Chúng ta phải mạnh dạn sửa sai về hợp tác xã

Trên nhiều diễn đàn ông đã nói chúng ta để quá lâu tình trạng HTX được thành lập và hoạt động theo kiểu hành chính, kém hiệu quả mà cần phải tổ chức lại

Xa rời bản chất

Phải chăng đã có thời và ngay cả bây giờ ở nhiều nơi chúng ta vẫn xa rời bản chất của hợp tác xã (HTX) là tự nguyện hợp tác cùng có lợi, thưa ông?

Nguyên lý của Lê Nin về HTX là hợp tác tự nguyện cùng có lợi. Cái đó cũ chứ có mới gì đâu nhưng chúng ta đã đi sai hướng từ những năm 60, 70, thậm chí kéo dài đến 80 của thế kỷ trước. HTX cứ bắt buộc, cứ khép kín trong phạm vi hành chính, mà kinh tế thì nó vượt ra khỏi phạm vi hành chính.

Thêm vào đó là bố trí nhân sự cho HTX, dân không được tự chọn người tài quản lý cho họ mà buộc phải bỏ phiếu cho người chính quyền đã chọn. Ngay cả bây giờ cũng thế, HTX chuyển đổi theo Luật mới năm 2012 có mấy cái mà dân được quyền tự chọn lãnh đạo cho họ đâu? Cùng có lợi ra sao khi không đảm bảo sự minh bạch, công bằng khi phân phối lợi nhuận? Vay vốn ngân hàng cũng là điều không thể. Ngay cả thủ tục thành lập hay giải thể HTX cũng rất khó khăn.

Bây giờ chúng ta phải mạnh dạn sửa sai. Thứ nhất là vừa sửa cái cũ vừa phải xây cái mới. Thuận lợi của ta là xây cái mới, còn sửa cái cũ phải có thời gian. Thứ hai là trước đây không phải cả nước làm HTX bắt buộc mà miền Nam chủ yếu là tổ hợp tác (nhưng không có tư cách pháp nhân nên khó phát triển), còn miền Trung, miền Bắc mới làm HTX.

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phải quyết tâm thực hiện một số mô hình tổ chức lại HTX làm mẫu để từ đó nhân rộng ra. Hay bây giờ có nhiều nơi tái định cư thì kết hợp tổ chức thành lập HTX, hay tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tổ chức lại HTX. Thứ ba là 15 năm nay chúng ta thực hiện Nghị quyết về tam nông, mà trong nông thôn mới, một trong những tiêu chí là tổ chức lại HTX trên địa bàn nên nhân đó mà sắp xếp lại.

Hồi tôi còn làm Thứ trưởng Bộ NN-PTNT năm 2009, khi đi kiểm tra nông thôn mới, có HTX về cây thanh long ở tỉnh Long An làm ăn rất hiệu quả vì dựa trên nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi. Lúc ra về, ông Chủ nhiệm chạy theo nói với tôi rằng: “Ông Hùng ơi, nói giúp với Đảng ủy xã cho tôi thôi làm Bí thư chi bộ để làm Chủ nhiệm HTX, hoặc tôi chỉ làm Bí thư chi bộ chứ không làm Chủ nhiệm HTX nữa”.

Thấy lạ, tôi mới hỏi tại sao? Ông trả lời: “Nếu làm Bí thư chi bộ, tham gia trong Đảng ủy thì nhất định tôi phải báo cáo thường kỳ công việc của HTX, mà công việc làm ăn ngày nào cũng phải báo cáo thì rất khó”. Tôi cứ day dứt mãi chuyện đó đến giờ.

Ngược lại tôi đi thăm một HTX rau quả ở tỉnh Sơn La, chỉ có khoảng 30 thành viên thôi nhưng vừa trồng vừa tổ chức tiêu thụ nông sản rất tốt. Tôi hỏi Giám đốc rằng trước khi làm ở đây chị làm cái gì? Chị ta trả lời làm nông dân. Tôi hỏi tiếp Chi bộ có giới thiệu chị sang làm Giám đốc không? Thì chị ta trả lời, em chưa là đảng viên…

Nụ cười ngày mùa của người nông dân trồng rau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nụ cười ngày mùa của người nông dân trồng rau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng có một số địa phương vì để hoàn nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới nên bằng nhiều biện pháp (kể cả biện pháp hành chính) để chuyển đổi hoặc thành lập mới HTX vì đây là một trong những chỉ tiêu của tiêu chí nông thôn mới.

