Thông tin phản biện về các cuộc thi hoa hậu trên truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay

Thời gian qua, báo chí, dư luận xã hội ghi nhận nhiều điểm nóng nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng trước sự xuất hiện “tràn lan” dẫn đến “bão hòa” của các cuộc thi hoa hậu trong một thời gian ngắn đã tạo ra sự chú ý đặc biệt của công chúng đối với các cuộc thi này.

picture1-1726579285.png
Nội dung thông tin về cuộc thi hoa hậu được phát sóng trên VTV1

Các kênh truyền hình đa nền tảng theo đó cũng đã có những thông tin, chương trình, phóng sự phân tích về nhiều góc nhìn đa dạng mang tính phản biện xoay quanh các cuộc thi hoa hậu. Bên cạnh những kết quả đạt được, thông tin phản biện về các cuộc thi hoa hậu trên truyền hình đa nền tảng vẫn còn một số bất cập nhất định, đòi hỏi cần tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị thông tin về vấn đề này trên truyền hình đa nền tảng trong thời gian tới.

Thông tin phản biện về các cuộc thi hoa hậu trên truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, sau khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn ra đời với nhiều quy định cởi mở hơn cho các cuộc thi hoa hậu, vì thế số lượng cuộc thi nở rộ, nhiều mặt trái cũng theo đó nảy sinh. Dường như có rất nhiều cuộc thi sắc đẹp, trong tên cuộc thi đều có hai từ "hoa hậu" hay "Việt Nam".

Năm 2023, theo thống kê có đến hơn 30 cuộc thi hoa hậu được tổ chức ở quy mô quốc gia tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều đọng lại trong khán giả không phải là tên cuộc thi, người đăng quang mà là những lùm xùm xung quanh khâu tổ chức đến thị phi của các hoa hậu. Khái niệm “bội thực hoa hậu”, “lạm phát hoa hậu” cũng từ đó được sinh ra, và thậm chí người dân còn truyền nhau câu bông đùa: "Phấn đấu mỗi nhà có một cô hoa hậu".

Cũng vì mỗi năm có quá nhiều cuộc thi hoa hậu và sắc đẹp nên cũng có nhiều vấn đề đặt ra với các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam hiện nay. Trước thực trạng đó, các phương tiện truyền thông đại chúng trong đó có các kênh truyền hình đa nền tảng diện khảo sát đã có nhiều chương trình, thông tin phản biện về các vấn đề xung quang các cuộc thi hoa hậu này.

Khảo sát 100 nội dung tin bài, phóng sự, chương trình được đăng tải trên đa nền tảng của Kênh VTV1 và Kênh Truyền hình Quốc hội trong 2 năm 2022-2023 cho thấy thông tin phản biện về các cuộc thi hoa hậu được thể hiện đa dạng qua các thể loại và được tiếp cận ở nhiều khía cạnh khác nhau. Một số nhóm nội dung chính của thông tin phản biện về các cuộc thi hoa hậu trên đa nền tảng của 02 kênh truyền hình này như sau: (1) thông tin phản biện về cuộc thi hoa hậu được tổ chức và quy trình thi; (2) thông tin phản biện về thí sinh tham gia cuộc thi; (3) thông tin phản biện về các tiêu chuẩn của cuộc thi hoa hậu; (4) thông tin về tranh cãi và scandal của các cuộc thi hoa hậu trên các Kênh truyền hình đa nền tảng. Cụ thể:

Thông qua việc quản trị thông tin phản biện thông qua phản hồi của công chúng trên đa nền tảng của Kênh VTV1 và Kênh Truyền hình Quốc hội với các kênh phản biện trực tiếp và gián tiếp như số điện thoại hotline phản ánh, các bình luận trực tiếp trên nền tảng Facekbook, Tiktok hoặc thông qua website trực tiếp (như cách thức nhận phản hồi trên trang vtv.vn), có thể đánh giá rằng các Kênh truyền hình đã có những sản phẩm thu hút sự quan tâm và có sự chủ động, tích cực trong tiếp nhận thông tin phản hồi từ khán giả.

