Những dấu ấn 50 năm văn học Việt Nam từ 1975

Ngày 27/11, Hội nghị lý luận phê bình “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế” đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương và Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức.

nha-tho-nguyen-quang-thieu-1732697469.jpg
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong 50 năm qua, những bước ngoặt lịch sử của đất nước đã tác động mạnh vào sự phát triển của văn học Việt Nam.

Bước ngoặt thứ nhất bắt đầu từ sau ngày 30/4/1975. Đó là giai đoạn văn học được viết trong thời bình, viết bởi các nhà văn Việt Nam trên một mảnh đất từng bị chia cắt. Sau khi chiến tranh kết thúc, các tác giả vẫn tiếp tục viết về chiến tranh nhưng trong một cách tiếp cận mới và một bút pháp mới, bởi vậy đề tài về chiến tranh được khai thác từ nhiều góc độ, nhiều cung bậc, mang lại một cái nhìn đa chiều về chiến tranh nhưng vẫn tập trung vào sự hy sinh, khát vọng lớn lao của một dân tộc cho độc lập tự do, thống nhất đất nước. Bên cạnh các nhà văn quen thuộc viết về chiến tranh là một thế hệ các nhà văn trẻ không trải qua chiến tranh nhưng viết bằng một cái nhìn trung thực với lịch sử và cảm xúc.

Bước ngoặt thứ hai là công cuộc đổi mới của Đảng được tiến hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mở ra một biên độ rất rộng về đề tài, về đối tượng, về bút pháp và tư tưởng.

Bước ngoặt thứ ba là khi đời sống chính trị của Việt Nam hoà nhập vào đời sống chính trị chung của thế giới. Văn học Việt Nam đã có những bước đi chung trong dòng chảy của thế giới và cũng từ đó, một xu thế mới của văn học Việt Nam đã xuất hiện.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định hội nghị mang tới một cái nhìn khoa học, có tính lịch sử, tính tổng kết cũng như phác thảo một diện mạo văn học Việt Nam trong những thập kỷ tới của đất nước.

Về định hướng phát triển của văn học trong thời kỳ mới, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương cho rằng, cần tăng cường đổi mới nhận thức về bản chất, đặc trưng của văn học nghệ thuật, vai trò, sứ mệnh của lý luận, phê bình văn học trên nền tảng mỹ học Mác-Lênin, đường lối văn nghệ của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp hài hòa việc kế thừa tinh hoa văn học dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.

Ông cũng kiến nghị cần chăm lo phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng phát hiện tài năng, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới của các nhà lý luận, phê bình.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, chú trọng “đầu vào” và “đầu ra” trong tiếp nhận và quảng bá văn học, coi đây là cách thức hiệu quả để văn học Việt Nam tiến ra thế giới một cách hiệu quả.

bac-ky-1732697463.jpg
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương phát biểu.

Ông Kỷ cũng đề cập đến việc tăng cường tính dân chủ trong sinh hoạt học thuật, làm lành mạnh văn hóa tranh luận, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các cây bút lý luận, phê bình; đổi mới thể chế quản lý văn hoá nghệ thuật, nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ quản lý.

PGS.TS, nhà văn Văn Giá có một số ý kiến xung quanh giai đoạn văn học này. Ông khẳng định, trên thực tế, khá nhiều tác phẩm của các tác giả như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Trần Đức Thảo, Trương Tửu... đã được in lại. Một số cây bút có liên quan như Phan Khôi, Văn Cao, Trần Duy, Thanh Châu, Quang Dũng... cũng vậy. Trong số các tác giả vừa nhắc trên, cũng đã có các nhà thơ được phong tặng Giải thưởng Nhà nước như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán. Một số công trình nghiên cứu ở cấp độ thạc sĩ, tiến sĩ trong các cơ sở đào tạo cũng đã nghiên cứu về một số nhà thơ kể trên.

Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra là cần đánh giá công khai, toàn diện ở cấp nhà nước về một phong trào văn học với lịch sử và số phận, cách thức tổ chức, các ấn phẩm, diện mạo, đóng góp và hạn chế của nó trong lịch sử văn học và chính trị-xã hội Việt Nam. Với một yêu cầu ở quy mô như vậy, hiện nay nghiên cứu lý luận phê bình của chúng ta chưa làm được. Đây đó mới chỉ có mấy tiếng nói đơn lẻ, chưa được thừa nhận chính thức.

Ông cũng có một số nhận xét về văn học do người Việt Nam ở nước ngoài, ông cho rằng đã có một số tiểu luận của các nhà nghiên cứu trong nước về văn học hải ngoại như: Hoàng Ngọc Hiến, Lý Lan, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Quang Thiều, Lê Hoài Nguyên, Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Minh Tuấn, Phạm Quang Trung, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Thị Thanh Xuân... Tuy nhiên, chưa có nhiều công trình mang tính chuyên luận để công nghiên cứu một cách hệ thống về khu vực văn học này.

Cuốn chuyên luận “Văn học di dân - Phác thảo diện mạo nữ nhà văn Việt Nam tại Hoa Kỳ” (NXB Phụ nữ, 2019) của tác giả Trần Lê Hoa Tranh được xem như là một thành tựu đầu tiên nghiên cứu về bộ phận văn học này đáng được ghi nhận. Đây là một khu vực văn học khá rộng, bề bộn, việc nhận diện đang còn chưa rõ ràng. Văn học của người Việt sống ở nước ngoài? Người Việt có quốc tịch nước ngoài? Người Việt viết bằng tiếng Việt? Hay người Việt viết bằng ngôn ngữ khác?... Ngay cả tên gọi cũng có vẻ như chưa thống nhất: Văn học hải ngoại? Văn học di dân?... Xét thấy, khu vực văn học hải ngoại đang rất cần được giới nghiên cứu lý luận phê bình quan tâm và bổ khuyết.

cac-thay-1732697451.jpg
PGS.TS Văn Giá (bên phải).

