“Tiếng Việt”, bài thơ “của một người yêu nước mình” đến vô cùng

Có thể nói, tác phẩm là cảm hứng về tiếng Việt nhưng cũng là cảm hứng về đất nước. Đọc bài thơ người ta thấy dặm dài của dân tộc đau thương và quật cường; của truyền thống văn hóa Việt Nam qua những vần thơ bất hủ, qua ca dao - cổ tích, qua lời ăn tiếng nói của nhân dân.

luu-quang-vu-va-mot-so-tac-pham-cua-ong-anh-suu-tam-1728654193.jpg
Lưu Quang Vũ và một số tác phẩm của ông (ảnh sưu tầm)

Năm 2000, nhà văn Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực sân khấu nghệ thuật.

Sự nghiệp của Lưu Quang Vũ thành danh phần lớn là ở lĩnh vực sân khấu. Ông là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời sân khấu thế kỷ XX với những vở kịch giàu tính hiện thực và nhân văn, đồng thời in đậm dấu ấn của thời đại. Tuy chỉ có 40 tuổi đời ngắn ngủi nhưng ông đã để lại cho chúng ta một khối lượng tác phẩm đồ sộ với hơn 50 vở kịch. Đương thời, kịch của Lưu Quang Vũ “ngự trị” trên sân khấu của toàn quốc, trong đó nhiều tác phẩm xứng đáng là đại diện cho nền kịch nói Việt Nam (“Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Tôi và chúng ta”, “Bệnh sĩ”, “Lời thề thứ chín”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Ông không phải là bố tôi”…).

Nhiều tác phẩm của Lưu Quang Vũ đến nay vẫn còn giữ nguyên tính thời sự và vẫn được công chúng nồng nhiệt yêu thích. Nhưng chúng ta cũng biết, trước khi nổi tiếng là một nhà viết kịch thì Lưu Quang Vũ đã được mọi người biết đến là một trong những cây bút tài hoa vào loại bậc nhất của thơ trẻ chống Mỹ. Thơ của Lưu Quang Vũ rất bay bổng và giàu cảm xúc nhưng cũng ẩn chứa nhiều dằn vặt, đau xót, cô đơn bởi những năm tháng dông bão cuộc đời, trong tình cảnh khó khăn chung của đất nước chiến tranh.

Ngày nay, đọc lại thơ của Lưu Quang Vũ, người ta thấy bên cạnh những bài thơ trữ tình, lãng mạn hay dằn vặt, đau đớn thì cũng có nhiều bài thể hiện được nguồn cảm hứng dạt dào về đất nước, về nhân dân của một con người suốt đời tôn kính, yêu quý, chịu ơn đến nặng lòng, tha thiết.

Bài thơ “Tiếng Việt” là một trong những tác phẩm như thế.

Tiếng Việt                    

    (Lưu Quang Vũ)
Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền gieo mạ lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

“Đá cheo leo trâu trèo trâu trượt...”
Đi mòn đàng dứt cỏ đợi người thương
Đây muối mặn gừng cay lòng khế xót
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa Thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.

Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Điều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Nhớ quặn lòng tiếng Việt tái tê
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình.
                        (Theo Ngữ văn lớp 9, tập hai, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2024)

Lưu Quang Vũ sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh liên miên. Bởi thế, cũng như nhiều người cùng thời, nhà thơ phải nếm trải “ngọn gió dữ của rừng già khắc nghiệt” và mang nỗi đau về thân phận con người với những âu lo, trăn trở, khát vọng: “không ngừng lo âu không ngừng phẫn nộ/ bởi vô biên là khát vọng của con người” (Những đám mây ban sớm). Sinh thời Lưu Quang Vũ mới chỉ in được nửa tập thơ, tập “Hương cây - Bếp lửa”, in chung với nhà thơ Bằng Việt, Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 1968.

Phần lớn các tác phẩm thơ của Lưu Quang Vũ được in sau khi nhà thơ đã mất.

“Tiếng Việt” là bài thơ “hiếm hoi của Lưu Quang Vũ được đăng trên báo trong những năm người ta từ chối thơ anh”. Và, “để đăng được trên Báo Văn nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật khi đó phải biên tập sửa ba chỗ”. Một chút “trích ngang” bài thơ như thế để ta hiểu thêm về bối cảnh rất dễ “nhạy cảm” khi “Tiếng Việt” chào đời.

