Giáo dục và giá trị đạo đức: “Khi người dạy và người học cùng lạc lối”

Trong văn hóa của Việt Nam, thầy cô giáo từ xưa đến nay luôn được xem là những "kỹ sư tâm hồn", không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn đóng vai trò định hình tư tưởng, đạo đức và nhân cách cho học sinh. Tuy nhiên, những vụ việc gần đây như câu chuyện về nữ giáo viên tiểu học xin tiền phụ huynh mua laptop và hành vi thân mật giữa cô giáo trẻ với học sinh, đã phơi bày những mặt tối trong cách hành xử học đường, làm lung lay những giá trị cốt lõi của giáo dục trong xã hội hiện đại.

giaovien-1727932830.jpg
Hình ảnh hai vụ việc vừa qua làm dư luận dậy sóng. Ảnh: ST

Khi đạo đức nghề giáo trở thành món hàng trao đổi

Câu chuyện nữ giáo viên tại một trường tiểu học (Quận 1, TP.HCM) xin tiền phụ huynh để mua laptop, cùng những lời nói thiếu kiểm soát, xúc phạm với phụ huynh vừa qua không chỉ gây nên sự phẫn nộ từ dư luận mà còn làm nổi bật một vấn đề nghiêm trọng, đó là: Sự suy thoái trong đạo đức nghề giáo. Việc cô giáo yêu cầu phụ huynh đóng góp số tiền lớn để phục vụ nhu cầu cá nhân của mình, kèm theo lời giận dỗi không soạn đề cương ôn tập cho học sinh, nếu không nhận được sự đồng thuận. Liệu đây có thể được xem là lời đe doạ?

Không chỉ dừng lại ở đó, nữ giáo viên này còn có những lời nói thiếu kiểm soát, không tôn trọng phụ huynh: “Tính tôi thẳng thắn nên người ta không thích tôi. Chỉ những phụ huynh hiểu chuyện, có ăn học mới thích tôi thôi. Tôi chỉ giao du với những phụ huynh đó, còn những phụ huynh đầu đường, xó chợ tôi không giao du”.

Không ai nghĩ, những lời đó lại được thốt ra từ miệng một giáo viên có bề dày kinh nghiệm và đang giảng dạy tại thành phố mang tên Bác.

Có thể thấy, sự việc này vô hình trung đã biến quan hệ thầy cô và phụ huynh trở thành một hình thức “giao dịch” mang tính ép buộc.

Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, thầy cô giáo luôn được xem là biểu tượng của sự nghiêm trang, tấm gương sáng về đạo đức. Xưa kia, ở các làng quê Việt Nam, thầy đồ không chỉ dạy chữ, mà còn dạy cách làm người, được xem như người cha tinh thần cho học trò. Thế nhưng, trong trường hợp này, giáo viên lại không chỉ đánh mất uy tín của mình, mà còn khiến học sinh và phụ huynh chứng kiến một bài học sai lầm về giá trị của tiền bạc trong môi trường giáo dục. Sâu xa hơn, nhiều ý kiến cho rằng, hành vi này phản ánh một sự biến chất ít nhiều trong quan niệm về đạo đức nghề nghiệp, nơi mà lợi ích cá nhân được đặt lên trên trách nhiệm giáo dục.

Văn hóa ứng xử và sự tôn nghiêm trong giáo dục

Mới đây, vụ việc xảy ra tại Trường THPT Thạch Bàn, Hà Nội, khi cô giáo trẻ M.Q.T có cử chỉ thân mật với học sinh nam trong lớp, tiếp tục đặt ra câu hỏi về sự suy giảm trong văn hóa hành xử của cả người dạy và người học. Dù sự việc diễn ra trong giờ giải lao và cô giáo thừa nhận thiếu kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, hành vi thân mật này vẫn vi phạm nghiêm trọng những chuẩn mực đạo đức, đặc biệt trong môi trường giáo dục, nơi sự tôn nghiêm và chuẩn mực trong hành vi ứng xử giữa thầy trò phải được đặt lên hàng đầu.

Hành vi thân mật quá mức giữa cô giáo và học sinh không chỉ làm mất đi sự trang trọng của lớp học, mà còn gieo vào tâm trí học sinh một hình ảnh méo mó về quan hệ thầy trò. Điều này cho thấy rằng, giới trẻ ngày nay đang dần xa rời những giá trị văn hóa truyền thống trong môi trường giáo dục, đó là: Tôn trọng và đạo đức.

Không ít ý kiến cho rằng, sự thiếu ý thức về trách nhiệm của cả cô giáo và học sinh phản ánh rõ ràng một khoảng trống trong việc giáo dục các giá trị đạo đức và văn hóa ứng xử trong nhà trường.

Một số khuyến nghị nâng cao đạo đức nghề giáo và học sinh

Từ hai vụ việc trên, để củng cố lại các giá trị đạo đức và văn hóa trong môi trường giáo dục, có lẽ, đã đến lúc ngành Giáo dục cần thực sự nghiêm túc nhìn nhận và đưa ra những chính sách và biện pháp cụ thể nhằm nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên cũng như tăng cường giáo dục về đạo đức, văn hóa cho học sinh.

