Thương tiếc lương y Nhan Thành Huê

Vẫn biết rằng sinh tử là một quy luật không thể tránh khỏi, tuy nhiên mình cũng như nhiều lớp đàn em, học trò vẫn thấy bất ngờ và luyến tiếc khi hay tin ông đã về cõi Phật lúc 7h40 phút ngày 22/4/2022 tại Nam California (Mỹ).
bai-viet-cua-gts-1-1651031253.jpg

Tác giả cùng với Anh– Chị Lien Dao đến thăm luong y Nhan Thanh Huê tại tư gia ở quận Cam, Nam California…( Ảnh: Phong Giản).

Sinh năm 1937, từng là sinh viên Quốc gia âm nhạc và là giáo sư Anh văn Trường Petrus Ky Sài Gòn. Theo những gì mình biết được, ông là tác giả của một số nhạc phẩm ca ngợi quê hương, đức Phật và tôn vinh người mẹ; ông viết nhiều sách về đạo đức, dịch nhiều kinh từ tiếng Hán, soạn sách kiến thức căn bản về dạy và học Anh văn, nhiều phương cách trị liệu thông thường như châm cứu, cạo gió, thực dưỡng, sưu tầm các vị thuốc và điều trị bệnh theo phương pháp đông y…

Sau năm 1975, là một trong những khóa sinh đạt điểm thủ khoa của kỳ huấn luyện và sát hạch chuyên môn Y tế quốc gia, ông đã chính thức được công nhận lương y và được cấp phép hành nghề tại Sài Gòn. Ông là một lương y thực thụ… Khi sinh thời, lương y Nhan Thành Huê đã dành nhiều công sức cho việc khai mở cơ sở điều trị, bắt mạch, hốt thuốc trị bệnh cứu người. Đối với những bệnh nhân nghèo, ở xa, lương y còn tận tình điều trị, có nhiều bệnh nhân quá khó khăn đã được ông hỗ trợ thuốc men và kinh phí về xe…

bai-viet-cua-gts-2-1651031252.jpg
Tác giả cùng nhiếp ảnh gia Dan Huynh thăm hỏi và chụp ảnh lưu niệm với lương y Nhan Thanh Huê tại tư gia, quận Cam, Nam California. (Ảnh: Phong Giản).

Về khía cạnh nghiên cứu Phật pháp, ông gia nhập Dòng Thiền Lâm Tế,  được kế thừa đời thứ 81 từ sư thầy trụ trì chùa Hoàng Long và cư sĩ Nhan Thành Huê đã được thụ phong pháp danh Thích Hoàng Liên… Với nhiều danh xưng dành cho ông như lương y, nhà nghiên cứu, thầy giáo, nhạc sĩ, cư sĩ…, nhưng ông nói rằng, điều quan trọng hơn hết là đem lại hiệu quả công việc và phụng sự cộng đồng…

Năm 2016, có dịp sang Mỹ và đến chơi tại quận Cam, tôi cùng Phong Giản (hiện là giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng) mời nhiếp ảnh gia Dan Huynh đến thăm ông và gia đình Anh- Chị Lien Dao. Được biết, Anh- Chị Lien Dao là một trong những người anh em và là người học trò yêu quý nhất của ông khi còn ở Sài Gòn. Trong câu chuyện lâu ngày gặp lại, lương  y Nhan Thành Huê luôn luôn nhắc đến những công việc thường nhật và đặc biệt là sức khỏe. Ông nói: “Vốn quý nhất của con người là sức khỏe. Muốn cống hiến cho đời được lâu dài thì trước hết phải có sức khỏe tốt!”. Khi chia tay, rất xúc động khi được ông gửi tặng cho anh em chúng tôi mỗi người một bản thảo viết tay (photo) nội dung: “Giải mã về sự lưu thông của các mao mạch trong cơ thể và cách điều trị khi có triệu chứng”!

dd-1651031313.JPG
Phong Giản (Hiện là giảng viên đại học Tôn Đức Thắng) thăm hỏi và lắng nghe những lời khuyên về sức khỏe của lương y Nhan Thành Huê tại Mỹ. (Ảnh: Dan Huynh).

Lương y Nhan Thành Huê suốt đời với một cuộc sống khiêm cung và giản dị. Ở tuổi 86, ông ra đi một cách nhẹ nhàng khi đang trong buổi sáng ngồi thiền tại tư gia. Thương tiếc lương y Nhan Thành Huê, người viết xin thắp nén hương tưởng nhớ ông với lòng tri ân người thầy, người anh. Gửi đến gia đình ông lời chia buồn sâu sắc và kính trọng!

Sài Gòn, đêm 24/4/2022