Di sản văn hoá của thế giới (Phần 1)

Dãy Himalaya hùng vĩ không chỉ là đích đến của những người leo núi mạo hiểm từ khắp nơi trên thế giới mà còn là nơi cư trú của một trong những tộc người đặc biệt nhất: Người Sherpa.

Vượt lên trên hình ảnh của những người dẫn đường can đảm, người Sherpa mang trong mình một di sản văn hóa quý giá, được xây dựng từ sự gắn bó với thiên nhiên khắc nghiệt, những phong tục độc đáo, và lịch sử không thể thiếu trong hành trình chinh phục đỉnh Everest.

Người Sherpa: Những anh hùng thầm lặng trên đỉnh Himalayas

z5990324908695-4be60dd23a95fdcef9a519622d9e463f-1730563093.jpg
Sonam Jangbu Sherpa - một trong những người Sherpa từng 6 lần chinh phục đỉnh Everest và nhiều đỉnh núi cao khác tại Nepal. Một người Sherpa đã đồng hành cùng các nhà leo núi Việt Nam trên chặng đường chinh phục những đỉnh núi cao nhất trên dãy Himalaya.

Người Sherpa không chỉ nổi tiếng với khả năng dẫn đường xuất sắc, mà còn là những nhà leo núi phi thường, sở hữu khả năng sinh tồn và thích nghi phi thường với khí hậu lạnh giá, thiếu oxy của dãy Himalaya. Từ lâu, họ đã được thế giới kính nể và tôn vinh vì sự bền bỉ và lòng dũng cảm, đặc biệt khi đồng hành cùng các nhà leo núi quốc tế trong những cuộc chinh phục dãy núi cao nhất thế giới.

5990334278151-1730563339.mp4

Từ “Sherpa” trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “người đến từ phía Đông”, ám chỉ gốc gác của tộc người di cư từ Tây Tạng đến Nepal. Sinh sống ở độ cao từ 3.000 mét trở lên, người Sherpa đã phát triển một hệ hô hấp và tuần hoàn đặc biệt giúp họ thích nghi tốt với độ cao, nơi mà hầu hết người khác đều gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Khả năng này đã giúp người Sherpa trở thành những người dẫn đường đáng tin cậy cho hàng ngàn nhà thám hiểm khi họ leo lên những đỉnh núi phủ đầy tuyết.

Văn hóa và tín ngưỡng đậm nét Phật giáo

5991876456631-1730563170.mp4

Người Sherpa theo đạo Phật, và nền văn hóa của họ đậm nét tâm linh, phản ánh mối liên kết sâu sắc với thiên nhiên và tâm linh. Họ tin rằng núi non, sông hồ và các yếu tố tự nhiên đều chứa đựng linh hồn, đặc biệt là dãy núi Himalaya, nơi được coi là nơi trú ngụ của các vị thần. Điều này dẫn đến việc người Sherpa sống hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ môi trường xung quanh. Dọc đường trekking qua những làng chài trên núi, khách du lịch thường bắt gặp những lá cờ cầu nguyện phất phới trong gió và những bảo tháp đặc trưng của Phật giáo Tây Tạng, làm tăng thêm vẻ huyền bí và linh thiêng của vùng đất này.

5991880450673-1730563414.mp4

Trong buổi lễ Puja, các nhà leo núi và người dẫn đường Sherpa cùng cúi đầu chắp tay, thể hiện lòng tôn kính và cầu nguyện cho một hành trình an toàn và may mắn. Nguồn: Nhà chinh phục đỉnh Manaslu Đỗ Hữu Nam.

Trong hành trình trekking tại Nepal, nhất là tại thị trấn Namche Bazaar - một thị trấn đông đúc ở vùng núi cao nơi người Sherpa sinh sống, khách du lịch có cơ hội tham quan Bảo tàng văn hóa Sherpa. Bảo tàng này tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của người Sherpa cho các cuộc thám hiểm, đặc biệt là các vật dụng truyền thống, hình ảnh tư liệu về những người Sherpa nổi tiếng trong lịch sử. Đây là nơi lưu giữ và lan tỏa niềm tự hào về một di sản văn hóa đáng kính.

Những ngôi làng lưng chừng núi: Nơi sinh sống và là nơi giữ gìn di sản Sherpa

5993805047561-1730566842.mp4

Một nét đặc trưng khác của văn hóa Sherpa là những ngôi làng nhỏ bé lưng chừng núi ở độ cao hàng nghìn mét. Các làng như Khumjung, Phakding hay Thame nằm dọc theo cung đường trekking lên Everest Base Camp, không chỉ là nơi nghỉ chân mà còn là cơ hội để du khách chiêm ngưỡng cuộc sống và văn hóa Sherpa. Nhà cửa ở đây được xây dựng từ các vật liệu tự nhiên như đá và gỗ, để bảo vệ khỏi gió mạnh và giá rét. Người Sherpa duy trì một lối sống bền vững, hòa hợp với thiên nhiên, trồng trọt các loại cây lương thực như khoai tây và lúa mạch, cũng như chăn nuôi gia súc phù hợp với điều kiện địa lý và thời tiết.

Du khách dừng chân tại các nhà nghỉ "teahouse" trong làng có thể tận hưởng sự hiếu khách, chia sẻ những câu chuyện về đời sống và phong tục tập quán địa phương, từ đó hiểu thêm về cách người Sherpa giữ gìn văn hóa qua nhiều thế hệ. Những trải nghiệm này không chỉ giúp hiểu rõ hơn về cuộc sống của họ mà còn góp phần truyền tải di sản văn hóa Sherpa đến với thế giới.

Sherpa - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Không chỉ là những người dẫn đường leo núi, người Sherpa còn là người bảo tồn và lan tỏa một di sản văn hóa độc đáo. Sự bền bỉ, sự kính trọng đối với thiên nhiên, cùng với niềm tin tôn giáo sâu sắc của người Sherpa là một di sản quý báu, không chỉ cho Nepal mà còn cho cả nhân loại. Trên con đường lên đỉnh Everest, từng ngôi làng, từng bảo tháp và từng lá cờ cầu nguyện kể lại câu chuyện của một tộc người kiên cường, một văn hóa gắn liền với đỉnh cao nhất thế giới.

Trong một thế giới mà văn hóa bản địa ngày càng bị đe dọa, người Sherpa đã trở thành biểu tượng của sự bảo tồn và tôn trọng văn hóa truyền thống. Họ là minh chứng sống động cho thấy văn hóa bản địa có thể cùng tồn tại và thăng hoa bên cạnh những ảnh hưởng từ toàn cầu hóa. Chính nhờ những đóng góp âm thầm của người Sherpa mà dãy Himalaya không chỉ là điểm đến du lịch, mà còn là một di sản văn hóa phi vật thể cần được trân trọng và bảo vệ.

Minh Linh

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/van-hoa-sherpa-di-san-van-hoa-cua-the-gioi-phan-1-a57453.html