Việc khán giả thể hiện sự đồng tình qua các tin bài như: “Đã đến lúc thay đổi quan điểm và tiêu chí về hoa hậu”, “"Lạm phát" hoa hậu: Được mùa thì... mất giá””, Việt Nam có đang "bội thực" các cuộc thi hoa hậu?.... cho thấy các kênh truyền hình đã có những sản phẩm phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của số đông khán giả, các bài đăng trên đa nền tảng ghi nhận tổng cộng hơn 5,3 triệu lượt xem, hơn 350 nghìn lượt bình luận là minh chứng rõ ràng nhất cho yếu tố tiếp hiệu quả trong ghi nhận và quản trị thông tin phản biện về các cuộc thi hoa hậu qua các Kênh truyền hình được khảo sát.

Bên cạnh đó, mặc dù không có một sự phản hồi trực tiếp ngay đối với từng bình luận của khán giả, nhưng chất lượng về nội dung của các sản phẩm truyền hình của các kênh truyền hình, các chương trình được phát sóng đã cho thấy sự ghi nhận chuyên nghiệp của các kênh truyền hình đa nền tảng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp trong việc giải đáp thắc mắc và phản hồi từ khán giả cho thấy thông tin phản biện đã được quản trị có hiệu quả.

Hiệu quả quản trị thông tin phản biện trên các nền tảng xã hội cũng được thể hiện rõ rệt nếu ta thấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức của công chúng về các cuộc thi hoa hậu, đặc biệt là về tính đa dạng và công bằng cũng như tạo ra các tác động văn hóa xã hội tích cực. Các nội dung như “Hoa hậu Đỗ Thị Hà, Thiên Ân và 7 ngày ý nghĩa ở quần đảo Trường Sa”, “Hoa hậu Lương Thuỳ Linh đưa Tết hạnh phúc với đồng bào vùng cao”, “Khách mời hôm nay: Người gieo những mầm xanh” (hoạt động thiện nguyện của hoa hậu Hhen Niê)… và sự ủng hộ, lan tỏa, chung sức của chính khán giả các cuộc thi đóng góp vào các hoạt động thiện nguyện cho thấy những tác động tích cực đến cộng đồng và xã hội từ các thí sinh, các cuộc thi hoa hậu.

Việc công khai bình luận của khán giả ở đa nền tảng giúp cho chính các khán giả tiếp cận được những góc nhìn đa chiều, từ đó có cách đánh giá khách quan hơn đối với các thí sinh, ban tổ chức và các cuộc thi hoa hậu.

Tuy nhiên, thông tin phản biện về các cuộc thi hoa hậu trên Kênh VTV1 và Kênh Truyền hình Quốc hội tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục để nâng cao chất lượng chương trình và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khán giả.

Với tính chất của các kênh truyền hình chính luận và thời sự, với số lượng nội dung thông tin cần truyền tải lớn, bao gồm nhiều mặt của xã hội, những vấn đề liên quan đến chính sách của Đảng, Nhà nước, các vấn đề về kinh tế, thị trường là những nội dung chính được truyền tải tại các kênh truyền hình này. Do đó số lượng các tin bài liên quan đến các cuộc thi hoa hậu trên Kênh VTV1 và Kênh Truyền hình Quốc hội là hạn chế so với tổng thể các nội dung của Kênh, ngược lại, tại các kênh truyền hình giải trí khác thì số lượng tin bài, nội dung có liên quan đến các cuộc thi hoa hậu là rất lớn để đáp ứng thị hiếu khán giả. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc tiếp nhận các thông tin phản hồi xung quanh các đề tài liên quan đến những cuộc thi hoa hậu sẽ không được xử lý một cách nhanh chóng do có sự khác nhau trong tính chất, nội dung thông tin. Việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi từ khán giả đôi khi không được thực hiện một cách nhanh chóng, dẫn đến sự bất mãn và cảm giác bị bỏ qua từ phía công chúng. Điều này có thể làm giảm sự chú ý của khán giả đối với các chương trình, tin bài có liên quan đến thông tin về các cuộc thi hoa hậu trên Kênh VTV1 và Kênh Truyền hình Quốc hội.

