Chung sức xây dựng chi bộ thôn làng vững mạnh
Trước thực trạng một số chi bộ thôn làng vùng biên giới năng lực lãnh đạo và tính chiến đấu trong sinh hoạt, công tác chưa cao, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn có lúc phức tạp, thậm chí có cả những “điểm nóng”, nạn lén lút vượt biên, buôn lậu vẫn còn… Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã chủ trương phối hợp với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tăng cường, bố trí cán bộ, đảng viên biên phòng về tham gia cấp ủy và sinh hoạt với các chi bộ thôn, làng. Đây là một trong những biện pháp sát đúng và rất thiết thực để nâng cao chất lượng sinh hoạt tại các chi bộ và thắt chặt mối quan hệ đoàn kết giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với nhân dân trên địa bàn.
Đại tá Nguyễn Văn Nghị - Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Gia Lai cho biết: Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ đơn vị được tăng cường cho các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa giữ chức vụ phó bí thư Đảng ủy xã và các đảng viên sinh hoạt ở các chi bộ thôn, làng đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, luôn nhiệt tình, tâm huyết trong công tác. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực từ cơ sở, từng bước giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng địa bàn ngày càng vững mạnh.
Có thể khẳng định, thành tựu nổi bật nhất của BĐBP tỉnh Gia Lai trong những năm qua là công tác giúp các xã biên giới xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và an sinh xã hội. Hiện nay, BĐBP tỉnh có 1 đồng chí là Tỉnh ủy viên, 11 cán bộ tham gia HĐND huyện, xã biên giới; 7 cán bộ tăng cường giữ chức phó bí thư Đảng ủy 7 xã biên giới; 49 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 49 chi bộ thôn, làng, 194 đảng viên phụ trách 912 hộ trên khu vực biên giới.
Sau cơn mưa, đất trời vùng biên giới như chạm vào nhau mát lạnh, những vườn cà phê sai trĩu quả, những cánh rừng cao su xanh mướt ngút ngàn trong tầm mắt, bình yên và thân thiện.
Gặp và trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Thị Khánh Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, cho biết: Đảng ủy xã có 9 chi bộ, 147 đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ, Trung tá Đàm Tuấn, cán bộ biên phòng được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy; ở 4 thôn làng cũng có 4 đồng chí về tham gia sinh hoạt chi bộ. Trong sinh hoạt, công tác, họ đã phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, đi đầu trong các phong trào tại địa phương, trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần quan trọng làm cho cuộc sống, diện mạo ở các vùng, làng dân tộc thiểu số (DTTS) có sự đổi thay rõ rệt và xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Trên địa bàn không còn người vượt biên trái phép, không có nạn trộm cắp và các hủ tục lạc hậu, đặc biệt cái gọi là “Tin lành Đê ga” đã được người dân loại ra khỏi đời sống xã hội.
Cán bộ đảng viên BĐBP về sinh hoạt chi bộ thôn làng DTTS, không chỉ hỗ trợ mà còn cùng cấp ủy bàn bạc, thảo luận đưa ra những chủ trương, giải pháp lãnh đạo sát thực tế, phù hợp với tình hình địa phương. Trong sinh hoạt dân chủ bàn bạc, tôn trọng ý kiến đảng viên, đi sâu vào những vấn đề cần tháo gỡ như: Tranh chấp đất đai, của hồi môn, vi phạm pháp luật… Qua đó, không những đề ra các nghị quyết sát, đúng thực tế, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, mà họ còn dành nhiều thời gian bám dân, bám làng, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, giúp đỡ các hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bỏ các hủ tục, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Đồng chí Ksor Yêk, Bí thư Chi bộ làng Chan, xã Ia Pnôn bộc bạch, từ khi có đảng viên là cán bộ của BĐBP tham gia sinh hoạt chi bộ, chất lượng các cuộc họp được nâng lên, những vấn đề bức xúc được phân tích, làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp tháo gỡ, sau đó các nội dung này được đưa vào nghị quyết để thực hiện rất hiệu quả. Phát huy tính học tập và noi theo, nên các đảng viên đều gương mẫu đi đầu thực hiện các phong trào, mô hình giúp dân thoát nghèo, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", “tham gia bảo vệ biên giới”... nên hiệu quả đem lại khả thi. Đến nay 100% hộ dân đăng ký tham gia bảo vệ biên giới và thực hiện nếp sống mới, loại bỏ tập tục lạc hậu. Nhiều gia đình tự lực vươn lên, mạnh dạn thay đổi cách làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện và năng lực. Đến nay, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên có tích lũy, trở thành hộ khá, hộ giàu.
Điểm tựa vùng biên
Vùng biên giới đang khởi sắc từng ngày, những vùng chiến địa ngày xưa khốc liệt, đất đai hoang hóa bạc màu, những ngôi nhà tranh trong các thôn làng xác xơ, hoang hoác, vụ mùa thu hoạch đã xong nhưng nhiều chòi lúa lép kẹp, dân cư thưa thớt, người dân ra đường sợ bất an… thế mà nay trải dài trong tầm mắt một màu xanh cây trái, cơ sở hạ tầng hội đủ, thôn làng sầm uất, nhiều ngôi nhà lầu, nhà mái Thái cao to và đẹp, bà con đi lại giao thương hàng hóa tự do, đời sống của bà con đồng bào các dân tộc ổn định, phát triển.
Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ - Tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết: “Trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động Binh đoàn 15 đã gắn bó với địa bàn dân cư vùng biên giới và đã góp phần không nhỏ tạo nên sắc diện mới cho vùng nông thôn biên giới vốn bao năm, bao đời đối diện với cảnh đói nghèo, dân trí lạc hậu, thay vào đó là cuộc sống ngày càng ấm no, bình đẳng và hạnh phúc. Có bộ đội Binh đoàn 15 hướng dẫn, động viên, tiếp sức, cùng với phương châm “cầm tay chỉ việc”, người Jrai, Mường,Thái… trên địa bàn đã thay đổi phương thức canh tác cây trồng, thời gian lao động, biết trồng cây công nghiệp, chăm bón, khai thác, chế biến… nên nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu và trở thành những “tỷ phú chân đất”, điều mà trước đây với đồng bào DTTS ở đây chỉ là mơ ước”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đến nay Binh đoàn 15 đã cùng với địa phương xây dựng hệ thống lưới điện cao thế, trạm biến áp đến các buôn làng; sửa chữa hơn 1.000km đường giao thông liên thôn, liên xã; 8 trường tiểu học và THCS với 93 phòng học, 10 trường mầm non với 130 điểm trường, nuôi dạy hơn 5000 cháu. Đầu tư sản xuất tạo việc làm, thu nhập gần 7.400.000 đồng/người/tháng cho gần 16.000 lao động (với gần 9.000 lao động người DTTS); hỗ trợ, giúp đỡ hàng ngàn hộ thoát nghèo (năm 2023: giúp 182 hộ phấn đấu thoát nghèo); đã tặng hàng trăm còn bò giống cho hộ gia đình khó khăn, xây dựng bàn giao hàng ngàn ngôi nhà đại đoàn kết, tình nghĩa.
Cùng với đó, Binh đoàn còn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh (tham gia xây dựng 31 xã đồng bào dân tộc, 15 xã đồng bào tôn giáo, 197 chi bộ, 85 tổ chức chính trị, xã hội). Triển khai cho các công ty, đơn vị kết nghĩa với 37 xã; 174 đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng; 4.020 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.020 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Siu Quí, già làng Tung, xã Ia Nam, huyện Đức Cơ chia sẻ: Cách đây khoảng 10 năm, đời sống của người dân xã Ia Nan nói chung, làng Tung nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói, nghèo chiếm hơn 90%. Hậu quả của nghèo, đói vừa là nguyên nhân để một số gia đình đi theo cái gọi là “Tin lành Đê ga”, chặt cây phá rừng, đào đãi vàng và vượt biên trái phép, vừa phát sinh các tệ nạn xã hội như trộm cắp, di cư tự do... xảy ra trên địa bàn. Ðang loay hoay tìm lối thoát nghèo, thì dân làng chúng tôi được bộ đội Binh đoàn 15 đến tiếp sức. Bộ đội vừa tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo mô hình VAC, vừa tuyển dụng con em địa phương vào làm công nhân, đặc biệt Công ty 72 (Binh đoàn 15) đã khai hoang gần 16 ha đất, tiến hành trồng lúa nước, rồi trao cho bà con. Ðây thật sự là "chiếc cần câu", để giúp người dân làng Tung và một số vùng lân cận phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh trật tự vùng biên giới. Hiện nay, làng không còn hộ đói, khoảng 30% số hộ trung bình khá, số còn lại là hộ khá và hộ giàu…”.
Đến Ia Chía, huyện Ia Grai đã hơn 10 giờ, gặp chúng tôi ông Pui Doanh, già làng Com Yố cho biết: “Cái mới nhất và thành công nhất của người Jrai mình ở vùng biên giới hiện nay là bà con không những biết trồng, chăm sóc, thu hoạch cao su, cà phê, hồ tiêu… mà đã thay đổi được phương thức canh tác sản xuất, thời gian lao động. Từ “chặt, đốt, chọc, tỉa”, du canh, du cư, họ đã chuyển sang nhận khoán vườn cây, cày xới đất làm vườn, chọn cây giống, bón phân, để tăng năng suất, tăng thu nhập. Nếu trước đây họ lên nương từ 8 giờ, đến 15 giờ về, có tiền thì tụ tập ăn nhậu, tối không dám ra đường vì sợ “con ma”, thì nay người lao động đã đi cạo cao su từ 2-3 giờ sáng; tiền thu được từ sản phẩm bà con đã biết đầu tư cho sản xuất và mang ra gửi ngân hàng để “tiền nó đẻ”, đầu tư cho con cháu ăn học.
Đại tá Khuất Bá Cao - Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn 15 cho chúng tôi biết thêm: “Thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, đã có nhiều sáng kiến, nhiều phong trào và mô hình thực hiện hiệu quả. Bên cạnh mô hình “gắn kết hộ” (hộ công nhân người Kinh, gắn kết với hộ người dân tộc thiểu số) hiệu quả không chỉ mang lại về kinh tế mà còn cả lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hoá, quốc phòng- an ninh; mô hình “lúa nước trồng trên núi” giúp dân thoát nghèo của Công ty 72; mô hình “Người Giơ rai mang tiền đi đẻ” của Công ty 74; mô hình “Làng công nhân biên giới” của Công ty 715… gần đây mô hình “cây lúa trên đất tái canh” đã đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp bà con địa phương phát triển kinh tế ổn định cuộc sống. Mô hình “cây lúa trên đất cao su tái canh”; “tặng bò sinh sản cho hộ nghèo” và “nâng bước em đến trường”… rất ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt rất hiệu quả”.
Hàng ngàn hộ dân và người lao động, học sinh nghèo được hưởng lợi từ các mô hình trên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nơi phên giậu của Tổ quốc được nâng lên. Thành quả đó góp phần xây dựng và củng cổ “thế trận lòng dân”, mối quan hệ đoàn kết quân dân, thể hiện nghĩa cử cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ nơi biên giới.
Bài và ảnh LÊ QUANG HỒI
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/long-dan-yen-bien-gioi-manh-bai-4-bien-gioi-xanh-co-cong-anh-bo-doi-a57012.html