Đọc bài thơ người ta thấy cảm xúc bao trùm tác phẩm là tình yêu tiếng Việt (cũng chính là tình yêu quê hương, đất nước) tha thiết của Lưu Quang Vũ. Cảm xúc ấy được vận động theo một bố cục chặt chẽ của bài thơ với bốn phần cụ thể như sau: Phần thứ nhất (khổ thơ 1, 2, 3, 4): Nói về sự gần gũi thân thương của tiếng Việt trong cuộc sống hàng ngày. Phần thứ hai (khổ thơ 5, 6, 7): Nói về vẻ đẹp độc đáo của tiếng Việt. Phần thứ ba (khổ thơ 8, 9,10, 11, 12): nói về sự trường tồn của tiếng Việt. Phần thứ tư (khổ thơ 13, 14, 15): Nhà thơ bộc lộ tình yêu, lòng biết của mình với tiếng Việt.

Ngay trong phần mở đầu của thi phẩm, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã cụ thể hóa cho người đọc thấy được sự gần gũi, thân thương và phong phú của tiếng mẹ, tiếng Việt qua những thanh âm luôn hiện hữu ở quanh bên mình: “Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm”, “Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng”, “Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya”, “Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng”, “Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê”, “Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ”, “Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa”, tiếng than “Đá cheo leo trâu trèo trâu trượt”...

Tái hiện những âm thanh phong phú này nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật liệt kê và điệp ngữ để cho người đọc thấy được tần số xuất hiện cùng với sự thân quen, gần gũi của tiếng Việt với mọi người; đồng thời cũng thể hiện một ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc của mình về cái thứ âm thanh quen thuộc hàng ngày ấy. Có thể thấy qua phép liệt kê của tác giả người đọc thấy tiếng Việt xuất hiện ở mọi nơi (từ cánh đồng làng cho đến bãi sông bến vắng…) mọi lúc (từ quá khứ trong những câu ca dao đến hiện tại trong tiếng mẹ, tiếng cha…).

Hơn thế nữa, nhà thơ còn cho người đọc thấy được sự kỳ diệu của tiếng Việt. Lưu Quang Vũ đã tái hiện cho người đọc thấy sự kỳ diệu của tiếng Việt trong những vần thơ tựa như những bức tranh về cuộc sống của con người qua các thời đại. Dường như lắng nghe những thanh âm phong phú của tiếng Việt mà nhà thơ đã cảm nhận được thế giới của “tiếng đời” cùng với thiên nhiên đang trở mình, cựa quậy.

“Tiếng mẹ gọi” mở ra một bức tranh làng quê hiện lên trong khung cảnh êm ả, thanh bình với những cảnh vật vô cùng quen thuộc ở nông thôn: cánh đồng, đàn cò trắng, con nghé, gió thổi hàng cau tre. “Tiếng kéo gỗ” gợi lên cuộc sống mưu sinh lam lũ, vất vả, nhọc nhằn của những người lao động. “Tiếng gọi đò” làm ta liên tưởng đến người lữ khách cô đơn trên bến sông cô liêu, hiu hắt. “Tiếng lụa xé” làm hiện hình những âm thanh của tiếng thoi đưa trên các khung cửi. 

“Tiếng dập dồn nước lũ” làm người ta hình dung ra cảnh sông nước ngập tràn mênh mông bờ bãi với dòng lũ cuốn ầm ầm xoáy cuộn vào những chân đê. “Tiếng cha dặn” cách vun cành nhóm lửa để hun thuyền, gieo mạ, đưa nôi vừa gợi lên một tình cảm thiêng liêng vừa gợi lên cách dạy bảo ân cần, cẩn thận, chu đáo để trao truyền những kinh nghiệm sống của thế hệ trước cho thế hệ sau. “Tiếng mưa dội” trên mái cọ làm người ta nhớ đến âm thanh của những cơn mưa trên vùng đất trung du rừng cọ đồi chè cùng với hình bóng thân thương của một ai đó (người mẹ, người thương…) qua hình ảnh chiếc nón “thăm thẳm ở bên trời”.

