Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước

Sinh thời, ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành; người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”.

Mục đích xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cuộc sống mới của Người là “làm thế nào cho đời sống dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”, nhằm “xây dựng một nước Việt Nam mới phú cường”.

Trongg thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Theo đó, CNH nông nghiệp, nông thôn là chủ trương lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho dân cư và xây dựng tiền đề giải quyết các vấn đề chính trị-xã hội, đưa nông thôn tiến kịp trình độ văn minh nhân loại.

hoa-16-26-40-169-1634617338.jpg

Mức độ phat triển của ngành nông ghiệp cùng với xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đã đặt ra nhiều vấn đề cần làm. Bài viết đề cập đến một số nội dung liên quan tới chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn để cùng trao đổi.

1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và chủ trương công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước

1.1.    Khái quát về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn 

Theo các nhà phân tích, cơ cấu kinh tế được xác định là tỷ lệ của các khu vực nông nghiệp, công nghiệp hoặc dịch vụ trong tổng thể nền kinh tế và những nhân tố sản xuất như nguồn lợi tự nhiên,vốn và lao động có tác dụng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội. Còn chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự thay đổi về cơ cấu và thể chế cần thiết cho sự tăng trưởng liên tục của sản phẩm quốc dân (GNP), bao gồm tích luỹ của vốn vật chất và con người, sự thay đổi về nhu cầu, sản xuất, lưu thông và việc làm. Ngoài ra còn liên quan đến các quá trình như đô thị hoá, biến động dân số, thay đổi thu nhập.

Để phân biệt nền kinh tế, các nhà phân tích thường chia thành 3 khu vực, đó là kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, và cho rằng, năng suất lao động là nhân tố quyết định để chuyển lao động từ khu vực năng suất thấp sang khu vực có năng suất cao. Tổng kết quá trình tăng trưởng kinh tế, giới nghiên cứu đã khái quát quá trình phát triển thành 3 giai đoạn chuyển dịch đó là kinh tế sơ cấp, kinh tế cấp hai và cấp ba. Ở giai đoạn sơ cấp, nền kinh tế mang tính thuần nông với thu nhập bình quân đầu người từ 100USD đến 600USD/năm với tốc độ tăng trưởng dao động từ 4% đến 5%/năm,  Thời kỳ cấp hai còn gọi là giai đoạn công nghiệp hoá. thu nhập bình quân đầu người đạt từ mức 600 đền 7200 $/năm và tốc độ tăng trưởng trong khoảng từ 5% đến 7%/năm; đóng góp vào tăng trưởng ở giai đoạn này chủ yếu là từ công nghiệp và vốn mang tính quyết định cho tăng trưởng Giai đoạn kinh tế phát triển (cấp ba), diễn ra khi thu nhập bình quân đầu người đạt trên 7.200 $/năm và tốc độ tăng trưởng còn 4% - 5 %/năm. Trong giai đoạn nàynăng suất yếu tố tổng hợp TFP lan tỏa rộng sang các khu vực khác, nhất là trong nông nghiệp (Lê quốc Doanh 2012).

Cơ cấu kinh tế nông thôn là tổng thể các mối quan hệ về chất lượng và số lượng, nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao. Xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn là tỷ trọng nông nghiệp ngày càng giảm, còn tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ngày một gia tăng.. Có thể hiểu, nông nghiệp là một bộ phân của kinh tế nông thôn và cơ cấu kinh tế nông nghiệp với tư cách là một cơ cấu ngành trong kinh tế nông thôn. Do là thành phần quan trọng nhất của kinh tế nông thôn nên khái niệm kinh tế nông nghiệp thường gắn bó chặt chẽ không tách khỏi kinh tế nông thôn, Cơ cấu ngành nông nghiệp được phân thành cơ cấu của các tiểu ngành như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản mang tính đồng bộ và gắn với cơ cấu kinh tế quốc gia. 

