Trung úy Vương Bình Minh nhớ lại, 45 năm trước, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giúp nước bạn Lào, Bộ Quốc phòng nước ta đã có Quyết định số 423/QĐ-QP ngày 30/3/1979 thành lập Mặt trận 379. Các đơn vị trực thuộc khác như Trung đoàn Pháo binh 484, Công binh 538, Tiểu đoàn 46 đặc công; các tiểu đoàn cao xạ, thông tin, trinh sát...
Đến năm 1980, “đội hình” cơ bản đã hoàn chỉnh gồm các đơn vị bộ binh: E82, E184, E423, E749, E825....
Các đơn vị thuộc Mặt trận có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phối hợp cùng Quân giải phóng Nhân dân Lào truy quét phỉ, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng Lào.
Thiếu tướng Nguyễn Ân, Tham mưu trưởng Binh đoàn 678 được giao nhiệm vụ Tư lệnh Mặt trận 379.
Tân binh Vương Bình Minh nhập ngũ năm 1978, sau một thời gian huấn luyện ở Khe Lang (Hà Tĩnh), thuộc quân số Sư đoàn 441, được giữ lại vì có thành tích trong huấn luyện.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, giữa 2 nước. Đó là thời khắc làm thay đổi nhiều thứ, trở thành một “biến cố” trong lịch sử.
Những năm tháng ấy, tình hình khu vực 6 tỉnh Bắc Lào cũng hết sức phức tạp, phỉ nổi lên chống phá, gây bạo loạn. Đáp ứng nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và quân đội Pathet Lào, quân đội Việt Nam lại hành quân sang giúp bạn. Mặt trận 379 được thành lập. Đơn vị anh được điều về Cam Lộ (Quảng Trị) để thành lập Sư đoàn 306 thuộc Quân đoàn 2; gồm 3 Trung đoàn 421,422,423.
“Khi thành lập Mặt trận 379, Bộ Quốc phòng điều Trung đoàn 423 hành quân lên Điện Biên, sau đó hành quân sang Lào. Quân số của trung đoàn chủ yếu là người Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên. Khi sang Lào, đơn vị tôi đóng quân tại bản Co Nói”, anh cho biết.
Đó là nơi địa hình hiểm trở, đời sống nhân dân các bộ tộc Lào khó khăn, nhiều đồng chí vừa sang đã bị sốt rét.... Thế nhưng với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình” (Lời Hồ Chủ tịch), cán bộ chiến sỹ Mặt trận 379 đã vượt lên tất cả.
Cán bộ, chiến sỹ Mặt trận 379 đã xây dựng hàng ngàn ki-lô-mét đường hào, đào hàng vạn m3 đất đá xây dựng công sự, địa đạo trên điểm cao 1064 làm tuyến phòng thủ không chỉ trước mắt mà còn cả lâu dài cho 3 tỉnh Bắc Lào: Phongsaly, Oudomxay, Luang Namtha... Ngoài việc sát cánh cùng bộ đội Pathet Lào tiễu phỉ, xây dựng công sự, bộ đội Mặt trận 379 còn là xây dựng “phòng tuyến lòng dân”, xuống tận các bản, làng, “ba cùng” với bà con các bộ tộc Lào.
Quá trình thực thi nhiệm vụ quốc tế trên đất nước Lào, có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Mặt trận 379 hy sinh...
Ghi nhận công lao đóng góp của cán bộ, chiến sỹ Mặt trận, Đảng và Nhà nước Lào đã tặng Huân chương Ixala cao quý. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã Huân chương Chiến công hạng Ba; nhiều cán bộ, chiến sỹ được tặng nhiều Huân, Huy chương các loại.
Đến năm 1987, Mặt trận 379 hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Lào và trở về Tổ quốc.
Ngày 8/5/1988, Bộ Quốc phòng có Quyết định số 119/QĐ-BQP chuyển Mặt trận 379 về trực thuộc Quân khu 2 và cơ cấu lại thành Sư đoàn 379. Cho tới nay, Mặt trận 379 năm xưa vẫn còn 3 đơn vị đầu mối là Trung đoàn bộ binh 82 (Sư đoàn 355); Kho K79 (Cục Kỹ thuật, Quân khu 2); Đoàn kinh tế quốc phòng 379 (Bộ Tư lệnh Quân khu 2). Họ chính là các đơn vị “kế thừa” truyền thống vẻ vang của Mặt trận 379 năm xưa.
Gần 10 năm (1979 - 1987) làm nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn Lào, cán bộ chiến sĩ Mặt trận 379 đã 2 lần vinh dự được đón tiếp Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Caysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đến thăm, động viên tại thị xã Muang Xay, tỉnh Oudomxay.
Khi cán bộ, chiến sỹ rút quân từ Lào về, vừa mới đặt chân về mảnh đất Điện Biện lịch sử đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm, chúc mừng và biểu dương thành tích của đơn vị.
Hiện nay, Ban Liên lạc Mặt trận 379 đã được thành lập ở 16 tỉnh, thành phố như Nghệ An, Điện Biên, Hải Dương, Nam Định...
Đối với Nghệ An, địa phương có đông quân nhân tham gia Mặt trận 379, anh Vương Bình Minh cho biết, Ban Liên lạc đã kết nối, tập hợp được gần 1.000 cựu chiến binh Mặt trận 379, cùng tham gia sinh hoạt.
