NGHỊCH LÝ THIẾU-THỪA ĐẤT ĐAI TRONG CÁC NÔNG LÂM TRƯỜNG

Là lĩnh vực nắm giữ diện tích đất đai lớn nhất cả nước, với 9,1 triệu ha đất lâm nghiệp (chiếm trên 27,7% tổng diện tích đất đai), khu vực nông-lâm trường có vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất rừng.

Ngành lâm nghiệp nước ta đang chịu sức ép lớn về chuyển đổi và sắp xếp lại cơ chế quản lý. Sử dụng đất đai hiệu quả không chỉ nhằm phát triển kinh tế-xã hội mà còn vì sự hình thành những vùng nông, lâm sản tập trung, gắn với chế biến và thị trường, góp phần quan trọng vào xoá đói, giảm nghèo.

Từ năm 2003, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách với mục tiêu sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng bền vững đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường (Nghị quyết 28-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, Nghị quyết số 112/2015/QH13, Nghị định số 118/2014/NĐCP, Chỉ thị số 11/CT-TTg về thực hiện Nghị quyết số 112 và mới nhất là Quyết định số 32/QĐ-TTg và Nghị quyết 22/NQ-CP năm 2020).

rung-oke-1638535897.jpg
Diện tích rừng bị xâm lấn

Mặc dù trên 75% số địa phương đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, phân định ranh giới và có phương án sắp xếp, đổi mới diện tích đất rừng, song kết quả vẫn chưa như kỳ vọng. Trước hết, 1,8 triệu ha thuộc quyền quản lý của các nông, lâm nghiệp trường có hiệu quả rất thấp, việc đóng góp nâng cao chất lượng môi trường hay phát triển kinh tế-xã hội vẫn là những vấn đề còn để ngỏ; lúng túng trong chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công hiệu quả được coi là môt trong những nguyên nhân quan trọng.

Các công ty nông, lâm nghiệp không còn hoặc thiếu kế hoạch cũng như kinh phí quản lý hợp lý, một diện tích lớn rừng và đất lâm nghiệp đã và đang chịu sức ép xâm lấn, chuyển đổi. Trong khi người dân địa phương luôn trong tình trạng ‘đói đất’ sản xuất. thì việc chuyển đổi của các tổ chức kinh tế nhà nước lại là ‘quá chậm”, “còn nhiều “điểm nghẽn”’hoặc có ‘khoảng trống” chính sách quản lý đất đai, là những nhận xét được rút ra từ phía cơ quan quản lý nhà nước, ngoài nhà nước, các tổ chức nghiên cứu và truyền thông khi nhìn lại quá trình này trong hơn một thập kỷ đã qua.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phát triển trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó chủ động và hiệu quả với BĐKH và thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.

Nhu cầu quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững quỹ đất có nguồn gốc nông, lâm trường ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập thương mại sâu và tham gia rộng vào nhiều cam kết quốc tế song phương và đa phương, nổi bật là những Hiệp định thương mại thế hệ mới, cam kết thích ứng BĐKH và bảo tồn đa dạng sinh học. Những tiến trình này đòi hỏi phải đảm bảo duy trì ổn định diện tích rừng, tăng cường nỗ lực phục hồi rừng, đảm bảo xây dựng rừng trồng có nguồn gốc hợp pháp, đồng thời phải bảo đảm sử dụng hiệu quả quỹ đất, phát triển bền vững lâm nghiệp, tham gia tích cực vào cải thiện sinh kế người dân.

Nhằm tạo điều kiện nhìn nhận lại chặng đường đã qua, xác định vướng mắc thực tiễn để tìm giải pháp đổi mới quản lý sử dụng đất đai nên chăng, trước mắt cần tổ chức những trao đổi, thảo luận về nghịch lý Thiếu-Thừa và tìm giải pháp quản lý và sử dụng tốt đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh.                                       

Lê Nguyễn

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/nghich-ly-thieu-thua-dat-dai-trong-cac-nong-lam-truong-a7426.html