Trong lịch sử thi ca Việt Nam hiện đại có không ít bài thơ rất hay nhưng tác giả của nó vì một lý do nào đó mà đương thời không dám thừa nhận đó là đứa con tinh thần của mình, phải dùng bút danh bằng tên của người dân tộc thiểu số hoặc chỉ dám ghi tên mình là dịch giả (dịch thơ ca dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số hoặc của tác giả người dân tộc thiểu số).
Bài thơ “Em tắm” của tác giả Cầm Giang (tên thường gọi là Lương Cầm Giang, tên khai sinh là Lê Gia Hợp, quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa nhưng lấy vợ và sống ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) là một trường hợp như thế.
Bài thơ được in trên Báo Độc Lập năm 1957 bằng chữ dân tộc Thái và chữ quốc ngữ; đưa vào in lần đầu trong tập thơ “Cầu vào bản”, Nhà xuất bản Văn học, năm 1960; sau này được đưa vào in trong nhiều tuyển tập khác.
Đến năm 2005, bài thơ được Hội nhà văn bình chọn và đưa vào tuyển tập 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX.
Nguyên văn bài thơ và tên tác giả khi đăng báo và in trong các tuyển tập đều ghi như sau:
EM TẮM
(Bạc Văn Ùi)
Sao anh lại rình
Trộm xem em tắm
Da của em ngần trắng
Da của ái, của êm
Tay của em lấm lem
Tay của than của bụi
Tay của rừng của núi
Tay của đất của nương
Em tắm xong lại sạch
Vẫn ngát thơm hoa rừng
Da của em trắng ngần
Là của anh tất cả
Không phải người xa lạ
Việc gì mà trộm xem
Em tắm suối giữa mường
Tắm trong mối yêu thương
Có anh đang đứng giữ
Chớ để Tây đến mường.
Thoạt xem, người ta thấy ngôn ngữ và cách nói của bài thơ giống với lối tư duy bằng hình ảnh của người Thái ở Tây Bắc. Nhưng đọc kỹ, hẳn sẽ có không ít người thấy bài thơ “Thái” quá mà không khỏi nghi ngờ, liệu có phải Thái “xịn” hay không? Tức là người sáng tác bài thơ không phải người dân tộc Thái mà chỉ nhập vai người Thái để làm bài thơ kiểu Thái, mang phong cách Thái. Nói như bây giờ, bài thơ là Thái “nhái”. Nhưng mà “nhái” như thật, ít nhất là có năm mươi năm được mọi người (kể cả người Thái) tin là thật, thậm chí bây giờ vẫn có người nghĩ Bạc Văn Ùi là người dân tộc Thái. Kể lại đôi lời như thế, để thấy rằng “Em tắm” là một bài thơ mang đậm chất dân tộc Thái. Rất hay, rất lạ và rất hồn nhiên.
Đọc bài thơ “Em tắm” người ta thấy tác giả của bài thơ đã phát huy được thế mạnh của thể thơ năm chữ. Nhìn tổng thể, bài thơ khá ngắn gọn, có năm khổ, bốn khổ đầu mỗi khổ có bốn câu, khổ cuối có hai câu. Về cơ bản, bài thơ được sáng tác theo thể thơ năm chữ, chỉ có hai câu đầu của khổ thứ nhất mỗi câu có bốn chữ. Như mọi người đã biết, thơ năm chữ là một thể thơ thích hợp với việc kể chuyện (tự sự). Và, trong bài thơ này nhà thơ Bạc Văn Ùi đã “thành công” trong việc kể lại câu chuyện một chàng trai “rình” xem một cô gái người Thái đang tắm giữa suối rừng Tây Bắc.
Cứ theo lời kể trên Báo Tiền Phong (số ra ngày 19 tháng 8 năm 2007) của Nguyễn Tham Thiện Kế thì chàng trai trong bài thơ này không phải ai khác chính là tác giả và người gái đang tắm là cô xòe Cầm Bạch Thiêm ở một bản Thái trên miền Tây Bắc, nơi nhà thơ - người lính Cầm Giang được phân công đi tuyên truyền vận động quần chúng thời chống Pháp.
Trong bài thơ có hai nhân vật. Nhân vật chàng trai và cô gái (người yêu của chàng trai). Nhân vật chàng trai hiện lên trong cái nhìn phát hiện của cô gái khi anh ta đang “rình”: “Trộm xem em tắm”. Cái “hành vi” của “người ấy” như thế đã trở thành cái cớ để cho cô gái bộc bạch, thổ lộ một cách rất đáng yêu với chàng trai.
