Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) vừa xác định được 6 trường hợp hành vi gian lận thử nghiệm kiểm tra an toàn xe.
Theo báo cáo của Toyota Motor toàn cầu, các sai phạm lần này liên quan đến thử nghiệm an toàn túi khí và động cơ.
Gian lận về túi khí (2014 - 2015): Toyota đã thay thế phương pháp thử nghiệm túi khí trên các mẫu xe Toyota Crown và Isis. Thay vì thử nghiệm va chạm trực tiếp, Toyota đã sử dụng phương án "hẹn giờ cho túi khí bung".
Gian lận kiểm tra va chạm (2015): Trong quá trình phát triển mẫu xe Toyota Corolla, Toyota đã thử nghiệm góc va đập 65 độ thay vì 50 độ như quy định.
Gian lận dữ liệu va chạm (2014 - 2015): Trong phát triển các mẫu Corolla, Sienta và Crown, Toyota đã sử dụng dữ liệu ngược lại cho các điểm đo bên trái và bên phải và dữ liệu từ một bên va chạm cho cả hai bên.
Gian lận kiểm tra rò rỉ nhiên liệu (2014 - 2015): Trong thử nghiệm mẫu xe Crown và Sienta, Toyota đã sử dụng xe đẩy giả lập có trọng lượng 1.800kg, nặng hơn tiêu chuẩn quy định là 1.100kg.
Gian lận kiểm tra hư hỏng hàng ghế sau (2020): Trong phát triển mẫu Yaris Cross, Toyota đã thêm hàng hóa nhiều hơn so với quy định để kiểm tra hư hỏng hàng ghế sau do va chạm.
Gian lận hiệu suất động cơ (2015): Trong phát triển động cơ cho mẫu Lexus RX, khi không đạt kết quả mong muốn, Toyota đã điều chỉnh bộ điều khiển máy tính và sử dụng dữ liệu thử nghiệm giả mạo.
Những phát hiện mới này giáng một đòn nặng nề vào danh tiếng về chất lượng xe của Toyota, nhất là khi Toyota được đánh giá là thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu năm 2023. Đồng thời Lexus được vinh danh là thương hiệu xe hạng sang được tin cậy nhất năm 2024.
Chủ tịch Toyota Akio Toyoda trong cuộc họp báo ngày 3/6 đã phải cúi đầu xin lỗi và phát biểu: “Tôi không nghĩ có thể loại bỏ hoàn toàn những bất thường. Nhưng khi những sai lầm này xảy ra, điều chúng ta cần làm là dừng lại và sửa chữa điều đó”.
Không chỉ Toyota, các hãng xe khác như Honda và Mazda cũng bị phanh phui gian lận kiểm tra an toàn xe.
Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản phát hiện Honda đã sử dụng trọng lượng mẫu xe thử nghiệm vượt giới hạn hợp pháp và chỉnh sửa kết quả thử nghiệm mô-men xoắn, công suất.
Trong khi đó, Mazda bị phát hiện sử dụng thiết bị bên ngoài để điều chỉnh thời gian bung túi khí trong va chạm.
Những vụ bê bối này không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng của các hãng xe Nhật Bản mà còn gây ra cuộc khủng hoảng niềm tin trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Toyota và các hãng xe khác sẽ phải nỗ lực rất nhiều để khôi phục niềm tin từ người tiêu dùng và đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn trong tương lai.
Mai Hương
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/gian-lan-an-toan-tren-xe-toyota-dien-ra-nhu-the-nao-a53774.html