Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ có tổng cộng 16 cây cầu vượt sông Hồng, tạo điều kiện thuận lợi kết nối liền mạch giữa các trung tâm kinh tế - chính trị; giữa các vùng địa phương và các đô thị vệ tinh.
Đáng chú ý, Hà Nội dự kiến khởi công 4 cây cầu vượt sông Hồng ngay trong năm 2024 gồm: Thượng Cát, Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở. Cả 4 cây cầu được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho phát triển của Thủ đô.
Cầu Thượng Cát có mức đầu tư dự kiến gần 8.300 tỷ đồng. Với thiết kế 8 làn xe, chiều dài 820m, chiều rộng 33m, cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
Cầu Thượng Cát tiếp nối tuyến đường Vành đai 3,5, kết nối các khu vực quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh. Công trình sẽ trở thành một yếu tố quan trọng để phát triển vùng Tây Bắc Thủ đô đang cần bổ sung hệ thống hạ tầng đô thị.
Hình ảnh cầu Thượng Cát qua một phương án thiết kế. Ảnh: Hội đồng Thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh tại lễ công bố, trao giải cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát ngày 25/1 rằng, Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát qua sông Hồng trên tuyến đường Vành đai 3,5 nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng cho biết, theo kế hoạch, Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu sẽ được khởi công vào dịp 10/10/2024 (kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô).
Dự án xây dựng Cầu Vân Phúc được triển khai từ quý I năm 2024 đến quý IV năm 2027, với tổng kinh phí là 3.444 tỷ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng ước tính 112 tỷ đồng, chi phí cho công trình xây dựng là 2.507 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 449 tỷ đồng và chi phí quản lý dự án là 376 tỷ đồng.
Cầu Vân Phúc sẽ được xây dựng bắc qua sông Hồng, nối với Quốc lộ 32 với một tuyến đường dẫn 7,7 km. Đầu cầu nằm ở điểm giao của Quốc lộ 32 thuộc xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ và điểm cuối cầu nằm tại ranh giới giữa TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc.
Ảnh minh họa được tạo bằng ứng dụng AI ChatGPT
Việc xây dựng cầu Vân Phúc sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông theo đúng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân, đồng thời là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Hà Nội và Vĩnh Phúc mà còn cho các tỉnh lân cận trong khu vực thủ đô và khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Cuối tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với phương án của UBND TP. Hà Nội về việc triển khai xây dựng cầu Mễ Sở bắc qua sông Hồng. Dự án này được thiết kế với chiều dài khoảng 13,8 km, rộng 17m và tổng kinh phí ước tính lên đến 4.881 tỷ đồng.
Khi hoàn thành, cầu Mễ Sở sẽ tạo ra một lộ trình mới từ trung tâm Hà Nội đến huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, thay thế cho lộ trình hiện tại qua cầu Thanh Trì và phà Mễ Sở.
Công trình này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, từ đó giảm bớt áp lực giao thông vận tải trong nội thành, giảm thiểu tình trạng ùn tắc.
Cầu Mễ Sở dự kiến được xây dựng cách trạm bơm Hồng Vân thuộc huyện Thường Tín khoảng 600m về hướng hạ lưu của sông Hồng. Về phía bên kia thuộc huyện Văn Giang, lối lên cầu sẽ đi qua khu vực của các xã Thắng Lợi và Mễ Sở, gần với tuyến đường dây điện 500kV.
Tổng chiều dài cầu và các đoạn đường dẫn khoảng 14km, với điểm xuất phát từ nút giao thông Quốc lộ 1A với đường vành đai 4 và kết thúc tại điểm nối giữa vành đai 4 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Ảnh minh họa được tạo bằng ứng dụng AI ChatGPT
Cầu Hồng Hà dự kiến giao cắt với đường Hồng Hà, đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa Trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai, thuộc xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) nối với xã Văn Khê (huyện Mê Linh).
Cầu Hồng Hà dài 6 km, tổng mức đầu tư ước khoảng 9.800 tỉ đồng. Ban đầu, cây cầu có lộ trình triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020.
Sau khi hình thành, cây cầu này sẽ là một phần quan trọng để kết nối giao thông đi lại từ Đan Phượng tới Mê Linh, giảm tải trực tiếp mật độ giao thông qua lại trên cầu Thăng Long hiện nay và cầu Thượng Cát trong tương lai gần. Cầu Hồng Hà là một trong những mắt xích quan trọng trong tuyến đường Vành đai 4 Hà Nội.
Thu Hà
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/lan-dau-tien-ha-noi-dong-loat-xay-dung-4-cay-cau-tri-gia-hon-26000-ty-trong-mot-nam-a37073.html