Thành phố và dòng sông, nhìn từ đồi Ông Tượng

Đứng trên đồi Ông Tượng nhìn về phía lòng hồ, chúng ta có thể thấy non nước trên Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện lên như thể trong một vịnh nhỏ rất quyến rũ. Trên cái vịnh ấy có núi rừng nhấp nhô nối đuôi nhau chạy trên mặt nước xanh biếc tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với phong cảnh sơn thủy hữu tình.

cac-tac-gia-tren-nui-ong-tuong-ben-dap-thuy-dien-hoa-binh-1725893123.jpg
Trên núi Ông Tượng bên đập thủy điện Hòa Bình

Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vừa rồi được vợ chồng anh bạn rủ rê, mấy anh em chúng tôi về thành phố cửa ngõ miền Tây Bắc ăn Tết Độc lập. Anh bạn tôi trước đây từng phụ trách Chi nhánh Mobifone tỉnh Hòa Bình nên cũng có thể coi là “thổ địa” ở cửa ngõ Tây Bắc này.

Đường lên Hòa Bình bây giờ đi thật dễ dàng, chỉ trong thoáng chốc rời khỏi Hòa Lạc, chừng già nửa tiếng đồng hồ là chúng tôi đã có mặt ở thành phố thủ phủ của xứ Mường, nơi có nhà máy thủy điện từng một thời nổi tiếng vào loại bậc nhất của khu vực Đông Nam Á.

Trước khi vào cuộc vui với anh em Mobifone Hòa Bình, anh bạn có đưa chúng tôi lên đồi Ông Tượng thắp hương tưởng nhớ Bác, thăm thú Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và vãn cảnh non nước lòng hồ.

Có thể nói từ đồi Ông Tượng, ngắm nhìn thành phố, ngắm nhìn lòng hồ thủy điện chúng tôi không khỏi thích thú, ngỡ ngàng và nghĩ suy miên man về dòng sông Đà hùng vĩ, về sức sống tươi trẻ của đôi bờ Đà Giang.

Hòa Bình, thành phố bên đôi bờ Đà Giang

Phía trên Nhà máy Thủy điện Hòa Bình có một quả đồi được gọi là đồi Ông Tượng.

Có lẽ tên gọi này được hình thành từ dáng hình của quả đồi khi nhìn từ xa lại. Một quả đồi giống hình con voi khổng lồ đang nằm phủ phục, thả vòi vươn ra phía lòng sông Đà như để đang uống nước. Đứng trên đỉnh đồi này người ta có thể nhìn bao quát toàn cảnh thành phố Hòa Bình, nhà máy thủy điện cũng như một phần lòng hồ rộng mênh mông với những cảnh nước non kỳ thú xanh biếc một màu. 

Nghe kể, mùa Thu năm 1962, trong một lần ghé thăm Trường Thanh niên lao động XHCN, nay thuộc địa phận xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình, khi ấy sông Đà đang mùa lũ, đồng bào Hòa Bình phải ghép tre làm mảng để đưa Bác vượt sông. Khi đứng trên chiếc mảng, Bác chỉ tay xuống dòng sông cuồn cuộn nước và nói: Sau này nước nhà thống nhất, chúng ta phải chinh phục dòng sông này để ngăn lũ, biến “thủy tặc” thành “thủy lợi” nhằm đem lại lợi ích phục vụ cho nhân dân.

Và đến sau này, khi nước nhà thống nhất, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã hoàn thành. Công cuộc trị thủy đã thành công.

Để tưởng nhớ đến Người, năm 1996, thể theo nguyện vọng và đề nghị của nhân dân các dân tộc ở Hòa Bình, của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã cho phép dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đồi Ông Tượng. 

Sau một năm thi công, ngày 8 tháng 1 năm 1997, khu tượng đài Bác đã khánh thành.

Với tình cảm yêu quý, kính trọng Bác, nhà điêu khắc Nguyễn Vũ An - giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (điêu khắc phần tượng Bác) và kiến trúc sư người Nga V.M.Sê-rép-ri-an-ski (kiến trúc sân tượng đài) đã lấy cảm hứng công trình từ cuộc đời và hình ảnh cùng lời Người dặn khi vượt sông năm xưa để thiết kế.