Này nhé, chúng ta hãy xem người con gái Thái ấy đã bộc bạch, thổ lộ với người yêu của mình những gì: “Da của em ngần trắng/ Da của ái, của êm”, “Tay của em lấm lem/ Tay của than của bụi/ Tay của rừng của núi/ Tay của đất của nương”, “Em tắm xong lại sạch/ Vẫn ngát thơm hoa rừng”. Thế là đã rõ. Cô gái khoe với người yêu về nước da trắng ngần và đôi tay chăm chỉ của mình. Chỗ này chúng ta thấy ngôn ngữ và cách tư duy bằng hình ảnh rất giống người Thái của nhà thơ.
Thông qua những lời bộc bạch, thổ lộ này người ta thấy cô gái rất hồn nhiên, tự tin. Cô ý thức được rất rõ về những nét nhan sắc và phẩm giá của mình. Cách thể hiện của cô cứ như tiếng con chim hót trong rừng, như tiếng nước reo trên suối. “Da của em ngần trắng” gợi lên một vẻ đẹp tinh khiết với sắc màu sáng trắng, bóng mịn. Ở đây nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật hoán dụ để gợi lên một nhan sắc tươi trẻ giữa núi rừng Tây Bắc.
Người ta thường nói “nhất dáng nhì da”. Hãy tạm chưa bàn đến dáng (về dáng người con gái Thái thường rất đẹp, từ nhỏ các cô gái Thái đã được các bà, các mẹ dạy cho cách đeo khăn ở thắt lưng - “xài yêu” để lớn lên sẽ có được một thân hình theo tiêu chí: “Eo kíu manh po” - giống như thắt đáy lưng ong của các cô gái người Kinh), chỉ nói về nước da như thế thôi nhà thơ cũng đủ giúp cho người đọc hình dung trong trí tưởng tượng về cái vẻ đẹp tuyệt trần “trong ngọc trắng ngà” của “một toà thiên nhiên” đang lấp lánh, sóng sánh cùng làn nước trong vắt, mát rượi dưới suối nguồn như thể cụ Nguyễn Du ngày xưa từng miêu tả nàng Kiều: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Cô gái không chỉ ý thức được vẻ đẹp của mình mà còn rất tự hào về cái vẻ đẹp ấy: “Da của ái, của êm”. Làn da trắng ngần, đẹp đẽ ấy là của mẹ của cha ban tặng (tiếng Thái ái là cha, êm là mẹ).
Với cách diễn đạt bằng hình ảnh như thế, người con gái Thái này không chỉ ý thức rõ ràng về vẻ đẹp ngoại hình của mình mà còn thể hiện được cả vẻ đẹp của phẩm chất. Cách nói như thế đã tỏ ra cô rất hiểu và luôn ghi nhớ công ơn của cha mẹ, những người đã đem đến cho cô vóc dáng và hương sắc kiều diễm ấy. Cùng với hình ảnh nước da trắng ngần, bài thơ còn có một hình ảnh hoán dụ khác: “bàn tay”. Nhà thơ đã lấy cái bộ phận để gợi lên cái toàn thể.
Nói tới bàn tay là người ta nghĩ ngay đến công việc lao động. Hình ảnh bàn tay của cô gái được lặp đi lặp lại bốn lần cùng với các từ ngữ “lấm lem”, “của than của bụi”, “của núi của rừng”, “cửa nương của đất” vừa gợi lên và cũng vừa nhấn mạnh cái đặc điểm bên ngoài của bàn tay cùng với công việc của cô gái đang làm. Đôi bàn tay ấy hàng ngày thường xuyên tiếp xúc với than với bụi, trên núi trên rừng, ngoài nương ngoài rẫy thì làm sao không khỏi “lấm lem”.
Ở khổ thơ này, tác giả sử dụng cả điệp từ và cả điệp cấu trúc cho nên nó không chỉ nhấn mạnh mà còn gợi lên cái đức tính cần cù chăm chỉ lao động, cái nết hay lam hay làm rất đáng quý của người con gái Thái này. Cứ như vậy mà cô gái trong bài thơ hiện lên không chỉ đẹp người mà còn đẹp nết. Bởi thế cái “lấm lem” bên ngoài kia không đáng kể. Chỉ cần “Em tắm xong lại sạch”; em tắm xong lại “Vẫn ngát thơm hoa rừng”.