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn (CCKTNNNT) phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và các thể chế. Do CNH, HĐH nông thôn là quá trình phát triển lực lượng sản xuất; tạo nhiều việc làm và áp dụng những công nghệ, tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông thôn nên có thể nói CNH,HĐH là trung tâm trong chuyển dịch CCKTNNNT (Lê Quốc Doanh 2012)

1.2. Chủ trương Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của lãnh đạo Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu và hội nhập, cùng với vai trò truyền thống, nông nghiệp Việt Nam còn nhằm vào thỏa mãn nhu cầu phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm. Khủng hoảng kinh tế khu vực và toàn cầu thời gian gần đây cho thấy, sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã trở thành điểm tựa phát triển kinh tế và là chỗ dựa an toàn khi khủng hoảng diễn ra. Đây là vấn đề rộng lớn khi trên 2/3 dân số Việt nam còn sống ở khu vực nông thôn.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X ngày 5 tháng 8 năm 2008 đã xác định Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết này, ngày 10 tháng 6 năm 2013,Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 
Hội nghị BCH Trung ương bảy (khoá VII), Đảng CSViệt Nam đã xác định nội dung cơ bản của chủ trương CNH, HĐH đất nước. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6-1996) quyết định, phải coi trọng và đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đại hội toàn quốc lần thứ X (tháng 4 năm 2006) tái khẳng định  Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân”( Đảng Cộng sản Việt Nam 2006).

Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững đã được Đại hội Đảng lần thứ XI tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh; phải phát triển trên cơ sở tích tụ đất đai, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng công nghệ hiện đại để bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi;  phát triển kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, vùng chuyên môn hóa, khu nông nghiệp công nghệ cao và các tổ hợp sản xuất lớn (Đảng Cộng sản Việt Nam 2011). 

Chủ trương của lãnh đạo Đảng và nhà nước cho thấy, phát triển toàn diện kinh tế và xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ lâu dài để ổn định tình hình kinh tế-xã hội. CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn phải hướng vào giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây là đòi hỏi khách quan, bởi không có sự giàu có của nông dân thì không có đất nước giầu có và không có HĐH nông thôn thì cũng không có HĐH quốc gia.

Mục tiêu tổng quát và lâu dài của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn được xác định là: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông thôn mới cần hướng vào kết cấu hạ tầng hiện đại; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá; dân trí nâng cao, bảo vệ môi trường và tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn.

Những Nghị quyết của Đảng và Nhà nước ban hành đã nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá hiện đại hoá nông nghiệp và xây dựng NTM. Theo đó, các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. 

Trong mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng NTM cần gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị. Phát triển nông nghiệp-nông thôn toàn diện, theo hướng HĐH là một ưu tiên trong chiến lược phát triển quốc gia, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân ở nông thôn.

Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; nhưng trước hết cần khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Thành công của CNH-HĐH nông thôn tạo nền tảng thúc đẩy bền vững tiến trình CNH-HĐH đất nước. Ngược lại, cản trở ở khu vực này sẽ gây những tác động khôn lường cả về kinh tế, chính trị và xã hội. 

Từ vị trí đối với CNH-HĐH đất nước, xác định đúng đắn vai trò, mục tiêu và các giải pháp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn không chỉ tạo chuyển biến về đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, mà còn mang ý nghĩa to lớn đối với toàn bộ sự nghiệp phát triển đất nước. 

hoa1-1634583664.jpg

3.Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp hướng tới côngnghiệp hóa hiện đại hóa

3.1.Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam từng nhấn mạnh “phải hết sức coi trọng vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của nông nghiệp trong ổn định xã hội, bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện đời sống nông dân”. Từ thực tế diễn ra, xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá với công nghệ cao nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, sản phẩm; gắn kết chặt chẽ khoa học công nghệ với tổ chức sản xuất; sản xuất, chế biến với phân phối trong chuỗi giá trị; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị và giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ cấp bách đặt ra (Minh Ngọc 2011).

Là một nền kinh tế với đại bộ phận dân cư sống ở nông thôn, Việt Nam đã xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật nông nghiệp từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước và thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển bền vững. Với nhịp độ GDP liên tục gia tăng, cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi theo hướng tích cực; tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm dần và tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng nhanh. Trong cơ cấu GDP cả nước,năm 2020, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm xuống còn 14,85%; công nghiệp, xây dựng tăng lên 33,72% và khu vực dịch vụ chiếm 41,63%. 