Tượng Bác cao 18 mét, nặng hơn 400 tấn, làm bằng chất liệu bê-tông gra-nít (có độ rắn gấp 2,5 lần đá thường, không bị ố mốc, không bị phong hóa, không bị mài mòn bởi thời gian). Bức tượng được đặt trên đỉnh đồi, cao hơn 180 mét so với mực nước biển và thuộc vị trí đẹp nhất của công trình thủy điện Hòa Bình. Hình ảnh Bác khoan thai, hiền từ, phúc hậu nhìn về phía dòng sông và đang chỉ tay xuống mặt nước xanh màu ngọc bích.

Phía sau chân Bác là hình ảnh đám mây bồng bềnh gợi nên một không gian thơ mộng của trời mây sông nước Tây Bắc hùng vĩ. Phía dưới chân Bác ghi lại bốn câu thơ của Người: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Ðào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” và các hoa văn cách điệu tượng trưng cho sóng nước Đà Giang. Phía trước tượng Bác là một khoảng sân rộng để cháu con khắp nơi về thăm viếng Bác. Từ nơi để xe lên đến tượng Bác là một con đường với 79 bậc thang tượng trưng cho 79 mùa Xuân trong cuộc đời bất tử của Người.

Dưới chân tượng Bác, trên đỉnh cao đồi Ông Tượng, đưa mắt nhìn ra xa, thành phố Hòa Bình hiện đại hiện lên trong tầm mắt thật khác xa khi xưa, hồi công trình thủy điện mới được bắt đầu khởi dựng. Nhớ lại cái thời Hòa Bình còn là một thị xã của miền sơn cước Tây Bắc, lúc thực hiện tiêu thổ kháng chiến và những năm đầu khi công trình thủy điện triển khai, người ta không khỏi ngỡ ngàng. Hồi ấy, “thị xã chỉ có một khu phố chính với dăm sáu chục nóc nhà. Đó là phố Đúng dưới chân núi Đúng mà nay vẫn còn giữ được tên. Phố chỉ có hai con đường vừa xấu vừa hẹp hội tụ thành ngã ba nhưng vẫn không đủ chỗ cho xe vận tải ba cầu tránh nhau, đi Tu Lý hoặc về Phú Thọ. Đặc điểm nổi bật nhất của khu phố này, nhìn ban ngày là duy nhất có một cái nhà cũ kỹ hai tầng của trường Trung cấp (10 + 3), nhìn ban đêm là đèn dầu leo lét trong sương mù” (theo “Dọc sông Đà” của Hoàng Khôi và Phạm Quyết Chí, NXB Văn hóa, 1987).

Sau khoảng nửa thế kỷ, từ một thị xã của tỉnh miền núi Tây Bắc, vốn tiêu điều, ảm đạm như thế nay Hòa Bình lên thành phố và phát triển mạnh mẽ, ngày càng thay da đổi thịt.

Từ đỉnh đồi Ông Tượng người ta có thể trông thấy toàn cảnh thành phố Hòa Bình to đẹp trước mắt với nhiều cơ quan đầu não của tỉnh và những cây cầu bê tông bề thế bắc qua sông Đà thay cho chiếc cầu phao dân sinh một thời, cây cầy này được làm cho người đi qua trong những mùa lũ hay khi nhà máy thủy điện xả nước.

Bây giờ, ba cây cầu (cầu Hòa Bình, cầu Hòa Bình 2, cầu Hòa Bình 3) bắc qua sông Đà dường như đã mang lại vóc dáng mới cho thành phố thủy điện được xem là thủ đô của xứ Mường. Cùng với các cây cầu, Hòa Bình còn có nhiều con đường rộng thênh thang, thảm nhựa đen bóng, êm ru, đẹp đẽ mở ra khắp các ngả và những khu đô thị, những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát hai bên phố xá khiến cho người ta cảm nhận được sự chuyển mình cùng sức sống tươi mới, nhộn nhịp, sầm uất của phố núi bên sông, của một đô thị vệ tinh hiện đại đang nở hoa ở nơi cửa ngõ miền Tây Bắc.

du-khach-chup-anh-luu-niem-ben-thuong-dai-bac-ho-1725893360.jpg
Du khách chụp ảnh lưu niệm bên Tượng đài Bác Hồ

Đà Giang, hơn cả dòng than trắng vô biên

Sông Đà (có khi được gọi là sông Bờ hay Đà Giang, người pháp gọi là sông Đen), con sông lớn nhất của miền Tây Bắc.

