Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước chính lâu nay vẫn là nước mặt thuộc lưu vực các sông của sông Đồng Nai và sông Krông Nô. Nếu không tính đến thủy điện, thì các giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt chủ yếu để cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản.
Tính đến hết tháng 12/2023, trên địa bàn tỉnh có 201 công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước. Riêng ngành thủy lợi có 444 công trình, trong đó có 230 hồ chứa, 79 đập dâng, 13 cống dâng, 19 trạm bơm, 91 đập tạm; 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.300 km kênh mương chủ động cấp nước tưới cho khoảng 50.004 ha đất canh tác.
Đồng thời, về tình hình cấp nước đô thị và nông thôn, theo ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thống kê số lượng hệ thống cấp nước khu vực đô thị là 19 hệ thống. Tổng công suất thiết kế là 120.820 m3/ngày đêm và tổng công suất khai thác là 88.440 m3/ngày đêm. Ngoài việc cung cấp nước cho các đô thị hệ thống cấp nước tại một số đô thị đang dẫn nguồn cung cấp cho một số khu vực dân cư nông thôn liền kề như hệ thống cấp nước các huyện: Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lộc... Nguồn khai thác nước cung cấp cho các nhà máy là từ các hệ thống hồ và khai thác nước dưới đất; tỷ lệ khai thác nước mặt 65%, nước ngầm 35%.
Song song đó, tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là 76%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân tại khu vực đô thị là 19,57%. Số lượng hệ thống cấp nước khu vực đô thị được lập kế hoạch cấp nước an toàn trên tổng các hệ thống cấp nước đô thị của toàn tỉnh là 11/19 hệ thống.
Theo đánh giá từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2023, tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%). Nguyên nhân do nguồn lực đầu tư cho ngành cấp nước còn hạn chế, công suất khai thác nước thực tế còn thấp hơn rất nhiều so với năng lực thiết kế nhất là đối với các hệ thống công trình thủy lợi cấp nước cho nông nghiệp gây lãng phí tài nguyên nước. Ý thức của các đơn vị khai thác, sử dụng nước trong bảo vệ tài nguyên nước, chống thất thoát, lãng phí chưa cao, chưa có nhiều đơn vị áp dụng các biện pháp tái sử dụng, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc quản lý nguồn nước mặt, nước dưới đất, quản lý chất lượng nước thải từ đô thị và khu công nghiệp chưa qua xử lý đổ ra nguồn tiếp nhận, nhất là việc quản lý chất thải rắn, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước của tỉnh nhất là nguồn nước mặt.
Để tăng cường công tác đảm bảo tài nguyên nước, ứng phó với khô hạn kéo dài, UBND tỉnh Lâm Đồng ngay từ cuối năm 2023 đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, nắm bắt tình hình sản xuất để chủ động trong công tác phòng, chống hạn hán; tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước; có những phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn tập trung...
Ngoài ra về giải pháp lâu dài, Lâm Đồng đã và đang triển khai các giải pháp cải tạo, xây dựng các công trình thu giữ, tích trữ nước, nạo vét lòng hồ tạo nguồn nước của các hồ chứa; lập hành lang bảo vệ nguồn nước, khoanh định vùng bảo hộ vệ sinh, vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch và xây dựng hệ thống hồ, đập thuỷ lợi, thuỷ điện, các khu công nghiệp… đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Hoài Trinh
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/lam-dong-dam-bao-tai-nguyen-nuoc-ung-pho-tot-voi-kho-han-keo-dai-a38605.html