Tiếng Việt trong lời than “Đá cheo leo trâu trèo trâu trượt...” gợi cho người đọc nhớ đến nỗi đau đớn của chàng trai khi bị tan vỡ tình yêu: “Đá cheo leo trâu trèo trâu trượt/ Ngựa trèo ngựa đổ/ Tiếc công anh lao khổ/ Tự cổ chí kim/ Mất em đi anh khó kiếm khó tìm/ Cũng giả tỉ như cây kim mà lòn sợi chỉ/ Sao em không biết nghĩ biết suy/ Em ham nơi quyền quý, em không có nghĩ gì đến anh/ Hoa kia gió thổi lìa cành/ Mẹ cha ép gả, em đành chịu sao” (ca dao).

Tiếng Việt trong hình ảnh “đi mòn đàng dứt cỏ” gợi lên tiếng lòng của một chàng trai đang tha thiết trong tình yêu “Công anh đi xuống đi lên/ Mòn đường chết cỏ bậu nên nghĩa tình”.

Tiếng Việt trong hình ảnh “muối mặn gừng cay” gợi lên mối tình thủy chung son sắt của đôi lứa trong xa cách: “Muối ba năm muối vẫn còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta nghĩa nặng tình dày/ Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu nghìn ngày mới xa” (ca dao).

Tiếng Việt trong hình ảnh “lòng khế xót” gợi lên nỗi lòng thương nhớ của đôi trai gái yêu nhau nhưng đang phải xa cách: “Trèo lên cây khế nửa ngày,/ Ai làm chua xót lòng này khế ơi!/ Mặt trăng sánh với mặt trời/ Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng./ Mình ơi! Có nhớ ta chăng?/ Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời” (ca dao).

Có thể nói tiếng Việt vô cùng phong phú. Nó diễn tả được mọi cảnh vật, thể hiện được mọi cung bậc của cảm xúc. Điều chú ý trong phần thứ nhất này là âm thanh tiếng Việt được nhà thơ tái hiện. Tất cả các âm thanh ấy đều là những lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân lao động. Đó là thứ ngôn ngữ được bắt nguồn từ chính những cuộc sống lao động và đời sống tình cảm của những con người suốt ngày đang phải dầm mưa dãi nắng, một nắng hai sương.

Có lẽ, phát hiện ra sự đẹp đẽ và phong phú của tiếng Việt như thế, nhà thơ phải là người rất yêu tiếng Việt; không chỉ có sự hiểu biết sâu sắc về tiếng mẹ đẻ mà còn rất thấu hiểu những tâm tư tình cảm; chia sẻ cảm thông cuộc với sống còn đầy nhọc nhằn, lam lũ của những người lao động.

Chưa hết, đọc phần thứ nhất của bài thơ, chúng ta không chỉ thấy Lưu Quang Vũ tái hiện và gợi cho chúng ta nhận ra sự gần gũi, thân thương của tiếng Việt mà còn cảm nhận được sự điêu luyện trong cách sử dụng tiếng Việt để diễn tả, khắc họa sự vật. Đó là, ngoài nghệ thuật liệt kê, điệp ngữ, tác giả còn dùng các biện pháp tu từ nhân hóa (cò trắng rủ nhau về, đau lòng thoi sợi trắng), đảo ngữ (xạc xào gió thổi), so sánh (Ta như chim trong tiếng Việt như rừng) để thể hiện.

Hình ảnh “cò trắng rủ nhau về” trên cánh đồng gợi lên cảnh thanh bình, ấm ấp của đồng quê trong buổi chiều hôm. Cảm giác “đau lòng thoi sợi trắng” gợi lên những đắng cay của cuộc đời lao động vất vả. Hình ảnh đảo ngữ gợi lên thanh âm của tiếng gió. Đặc biệt hình ảnh so sánh “ta như chim trong tiếng Việt như rừng” đã gợi lên sự phong phú của tiếng Việt; sự gần gũi, gắn bó của những người cùng nói tiếng Việt.