Theo Wikipedia, sông dài 927 km, diện tích lưu vực lên tới 52900 km². Dòng chính của sông khởi nguồn từ núi Vô Lượng thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Phần sông chảy trên đất Việt dài 527 km. Sông Đà chảy vào đất Việt bắt đầu từ Mù Cả huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chạy dọc theo biên giới về phía Tây sang Nậm Nhùn và thị xã Mường Lay. Đoạn ở Mường Tè và Nậm Nhùn sông đi qua một thung lũng kẹp giữa hai dãy núi Pu Si Lung và Pu Đen Đinh. Đến khi sông chảy sang đất Mường Lay thì lại đi trong một thung lũng khác, kẹp giữa hai dãy núi Hoàng Liên Sơn và Su Xung Chảo Chai. Sông chảy dọc theo ranh giới giữa Sìn Hồ (tả ngạn) và Tủa Chùa (hữu ngạn) để đi sang Quỳnh Nhai (Sơn La).

Từ đây sông tiếp tục đi dọc ranh giới của Quỳnh Nhai, Mường La (tả ngạn) và Thuận Châu (hữu ngạn).

Trên hành trình ở Mường La sông Đà nhận thêm nước từ các phụ lưu Nậm Ma, Nậm Chang. Tiếp đến sông chạy dọc theo ranh giới Bắc Yên (phía Bắc) và Mai Sơn (phía Nam) để vào đất Mai Sơn.

Từ Mai Sơn sông theo ranh giới Phù Yên, Đà Bắc (phía Bắc) và Mộc Châu (phía Nam) để chảy sâu vào đất Đà Bắc (Hòa Bình).

 Rồi theo ranh giới ở phía Bắc của Đà Bắc sông chảy qua Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong ở phía Nam và trở lại Đà Bắc, chuyển hướng Nam lên Bắc đi qua thành phố Hòa Bình. Từ đây sông Đà chảy qua Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông (Phú Thọ) ở phía Tây và Kỳ Sơn (Hòa Bình), Ba Vì (Hà Nội) ở phía Đông.

Đoạn ở Ba Vì sông Đà nhập vào sông Hồng ở ngã ba Hồng Đà (Tam Nông), Vĩnh Lại (Lâm Thao) và Phong Vân (Ba Vì), cách chỗ sông Lô hợp lưu với sông Hồng 12 km.

Có thể thấy trong suốt hành trình kể từ khi chảy vào đất Việt, sông Đà cũng như những con sông khác đều đem nước đổ ra biển Đông nhưng dòng chảy của nó có sự khác biệt với những dòng sông ở miền Bắc.

Nét khác biệt của dòng sông này được Chánh sứ Sơn phòng kiêm Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích (1832-1890) nhắc đến như sau: “Chúng thủy giai Đông tẩu/ Đà Giang độc Bắc lưu”, có nghĩa là: Mọi con sông đều chảy về hướng Đông, riêng sông Đà chảy theo hướng Bắc. Cái đoạn “độc Bắc lưu” của sông Đà chính là đoạn chảy từ chợ Bờ cho đến nơi nhập vào sông Hồng ở ngã ba sông Việt Trì (còn gọi là ngã ba Hạc). Đó là dòng chảy của sông Đà trên đất Việt. Nói thì như vậy nhưng thực tế hành trình của dòng sông “trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh” thủa xưa, khi chưa có hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình, vốn không hề đơn giản chút nào.

Là người Việt Nam hẳn ai cũng biết câu ca: “Núi cao, sông hãy còn dài/ Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen” để nhắc lại câu chuyện tranh nhau nàng Mỵ Nương xinh đẹp là con gái vua Hùng của hai chàng Thủy Tinh và Sơn Tinh. Những trận chiến mà Thủy Tinh hô mưa, gọi gió; làm thành bão dông rung chuyển cả đất trời; dâng nước sông lên cuồn cuộn tiến đánh Sơn Tinh. Nước của Thủy Tinh làm ngập lúa, tràn đồng; rồi ngập nhà, tràn cửa.

Trước cơn cuồng phong của Thủy Tinh, Sơn Tinh tỏ ra chẳng hề nao núng. Sơn Tinh dùng phép màu bốc từng quả đồi, di chuyển từng dãy núi chặn đứng dòng nước lũ. Nước dâng lên cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại làm cho đồi, núi mọc cao lên bấy nhiêu.