Bên cạnh đó, sự thiếu đa dạng trong các kênh tiếp nhận phản hồi của Kênh VTV1 và Kênh Truyền hình Quốc hội cũng là một vấn đề còn hạn chế. Mặc dù các kênh truyền thông xã hội và website đã được sử dụng để thu thập ý kiến phản biện của khán giả, nhưng vẫn còn nhiều khán giả, đặc biệt là người lớn tuổi, không quen thuộc với các công nghệ này.

Kênh Truyền hình Quốc hội hiện nay chưa cho phép người xem có thể để lại các bình luận trực tiếp trên website chính thức quochoitv.vn. Tương tự, với Ứng dụng VTVGo của Đài Truyền hình Việt Nam, cũng chưa cho phép người dùng được đăng tải các bình luận trực tiếp. Cùng với đó, việc chưa hoàn thiện các kênh tiếp nhận truyền thống như thư điện tử có thể hạn chế lượng phản hồi từ một bộ phận khán giả quan trọng.

2hh-1726579918.jpg
Tỷ lệ nội dung thông tin phản biện về các cuộc thi hoa hậu trên Kênh VTV1 và Kênh Truyền hình Quốc hội năm 2022-2023

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị thông tin phản biện về các cuộc thi hoa hậu trên truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức về quản trị và xử lý thông tin phản biện của công chúng tại các kênh truyền hình. 

Trong thời gian tới, để nâng cao nhận thức cho các lãnh đạo quản lý, cán bộ phóng viên, biên tập viên về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác quản trị và xử lý thông tin của công chúng tại các cơ quan báo chí, cũng như cách thức và quy trình xử lý thông tin, cần tổ chức các lớp tập huấn.

Ngoài ra, lãnh đạo các cấp quản lý, bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, cần biên soạn và phân phát các tài liệu hướng dẫn về quy trình xử lý thông tin của công chúng tại các cơ quan báo chí để làm cẩm nang cho lãnh đạo quản lý, cán bộ phóng viên, biên tập viên. Bên cạnh các văn bản về cơ sở pháp lý, cần có sự hướng dẫn chi tiết và cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và biện pháp cần thực hiện của lãnh đạo quản lý và cán bộ phóng viên trong việc xử lý thông tin của công chúng tại các Kênh truyền hình.

Để tuyên truyền về việc xử lý thông tin của công chúng tại các cơ quan báo chí, qua đó nâng cao nhận thức cho công chúng, chủ thể quản trị cần tập trung đổi mới cả hình thức và nội dung, khi khán giả hiểu được quy trình, phương thức phản biện đúng với từng kênh truyền hình, các chương trình, sẽ cho những ý kiến, thông tin phản biện chính xác, phù hợp; điều này giúp cho các kênh truyền hình có được số lượng thông tin phản biện đầu vào chất lượng, không mất nhiều thời gian trong việc sàng lọc, loại bỏ thông tin.

Hai là, phát triển công chúng truyền hình, lấy công chúng làm trung tâm.

Để thực hiện việc quản trị thông tin phản biện, công chúng (bao gồm các thành phần xã hội) đóng vai trò quan trọng nhất. Họ là những người trực tiếp thụ hưởng và thực hiện chính sách trong các hoạt động đời sống. Thông qua các trang báo, các vấn đề và yếu tố công chúng phản ánh là nguồn thông tin quan trọng, liên quan mật thiết đến nội dung quản trị thông tin phản biện về các vấn đề xã hội quan tâm trong đó có các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi hiện nay

Điều này trước hết cần phải đa dạng hóa phương thức quản trị thông tin phản biện nhằm tạo điều kiện tiếp nhận phản biện từ công chúng.