Phân tích cơ cấu GDP gia tăng liên tục của các ngành kinh tế giai đoạn 2001-2020 cho thấy đóng góp vào tăng trưởng GDP của 2 ngành Công nghiệp và Dịch vụ đã chiếm trên 80% toàn ngành kinh tế. Thực tế này chứng tỏ xu thế tiến bộ, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong CNH-HĐH. Cơ cấu nền kinh tế cũng tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế, đan xen nhiều hình thức sở hữu. Nếu năm 2005, kinh tế nhà nước chiếm 37,62%/GDP, đến năm 2017 còn 28,63%. Ngược lại, kinh tế có vốn nước ngoài (FDI) từ 15,16% tăng lên 19,63% và kinh tế ngoài nhà nước đã vươn lên, khẳng định được vị trí là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.

3.2. Chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội nông thôn

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã  tác  động  tích  cực  đến  chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội, mà biểu hiện rõ nét là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hộ dân nông thôn. Trên địa bàn nông thôn cả mước, số hộ thuần nông giảm dần và ngày càng có thêm nhiều hộ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong khi tỷ lệ lao động làm việc trong nông nghiệp ngày càng giảm thấp, thì tỷ lệ và số lượng lao động sản xuất công nghiêp, dịch vụ tăng nhanh. Vào năm 2020, trong tổng lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế 53,4 triệu người, lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 32,77% (17,5 triệu người), công nghiệp,xây dựng là 30,36%và dịch vụ chiếm 36,32% (19,4 triệu người). Nhìn chung, chuyển dịch lao động tiếp tục theo xu hướng từ nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Từ xu hướng chuyển dịch lao đông trong CNH-HĐH đất nước có thể thấy, cơ cấu lao động đã chuyển đổi tích cực, gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.  

3.3. Tăng trưởng và cơ cấu nông-lâm- thủy sản giai đoạn 2001-2020

Cùng với chuyển dịch kinh tế ngành, cơ cấu nội bộ của ngành Nông nghiệp cũng đã có sự thay đổi tích cực ở cả 3 nhóm ngành Nông, Lâm, Thủy sản. Trong giai đoạn từ 2010 đến 2019, giá trị sản xuất ( theo giá thực tế) của toàn ngành Nông nghiệp Việt Nam đã tăng từ 396.576 tỷ đồng lên 836.234 tỷ đồng ( gấp 2,11 lân), tiểu ngành Nông nghiệp có giá trị sản xuất lớn nhất, tăng 1,87 lần (từ  315.310 tỷ đồng lên 588.709 tỷ đồng); Lâm nghiệp tăng 2,87 lần (từ 15.136 tỷ đồng lên 43.484 tỷ đồng); Thủy sản sản có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng 3,09 lần (từ 66.130 tỷ đồng lên 204.041 tỷ đồng). 
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng bình quân 2,68%/năm trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2020 , đặc biệt năm 2018 đạt mức tăng trưởng cao nhất 3,76%.  Năm 2020 mặc dù thiên tai và đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, song ngành nông nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng 2,65% .

Phân tích chuỗi tăng trưởng dài hạn trong ngành, có thể rút ra, mức độ thiếu ổn định của sản xuất trước những ảnh hưởng bất lợi của thiên tai, dịch bệnh, mà cho đến nay cơ sở hạ tầng và tiến bộ kỹ thuật vẫn chưa đủ khả năng khắc phục. Những năm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tăng trưởng thấp là do ảnh hưởng của hạn hán và BĐKH tác động đến năng suất,sản lượng cây trồng; thêm nữa, ngành chăn nuôi phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh. Ngoài ra, nông sản Việt Nam còn gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá cả nông sản xuất khẩu hạ thấp ( Lê Thanh Dung 2019).

Nhìn chung cả quá trình phát triển,  cơ cấu sản xuất Nông nghiệp đã được điều chỉnh, chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng cao. Cơ cấu cấu ngành hàng và  sản phẩm đã có sự thay đổi, tăng tỷ trọng những sản phẩm có lợi thế và có thị trường tiêu thụ . Theo Bộ NN&PTNT, cơ cấu nội ngành đã chuyển dịch tích cực theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với BĐKH. Những ngành sản phẩm có lợi thế và thị trường tiêu thụ thuận lợi đã tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng và tỉ trọng đóng góp cho tăng trưởng.