Câu chuyện siêu nhiên về hai vị thần Sơn Tinh và Thủy Tinh thực chất chỉ là một hình tượng văn học để giải thích hiện tượng lũ lụt và phản ánh công cuộc phòng chống thiên tai của người xưa. Thực tế cuộc sống, dòng nước lũ cuồn cuộn hàng năm của dòng sông bao giờ cũng có hai mặt tương sinh và tương khắc. Nước lũ phá hoại mùa màng, tàn phá làng mạc, thậm chí còn gieo rắc sự chết chóc cho con người. Nhưng nước lũ cũng đem về phù sa ngọt mát để bồi đắp các đồng bằng châu thổ; làm nên những cánh đồng trù phú đem lại sự no ấm cho con người.

Đi từ xứ sở mờ sương của miền Tây Bắc vời vợi nghìn trùng núi cao vực sâu; vừa hoang vu, lạnh giá vừa hùng vĩ, thâm nghiêm; sông Đà có lúc làm người ta sợ hãi bởi cái hung dữ của con ngựa bất kham cũng nhưng cũng có khi lại làm người ta mê mệt bởi những nét quyến rũ đầy duyên dáng qua cái điệu bộ trữ tình thiết tha.

Hai nét hung dữ và trữ tình của sông Đà đã từng được nhà văn Nguyễn Tuân tái hiện rất sống động trong tùy bút nổi tiếng “Người lái đò sông Đà”. Con sông với “trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh” trên đất Việt đã biến dòng chảy thành những thạch trận trùng trùng điệp điệp. Những thạch trận ấy là nỗi ám ảnh số một của những người lái đò trên sông.

Thiên tùy bút của Nguyễn Tuân nhằm ca ngợi những người lái đò tài hoa như những người nghệ sĩ trên dòng sông nhưng đồng thời cũng tái hiện cho người đọc thấy được cái nét hung bạo, hoang dã và cũng rất mực trữ tình, lãng mạn của dòng chảy màu ngọc bích.

Hẳn ai đã một lần đọc “Người lái đò sông Đà” sẽ không bao giờ quên được cái cảnh thác nước rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre, rừng lứa nổ lửa để cố thoát ra; rừng lửa cùng gầm thét với tiếng của đàn trâu da cháy bùng bùng. Rồi cái cảnh ghềnh Hát Loóng dài cả cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ bất cứ người lái đò sông Đà nào qua đấy. Hay cái cảnh mặt nước reo hò vang dội quanh người lái đò, ùa vào để bẻ gãy cán chèo của ông lái, nước có lúc đội cả thuyền lên, nước bám lấy thuyền  như đô vật túm thắt lưng ông lái đò để lật ngửa mình ra… Dữ tợn như thế nhưng nhiều lúc nhìn dòng sông ấy cũng rất đáng yêu.

Nguyễn Tuân đã ví dòng nước sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng Hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương mùa xuân. Dòng sông như thế đã khiến một người khó tính như Nguyễn Tuân cũng phải nhìn một cách say sưa làn mây bay trên Sông Đà; nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa Tam nguyệt há Dương Châu”; nhìn bờ sông Đà, nhìn bãi Sông Đà với những chuồn chuồn, bươm bướm bay trên Sông Đà.

Nguyễn Tuân mê mải ngắm nhìn cảnh vật bên hai bờ sông lặng tờ, tịnh không một bóng người với những cỏ gianh trên đồi trên núi đang ra những nõn búp hay một đàn hươu đang cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm của bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, của bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa…

non-nuoc-mo-ao-tren-ho-thuy-dien-song-hoa-binh-1725893610.JPG
Non nước mờ ảo trên hồ thủy điện Hòa Bình

Sông Đà như vậy đấy. Theo thống kê trong khoảng 100 năm, hàng năm, vào mùa mưa, trên sông từng xảy ra những trận lũ lớn với lưu lượng từ 15.000 mét khối/giây đến 21.600 mét khối/giây.

Những năm 1945, 1964, 1969, 1971 từng diễn ra những “trận đại hồng thủy” phá vỡ không vỡ ít những đoạn đê xung yếu, gây tổn thất lớn về người và tài sản. Trong đó trận lụt năm 1971, xảy ra đồng thời với lũ trên sông Thao và sông Lô làm cho đỉnh nước tại Sơn Tây đạt đến 37.800 mét khối trên giây và mức nước sông Hồng ở Hà Nội lên tới 14,4 mét, làm vỡ đê ở nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình mà phải đến nhiều năm sau mới khắc phục được hậu quả.