Tăng cường bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên: Trước hết, cần có những chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên về đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là những giáo viên mới vào nghề. Giáo viên đâu chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn, mà còn phải hiểu rõ vai trò của mình trong việc làm gương và định hướng nhân cách cho học sinh. Cần xây dựng các chương trình đào tạo sư phạm không chỉ tập trung vào kiến thức mà còn chú trọng đến việc phát triển kỹ năng ứng xử, quản lý cảm xúc và giữ vững đạo đức nghề nghiệp.

Ngoài ra, hệ thống, đơn vị giám sát và đánh giá đạo đức nghề giáo cũng cần được củng cố và bám sát. Các trường học nên có các chính sách rõ ràng về việc xử lý vi phạm đạo đức của giáo viên, đi kèm với những quy định về đạo đức nghề nghiệp để giáo viên có thể tự soi xét và điều chỉnh hành vi của mình.

Đưa giáo dục đạo đức và văn hóa ứng xử vào chương trình học: Giáo dục đạo đức cho học sinh cần được tích hợp đẩy mạnh vào chương trình giảng dạy một cách hệ thống và liên tục, không chỉ thông qua các môn học cụ thể như giáo dục công dân, đạo đức… mà cả trong các hoạt động ngoại khóa và sinh hoạt tập thể. Học sinh cần được hướng dẫn về tầm quan trọng của việc tôn trọng giáo viên, bạn bè, cũng như hiểu rõ trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng một môi trường học đường lành mạnh, văn hoá, đạo đức.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cần khuyến khích các hoạt động nhằm phát triển văn hóa ứng xử lành mạnh, như: atổ chức các buổi thảo luận, diễn đàn trao đổi giữa giáo viên và học sinh về các giá trị đạo đức và cách ứng xử trong cuộc sống… Đây là cách để học sinh hiểu rõ hơn về những hành vi đúng đắn hoặc sai lệch và biết cách giải quyết các tình huống phát sinh một cách văn minh.

Tăng cường vai trò của gia đình và cộng đồng: Giáo dục đạo đức và văn hóa không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là của gia đình và toàn xã hội. Phụ huynh cần được khuyến khích tham gia vào quá trình giáo dục đạo đức của con cái, cùng với nhà trường xây dựng một môi trường giáo dục đồng bộ. Những buổi họp phụ huynh không chỉ là dịp để thông báo tình hình học tập của con em, mà cần trở thành diễn đàn để trao đổi về cách dạy con, về các giá trị đạo đức cần được duy trì trong gia đình và ngoài xã hội.

Xã hội cũng có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các giá trị văn hóa cho học sinh. Các hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng có thể trở thành môi trường lý tưởng để rèn luyện cho học sinh kỹ năng sống và văn hóa ứng xử. Những giá trị đạo đức không chỉ dừng lại ở việc dạy trong nhà trường mà còn cần được thực hành, phát huy tối đa trong cuộc sống hằng ngày.

Sử dụng công nghệ một cách có kiểm soát: Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội, đã tác động mạnh mẽ đến cách ứng xử của học sinh trong trường học. Bên cạnh những thông tin, hình ảnh, clip… mang tính định hướng giáo dục văn hoá, đạo đức, thì vẫn còn đó những thông tin “rác” chứa đựng nội dung tiêu cực, nhạy cảm, phản cảm, bạo lực… Điều này tác động trực tiếp đến tư duy và nhận thức của học sinh. Do vậy, việc sử dụng công nghệ cần đi kèm với các biện pháp quản lý chặt chẽ, có định hướng của phụ huynh và giáo viên. Các trường học có thể tổ chức các buổi đào tạo cho học sinh về việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, tránh những hành vi tiêu cực như: đăng tải thông tin, hình ảnh, clip không phù hợp hoặc lan truyền thông tin sai lệch.

Hai vụ việc trên không chỉ là những câu chuyện đơn lẻ, mà còn là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm nhận thức về văn hóa và đạo đức trong môi trường giáo dục, của một bộ phận không nhỏ. Chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò và trách nhiệm của cả giáo viên và học sinh trong việc duy trì những giá trị văn hoá tốt đẹp của giáo dục. Phải khẳng định, giáo dục không chỉ là một quá trình truyền đạt, lĩnh hội kiến thức, mà còn là con đường định hướng, xây dựng, phát triển nhân cách và đạo đức cho thế hệ tương lai.
Bằng cách tăng cường giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử cho cả giáo viên và học sinh, chúng ta mới có thể xây dựng một nền tảng văn hóa trong trường học có chiều sâu, tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh, đạo đức và nhân văn.

Bình An

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/giao-duc-va-gia-tri-dao-duc-khi-nguoi-day-va-nguoi-hoc-cung-lac-loi-a57215.html