Kênh VTV1 đã có nhiều nền tảng phân phối nội dung, nhưng cần chiến lược cải thiện như bổ sung các nội dung riêng cho mạng xã hội để thu hút công chúng (hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc trích dẫn và chia sẻ các bài báo, video từ trang web chính thức).

Với Kênh Truyền hình Quốc hội, cần chiến lược chuyển đổi số toàn diện để áp dụng công nghệ vào sản xuất và phân phối nội dung. Kênh cần học hỏi các chiến lược chuyển đổi số từ những trường hợp tiêu biểu trong và ngoài nước để vận dụng.

Bên cạnh đó, cần đa dạng không gian thảo luận trực tiếp giữa công chúng với Kênh truyền hình. Kênh VTV1 đã thực hiện tốt, nhưng cần mở rộng thêm các yếu tố bình luận đa phương tiện như hình ảnh, video, âm thanh để tăng cường tương tác. Cần có cơ chế duyệt chung cho các phản hồi của độc giả trên các kênh để nâng cao chất lượng và đa dạng ý kiến. Kênh Truyền hình Quốc hội cần bổ sung tính năng phản hồi của độc giả trên giao diện báo điện tử có cơ chế duyệt học hỏi từ các mô hình báo điện tử khác. Dù cả hai kênh truyền hình đều đã các có chuyên mục để công chúng tham gia phản biện trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, cần thêm chiến lược cụ thể để tăng tiếng nói của người dân, công chúng và chuyên gia. Các công cụ tương tác “mở” trên đa nền tảng cần được cải thiện để công chúng dễ dàng tham gia hơn.

Ba là, nâng cao năng lực quản trị, chuẩn hoá cách thức, quy trình quản trị thông tin phản biện về các cuộc thi hoa hậu. 

Lãnh đạo các kênh truyền hình cần có đánh giá đúng về tầm quan trọng của việc xây dựng quy trình, hệ thống quản trị thông tin phản biện một cách hoàn thiện, chuyên nghiệp. Cần thiết phải thành lập một bộ phận chuyên trách để tiếp nhận thông tin phản biện từ công chúng, có nhiệm vụ thu thập, tổng hợp, phân loại và phản hồi thông tin từ khán giả thông qua nhiều nền tảng khác nhau. Cụ thể, với việc tiếp nhận thư qua email, quản lý đường dây nóng, và điều hành diễn đàn, bộ phận này cần lựa chọn thông tin mang tính định hướng và có lợi cho xã hội, đồng thời nâng cao uy tín cho kênh truyền hình.

Đối với Kênh VTV1, với vai trò là kênh truyền hình trung tâm trong hệ thống truyền hình Việt Nam, không chỉ cung cấp thông tin mà còn định hướng dư luận, phát triển kinh tế và xã hội, và tạo cầu nối giữa Chính phủ và người dân, trong những năm qua, Kênh VTV1 đã làm tốt hoạt động quản trị thông tin phản biện, bao gồm cả tiếp nhận, sàng lọc và phản hồi thông tin phản biện từ nhiều nguồn khác nhau. Trong thời đại bùng nổ công nghệ số, với sự cạnh tranh gay gắt trong truyền hình, truyền thông, Kênh VTV1 cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thông tin phản biện, tăng cường quy trình duyệt thông tin trước khi phát sóng.

Kênh Truyền hình Quốc hội mặc dù non trẻ, song với vị thế là một trong 7 kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia, cần có những đổi mới mạnh mẽ về việc xây dựng quy trình quản trị thông tin phản biện, trong đó chú trọng đến việc đẩy mạnh áp dụng các công nghệ AI để phân tích dữ liệu lớn, phát hiện và ngăn chặn tin giả, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý nội dung (CMS) để theo dõi và kiểm soát luồng thông tin, hoàn thiện việc xây dựng cơ chế tiếp nhận phản hồi từ khán giả để từng bước củng cố và tăng cường chất lượng quản trị thông tin phản biện.