Ngược lại với mùa mưa, vào mùa khô, đồng bằng Bắc Bộ không ít năm xảy ra khô hạn, không có đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt khiến cho đời sống xã hội gặp muôn vàn khó khăn.

Cũng bắt đầu từ đây, công cuộc chinh phục sông Đà được đặt ra và triển khai thực hiện.

Người ta đã tính toán với khoảng 60 tỉ mét khối nước ở trên độ cao 900 mét so với mực nước biển, sông Đà là một “nguồn than trắng vô biên” để tạo thành nguồn điện năng cho đất nước; giá trị năng lượng của sông Đà ước tính có thể đạt 25 tỷ ki-lô-oát giờ trên năm, chiếm một phần ba trữ năng khai thác thủy điện của cả nước.

Theo đó ngày 31 tháng 1 năm 1975, Hội đồng Chính phủ đã thành lập Ban Quản lý xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình. Hồi đó, các nhà khoa học đã dự tính trên dòng sông có hai nhà máy thủy điện. Nhà máy thủy điện thứ nhất là Hòa Bình, nhà máy thủy điện thứ hai là Sơn La. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Nhà máy Thủy điện Sơn La làm sau. Nhà máy Thủy điện Sơn La sẽ có công suất gấp đôi công xuất Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Bây giờ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình không phải là lớn nhất nhưng ở thời điểm khánh thành thì đây là nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được xem là công trình thế kỷ do Liên Xô giúp đỡ chúng ta xây dựng, bắt đầu từ năm 1979 và hoàn thành vào năm 1991. Nhà máy có thiết kế mực nước dâng bình thường là 117 mét; mực nước gia cường là 120 mét; mực nước chết là 80 mét. Với diện tích hồ chứa nước là 208 km vuông; dung tích toàn bộ hồ chứa đạt 9,74 tỉ mét khối nước. Công suất lắp máy là 1920 MW. Sản lượng điện bình quân hằng năm đạt 8,6 tỉ KW trên giờ. Cao độ phát điện cột nước là 70 mét theo chiều thẳng đứng. Đập thủy điện Hòa Bình có 18 cửa xả và 8 tổ máy phát điện; mỗi tổ máy có công xuất 240 MW.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình từng là nguồn cung cấp điện chủ lực của toàn bộ hệ thống điện Việt Nam, trước năm 2010 nhà máy cung cấp khoảng 27% nguồn điện của cả nước. 

Thôi, tạm không nói đến việc phát điện nữa, chỉ tính riêng cái hồ thủy điện Hòa Bình được khánh thành cùng với nhà máy thủy điện thì cũng là lúc câu chuyện đánh nhau hàng năm giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh trên sông Đà được chấm dứt. Người ta đã hóa giải mối thù truyền kiếp của hai vị thần bằng con đập vắt từ hữu ngạn sông Đà sang tả ngạn sông Đà. Con đập này giống như một ngọn núi nhân tạo, dài 640 mét, cao 128 mét, tính trên đỉnh đập, chiều rộng đáy của trái núi này cũng khoảng hơn 740 mét để đảm bảo an toàn cho thân đập.

Tôi nghe người ta nói nếu đập sông Đà bị vỡ thì đồng bằng Bắc Bộ sẽ chìm sâu trong biển nước từ 4 mét đến 60 mét. Quả là khủng khiếp. Một điều không tưởng. Nhưng có lẽ điều ấy khó có thể xảy ra bởi khi thiết kế nhà máy, mọi rủi ro đều được các nhà khoa học tính toán cẩn thận. Con đập chặn ngang sông Đà ấy đã biến sông Đà thành một hồ nước ngọt nhân tạo trên núi dài khoảng 230 km, kéo dài từ Hòa Bình đến Sơn La, nhấn chìm mọi thác ghềnh hung dữ của sông Đà.

Từ muôn ghềnh thác đêm ngày gầm réo, sông đã trở nên hiền lành trong sắc nước màu ngọc bích. Hồ nước ấy không chỉ tạo ra nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt mà còn cung cấp nước cho cả miền hạ lưu rộng lớn vào mùa khô để giải hạn cho những cánh đồng. Đồng thời mặt hồ vừa là nơi nuôi trồng thủy sản nước ngọt vừa có thể làm thành một tuyến giao thông đường thủy từ Hòa Bình lên Sơn La hoặc đến các nơi suốt dọc hai bên bờ Đà Giang rất hữu dụng.

