Phóng viên: Lần trước chúng ta có nói đến “đạo nhà”. Vậy, theo chị tất cả những đạo (theo nghĩa tôn giáo) hiện nay ở nước ta, đạo nào mới là đạo nhà?
Nghệ nhân Ưu tú Trần Ngọc Ánh: Trước hết, chúng ta cần hiểu đạo là gì? Nói vắn tắt thì đạo là đường. Là con đường mà đấng Thần chủ đã chế định cho các tín đồ và cộng đồng theo đó mà đi. Vậy đạo nhà phải là con đường đạo pháp của cộng đồng dân tộc ấy.
Con đường của đạo Phật là từ bi hỉ sả để giải thoát đau khổ cõi trần ai, mà vươn tới miền cực lạc. Con đường của đạo Công giáo và Tin Lành là bác ái để vươn tới cõi Thiên đàng. Còn con đường của đạo Thánh mẫu Việt Nam, theo tôi là nhằm xây dựng miền cực lạc, cõi thiên đường ngay trên đất Việt của người Việt. Ngay trong đời sống của cộng đồng Việt.
Như vậy, mọi con đường của tín ngưỡng tôn giáo đều nhằm dẫn dắt con người và linh hồn của con người vươn tới chốn hòa bình, ấm no, tự do và hạnh phúc. Mặc dù mỗi con đường đều đi theo một cách riêng. Điều này cũng giống như mọi dòng sông, dù tuôn chảy theo ngả nào thì cuối cùng vẫn đổ ra biển lớn!
Phóng viên: Vậy theo chị, đạo Mẫu như chị nói là con đường xây dựng hòa bình ấm no và hạnh phúc ngay trên đất nước của mình, chứ không phải chỉ là ước mơ vươn tới cõi bồng lai sau khi chết?
Nghệ nhân Ưu tú Trần Ngọc Ánh: Câu anh hỏi là vấn đề lớn, không chỉ của riêng người Việt! Muốn rõ thêm điều này, chúng ta phải bắt đầu đi từ sự hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ. Tôi xin vắn tắt đôi điều để chúng ta suy ngẫm.
Từ hơn 10.000 năm trước, người Việt cổ sống bầy đàn trong hang động. Tại di chỉ khảo cổ ở Vườn Quốc gia Cúc Phương có hai hang động. Động người xưa, người Việt cổ đã sống từ hơn 7.000 năm trước. Động Con Moong (thổ ngữ của người Mường địa phương - nghĩa là động con thú) người Việt cổ đã sống từ hơn một vạn năm trước.
Sau khi người Việt cổ rời hang động, về sống quần cư bên các dòng sông, suối thì cuộc sống dần dần thay đổi, từ chỉ biết hái lượm, săn bắt, sau này sang biết canh tác và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một quá trình sinh sống hàng ngàn năm, con người tiếp cận với thiên nhiên và họ nhận ra sức mạnh khủng khiếp của Mẹ Thiên nhiên như sấm, chớp, sét, bão, lũ.... Họ chỉ có thể nguyện cầu, xin với Mẹ Thiên nhiên che chở cho họ. Rồi dần dần tiến tới, họ biết tôn thờ vị Thần nông đã ban phát mùa màng bội thu cho cuộc sống ấm no.
Trong suốt quá trình dài hàng chục ngàn năm ấy, con người cũng nhận ra vai trò của người Mẹ, không chỉ bảo đảm việc thu xếp cuộc sống gia đình mà còn bảo tồn nòi giống. Tố chất thiên bẩm của người Mẹ là tình yêu thương vô bờ và sự đùm bọc, chở che con cháu trong mọi điều kiện hoàn cảnh.
Cũng trong quá trình tiến hóa của loài người nói chung, người Việt cổ dần đi qua thời kỳ nguyên thủy để hình thành làng xã, cộng đồng dân tộc, tiến tới lập nên nhà nước trên nền tảng từ các bộ lạc, bộ tộc.
Giai đoạn đó đồng thời phát sinh các cuộc đấu tranh, giành giật giữa các tộc người và các quốc gia láng giềng. Bởi đó là máu của con người đã pha trộn giữa người và thú.
Từ trong các cuộc chiến tranh, dân tộc Việt đều xuất hiện những vị anh hùng cứu dân cứu nước, được nhân dân ca ngợi, tôn thờ. Trong hệ thống thần linh nước Việt, các anh hùng dân tộc đều xuất thân từ các dòng họ. Có người hiển linh thành thánh, thành thần. Các vị Thánh như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Như uy viễn Đông Nhung Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương (thời Hai Bà Trưng). Như nữ anh hùng Đinh Thị Vân (Bà Chúa Thác Bờ - người Mường thời Nguyễn), như Lê Mại Đại Vương... Các vị đều được nhân dân lập đền, lập phủ phụng thờ. Còn các vị thần thì được thờ ở đình làng, miếu, am thờ... Nhiều vị là Thành Hoàng làng.
Đạo Thánh mẫu được hình thành và phát triển đồng thời với sự hình thành và phát triển các tộc người Việt, từ lúc người Việt cổ biết tôn thờ các nhiên thần đến các nhân thần. Cứ như thế đạo Mẫu đồng hành cùng dân tộc qua mọi thời lỳ lịch sử.
