Góc nhìn đa chiều xung quanh Dự thảo Thông tư quy định về quản lý, thu chi tiền công đức

Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi đối với lễ hội và di tích đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến lần 3. Dự thảo đã nhận được nhiều góp ý đến từ Giáo hội Phật giáo cũng như các chuyên gia pháp lý và đông đảo người dân trên cả nước.

Khi được đề nghị cho ý kiến tham vấn về nội dung Thông tư này, nhiều chuyên gia pháp lý đã đưa ra lập trường khá rõ ràng đối với vấn đề “tiền công đức” cho rằng Bộ Tài chính cần điều chỉnh Dự thảo Thông tư (lần 3). 

Chúng tôi xin được đăng tải một số ý kiến chuyên gia xung quanh vấn đề này, để giúp bạn đọc có cách nhìn đa chiều hơn liên quan đến các quy định về quản lý, thu chi “tiền công đức”.

Chuyên gia pháp lý Trình Minh Anh cho biết: Ba loại tiền, bao gồm tiền công đức cho tổ chức tôn giáo; tiền tài trợ cho di tích là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu; tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư.

“Theo quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; khoản 1 Điều 205 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì ba loại tiền nói trên là tài sản hợp pháp và là sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo”, chuyên gia pháp lý Trình Minh Anh nhận định.

05a1fe28d27813264a69-1651151233.jpg
Chuyên gia pháp lý Trình Minh Anh.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng khẳng định, khoản 2 Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 không quy định chủ thể quản lý, sử dụng ba loại tiền nói trên là Nhà nước. 

Pháp luật hiện hành chỉ quy định tổ chức tôn giáo với tư cách chủ sở hữu phải tự quản lý, sử dụng tài sản đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật chứ Nhà nước không quản lý, sử dụng tài sản của tổ chức tôn giáo. 

Vì vậy, chuyên gia Trình Minh Anh nhận định: Bộ Tài chính không thể ban hành Thông tư đi ngược lại với quy định của Luật mà Quốc hội ban hành. 

Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Phó Giám đốc Công ty Luật Vietthink) cho rằng, “tiền công đức” là tài sản của tổ chức tôn giáo, thuộc quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo, nên tổ chức tôn giáo được tự mình quyết định việc quản lý, sử dụng, định đoạt theo khoản 5 Điều 21 và Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

6eb701ec57bc96e2cfad-1651151233.jpg
Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty Luật Vietthink.

Vậy trong Dự thảo Thông tư có quy định trao quyền quản lý tài sản thuộc sở hữu của tổ chức tôn giáo cho đơn vị quản lý di tích là vi phạm nguyên tắc về bảo hộ quyền sở hữu tài sản được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và hệ thống các văn bản pháp luật khác của Việt Nam. 

Nhầm lẫn về bản chất của “tiền công đức”?

Chỉ tiền công đức cho tổ chức tôn giáo mới được tặng cho theo lễ nghi tôn giáo, còn tiền tài trợ cho di tích và tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội không bắt buộc phải tặng cho theo lễ nghi tôn giáo. 

Chuyên gia pháp lý Trình Minh Anh cho biết, mỗi loại tiền có mục đích sử dụng khác nhau: “Tiền công đức” cho tổ chức tôn giáo có mục đích sử dụng cho hoạt động tôn giáo, tiền tài trợ cho di tích có mục đích sử dụng cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội có mục đích sử dụng cho hoạt động lễ hội. 

Tuy nhiên, khoản 5 Điều 3 Dự thảo Thông tư (lần 3) không phân biệt được sự khác nhau về mục đích sử dụng giữa ba loại tiền nói trên, mà quy về một mục đích sử dụng duy nhất là “cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích”. Đây là định nghĩa không chính xác, không phản ánh đúng bản chất của “tiền công đức”. 

Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng Thông tư cần phân định rõ được “tiền công đức” và tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo đúng bản chất và phù hợp với các quy định chuyên ngành khác như sau: 

Thứ nhất, tiền công đức là tài sản của tổ chức tôn giáo, thuộc quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo nên được tổ chức tôn giáo tự mình quyết định việc quản lý, sử dụng, định đoạt theo khoản 5, Điều 21 và Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. 

Thứ hai, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội là các khoản quyên góp, tài trợ, đóng góp tự nguyện của cá nhân, tổ chức cho mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, lịch sử, thuộc sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động văn hoá, di tích theo quy định của Luật Di sản văn hoá năm 2001 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) và các văn bản hướng dẫn.

Từ những vấn đề nêu trên, một số chuyên gia pháp lý có đề xuất Dự thảo Thông tư (lần 3) nên được điều chỉnh như sau: “Việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức; tiền công đức cho tổ chức tôn giáo; tiền tài trợ cho di tích là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu; tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư”; đồng thời hủy bỏ tất cả những quy định trong Dự thảo Thông tư (lần 3) trái với nguyên tắc nêu trên.

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, Bộ Tài chính chỉ có thẩm quyền ban hành Thông tư quy định quản lý tiền công đức không phải của tổ chức tôn giáo; tiền tài trợ cho di tích không phải là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu; tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội không do tổ chức tôn giáo tổ chức. Do vậy, kiến nghị Bộ Tài chính hoàn thiện Dự thảo Thông tư phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, bảo đảm quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo và nhà tu hành. 

PV

Link nội dung: https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/goc-nhin-da-chieu-xung-quanh-du-thao-thong-tu-quy-dinh-ve-quan-ly-thu-chi-tien-cong-duc-a8088.html