Đặc biệt với khoảng năm mươi trái núi, hòn đảo lớn nhỏ, ẩn hiện giữa mây trời mờ ảo, đêm ngày in bóng xuống mặt nước trong xanh, hồ thủy điện Hòa Bình được ví giống như vịnh Hạ Long trên núi giữa miền Tây Bắc thơ mộng và đã hút hồn không ít người mỗi khi có dịp ngang qua.

Đứng trên đồi Ông Tượng nhìn về phía lòng hồ, chúng ta có thể thấy non nước trên Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện lên như thể trong một vịnh nhỏ rất quyến rũ. Trên cái vịnh ấy có núi rừng nhấp nhô nối đuôi nhau chạy trên mặt nước xanh biếc tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với phong cảnh sơn thủy hữu tình. Nhớ lại có lần ngồi trên thuyền máy lướt sóng du ngoạn trên lòng hồ chúng tôi từng mê mải thích thú ngắm nhìn bởi non nước Hòa Bình hiện lên một cách đầy thơ mộng với khu rừng ngút ngàn cây lá vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ cùng những hang động, thác nước rất tự nhiên, thoáng đãng, trong lành như động Thác Bờ, động Hoa Tiên, vịnh Ngòi Hoa ...

Đi trên lòng hồ ấy chúng ta còn được thấy nhiều đảo nhỏ sinh thái nhấp nhô trên mặt nước mênh mông với những vườn cây hoa trái xum xuê đan xen cùng các xóm làng nhà sàn của người bản địa. Nếu bước chân lên các đảo sinh thái hay những bản làng hai bên sông ấy hẳn người ta sẽ nhớ mãi những món ẩm thực mang đặc trưng của các tộc người bản địa ở Hòa Bình, được chế biến theo cách thức khác nhau kết hợp với các gia vị truyền thống riêng của từng tộc người như cá hun khói, rau rừng, măng luộc, đồ chấm lòng cá, thịt lợn nướng...

Và nếu có dịp được lướt sóng trên lòng hồ vào mùa xuân, ngoài việc được thưởng ngoạn cảnh sắc núi rừng trời mây sông nước trong không gian một màu toàn bích, chúng ta còn được tận mắt chứng kiến những phong tục sinh hoạt văn hóa tâm linh rất đặc sắc của khách thập phương khi đến Hòa Bình trong lễ hội đền Bờ với những huyền thoại mang sắc màu tâm linh về Bà chúa thác Bờ giúp vua Lê Lợi đánh giặc.

Hoặc được chiêm ngưỡng bức tượng vua Lê và bài thơ của Người từng được khắc trên một phiến đá lớn ở sườn núi Thác Bờ thuộc xã Hào Tráng huyện Đà Bắc trước đây. Phiến đá ấy được di chuyển theo dân về khu đền chúa Thác Bờ ở xã Vầy Nưa (Đà Bắc) khi công trình thủy điện Hòa Bình triển khai. Đó là một phiến đá cao hơn 4 m, được mài nhẵn một mặt, theo kích thước khoảng 1,5 m X 1 m. Trên mặt nhẵn của phiến đá có khắc bài thơ như sau: “Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan/ Lão ngã do tồn thiết thạch can/ Hào khí tảo thanh thiên chướng vụ/ Tráng tâm di tận vạn trùng san/ Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an/ Hư đạo nguy than tam bách khúc/ Như kim chỉ tác thuận lưu khan”. Bài thơ được dịch nghĩa là: “Đường gồ ghề hiểm trở, chẳng ngại khó khăn/ Ta tuy già mà gan còn vững như sắt đá/ Nghĩa khí quét sạch nghìn lớp mây mù/ Tráng tâm dời hết vạn trùng núi non/ Lo việc biên phòng cần có phương lược sẵn sàng/ Giữ nền xã tắc nên tính kế dài lâu/ Lời truyền ba trăm ngọn thác tức quanh co, rất nguy hiểm đã thành lời hư không/ Ngày nay chỉ coi như nước thuận dòng chảy xuôi”.

