Vào năm 2005, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng với Tây Nguyên mà còn với cả đất nước Việt Nam.
Đi cùng với đó cũng là trọng trách to lớn được đặt ra cho không chỉ những người làm công tác văn hóa mà với mọi cá nhân trong cộng động về việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của di sản phi vật thể này.
Như nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo khác của vùng văn hóa trù phú Tây Nguyên, cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước những thách thức lớn trong việc bảo tồn những giá trị nguyên bản, truyền thống cũng như việc phát việc phát huy giá trị văn hóa trong thời đại đổi mới, hiện đại.
Giá trị truyền thống trong từng nhịp âm vang
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên có mặt ở khắp 5 tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và được thực hành bởi các cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở đây như: Ba Na, Xơ Đăng, Giarai, Êđê, Mnông, Cơho, Mạ…
Với những người con của núi rừng Tây Nguyên, cồng chiêng là vật thiêng, là sợi dây giao thức nối liền con người với thần linh. Từng tiếng cồng chiêng vang lên là mỗi ước nguyện được gửi gắm, những tâm tư được tỏ bày với những vị thần linh thiêng.
Cồng chiêng thường gắn liền với những nghi lễ của cộng đồng người Tây Nguyên, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên những trang sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống nơi đại ngàn nắng gió này. Cồng chiêng là một phần trong đời sống của người Tây Nguyên và trở thành một trong những biểu tượng văn hóa không thể tách rời với họ.
Việc thực hiện công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống nói chung và không gian văn hóa cồng chiêng nói riêng đã được các địa phương ở Tây Nguyên thực hiện một cách quyết liệt trong những năm vừa qua. Nhiều đề án đã được triển khai, các lễ hội văn hóa cũng được tổ chức nhằm tăng cơ hội thực hành văn hóa truyền thống cũng như qua đó khơi dậy trong mỗi con người Tây Nguyên tình yêu với văn hóa truyền thống, lòng tự hào với cộng đồng dân tộc mình.
Thử thách trong thời đại mới
Dù nhiều hoạt động được triển khai với những kết quả khả quan là vậy, nhưng công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống cồng chiêng Tây Nguyên vẫn gặp không ít thử thách. Những khó khăn đến từ nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan làm cho bài toán bảo tồn và phát triển cồng chiêng càng thêm phức tạp và khó thực hiện.
Đầu tiên chính là sự phát triển bê tông hóa Tây Nguyên. Những cánh rừng bị chặt phá, người dân bỏ rừng, bỏ những nhà rông, nhà dài để xây nhà bê tông. Không gian văn hóa quen thuộc của người Tây Nguyên giờ đây biến mất làm cho cồng chiêng không còn chỗ để diễn xướng. Nếu trước đây tiếng cồng chiêng vang vọng trong mọi dịp lễ hội lớn nhỏ của buôn làng thì giờ đây chỉ những dịp lễ hội thật lớn hay phải chờ đến những cuộc thi được chính quyền địa phương tổ chức tiếng cồng mới được dịp ngân vang.
Dù có nhiều đội văn nghệ dân gian được thành lập nhưng không thu hút được nhiều nghệ nhân giỏi cũng như khích lệ thế hệ trẻ tham gia bởi chính sách, chế độ đãi ngộ chưa hợp lý chưa đủ để những người nghệ nhân dành trọn tâm huyết cho một chương trình dài hơi mang tên bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng.
Người dân vì sinh nhai cũng như sự thiếu hiểu biết về giá trị văn hóa truyền thống của cồng chiêng mà có việc mua bán, trao đổi dẫn tới tình trạng “chảy máu cồng chiêng” từng một thời nhức nhối. Cùng với đó là công tác quản lý có chỗ lỏng lẻo, không quan tâm đúng mực dẫn đến cồng chiêng bị trộm, hỏng hóc.
Cũng vì sự khó khăn về kinh tế mà nhiều người trẻ phải rời bỏ quê hương bản xứ để đi làm ăn xa, không có cơ hội được tiếp xúc thực hành di sản dẫn đến việc di sản càng ngày càng mai một. Trong khi đó những nghệ nhân lớn tuổi người có sự hiểu biết thì dần mất đi do sức khỏe, tuổi tác.
Dù là cái nôi của cồng chiêng nhưng năm tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa có người biết đúc chiêng, số lượng chiêng đều do mua bán, trao đổi với nơi khác mà có. Sự thụ động này gây cản trở lớn trong việc tăng cơ hội thực hành di sản cũng như cho lớp trẻ cơ hội được tiếp xúc với cồng chiêng.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một bài toán khó và dài hơi dưới sự chỉ đạo của các cơ quan nhà nước và sự chung tay thực hiện của tất cả mọi người trong đó cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đóng vai trò then chốt.
Trước hết là việc đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa cồng chiêng trên các phương tiện truyền thông. Thời đại công nghệ 4.0 truyền thông đa phương tiện giúp tiếp cận được với nhiều người trẻ từ đó đạo sự tò mò, kích thích tìm hiểu cũng như giúp khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống của những bạn trẻ Tây Nguyên.
Đưa cồng chiêng vào trong chương trình giáo dục để tuyên truyền từ sớm cho các thế hệ học sinh. Trang bị cho các em những kiến thức, cái nhìn nhận đúng đắn về văn hóa truyền thống, những giá trị to lớn của cồng chiêng với dân tộc, quê hương mình.
Gắn cồng chiêng Tây Nguyên với hoạt động du lịch cộng đồng là cơ hội để các nghệ nhân được thực hành di sản cũng đồng thời là phương cách tăng nguồn thu nhập cho chính các nghệ nhân. Từ đấy tạo ra mối quan hệ cộng sinh sâu sắc giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cồng chiêng Tây Nguyên.
Đi cùng với đó là việc tạo công ăn, việc làm bằng những dự án, nhà máy để người trẻ Tây Nguyên không phải đi làm ăn xa quê hương. Ở với quê hương họ mới có cơ hội được tiếp xúc, được thực hành di sản cồng chiêng Tây Nguyên từ đó mà di sản mới được duy trì và tiếp nối cho những thế hệ tiếp theo.
Chặng đường bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sẽ còn rất dài với nhiều những nỗ lực hơn nữa. Tuy nhiên với những gì đã và đang làm chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai tương sáng và tin rằng tiếng cồng chiêng sẽ vang mãi nơi đại ngàn nắng gió Tây Nguyên./.
Lê Trung
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/de-tieng-cong-chieng-vang-mai-tren-dai-ngan-tay-nguyen-a56971.html