Tiếng Việt giàu có, phong phú như rừng. Ta như chim có nghĩa là một thành viên trong khu rừng. Trong khu rừng có rất nhiều chim. Những con chim ấy cùng có chung một tiếng nói, cùng góp phần làm cho khu rừng ngày càng phong phú. 

Phần thứ hai của bài thơ nói về vẻ đẹp độc đáo của tiếng Việt. Ngay từ câu thơ mở đầu Lưu Quang Vũ đã đưa ra nhận xét của mình về sự hoàn thiện, hoàn mỹ của tiếng Việt: “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói”. Từ “vẹn tròn” có nghĩa là đầy đủ, đây là cách nói khái quát. Cùng với từ “vẹn tròn” câu thơ còn sử dụng cặp từ hô ứng “chưa … đã …” để nhấn mạnh, làm nổi bật cái sự đầy đủ, hoàn thiện từ rất sớm của tiếng Việt, hoàn thiện ngay từ khi mới hình thành, kể cả khi chưa có chữ viết. Và để làm nổi bật cái vẻ đẹp diệu kỳ của tiếng Việt ấy nhà thơ đã dùng những hình ảnh “vầng trăng”, “cá lặn”, “sao mờ” để gợi người đọc nhớ đến câu ca dao “Đêm qua ra đứng bờ ao/Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ/ Buồn trông con nhện giăng tơ/ Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai?/ Buồn trông chênh chếch sao Mai,/ Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?/ …” nhằm diễn tả khả năng biểu đạt những rung động, những cảm xúc rất tinh tế của tiếng mẹ đẻ.

Đặc biệt, Lưu Quang Vũ đã sử dụng nghệ thuật so sánh để cho người đọc thấy vẻ đẹp của tiếng Việt hiện lên một cách cụ thể: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.

Đó là thứ tiếng mang đậm “phù sa” (như bùn), mềm mại (như lụa, như tơ) giàu hình ảnh, sắc màu (óng ả). Cùng với nghệ thuật so sánh câu thơ còn sử dụng một thán từ “ôi” để thể hiện sự ngạc nhiên, thán phục của nhà thơ trước vẻ đẹp của tiếng Việt.

Ở trong phần hai của bài thơ có câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” khi in trên báo “Văn nghệ’ đã được sửa thành “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Bản in bài thơ này sử dụng đúng chữ gốc ban đầu của nhà thơ. Theo nhà phê bình văn học, PGS.TS Lưu Khánh Thơ (em gái Lưu Quang Vũ) chia sẻ: “Nhiều người đọc chữ “bùn” thường liên tưởng đến “hôi tanh mùi bùn”, nhưng với quan niệm của Lưu Quang Vũ, “bùn” cũng là một thứ “phù sa”. Từ lớp “phù sa” ấy đã sinh ra bao nhiêu thứ có ích. Ngay cả loài hoa cao quý và tinh khiết cũng mọc lên từ bùn… cũng như Tiếng Việt là linh hồn của dân tộc Việt Nam. Nó đã trải qua bao thăng trầm, bầm dập để kết tinh thành thứ ngôn ngữ trong sáng được lưu truyền qua bao thế hệ” (“Tiết lộ bất ngờ về bản thảo bài thơ 'Tiếng Việt' của Lưu Quang Vũ”, Báo “Tiền phong” ngày 04/07/2016).

Rồi để minh chứng cho mọi người thấy rõ hơn đặc điểm âm thanh của tiếng Việt trong việc diễn tả thanh sắc của cuộc sống muôn màu nhà thơ đã sử dụng rất nhiều các từ láy và nghệ thuật so sánh: “tha thiết”, “ríu rít”, “nói thường nghe như hát”, “như gió nước không thể nào nắm bắt”. Các từ láy và biện pháp so sánh đã giúp cho người đọc thấy được sự nhẹ nhàng, trong trẻo, thánh thót, êm ái và tính nhạc du dương hết sức vi diệu của tiếng Việt.