Tương truyền, sau khi dẹp loạn Đèo Cát Hãn xong, trên đường trở về, khi đi qua Hào Tráng, đức vua Lê Lợi cho chọn một vách đá đẹp rồi rút kiếm khắc bài thơ thất ngôn bát cú như được trích ở trên cùng với một lời tựa, nói rằng: “Năm Nhâm Tý, Thuận Thiên thứ 5 (1432) tháng 3, ngày tốt. Ta đi đánh Đèo Cát Hãn qua đây, làm một bài thơ, nói về đường lối phòng Nhung Địch cho đời sau biết: Man Mường Lễ mặt người dạ thú, ngạch trở giáo hóa, phải tiêu diệt ngay. Nên nghĩ sinh dân thiên hạ, chẳng ngại lam chướng, mà phương lược xuất chinh tiến quân bằng đường thủy hai sông Thao, Đà là hơn cả”.

Với việc khắc bài thơ và lời tựa ấy, vua Lê Lợi có ý khẳng định chủ quyền về mặt cương thổ đất nước lúc bấy giờ, đồng thời cũng răn đe, giáo hóa những kẻ có ý muốn làm phản nghịch.

Có thể nói, bài thơ và lời tựa ở Đà Giang này không chỉ cho thấy tài thao lược “hùng tâm, tráng chí” mà còn thể hiện khát vọng, mong muốn xã tắc muôn thuở vững bền của vua Lê Thái Tổ. Tấm bia ấy giờ đây có thể xem là một báu vật của Hòa Bình, của đất nước bên dòng Đà Giang.

bia-da-de-tho-le-loi-1725893681.JPG
Bia đá đề thơ Lê Lợi

Du ngoạn trên lòng hồ thủy điện, nếu có nhiều thời gian ta có thể rời thuyền lên bờ đến với các khu sinh thái Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village Resort để thưởng ngoạn cảnh sắc của núi rừng Tây Bắc với bốn mùa rực rỡ. Từ mỗi ô cửa của resort ta có thể nhìn thấy bức tranh lòng hồ trên lưng chừng núi trong một không gian thoáng đãng, trong lành hay mãn nhãn với cảnh thung lũng xanh biếc bên những mỏm đá tự nhiên rộng lớn và những dòng suối êm ái chảy dài đang trải ra trước mặt cùng với sóng nước mênh mông trong cái cảm giác vừa thân thiện vừa gần gũi giữa thiên nhiên muôn dặm.

Hoặc như đến với đảo Dừa để được trải nghiệm trên chiếc thuyền lênh đênh mặt nước mà ngắm mây núi bồng bềnh với cảm giác như đang lạc vào chốn thần tiên mây trắng trên nền trời xanh thẫm hòa cùng nước hồ xanh biếc giữa cái màu xanh ngút ngàn của núi, của rừng trải ra mênh mông, đẹp đến mê hồn.

Vào những đêm trăng thanh, nhìn xuống lòng hồ sông Đà, làn nước trong xanh in vời ánh trăng vằng vặc đang tỏa muôn ngàn tia sáng, lóng lánh như rắc bạc trên mặt nước xôn xao con sóng; trời đêm muôn vì sao sáng như thể đang xa, đang ùa xuống mặt nước, lung linh huyền ảo. Ngồi trên thuyền đêm, lắng nghe tiếng động trên mặt nước để thấy đuôi cá đang quẫy hay miệng cá đang ăn mồi trong cái cảm giác yên tĩnh đến nhẹ nhàng. Rồi khi màn đêm buông xuống, lửa trại bùng lên, cùng mọi người quây quần, vừa thưởng thức rượu hoẵng, rượu cần vừa lắc lư, hòa chân theo điệu cồng, tiếng chiêng và tay trong tay với những cô gái Mường duyên dáng, nhịp nhàng trong các điệu múa. Cứ thế chẳng biết thời gian trôi đi như thế nào nữa. Thôi thì, quên hết mọi đường về!

Sông Đà, đã qua rồi cái thời “những mũi đá nhe nanh trên Thác Bờ hiểm hóc” (Bằng Việt), bây giờ đã trở thành “biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên” (Quang Huy) để “gửi ánh sáng đi muôn ngả”. Hòa Bình, thành phố và dòng sông, nhìn từ đồi Ông Tượng huyền thoại và thơ mộng.

Phan Anh - Thu Hiền

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/thanh-pho-va-dong-song-nhin-tu-doi-ong-tuong-a57048.html