Mở rộng các chế tài xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH

Thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục hiến kế các giải pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi tham gia BHXH.

Cần có chế tài hình sự riêng đối với trốn đóng BHXH

Tại Kỳ họp thứ Sáu, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Chính phủ trình đã mở rộng các chế tài xử lý so với hiện hành như: ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh, quy định về khởi kiện, khởi tố đối với người sử dụng lao động chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH nhằm khắc phục tình trạng nhiều người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH nhưng không có chế tài xử lý và vướng mắc trong khởi tố để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, Điều 36 dự thảo Luật đã phân định rõ hai hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, tại Điều 37 dự thảo Luật quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc thì đóng chậm hay trốn đóng đều xử lý vi phạm như nhau. Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung biện pháp xử lý đối với hai hành vi vi phạm này cho phù hợp. Đồng thời, cần quy định rõ thời gian chậm đóng bao lâu sẽ được xem là trốn đóng BHXH.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, không cần phân biệt thế nào là chậm đóng BHXH, thế nào là trốn đóng BHXH mà chỉ cần quy định khái niệm chậm đóng bảo hiểm bao nhiêu lâu, bao nhiêu lần, đồng thời quy định chế tài về hành chính, kinh tế… để xử lý vi phạm chậm đóng BHXH theo số lần vi phạm. Đối với trốn đóng bảo hiểm, đại biểu đề nghị, nên được xây dựng thành quy định tội phạm mới bổ sung vào Bộ luật Hình sự (như tội trốn thuế) và có chế tài hình sự riêng. “Có như vậy mới xử lý đúng, trúng, nhanh, phù hợp với từng mức độ vi phạm trong trách nhiệm đóng BHXH”, đại biểu nói.

ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, việc mở rộng các chế tài xử lý như Chính phủ trình là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Để tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm chậm đóng, trốn đóng BHXH, đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động, đại biểu đề nghị bổ sung các chế tài: không được đấu thầu, thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị bằng nguồn vốn của Nhà nước; không được tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi; không được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ đào tạo cho người lao động…

dbqh-nguyen-thi-suu-thua-thien-hue-phat-bieu-1723099939.jpg

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Tỉnh Thừa Thiên Huế) phát biểu. Ảnh: Internet

 

Góp ý vào nội dung về hành vi bị nghiêm cấm quy định ở khoản 2, điều 8 dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm chiếm dụng đối với cả tiền đóng và tiền hưởng BHXH, bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi chiếm dụng loại hình bảo hiểm thất nghiệp bởi thực tế có những doanh nghiệp vẫn trích, trừ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương trong khi doanh nghiệp lại chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế diễn ra khá phổ biến.

Cùng với đó, cần nghiên cứu bổ sung một khoản tại Điều 34 dự thảo Luật quy định: cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp căn cứ thông tin tình hình đăng ký, đóng BHXH cho người lao động do cơ quan BHXH chuyển đến để thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, nhằm quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng, đồng thời, tạo cơ chế kiểm soát hoàn chỉnh của các loại hình bảo hiểm.

Về các biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng BHXH bắt buộc tại Điều 39 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị, bổ sung khoản 5 vào Điều 39 quy định về việc không xét tham dự đấu thầu các công trình, dự án do ngân sách nhà nước làm chủ đầu tư đối với các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH kéo dài, để các đơn vị sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật do nhà nước quy định; đồng thời, bổ sung sau khoản 2 Điều 39 về xử lý hành chính, theo hướng: truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Lý lẽ, theo đại biểu, Điều 216 Bộ luật Hình sự đã quy định tội danh chậm đóng BHXH nhưng trong Luật BHXH hiện nay chưa có quy định về việc xử lý hình sự đối với tội danh chậm đóng BHXH của chủ sử dụng lao động.

Rà soát từng trường hợp, điều kiện cụ thể để đưa ra giải pháp phù hợp

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, giúp người lao động được ghi nhận thời gian tham gia BHXH và hưởng các chế độ BHXH theo quy định, góp phần giải quyết một phần khó khăn, vướng mắc thực tế nhiều năm qua, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung Điều 41 quy định cơ chế có tính chất “đặc thù” để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động.

Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ Sáu, có ý kiến còn băn khoăn đây là nội dung chính sách mới, liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người lao động nên cần được nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, rà soát từng trường hợp, điều kiện cụ thể để đưa ra giải pháp phù hợp; quy định như dự thảo luật mới xác định cụ thể một số trường hợp để tạm thời xác nhận hoặc xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH cho người lao động mà chưa đề cập giải pháp xử lý trong những trường hợp cần thiết khác (trường hợp sau khi chia, hợp nhất, sáp nhập... người sử dụng lao động mới thực hiện toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ thanh toán nợ BHXH thay cho người sử dụng lao động cũ; trường hợp người sử dụng lao động đã trừ tiền lương của người lao động để đóng BHXH nhưng vẫn chậm đóng, trốn đóng mà không thu hồi được...) dẫn đến thiệt thòi cho người lao động. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, chưa nên quy định ngay trong luật, nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước, nếu xét thấy cần thiết thì thực hiện thí điểm để giải quyết các tình huống cấp bách, bảo đảm quyền lợi của người lao động và phù hợp với điều kiện thực tế.

Cho ý kiến về nội dung này, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nhận thấy, quy định tại Điều 41 dự thảo Luật đã cơ bản cụ thể, rõ quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu còn trăn trở về trường hợp có những doanh nghiệp khi giải thể, phá sản, đẩy người lao động lâm vào cảnh khó khăn. Trong khi đó, quy trình, điều kiện để người lao động hưởng các quyền lợi từ BHXH chặt chẽ và phức tạp, người lao động không được ưu tiên chi trả.

Đại biểu cũng nêu thực tế, có những doanh nghiệp sau khi bị phá sản, bán tài sản đấu giá nhưng số tiền thu về không đủ để chi trả các sổ BHXH cho người lao động, buộc người lao động phải theo đuổi kiện cáo rất dài mà kết quả là vẫn không đòi được quyền lợi.

Bên cạnh đó, trên thực tế cũng xảy ra những trường hợp người lao động chẳng may gặp tai nạn hoặc đột tử. Những trường hợp này chỉ được hưởng chế độ tử tuất và không thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định trong dự thảo luật do không chết bởi tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp. Nêu thực tế này, đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng lưu ý, trong số những trường hợp này, nhiều người có thời gian đóng BHXH rất lâu năm và nhiều người cũng là trụ cột gia đình, việc họ ra đi đột ngột gây ra gánh nặng về tài chính cho gia đình.

Nêu một số trường hợp trên, đại biểu Lý Tiết Hạnh bày tỏ mong muốn, dự thảo luật cần có thêm những cơ chế đặc thù hoặc phương án hợp lý, hợp tình đối với các trường hợp này, nhằm vừa bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng của BHXH, vừa bảo đảm quyền lợi tối đa cho người lao động.

Công Nguyên

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/mo-rong-cac-che-tai-xu-ly-cham-dong-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-a56798.html