Ý nghĩa của hình ảnh thơ dừng lại ở đây nghĩ cũng đã đủ. Nhưng không ở một tầng nghĩa khác, hai hình ảnh hoán dụ (da, tay) đi cùng với hai hình ảnh điệp ngữ (của ái, của êm; của than của bụi, của rừng của núi, của đất của nương) làm người ta nghĩ đến câu tục ngữ “người ta là hoa đất”. Bông hoa ấy vừa là của cha mẹ ban cho vừa là sự kết tinh của đất trời núi rừng Tây Bắc. Đóa hoa em như vậy cứ tỏa ngát hương và sống mãi trong tình yêu thương nâng niu của suối rừng mát ngọt và cả trong tình thương yêu của “anh”: “Em tắm suối giữa mường/ Tắm trong mối yêu thương”. Nhà thơ ca ngợi vẻ đẹp của cô gái như thế quả là hết lời. Và, trước cái đẹp như thế cô gái rất chân thành và tự tin nói với anh:
“Có anh đang đứng giữ
Chớ để Tây đến mường”
Thật hạnh phúc cho chàng trai khi được cô gái xinh đẹp trao gửi yêu thương như thế. Cô trao tình yêu cho anh nhưng cũng chính là giao cả nhiệm vụ cho anh. Em, vẻ đẹp của em thuộc về anh tất cả nhưng anh cũng phải có nhiệm vụ bảo vệ tình yêu ấy, bảo vệ em, bảo vệ đất mường. Đến đây chúng ta thấy mạch thơ chuyển hướng bất ngờ nhưng cũng rất hợp lý. Tình yêu lứa đôi lồng được trong tình yêu đất mường, mở rộng ra là đất nước. Cũng bởi cái mạch chuyển hợp lý như vậy mà việc “Chớ để Tây đến mường” đã tạo thành một cái kết đầy dư ba, làm thành một tứ thơ rất độc đáo. Chính cái kết độc đáo này mà bài thơ vừa mang dư vị ngọt ngào của tình yêu vừa thể hiện được “tinh thần của thời đại”.
Như đã nói ở trên, đây là bài thơ Thái nhái. Một thứ hàng nhái rất đáng yêu. Dù tác giả bài thơ có xưng tên là Bạc Văn Ùi (họ tên của người Thái), dù hình ảnh và cách nói mang đầy chất dân gian của người Thái thì cái đuôi “hàng nhái” vẫn cứ bị lộ. Nếu ai đã từng ở trên vùng Tây Bắc thời trước thì sẽ nhận ra việc “rình” để xem trộm “em tắm” nếu có thì chỉ có trong con mắt của người Kinh. Với văn hóa Thái, việc tắm tiên trên suối của con gái là chuyện thường ngày.
Đi ngang qua những đoạn suối nước trong vào những buổi chiều hôm người ta sẽ thoải mái ngắm nhìn các cô gái Thái tắm suối cho nên việc gì có chuyện phải “rình”, phải “xem trộm”. Nói như thế nghe có vẻ phàm tục nhưng với phong tục của người Thái, cảnh con gái Thái tắm tiên trên suối là một phần không thể thiếu được. Nếu không có nó, cảnh trữ tình suối ngàn Tây Bắc sẽ không còn nên thơ, sẽ kém đi vẻ lung linh huyền ảo.
Ngắm nhìn các cô gái Thái hòa mình vào với thiên nhiên như huyền thoại, người ta có cảm giác được ngắm ánh bình minh trong sương sớm, ngắm hoa ban đang khoe sắc với mùa xuân. Thường thì, người con gái Thái, sau buổi lao động trên nương trở về, các cô hay nghỉ chân bên suối. Làn nước mát ngọt, trong xanh sẽ làm sạch sẽ bụi bặm, trả nước da trắng ngần của mẹ, của cha và của tinh hoa núi rừng lại cho các cô như vốn có ban đầu. Khi ấy, bao nỗi mệt nhọc như được rũ bỏ, cho trôi theo dòng nước. Và lúc ấy, con người cũng như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới.
Ở trên bản Thái miền Tây Bắc, nếu các chàng trai thường chọn nơi dòng sâu, nước xiết để vẫy vùng thỏa sức thì các cô gái lại tìm đến nơi có dòng chảy nông hơn để rửa sạch bụi trần “lấm lem”. Khi tắm suối, các cô gái ý tứ cởi từng chiếc cúc áo; lúc này váy áo được kéo cao, che kín khuôn ngực tràn trề nhựa sống. Cô lội xuống nước tới đâu, váy được nâng dần lên đến đấy, cho đến khi dòng nước trong xanh đủ che kín thân mình. Các cô gái khéo léo quấn chặt váy trên đầu, giống như một bông hoa ban. Cô quấn khéo tới mức dù bơi lội, vẫy vùng thế nào thì chiếc váy vẫn không thể rơi xuống nước được. Cứ như thế cô gái thả ngực trần, khỏa mình dưới suối hồn nhiên như thể chỉ có mình ta cùng với đất trời.