Không dừng lại ở đó, Lưu Quang Vũ còn chỉ ra sự diệu kỳ của tiếng Việt qua các dấu thanh: “Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh”, “Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy”. Dấu huyền khi phát âm giọng xuống thấp tạo dư âm trầm lắng, bình lặng. Thanh ngã khi phát âm giọng lên cao nhất gợi cảm xúc bay bổng, chênh chao. Thanh hỏi khi phát âm giọng xuống rồi lại lên. Dấu hỏi này cùng với hình ảnh “ngàn đời lửa cháy” còn gợi lên cảm hứng về đất nước với lịch sử oanh liệt ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Tiếng Việt trong cảm hứng của Lưu Quang Vũ hiện lên thật diệu kỳ. Những con chữ hay từ âm đến nghĩa. Chúng có khả năng gợi hình, gợi cảm và tạo lên những sự liên tưởng thú vị trong lòng người đọc/ nghe. Một chữ (tiếng) “vườn” thôi nhưng làm cho nhà thơ như được đắm mình trong một không gian xanh bóng rợp cành “rợp bóng lá cành vươn” hay một tiếng (chữ) “suối” cũng gợi lên cảm giác “mát lịm ở đầu môi” bởi như được uống nước đầu nguồn trong lành hoặc tiếng “heo may” cũng gợi lên hình ảnh của một con đường mùa thu với lá vàng rơi rất đẹp trong tiết trời se lạnh.

Đọc phần hai của bài thơ này bất giác ta lại nhớ đến bài tiểu luận “Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc” của GS Đặng Thai Mai: “Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Nói thế có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt là thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói như thế không có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kỳ lịch sử”.

Trở lại với phần hai của bài thơ “Tiếng Việt” ta thấy minh chứng về sự giàu đẹp của tiếng Việt thật sinh động. Phải chăng đây cũng là một nghị luận về tiếng Việt bằng thơ rất trữ tình của Lưu Quang Vũ.

Phần thứ ba, nhà thơ khẳng định về sự trường tồn của tiếng Việt. Khẳng định sự trường tồn của tiếng Việt cũng là nói về sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam. Để khẳng định sức sống này Lưu Quang Vũ đã nhìn nhận vấn đề trên các góc độ: Địa lý, lịch sử, thực tiễn trong cuộc sống đầy gian khó, thực tiễn trong sự hòa nhập với thế giới, giữa hiện tại với tương lai.

Trên góc độ không gian địa lý, Lưu Quang Vũ cho thấy tiếng Việt tồn tại không chỉ trong đất liền mà cả ở ngoài đảo xa: “Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng/ Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta”. Dù có xa xôi cách biệt đến bao nhiêu thì đảo xa vẫn có tiếng Việt, vẫn nói tiếng Việt. Xét trên góc độ này văn bản hiện sử dụng dùng nghệ thuật đối (đảo nhỏ với biển rộng) kết hợp với từ láy (xa xôi) để nhấn mạnh phạm vi không gian sử dụng tiếng Việt.

Câu thơ “Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng” trong văn bản gốc của nhà thơ khi chưa sửa nguyên văn như sau: “Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận”. Có lẽ đương thời câu thơ gợi lên tính thời sự mà nhà thơ Phạm Tiến Duật khi duyệt bài đã sửa lại để tránh yếu tố nhạy cảm. Nhìn trên góc độ lịch sử, Lưu Quang Vũ nhận ra tiếng Việt vẫn còn tồn tại cả khi đất nước bị rơi vào tay kẻ giặc: “Tiếng chẳng mất khi Loa Thành đã mất”.

Ở đây nghệ thuật đối một lần nữa được nhà thơ sử dụng rất hiện quả. Không những thế câu thơ của Lưu Quang Vũ còn gợi người đọc nhớ đến truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy. Cái chết của Mỵ Châu và cuộc đời sau khi thành ngọc trai tiếp tục bị “cát vùi sóng dập” gợi lên cái hoàn cảnh nước mất nhà tan. Nhưng trong cảnh ngộ ấy tiếng Việt không mất, vẫn bền bỉ giữ hồn dân tộc: “Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng”.

Đó chính là sức sống mạnh mẽ, trường tồn của tiếng Việt. Từ thực tiễn trong cuộc sống đầy gian khó, còn bất công của những người phải “ăn cầu ngủ quán”, của những kẻ “phá cũi sổ lồng”, tiếng Việt không phải vì thế mà bị mất đi. Trái lại càng cơ cực, ngang trái tiếng Việt càng tỏa sáng, chất chứa tình thương, phóng khoáng bay bổng.