Bốn là, nâng cao năng lực phóng viên, biên tập viên, đội ngũ nhân sự của kênh VTV1 và Kênh Truyền hình Quốc hội.

Tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về báo chí, truyền thông và kỹ năng biên tập, tập trung vào các nội dung liên quan đến các cuộc thi sắc đẹp. Khuyến khích biên tập viên và phóng viên học hỏi từ các chuyên gia trong ngành truyền thông, cũng như tham gia các hội thảo và hội nghị để cập nhật xu hướng mới và học hỏi từ đồng nghiệp.

Ngoài ra, cung cấp tài liệu và nghiên cứu về lịch sử và ý nghĩa của các cuộc thi hoa hậu, cùng với các tiêu chí đánh giá và quy trình tổ chức. Hướng dẫn biên tập viên và phóng viên cách phân tích và phản biện các thông tin liên quan, từ đó tạo ra những nội dung chất lượng và sâu sắc.

Tạo điều kiện cho biên tập viên và phóng viên tham gia trực tiếp vào các sự kiện, cuộc thi hoa hậu để có cái nhìn thực tế và sâu sắc hơn. Tổ chức các buổi phỏng vấn, giao lưu với những người nổi tiếng, giám khảo, thí sinh của các cuộc thi hoa hậu để thu thập thông tin và câu chuyện chân thực.

Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc sản xuất thông tin phản biện về các cuộc thi hoa hậu.

Hiện nay, trong thời đại công nghệ 4.0, các đài truyền hình chủ yếu dựa vào tiến bộ công nghệ để sản xuất và truyền tải nội dung tới công chúng. Do đó, các đài truyền hình cần chú trọng đầu tư vào các giải pháp kỹ thuật và công nghệ để sản xuất các chương trình truyền hình cũng như tiếp cận công chúng. Việc áp dụng các giải pháp này không chỉ giúp Đài truyền hình sản xuất các chương trình hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu của công chúng mà còn phát huy thế mạnh của báo chí trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là vai trò quản trị thông tin phản biện về đa dạng vấn đề trong xã hội.

Do đó, các đài truyền hình cần cập nhật các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và các xu hướng mới. Các đài truyền hình cần chú trọng đến việc phân phối nội dung trên đa nền tảng. Đa nền tảng ở đây bao gồm các nền tảng mà công chúng tham gia để đọc, nghe, xem, tương tác, thảo luận và phản hồi với nội dung của chương trình. Hiện nay, các nền tảng chủ yếu mà các kênh truyền hình tham gia trên internet bao gồm: kênh chính thức của báo (website/App), mạng xã hội Facebook, Twitter, YouTube và TikTok. Đặc biệt là các nội dung thu hút sự chú ý lớn từ công chúng, thông qua các nền tảng này, với thói quen sử dụng mạng xã hội là rất lớn, thông điệp truyền thông sẽ được truyền tải nhanh chóng và ghi nhận những phản hồi, thảo luận đa chiều hơn từ các nhóm công chúng trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, các đài truyền hình sẽ tiếp tục đứng trước thách thức phải nâng cao chất lượng nội dung, chương trình truyền hình, đạo đức nghề nghiệp trong bối cảnh cần phát triển về nguồn lực và nhân lực. Trong bối cảnh đó, quản trị thông tin phản hồi của công chúng ở các đài truyền hình sẽ có nhiều thuận lợi lớn đi liền với không ít khó khăn. Tranh thủ thuận lợi, khắc phục khó khăn để quản trị thông tin phản biện của công chúng nói chung và về các cuộc thi hoa hậu nói riêng tại các cơ quan truyền hình đạt hiệu quả cao là một yêu cầu cấp bách./.

Ngô Thị Diệu Ngân

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/thong-tin-phan-bien-ve-cac-cuoc-thi-hoa-hau-tren-truyen-hinh-da-nen-tang-o-viet-nam-hien-nay-a57113.html