Cũng theo Nguyễn Tham Thiện kể trong tư liệu đã nêu ở trên, chúng ta được biết việc “rình”, “xem trộm” của tác giả bài thơ “Em tắm” chỉ là vô tình mà thôi. Với chàng trai người Thái việc đó có cố tình cũng chẳng sao nhưng với chàng trai người Kinh dù có vô tình thì cũng không tránh khỏi đỏ mặt.
Tác giả có kể lại rằng: “Những năm năm mươi, đơn vị từ Sầm Nưa quay về Tây Bắc. Chàng lính trẻ vừa học xong lớp y tá sơ cấp được phân công đi vận động quần chúng ở bản Thái mươi nóc nhà. Cách nơi đóng quân hơn chục cây số rừng. Vận động quần chúng là phải đi ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Lối vào bản ấy phải vượt qua dòng suối sâu ngang ngực. Nước xiết, xanh biếc rêu, cá xỉnh (một loài cá đặc sản ở sông suối Tây Bắc) nhiều vô kể.
Ngay hôm đầu, chàng đã gặp tình huống cười dở khóc dở. Đang trần truồng đội ba lô súng đạn lên đầu lom khom băng qua suối sâu trước bản thì nàng xuất hiện nơi bờ bên. Chậm rãi, đầu tiên nàng đưa chân xuống nước. Bước một, nàng tiến ra xa xa bờ lau, bới cao mái tóc lên đỉnh đầu… Nàng tung nước lên đôi nhũ hoa hồng hoa nụ. Da thịt và nước mát lóng lánh dưới ánh mặt trời hắt ra rực rỡ như pha lê”.
Hoàn cảnh ra đời và nguyên mẫu của bài thơ bài thơ là như thế đấy. Cho nên cái chữ “rình” và xem trộm “em tắm” đã làm lộ cái “láu lỉnh” của nhà thơ. Bài thơ thực chất chỉ là thứ hàng “nhái” Thái mà thôi. Nhưng thời nó phải thế. Sở dĩ nhà thơ phải làm hàng “nhái” vì khi ấy nếu bài thơ gắn tên tác giả người Kinh thì có thể không được xuất bản, thậm chí, có khi còn bị quy chụp suy đồi chứ nói gì đến việc được đưa in vào tập thơ này quyển báo kia. Thời cuộc lúc bấy giờ phải vậy, có lẽ nhờ sự “láu cá” biến “con đẻ” thành “con nuôi” mà nhà thơ đã thành công trong việc cho những đứa con tinh thần của mình sớm được có mặt ở trên đời. Và nhà thơ không chỉ có một “con nuôi” này đâu nhé.
Bài thơ “Nhớ vợ” đề tên tác giả là Cầm Vĩnh Ui cũng là đứa “con nuôi” như thế của nhà thơ Cầm Giang đấy. Có lẽ vì một thời đất nước mình như thế nên có người phải chịu ấm ức mà đã làm mấy câu vè để đọc lung tung cho bõ tức: “Người ta ưu tiên phái già, thì mình còn trẻ/ Người ta ưu tiên phái trẻ, thì mình đã già/ Người ta ưu tiên đàn bà, thì mình là đàn ông/ Người ta ưu tiên bần nông, thì mình là địa chủ/ Người ta ưu tiên người thiểu số, thì mình là người Kinh”. (Theo Hoàng Bình Trọng, tác giả thật của hai bài thơ “Nhớ vợ”, “Em tắm”, Báo Tiền Phong ngày 14 tháng 5 năm 2017). “Em tắm” là bài thơ “nhái” theo kiểu của người Thái. Tuy là hàng “nhái” nhưng rất hay, rất độc đáo và mang đậm chất Tây Bắc.
Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhớ lại Ngày Thơ Việt Nam - Nguyên Tiêu năm Đinh Hợi (2007), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam bình chọn 100 bài thơ hay, vui thay nhà thơ Lê Gia Hợp có đến ba bài. Kỳ lạ thay cả ba bài thơ đó đều là hàng giả Thái: “Núi Mường Hung, dòng sông Mã” lấy tên Cầm Giang; “Nhớ vợ” lấy tên Cầm Vĩnh Ui; “Em tắm” lấy tên Bạc Văn Ùi.
Có lẽ đây không chỉ là duyên thơ mà còn là tài thơ của tác giả Lê Gia Hợp. Tuy vậy để hiểu thấu đáo về bài thơ, về tài thơ của nhà thơ, khi tiếp cận chúng ta cũng cần phải xem xét tác phẩm dưới góc nhìn văn hóa của vùng đất đã từng sản sinh ra nó. Ngõ hầu như thế ta mới thấy đầy đủ cái hay, cái hấp dẫn của bài thơ.
Phan Anh
Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/tim-hieu-bai-tho-em-tam-duoi-goc-nhin-van-hoa-a57773.html