Câu thơ của Lưu Quang Vũ nhắc đến Nguyễn Du lại gợi cho ta nhớ đến cuộc đời “thập tải phong trần” (mười năm gió bụi): “Cũng có kẻ nằm cầu gối đất/ Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi,/ Thương thay cũng một kiếp người,/ Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan” để tận mắt được chứng kiến cuộc sống xa hoa, sự thống trị áp bức của giai cấp phong kiến thối nát cùng đời sống lam lũ, những đau khổ cùng cực vì nghèo đói và bất công của tầng lớp dân nghèo; nhắc đến ý thơ của Nguyễn Hữu Cầu “Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán/ Phá vòng vây, bạn với kim ô”.

Tất cả điều đó cho thấy tiếng Việt có khả năng vô tận trong việc thể hiện các sắc thái tình cảm phong phú của con người. Trong thực tiễn hòa nhập với thế giới giữa sự đa dạng ngôn ngữ của các sắc tộc, tiếng Việt của chúng ta hiện lên một cách sang trọng, phong phú, đẹp đẽ, chứa đựng bản sắc và tâm hồn người Việt Nam. Diễn tả nét đẹp này của tiếng Việt, Lưu Quang Vũ sử dụng một loạt biện pháp tu từ: Liệt kê (cao quý, thâm trầm, rực rỡ), so sánh (như tiếng sáo như dây đàn nhỏ máu, như đời mẹ đắng cay, như tâm hồn dân tộc Việt), nhân hóa (mai về trúc nhớ) cùng các từ láy (rung rinh, vời vợi, nghẹn ngào, trong trẻo).

Bấy nhiêu thôi, hẳn chưa thể nào nói hết nhưng nhà thơ đủ chứng minh cho mọi người thấy được một dáng nét riêng của tiếng Việt, tâm hồn Việt. Một thứ tiếng thiết tha, êm ái, ngọt ngào, trong trẻo như tiếng sáo, tiếng đàn. Nó là tiếng nghẹn ngào nhưng cũng là yêu thương với những khát vọng được bay bổng, tự do.

Tiếng Việt như thế tự hào thay! Nhìn trên góc độ hiện tại và tương lai của tiếng Việt, nhà thơ thấy nó đã và đang là một sinh ngữ sống động được người Việt ở khắp mọi nơi sử dụng để trao đổi thông tin, kết nối tâm tư: “Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/ Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi”.

Với tác giả, nhà thơ cảm thấy được sống giữa những người cùng chung một tiếng nói như thế là một điều vô cùng hạnh phúc. Dường như người ta thấy tiếng nói giống nhau đã làm cho mọi người gần gũi với nhau hơn, thân thiết với nhau hơn. Cảm giác như một gia đình, thật ấm áp.

Đặc biệt nhà thơ còn sử dụng nghệ thuật so sánh để nói về sự rộng lớn, đông đảo của cộng đồng sử dụng tiếng Việt; qua đó thể hiện niềm tin vào sức sống trường tồn, bất diệt của tiếng Việt: “Như vị muối chung lòng biển mặn/ Như dòng sông thương mến chảy muôn đời”.

Phần cuối cùng của bài thơ, Lưu Quang Vũ bộc lộ tình yêu, lòng biết của mình với tiếng Việt. Tiếng Việt, tiếng nói của dân tộc không phải đến Lưu Quang Vũ mới được đề cập. Trước đó, thời “Thơ Mới” nhà thơ Huy Cận cũng đã từng thể hiện những tiếng lòng của mình với thứ tiếng thiêng liêng của dân tộc ấy: “Nằm trong tiếng nói yêu thương/ Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời/ Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi/ Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con” (Nằm trong tiếng nói).

Trở lại với bài thơ này, chúng ta thấy tình cảm yêu quý với tiếng Việt thì vẫn thế nhưng ý thức về tiếng Việt thì lại được nâng lên một tầm cao mới. Mối tình sâu nặng với tiếng Việt của Lưu Quang Vũ được thể hiện trên các giác độ.