Bây giờ cũng có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, họ rất cần đất đai tập trung và lao động. Những nơi nào HTX biết liên kết với doanh nghiệp nhất định là thành công. Như mô hình của Tập đoàn Quế Lâm, lúc đầu họ chỉ sản xuất phân bón sau đó mở rộng ra trồng lúa, trồng nhiều loại cây khác và nuôi lợn, liên kết với rất nhiều chủ trang trại, HTX ở các tỉnh. Đấy là cơ hội để chúng ta tổ chức lại quan hệ sản xuất trong nông nghiệp.

Không chớp được cơ hội, không biết tạo điều kiện cho nó thì rất khó. Tôi còn nhớ mãi một buổi cách đây hơn 10 năm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười kêu đến nhà có bảo rằng: “Hùng ơi, cậu xem lại đi, những cái cần nhất cho HTX bây giờ thì họ đang không có, thứ nhất là vốn, thứ hai là trụ sở làm việc. Những HTX trước đây còn giữ được trụ sở thì giờ nhếch nhác, còn HTX mới thành lập không dễ gì có đất mà làm trụ sở. Hơn nữa, chúng ta lo hỗ trợ HTX sản xuất nhưng lại không lo hỗ trợ họ trong việc tiêu thụ sản phẩm...”. Nghe thấy thế, tôi giật mình bởi thấy đúng quá!

Con bò - một tài sản giá trị của người nông dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con bò - một tài sản giá trị của người nông dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nên để tự thanh lọc?

Nhiều người nói HTX được hình thành theo cơ chế tự nhiên thì hãy để nó tự nhiên hình thành, tự nhiên thanh lọc, mạnh thì sống, yếu thì chết.  Nhà nước không cần phải hỗ trợ, cứ làm những chính sách cho HTX hoạt động dễ dàng là được, điều đó có đúng không thưa ông?

Tôi đi nghiên cứu khá nhiều nước, nói HTX tự nguyện cùng có lợi nhưng không có nghĩa là Nhà nước buông ra như vậy. Nước nào cũng có những chính sách hỗ trợ cả, như Nhật Bản họ họ thành lập hội, liên hiệp hội HTX với vai trò bà đỡ là Nhà nước. Nhưng họ hỗ trợ những gì HTX cần chứ không phải hỗ trợ cái Nhà nước có.

Vậy chúng ta phải hỗ trợ gì cho HTX? Muốn phát triển sản xuất mà dân nghèo thì phải cho vay vốn. Thứ hai là định hướng thông tin về thị trường chứ không để tình trạng mù mờ như hiện nay. Thêm vào đó là định hướng xây dựng thương hiệu, liên kết để tạo vùng sản xuất hàng hóa, công nghệ chứ không phải là cũ người mới ta rồi là đào tạo nghề...

Những cái đó phải có Nhà nước hỗ trợ chứ để nông dân, HTX, thậm chí doanh nghiệp nhỏ tự xoay sở rất khó. Đừng có kiểu hỗ trợ như hiện nay để người ta buộc phải làm giả để nhận.

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vừa rồi tôi đi thực tế ở một số nơi thấy có những xã không có HTX vì đã giải thể, hỏi chính quyền và người dân họ bảo sản xuất nông nghiệp vẫn bình thường, chẳng sao cả. Ý kiến của ông thế nào?

Quy luật phát triển của xã hội, kinh tế nhiều thành phần là vậy. Có kinh tế Nhà nước, tư nhân, tập thể. Trong điều kiện không có kinh tế tập thể thì kinh tế tư nhân vẫn phát triển nếu như ở đó biết tạo ra môi trường cho nó. Tuy nhiên nhất định kiểu đó không thể mạnh nhanh bằng có HTX.

Sự hợp tác bao giờ cũng phát triển nhanh hơn, trên nhiều lĩnh vực, nhiều cách khác nhau, mọi quốc gia đều là như vậy cả. Thành phần kinh tế tập thể là bộ phận quan trọng, cùng với các thành phần kinh tế khác để phát triển đất nước.

