ấy đã hết sức mình rồi. Đừng có sửa chữa gì bài nhạc hết”. Nói Bích Ngọc hát một bài hát cũng như một lần yêu cũng không quá lời đâu. Đam mê và say đắm đã đành nhưng mà “ mình có sửa chữa được người đàn ông của đời mình đâu mà đòi sửa bản nhạc của tác giả?”
Có những đêm trên sân khấu phòng trà, chị hát ơ thờ như thể mình không còn là mình, mình đã hóa thành người tình phụ. Cũng có đêm cũng chính bài hát đó chị hát bằng tất cả khao khát yêu đương còn có thể có trong cuộc đời mình. Thành ra, một bài ấy thôi mà chẳng đêm nào giống đêm nào. Nhưng điều dễ thấy là chị luôn gần khán giả, gần đến mức dường như không còn sân khấu hay khán phòng nữa. Chị biến phòng trà thành một không gian âm nhạc mà ở đó người hát và người nghe cùng chia sẻ mọi cung bậc của cảm xúc. Sở dĩ chị làm được như vậy là bởi vì Bích Ngọc quan niệm: “Hát tình ca là phải hát bằng trải nghiệm của chính mình. Bắt chước là điều tối kị.”
Nghệ sĩ guitar Lê Quang Trung – người đã từng ra Bắc vào Nam với tiếng đàn của mình đã nâng cánh cho biết bao tiếng hát đêm đêm nhận xét: “Ô hay nhỉ! Có lẽ chỉ có một Bích Ngọc dùng kĩ thuật cộng minh để hát nhạc tình. Mà khán giả chấp nhận mới chết chứ.” Nói lại với chị, Bích Ngọc chỉ cười. Chị được đào tạo bài bản, chính quy về thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nên cái “màu kĩ thuật” là không thể giấu được trong giọng hát của chị. “Nhưng không phải học được cái gì thì bê nguyên cái đó ra mà hát. Phải tiết chế. Học cách tiết chế trong khi hát cũng khó không kém gì tiết chế cảm xúc khi yêu.” Bích Ngọc hát nhạc tình được khán giả yêu thương có lẽ là bởi chị xử lý được hai yếu tố “Êm” và “Căng” trong từng câu hát. Êm về âm thanh nhưng căng về cảm xúc. Kể như vậy chị đã dụng công rất khéo giọng nữ trầm và sâu thẳm của mình. Ngàn lần chị ra sân khấu là ngàn lần chị để cho cảm xúc dẫn dắt tiếng hát mình. Nhưng chưa bao giờ chị quên rằng chị đang hát bài gì và như vậy lý trí đã vẽ nên lối đi của cảm xúc trong giọng hát của Bích Ngọc.
Có một thực tế mà ta phải chấp nhận rằng không gian Internet đã khiến ta thay đổi thói quen nghe nhạc. Khi chỉ cần một cú click chuột, người nghe có thể chọn được bất cứ giai điệu nào mình muốn trên không gian mạng thì Bích Ngọc mới ra CD đầu tay. Có muộn màng quá không? Câu trả lời là không. Bích Ngọc nuông chiều những khán giả của mình, những khán giả vẫn còn nâng niu quá khứ đẹp như không có thật, những khán giả vẫn tự cho phép mình sống chậm khi đặt chiếc CD vào ổ đĩa và chờ những âm thanh vang lên. Như một duyên phận, như việc đủ nắng thì hoa sẽ nở, CD Mùa thu trong mưa với tiếng hát Bích Ngọc là một trường hợp như thế.
Nguyễn Hữu Chiến Thắng
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/ca-si-bich-ngoc-hat-cho-trai-tim-minh-a36262.html