Thực trạng sản xuất nông nghiệp còn cho thấy, sản lượng, chất lượng cây trồng chủ lực có lợi thế đều tăng mạnh, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng và tăng xuất khẩu. 5 năm gần đây, lĩnh vực trồng trọt tăng thêm 7,8%,thu nhập trên 1 ha; cây ăn đã quả đóng góp vào tăng trưởng ngành trồng trọt từ 12% (năm 2012) lên gần 32% trong  năm 2017; riêng cây công nghiệp có giá trị cao đã đóng góp tới 43% vào tăng trưởng ngành trồng trọt,

Về chăn nuôi, đã cải thiện đáng kể chất lượng giống, nhiều giống nuôi mới có năng suất, chất lượng với kỹ thuật tiên tiến đã được phổ biến rộng trong sản xuất. Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, sản lượng thịt hơi các loại tăng 30%; thịt gia cầm tăng bình quân 17%; thịt lợn, thịt bò tăng 12,7%; sữa tươi tăng 47% và trứng gia cầm tăng 18,7%...

Trong lĩnh vực thuỷ sản, đã tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức lại sản xuất trên biển, nâng cao gấp gần 3 lần thời gian bảo quản hải sản đánh bắt, đã đưa tổng sản lượng thủy sản từ 5,92 triệu tấn tăng lên 7,2 triệu tấn/năm, nhờ đó; tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đã tăng 4,7%.

171110-ntm-1634617537.jpg

4. Hạn chế và những vấn đề đặt ra trong tái cơ câu nông nghiệp và kinh tế nông thôn

Mặc dù có nhiều thành công, song việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Đáng quan ngại là tốc độ tăng trưởng GDP của ngành có có xu hướng suy giảm (giai đoạn 1995-2000 có mức tăng trưởng bình quân 4%/năm, đến 2001-2005 xuống 3,83%/năm, những năm 2006-2010 còn 3,3%/năm và  giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 3,1%/năm).

Trong cơ cấu cơ cấu kinh tế toàn ngành, tỷ trọng giá trị nông nghiệp còn lớn, chiếm tới 73,6%; chăn nuôi chưa trở thành nền kinh tế mũi nhọn.  Sau một thời gian tăng trưởng nhanh, thủy sản có xu hướng chững lại; lâm nghiệp có nhịp độ tăng trưởng nhanh hơn, nhưng tỷ trọng trong giá trị toàn ngành lại thấp, chỉ chiếm 2,9%.

Khu vực nông thôn cả nước hiện có 8.297 xã với 66.206 thôn (ấp,bản), 16.880,47 nghìn hộ dân cư và  62.885,27 nghìn nhân khẩu. So với 5 năm trước, khu vực nông thôn đã tăng 5,59% về số hộ và tăng 9,05% về số nhân khẩu. (Tổng cục thống kê 2020).

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có; mặt khác, nhịp độ tăng trưởng lại có xu hướng giảm dần.  Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp vẫn ở trình độ thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao; chậm chuyển biến theo hướng hiện đại; quy mô sản xuất còn nhỏ, năng suất chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất thấp và an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn là vấn đề bức xúc. Từ góc nhìn nghiên cứu, giới phân tích cho rằng, nông nghiệp nước ta còn tăng trưởng theo chiều rộng, trong khi nguồn tài nguyên đất, nước, lao động  ngày càng giảm và phải cạnh tranh gay gắt với các ngành công nghiệp, dịch vụ.Trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, các nhà phân tích có những đánh giá và đã rút ra.

1. Trong khai thác tiềm năng, lợi thế và sử dụng nguồn lực; ngành nông nghiệp chưa tạo được những đột phá, nên hiệu hiệu quả còn thấp.

Lực lượng lao động dồi dào là một lợi thế, song việc đào tạo và sử dụng lại chưa thật sự phù hợp nên chất lượng lao động rất thấp. Năm 2020, lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo lên tới 12,57 triệu người, chiếm gần 90% số lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước.

Việc xây dựng những cánh đồng mẫu lớn dường như các chỉ tiêu đều sút giảm. Đến 01/7/2020 mới có 1.051 xã có cánh đồng  mẫu lớn. Theo đó, số hộ tham gia vào cánh đồng mẫu lớn có khoảng 326,34 nghìn; bình quân diện tích 1 cánh đồng lớn khoảng 163,55 ha và có 196,9 hộ tham gia sản xuất

2. Sản xuất nhỏ phổ biến, năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không cao

Kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã có sự phát triển; nhưng sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ. Ở khu vực phi nông, làng nghề là loại hình sản xuất có đóng góp lớn, nhưng quy mô sản xuất quá nhỏ, bình quân 1 cơ sở sản xuất chỉ có 2,5 lao động. Mặc dù sức mua gia tăng, nhưng thương mại dịch vụ vẫn dựa vào hệ thống các chợ dân sinh. Trên địa bàn nông thôn rộng lớn, năm 2020 mới có 250 xã có trung tâm thương mại hoặc siêu thị và 757 xã có cửa hàng tiện lợi.