Nhà thơ Mai Văn Phấn đã trình bày những vấn đề liên quan tới văn học Công giáo trong dòng chảy văn học Việt Nam. Ông cho rằng, với Công giáo Việt Nam, cảm thức đức tin Thiên Chúa và những biến chuyển tinh thần trong văn chương được thể hiện rõ trong diễn trình thơ Công giáo từ năm 1975 đến nay. Cảm thức ấy biểu hiện qua khát vọng cứu rỗi, an bình và hy vọng trước những biến động không ngừng của thời cuộc khi các giá trị xã hội và văn hóa liên tục thay đổi.

Thơ đương đại Việt Nam, qua những biến chuyển trước và sau năm 1975, đã đón nhận đạo Công giáo không chỉ như một biểu hiện của niềm tin vào Thiên Chúa mà còn như một nguồn mạch nghệ thuật phong phú và sinh động, góp phần định hình sắc thái độc đáo cho thi ca. Những tác phẩm thơ ca đã chuyển tải sâu sắc các câu hỏi về sự tha thứ, tình yêu thương vô điều kiện, và lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa như một điểm tựa tinh thần thiêng liêng, bền vững trong cuộc sống. Các hình tượng này biểu trưng cho lòng khao khát tìm kiếm chân lý, ánh sáng, và định hướng cho con người trước mọi nghịch cảnh.

Bỗng nghe một tiếng chuông buông
Xa xôi tự tháp thánh đường nào đây!
Vang lên cao vút tầng mây
Rồi ngân nhè nhẹ như ngây ngất lòng…
("Chuông chiều" - Xuân Ly Băng)

Bốn câu thơ trên của nhà thơ Xuân Ly Băng khơi dậy những xúc cảm sâu sắc về một không gian tâm linh tràn đầy ân thánh. Tiếng chuông ở đây mở ra một không gian vời vợi và thanh tĩnh, dẫn dắt con người tới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Âm thanh ấy đưa ta về với đức tin Thiên Chúa, về với giá trị tinh thần, khuyên nhủ con người dừng lại, suy ngẫm và mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp; nó kết nối con người với điều thiêng và cái đẹp, khiến tinh thần con người như được thanh tẩy, tràn ngập tình yêu và niềm tin Thiên Chúa.

Sau năm 1975, xã hội Việt Nam bước vào giai đoạn chuyển đổi sâu rộng, với nhiều biến động trong đời sống đức tin. Thời kỳ hậu chiến đưa đến những thách thức mới trong tư duy và văn hóa, từ đó dẫn đến những hạn chế trong việc khám phá các thi pháp sáng tác mới hay mở rộng những quan niệm thẩm mỹ vốn được định hình trước đó. Trong bối cảnh này, những tác phẩm có nội dung liên quan đến đức tin Thiên Chúa thường được thể hiện qua các biểu tượng, ẩn ý gián tiếp. Khát vọng bình yên và lời cầu nguyện - những biểu trưng của đức tin - thường được diễn đạt qua phép ẩn dụ nhằm biểu đạt những cảm xúc phức rối và đa tầng, như nỗi nhớ, sự trăn trở, và cả nỗi đau do hệ lụy chiến tranh vừa qua.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cảm hứng tôn giáo vẫn luôn là nguồn mạch tâm linh, là phương tiện cần thiết để các nhà thơ khám phá chiều sâu tâm hồn, phản ánh nỗi đau, sự hoài nghi và niềm hy vọng về một đời sống công bằng, bác ái...

Theo tác giả Nguyễn Vy Khanh, tác phẩm văn chương Công giáo Việt Nam bao gồm hai loại: Một là, “Sách đạo”, tức các tác phẩm giáo lý, tu đức và kinh sách về đạo Chúa; hai là, “Văn học đạo”, gồm các tác phẩm văn học và học thuật có nội dung “tải đạo” hoặc chịu ảnh hưởng của đạo Công giáo. Nói cách khác, “văn học đạo” là một hình thức “hội nhập văn hóa” của đức tin. Trong các tác phẩm thuộc thể loại “văn học đạo”, có nhiều bài thơ và lời kinh bổn được chuyển thể thành thơ, diễn ca để truyền bá Tin Mừng, đưa Thiên Chúa đến gần hơn với tha nhân…

cac-lanh-dao-1732697456.jpg
Toàn cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những phân tích, đánh giá về văn học Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; dấu ấn của từng thể loại, đề tài văn học trong 50 năm qua; các thế hệ nhà văn sau năm 1975; văn học trước hiện thực mới hôm nay; dịch văn học trong hành trình quảng bá đất nước, con người Việt Nam; dòng chảy của nhà văn trẻ hiện nay…

Bên cạnh những thành tựu, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế của văn học Việt Nam thời gian qua và đưa ra những giải pháp để phát triển văn học cũng như dự báo xu hướng thời gian tới. Đó là việc quan tâm, đầu tư vào những người cầm bút; tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế để mạnh đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập, đưa văn học Việt Nam nhanh chóng bắt kịp tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại thế giới.

Phụng Thiên

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/nhung-dau-an-50-nam-van-hoc-viet-nam-tu-1975-a57635.html