Là đạo tôn thờ gia tiên tiền tổ với những người có công với dân với nước đã hiển linh, đứng đầu là “Mẫu nghi thiên hạ”. Như thế chẳng phải “đạo nhà” sao?
Phóng viên: Vâng! Mặc dù chị nói vắn tắt, nhưng rất có lí. Tuy nhiên, lại có người cho rằng, đạo Mẫu hình thành từ năm 1434. Chị nghĩ sao?
Nghệ nhân Ưu tú Trần Ngọc Ánh: À, đấy là suy luận từ chuyện “Tam sinh Tam hóa” của Mẫu Liễu Hạnh trong tác phẩm Vân Cát Thần Nữ của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
Nữ sĩ viết về 3 lần Liễu Hạnh công chúa giáng trần và 3 lần hóa về trời.
Năm 1434 đến 1473 là lần giáng trần lần thứ nhất. Từ đó có người cho rằng, Mẫu Liễu là thần chủ nên đạo Mẫu sinh ra từ năm đó. Không phải vậy!
Liễu Hạnh công chúa ở Đệ Nhị Thiên cung, bị trích giáng xuống trần lần đầu do lỡ tay làm rơi vỡ chén ngọc. Nhưng trong hệ thống đạo Thánh mẫu không chỉ có Tiên Chúa là Thần Chủ. Còn nhiều vị thánh khác cũng giáng trần.
Ngược thời gian về năm 17 sau công nguyên, trước đó không rõ bao lâu, đã có vị Tiên Thánh cũng ở cung Đệ Nhị giáng trần giúp dân cứu nước. Sau khi ngài hóa, nhân dân lập miếu thờ trong rừng sâu núi thẳm. Đó là miếu “Sơn Tinh công chúa”. Sau ngài nhập vào cửa họ Vũ và trở thành “Đốc lĩnh tiền môn” thời Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Tô Định, đem lại thái bình cho Lạc Việt. Ngài chính là Thánh Bà “Chầu Bát”. Đền Tiên La thờ ngài ở Hưng Hà, Thái Bình.
Còn nếu chúng ta ngược dòng lịch sử xa hơn nữa từ trước công nguyên khoảng trên 110 năm, có hai anh em nhà Vũ Công đã lãnh đạo dân Lạc Việt, tiêu diệt được đội quân của Hiệu úy Đồ Thư của nhà Tần sang xâm lược. Đền thờ và thánh tích của hai vị vẫn còn trên đất Lập Thạch, Vĩnh Phúc...
Nói tóm lại, bắt đầu từ quan niệm Vũ Trụ Luận nguyên sơ, người Việt cổ hình thành tín ngưỡng dân gian trên cơ sở hình thái tín ngưỡng phồn thực. Sùng bái Nhiên Thần và Nhân Thần.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là tấm gương lớn đã bị lớp bụi thời gian hàng ngàn năm phủ mờ. Đặc thù của tín ngưỡng tôn giáo tâm linh là như vậy. Chúng ta không thể đòi hỏi mọi sự rành mạch, cụ thể ngay như đòi hỏi đáp án trong toán học. Chính sự cụ thể mới là yếu tố làm giảm đi tính thiêng của tâm linh. Giống như ta biết rõ hết rồi thì lấy đâu ra hào hứng để khám phá, để nghiên cứu.
Phóng viên: Thưa chị! Như thế thì phải rất rất lâu nữa, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt mới trở thành một tôn giáo hay sao?
Nghệ nhân Ưu tú Trần Ngọc Ánh: Không hẳn thế! Trở thành một tôn giáo hay không, là do nhà nước sở tại quyết định theo những tiêu chí mà họ đặt ra. Xin ví dụ: Như các anh cũng biết đấy (thông tin đầy trên các mạng): Bên Ấn Độ mười năm trở lại đây, người dân ít còn mặn mà với đạo Phật như trước. Họ bắt đầu tập trung đi theo tôn giáo mang sắc thái bản địa của họ. Chẳng hạn, Đạo Bà La Môn có trước đạo Phật mấy nghìn năm. Bổn Đạo cũng có nét tương đồng với đạo Phật (giải thoát) nhưng lại không rõ Thần chủ. Thế mà người dân Ấn Độ vẫn tin theo.
Tôi không được hiểu nhiều về tín ngưỡng tôn giáo của nước khác. Nhưng tôi tin một điều: Tín ngưỡng tôn giáo bản địa bao giờ cũng tồn tại bền vững trong lòng người dân và dân tộc. Điều ấy khách quan như một chân lí.
Nói ngay ở Việt Nam, nếu bây giờ có người đủ đức tài khởi xướng thành lập một tổ chức, chẳng hạn như “Hội Văn hóa đạo Thánh mẫu”. Hội bao gồm một số “nguyên lão” và các nhà văn hóa, khoa học, các nhà nghiên cứu.... thì sau 5 năm (với kết quả hoạt động là làm sáng tỏ lí thuyết về mặt tôn giáo mẫu, đồng thời xây dựng được một hệ thống Hội vững mạnh từ Trung ương xuống các tỉnh, thành) thì sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước công nhận là một tôn giáo chính thống của Việt Nam.
Xuân Huy
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-ky-so-2-dao-nha-a57261.html