“Trong kỷ nguyên mới, mọi người dân Việt Nam đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhấn mạnh, “trong kỷ nguyên mới, mọi người dân Việt Nam đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh”.

“Chìa khóa” bước vào kỷ nguyên mới

Tham luận tại Hội thảo “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” ngày 115/11, PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh, 40 năm đổi mới đã mở ra cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế mới, tầm nhìn mới cho đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo ông Vũ Văn Phúc, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trên thế giới, đứng thứ 5 trong ASEAN. GDP bình quân đầu người đạt gần 4.300USD, gần gấp 58 lần sau ba thập kỷ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (theo chuẩn cũ) năm 1993 xuống còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều với tiêu chí cao hơn trước) năm 2023.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao so với khu vực và thế giới.

“Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu”, ông Vũ Văn Phúc nói.

Từ phân tích trên, theo nhận định của Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới.

PGS.TS. Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản thì đề cập đến vấn đề xây dựng nền quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả trong kỷ nguyên mới.

Để xây dựng nền quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả, theo ông Lê Hải Bình, cần xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả. “Tôi cho rằng đây là chìa khóa để chúng ta đổi mới”, ông Bình nói.

nguyen-hai-binh-3851-1731730764.jpeg

PGS.TS. Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Ông Bình dẫn chứng, Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu gần đây đã nêu: bộ máy cồng kềnh đến mức 70% ngân sách để nuôi bộ máy, vậy còn đâu để đầu tư phát triển. Tuy nhiên để xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh đòi hỏi sự đồng tâm, nhất trí, cống hiến và cả sự hy sinh của những người bị động chạm tới lợi ích.

“Để có nền quản trị hiệu lực, hiệu quả, từ khóa hiện nay chúng ta cần làm là giải quyết “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là thể chế và hướng tới tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả", ông Bình nhấn mạnh.

Làm tốt công tác cán bộ

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, công tác cán bộ phải được quan tâm, đặc biệt chú trọng. Chỉ khi làm tốt công tác cán bộ thì mục tiêu bước vào kỷ nguyên mới mới được hiện thực hóa

Theo ông Lâm, thời gian qua, công tác cán bộ đã đạt được những kết quả nổi bật. Đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn tu dưỡng, rèn luyện, trình độ, năng lực được nâng lên, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

vu-trong-lam-4083-1731730764.jpeg

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Song, ông Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn trong công tác cán bộ. Trong đó, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi.  Một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, làm việc hời hợt, ngại khó

PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì cho rằng để thực hiện thắng lợi “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, cần bắt đầu từ tư duy mới và hành động mới trong lãnh đạo, quản lý.

“Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định cần tập trung cao nhất cho đột phá chiến lược về thể chế và phát triển, đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ, hoàn thiện đồng bộ và đột phá trong xây dựng, phát triển hạ tầng chiến lược”, PGS.TS. Phạm Minh Sơn nói.

Điều kiện thực hiện thắng lợi “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, theo ông Sơn là phải bảo đảm được vai trò lãnh đạo phát triển quốc gia của Đảng. Cụ thể hơn là vai trò truyền cảm hứng và dẫn dắt của đội ngũ lãnh đạo chính trị cấp chiến lược, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt.

GS.TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nói, Nhân dân mong muốn và hy vọng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, thực sự có đức, có tài, biết lo trước thiên hạ, biết vui sau thiên hạ, có năng lực thiết kế, truyền cảm hứng và làm gương để nhân dân noi theo trên cuộc hành trình dựng xây kỷ nguyên mới.

“Sẽ có rất nhiều việc phải làm, phải làm quyết liệt nhưng vững chắc để có được một hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng, của hệ thống chính trị tinh gọn, thống nhất, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; để có được đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm khiết, mẫu mực, hết lòng vì Đảng, vì dân”, GS.TS. Phùng Hữu Phú nói thêm.

Khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc

Ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc.

“Trong kỷ nguyên mới, mọi người dân Việt Nam đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh”, ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh,

Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Mục tiêu là đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

lai-xuan-mon-3673-1731730764.jpeg

Ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Theo ông Lại Xuân Môn, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, thời điểm hoàn thành công cuộc đổi mới sau 40 năm lao động, sáng tạo bền bỉ và đạt được những thành tựu vĩ đại.

Ông cho biết, các ý kiến tham luận tại hội thảo nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cán bộ và công tác cán bộ; chống lãng phí…

Trong đó, về tổ chức bộ máy cần tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết.

Song song là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động.

Về công tác cán bộ cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tạo chuyển biến căn bản về xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người.

Các cơ quan cũng cần chú trọng rà soát, bồi dưỡng, thử thách, sàng lọc đối với nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, nhất là nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV theo hướng tinh gọn, thực đức, thực tài, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp kiến tạo “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

“Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”, theo lời Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ông Lại Xuân Môn cũng cho hay, các tham luận thống nhất cao với nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm: Thực tế hiện nay lãng phí diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Do vậy, cần đẩy mạnh phòng, chống lãng phí là một trọng tâm trong chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, được xếp ngang với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hương Giang

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/trong-ky-nguyen-moi-moi-nguoi-dan-viet-nam-deu-co-cuoc-song-am-no-hanh-phuc-a57544.html