Thứ nhất là nỗi băn khoăn, lo lắng sau này ai sẽ là người giữ gìn và phát triển. Thứ hai là nỗi mong mỏi những người bên kia chiến tuyến, cùng chung một thứ tiếng sẽ quay trở về với nhau trong nghĩa đồng bào (cùng một bọc, cùng một bào thai). Thứ ba là nỗi niềm biết ơn sâu nặng tiếng Việt.

Ở giác độ biểu hiện thứ nhất, nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật điệp ngữ (lặp lại đại từ phiếm chỉ: Ai), câu hỏi tu từ (Ai người sau nói tiếp những lời yêu?) để nói lên những suy tư, lo lắng, trăn trở của mình về tương lai của tiếng Việt.

Ở giác độ thứ hai nhà thơ vẫn sử dụng nghệ thuật điệp ngữ (lặp lại đại từ phiếm chỉ: Ai), câu hỏi tu từ để gợi lên cảnh ngộ của những người tha hương, những người bên kia chiến tuyến. Nhắc đến những đối tượng này nhà thơ dùng các động từ, tính từ diễn tả hành động, tính chất ở mức độ rất mạnh (nhớ quặn lòng, tái tê) để thể hiện nỗi lòng thương nhớ đến nhau của những người cùng chung một ngôn ngữ; sự thương nhớ tiếng mẹ đẻ.

Ở giác độ thứ ba, nhà thơ vẫn sử dụng biện pháp điệp ngữ (quên, quá), biện pháp nhân hóa (tiếng Việt ơi), đặc biệt là sử dụng thán từ (ôi) để thể hiện tình cảm sâu nặng của mình với tiếng Việt, sự biết ơn của mình với tiếng Việt. Cứ như thế mà tiếng Việt hiện lên như một con người với biết bao tình cảm thân thiết, gần gũi khiến cho nhà thơ trong lòng không khỏi chất chứa những nỗi niềm thiết tha : “Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”. Thực ra, trong câu thơ cuối của bài thơ đã được sửa lại khi đăng báo. Nguyên văn ban đầu là “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình”. Theo văn bản gốc, vẫn là tiếng lòng sâu nặng ân tình với tiếng Việt những nỗi niềm nghe như có gì đau đớn, chua xót hơn.

Đọc phần cuối của bài thơ chúng ta thấy Lưu Quang Vũ thể hiện tình yêu, lòng biết ơn tiếng mẹ đẻ một cách trân trọng, tôn vinh. Cao hơn thế, đây là một ý thức trách nhiệm đối với tiếng nói yêu thương của dân tộc. Đó cũng là trách nhiệm công dân cao cả, là tình yêu nước chân thành, sâu lắng của nhà thơ gửi vào tiếng Việt yêu thương.

“Tiếng Việt” là một bài thơ rất hay. Bài thơ không chỉ ngợi ca và tôn vinh tiếng Việt mà còn thể hiện một trình độ điêu luyện trong việc sử dụng tiếng Việt. Qua thi phẩm người ta thấy tiếng Việt hiện lên vừa giàu vừa đẹp. Hơn thế, người ta còn nhận ra một tâm hồn Việt, hiện lên qua những con chữ đầy yêu thương với biết bao cung bậc cảm xúc khác nhau trên hành trình dựng nước và giữ nước của cha ông.

Có thể nói, tác phẩm là cảm hứng về tiếng Việt nhưng cũng là cảm hứng về đất nước. Đọc bài thơ người ta thấy dặm dài của dân tộc đau thương và quật cường; của truyền thống văn hóa Việt Nam qua những vần thơ bất hủ, qua ca dao - cổ tích, qua lời ăn tiếng nói của nhân dân. “Tiếng Việt” ra đời từ năm 1978, đến nay đã gần nửa thế kỉ đi qua nhưng ý nghĩa của bài thơ vẫn còn nguyên vẹn. Bài thơ đúng là tâm tình của một dòng máu Việt; “của một người yêu nước mình” đến vô cùng, vô tận. Vẻ đẹp trong sáng đó mãi là một sức hấp dẫn và sẽ trường tồn trong lòng người đọc.

Đào Hiền

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/tieng-viet-bai-tho-cua-mot-nguoi-yeu-nuoc-minh-den-vo-cung-a57290.html