HTX và doanh nghiệp nông nghiệp tăng nhanh, nhưng chủ yếu là các cơ sở nhỏ với  quy mô khoảng 10,5lao động/HTX và 33,4 người/DN. Cùng với quy mô nhỏ, đầu tư  thấp nên hiệu quả kinh doanh không cao. Giá trị sản phẩm bán ra bình quân/năm của 1 trang trại chỉ đạt 5,63 tỷ đồng. Doanh thu thuần trong năm chỉ đạt 2,32 tỷ đồng đối với HTX và  22,55 tỷ đồng với DN, nên khó tạo được đột phá .

3. Ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục.

Sự phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp bộc lộ ngày càng rõ những yếu kém về môi trường. Việc thu gom, xử lý chất thải của khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, dịch vụ và rác thải, nước thải sinh hoạt của dân cư trên địa bàn nông thôn còn nhiều bất cập. Cả nước còn 2.095 xã và 27.647 thôn không tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt. Tình trạng thải bỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngay tại ruộng, hồ ao, kênh mương,…khá phổ biến; Vào năm 2020, cả nước còn trên 4.096 xã không có điểm thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

nong-nghiep-thong-minh-don-bay-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-viet-nam-1-1634617643.jpg

Nhìn tổng thể, phát triển và thành tựu nông nghiệp đạt được phải trả giá đắt về suy thoái môi trường và hệ sinh thái; hạn chế này đã tác động tiêu cực đến tính ổn định của các hệ thống sản xuất nông nghiệp.

 Nông lâm thủy sản nước nhà dứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết đó là: Thách thức và mâu thuẫn giữa mục tiêu xây dựng đội ngũ nông dân hiện đại, chuyên nghiệp với thực trạng thu nhập thấp của lao động nông nghiệp. Do việc làm có thu nhập thấp, trong khi cơ hội việc làm từ công nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu tốt hơn, nên số đông lao động trẻ, khỏe không muốn làm nông nghiệp. Lao động nông thôn chiếm tỷ trọng lớn với cơ cấu biến động mạnh, số đông ở độ tuổi trung niên và người già, nếu doanh thu trên 1 đơn vị thấp và thu nhập ngày càng giảm sẽ dịch chuyển mạnh lao động trẻ ra khỏi khu vực nông thôn và như vậy, mục tiêu xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại. 

Mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại quy mô lớn, cạnh tranh và có giá trị gia tăng cao với thực trạng đất đai manh mún, sản xuất quy mô nhỏ đang là nguy cơ hiện hữu. Chính sách đất đai phù hợp với lao động và quản lý của hộ gia đình quy mô nhỏ, đã tạo đột phá phát triển nông nghiệp từ sau khoán 10. Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, lực lượng sản xuất nông nghiệp đã thay đổi cả về quy mô và trình độ công nghệ, quản trị đang đặt ra những vấn đề rộng lớn về quan hệ đất đai. Với chính sách hiện hành, vùng sản xuất hàng hóa tập trung và kinh tế nông trại quy mô lớn khó hình thành và phát triển bền vững, 

Thách thức và mâu thuẫn giữa nhu cầu cao về vốn đầu tư để hiện đại hóa nông nghiệp với hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, rủi ro cao, chưa hấp dẫn. Do hiệu quả đầu tư thấp, rủi ro cao; mặt khác, quy hoạch sử dụng đất không ổn định và tính pháp lý thấp, rất khó thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước và FDI.

Tái cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn nhằm tạo sự thay đổi phù hợp về quan hệ sản xuất với phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, hoàn thiện vai trò của Nhà nước trong ngành nông nghiệp là vấn đề trước mắt và lâu dài để phát triển bền vững. Những vấn đề gợi ra trong bài viết nhằm góp phần vào đánh giá thực trạng để tìm giải pháp phù hợp trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệpnước nhà./.

TS. Lê Thành Ý

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/co-cau-nong-nghiep-va-kinh-te-nong-nghiep-trong-cong-nghiep-hoa-va-hien-dai-hoa-dat-nuoc-a7201.html