Ở miền Bắc tôi có đi nhiều xã, thực tế là đất của nông dân ít, lại chỉ làm lúa mà có hợp tác, có liên kết đi chăng nữa cũng gia tăng được cỡ vài kg, vài chục kg/sào thì họ không muốn làm bởi tổng thể giá trị kinh tế không tăng lên được là bao. Họ chỉ muốn nhàn, làm nông cho đủ đảm bảo lương thực cho gia đình còn kinh tế thì chạy bên ngoài. Ông thấy điều đó thế nào?

Đúng là có thực trạng đó. Tại sao các HTX phi nông nghiệp như HTX xây dựng, HTX thương mại, HTX vận tải, HTX cơ khí đa số họ phát triển được bởi mối liên kết hợp tác không chỉ của từng người cộng lại, mà từng người cộng lại chỉ là cái nền để họ làm những việc lớn hơn cái đã có như tìm công nghệ, tìm thị trường, mở rộng quy mô.

Cách hợp tác những nông dân nhỏ lẻ thế nào vẫn là một bài toán khó. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Cách hợp tác những nông dân nhỏ lẻ thế nào vẫn là một bài toán khó. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Nông nghiệp ta khó hơn bởi giới hạn về quỹ đất nhưng ngược lại cũng có nhiều lợi thế. Nếu chỉ trồng, nuôi cây con truyền thống, công nghệ truyền thống hiệu quả chỉ như thế thì đưa họ những giống mới, công nghệ mới, biết cách sử dụng lao động nhàn rỗi, tìm kiếm được thị trường thì thu nhập sẽ tăng. Cho nên khi đẩy một số hoạt động phi nông nghiệp cho người nông dân thì lập thức nông thôn sẽ khác chứ thu nhập thuần nông được mấy! Nếu hợp tác theo kiểu cộng lại những cái nông dân đang có thì họ không vào cũng đúng thôi.

Một khi chính sách đúng phải có đông HTX phát triển chứ không chỉ có một số và nhờ do yếu tố một vài cá nhân xuất sắc làm Giám đốc như hiện nay?

Rõ ràng là chính sách chưa phù hợp bởi vì chưa phát huy được sức mạnh, nguồn lực của tập thể cả về đất đai lẫn con người. Những HTX tốt hiện nay là do lãnh đạo năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng làm sao để cho nhiều nơi, nhiều người trên cả nước cùng tham gia HTX mới là thành công. Một khi không huy động được nguồn lực của tập thể, của số đông thì HTX vẫn không phát triển được.

Can thiệp thì khó phát triển

Nhiều HTX hiện nay hoạt động đang bị can thiệp bởi Đảng ủy, Ủy ban xã thành ra khó phát triển, ông nghĩ sao?

Cái đó là thực trạng của Việt Nam bởi HTX đang trong khuôn viên của tổ chức hành chính, muốn độc lập phải qua khỏi ranh giới đó, không chỉ cấp thôn, cấp xã mà liên thôn, liên xã. Vượt trong sản xuất, trong tự chủ của mình còn chính quyền địa phương hãy trở về với công việc hành chính của mình, tạo môi trường, an ninh trên địa bàn, hỗ trợ những điều kiện pháp lý khác như đứng ra giúp tích tụ đất đai.

Nhưng chính quyền không thể can thiệp vào hoạt động nội bộ của HTX được. Nhân sự của HTX nhất định phải cho người dân tự chọn chứ không thể chính quyền chọn hay, bắt phải bầu được.

Bây giờ nhiều người đang nghĩ HTX là dạng doanh nghiệp thu nhỏ, chỉ nhìn vào lợi nhuận của nó mà không nhìn thấy góc độ giúp ích cho cộng đồng. Bên cạnh đó còn có tư tưởng là thay vì thành lập doanh nghiệp thì thành lập HTX vì được miễn một số thuế?

Đúng là có như thế vì khi đổi theo Luật, Chủ nhiệm trở thành Giám đốc nên nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh Giám đốc doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số chính sách thuế thì HTX có lợi hơn là doanh nghiệp nên có những đơn vị hoạt động đúng kiểu doanh nghiệp nhưng trá hình dưới hình thức HTX để tranh thủ những chính sách có lợi.

Xu hướng đúng của các nước phải là những HTX khi phát triển trở thành doanh nghiệp chứ không phải ngược lại như ở ta bởi khi trở thành doanh nghiệp, hoạt động theo luật doanh nghiệp tính quyết đoán cao hơn, cái khung rộng hơn.

Xin cảm ơn ông!

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/chung-ta-phai-manh-dan-sua-sai-ve-hop-tac-xa-a7310.html