Những năm qua, Ban Liên lạc đã phát huy tốt truyền thống đơn vị anh hùng, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trên quê hương Bác, thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng tổ chức vững mạnh, thực hiện tốt quy chế hoạt động; tuyên truyền, vận động người thân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Hôm tôi có mặt tại thành phố Vinh chứng kiến kỷ niệm 45 năm Ngày Thành lập mới thấy xúc động về tình người, tình đồng đội của các cựu chiến binh. Ban Liên lạc Mặt trận 379 ở các địa phương đều cử người về dự, phần đông cựu chiến binh đều mặc quân phục được cấp, ôm nhau, siết chặt bàn tay, bùi ngùi, sẻ chia.
Rời quân ngũ, mỗi người một lĩnh vực công tác, nhưng tất cả đều canh cánh tình đồng đội, từng chung chiến hào “đã lên xe không còn tên riêng nữa”. “Anh em chúng tôi luôn ghi nhớ trong lòng Mười hai điều kỷ luật và Mười lời thề của Quân đội. Mỗi việc làm, mỗi hành động, cïng đoàn kết, tương hỗ, tiếp tục động viên, giúp đỡ nhau phát huy truyền thống, bản chất anh bộ đội Cụ Hồ”, anh chân thành.
Vương Bình Minh là người luôn đau đáu để bằng mọi cách tìm lại đồng đội, đi đến đâu cũng hỏi dò la lần tìm từng đầu mối…với tâm nguyện tập hợp được anh em đã từng chung chiến hào, “chia ngọt sẻ bùi”.
Năm 1983, khi đó Vương Bình Binh là sỹ quan Trường Quân chính, Binh đoàn 678, trong một lần về nghỉ phép, anh từ quê Diễn Châu đi tàu vào Vinh. Khi xuống ga Vinh, bất ngờ gặp lại đồng đội cũ, khắc khổ, đang làm nghề đạp xích lô.
“Tôi nhận ra quen quen, đã đi qua nhưng linh tính mách bảo, tôi quay lại, đến gần và hỏi han. Tôi nói: “Anh có phải lên là Bình, ở C20 của Trung đoàn 423, ngày xưa bên Lào không?”. Người xích lô thừa nhận, sau phút bỡ ngỡ chúng tôi nhận ra nhau. Tôi tranh thủ hỏi Bình về anh em, cuộc sống cũng như công việc. Sau khi chia tay, tôi nói với Bình, có điều kiện thì kết nối với đồng đội, sẽ có lần chúng ta tập hợp với nhau”.
Năm 1985, Vương Bình Minh xuất ngũ, chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực hàng hải. Nhờ lời hứa khi xưa, Bình người thầm lặng, có công tìm lại anh em, nhen nhóm lên... Quãng thời gian 2001 - 2003, chính Bình đã kết nối được anh em ở Vinh và các huyện lân cận. “Từ đó cứ tháng 3 hàng năm chúng tôi gặp lại nhau, khi chưa có điều kiện thì cùng nhau ăn bữa cơm, ôn lại kỷ niệm thời gian trong quân ngũ”, Vương Bình Minh nhớ lại nhân duyên và buổi ban đầu.
Từ năm 2009, khi Vương Bình Minh đã là Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, cho đến lúc nghỉ hưu, luôn đồng hành, sát cánh với các cựu chiến binh.
Đầu năm 2021, khi đã được nghỉ hưu, có thời gian hơn, Vương Bình Minh quyết tâm tập hợp, tìm kiếm anh em đơn vị cũ.
Được đồng đội tín nhiệm,anh được cử làm Trưởng Ban Liên lạc Mặt trận 379 thành phố Vinh và các huyện lân cận.
Từ đó lan tỏa, Ban Liên lạc cựu chiến binh Mặt trận 379 ở các huyện được thành lập, dẫn đến thành lập Ban Liên lạc Mặt trận tỉnh Nghệ An. Cựu chiến binh Vương Bình Minh được “chọn mặt gửi vàng”, tôn vinh làm Trưởng ban.
Đến nay Ban Liên lạc đã hoạt động quy củ, có quy chế hoạt động.
Được sự quan tâm đó, Sứ quán Lào, Hội Cựu Chiến binh của Lào, Sở Ngoại vụ... và những cơ quan liên quan của bạn cùng phối hợp giúp đỡ. Đoàn cựu chiến binh Mặt trận 379 tỉnh Nghệ An trở lại chiến trường xưa do Trưởng ban Vương Bình Minh tổ chức có 28 anh em tham gia.
Thiếu tướng Nguyễn Phong Phú, nguyên Trưởng đoàn Chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Lào đánh giá cao Ban Liên lạc Mặt trận 379 tỉnh Nghệ An trong việc tổ chức hoạt động về nguồn, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các sinh viên Lào đang học tại Đại học Vinh, làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Để làm được những việc đó, cựu chiến binh Vương Bình Minh luôn lăn xả, thực sự là “cánh chim đầu đàn”./.
Ngô Đức Hành
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/cuu-chien-binh-ket-noi-nghia-tinh-dong-doi-a57745.html