TP Cần Thơ: Cồn Ấu – Đất du lịch biến thành… đất ở!

Cồn Ấu là một cù lao nhỏ giữa sông Hậu, bên dưới cầu Cần Thơ, cách trung tâm thành phố khoảng 13km. Do trên cồn cây ấu được trồng rất nhiều nên cư dân lấy luôn tên loại cây này đặt cho mảnh đất thơ mộng: Cồn Ấu.

Cồn Ấu thuộc phường Hưng Phú, rộng khoảng 130ha, là điểm du lịch sinh thái hoang sơ nổi tiếng TP Cần Thơ cho đến khi Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova xuất hiện vào năm 2015…

1-1650015376.jpg
Cây ấu, loại cây đặc trưng của Cồn Ấu (Ảnh: Internet)

Biệt thự thay cây xanh!

Ngày 24/9/2015, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định 2753/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch sinh thái cồn Ấu tại quận Cái Răng do Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland) làm chủ đầu tư. Quyết định này đã xác định Cồn Ấu “Là khu du lịch sinh thái mang đặc trưng sinh thái miệt vườn Nam bộ”.

Theo đồ án quy hoạch, Khu đô thị du lịch sinh thái Cồn Ấu có tổng diện tích 19,43ha, tổng mức đầu tư hơn 708,7 tỷ đồng thuộc một phần của Cồn Ấu (về phía thượng nguồn) được bao bọc bởi sông Hậu và các nhánh sông. Cơ cấu sử dụng đất cụ thể gồm: Khu trung tâm - dịch vụ - vui chơi có diện tích 1,868 ha; Khu công trình du lịch (bungalow và biệt thự nghỉ dưỡng) có diện tích 6,123 ha; Cây xanh cách ly, cảnh quan, mặt nước & thể dục thể thao có diện tích 9,2 ha; Khu hạ tầng kỹ thuật có diện tích 0,288 ha; Giao thông, bến bãi có diện tích 1,956 ha.

Thời điểm này, phạm vi Cồn Ấu chưa có Quy hoạch phân khu. Xét về Quy hoạch chung, đồ án Quy hoạch Khu đô thị sinh thái Cồn Ấu cũng chưa phù hợp về tính chất và chức năng sử dụng đất. Theo quy hoạch chung thì đây là đất du lịch sinh thái chứ không phải đất ở.

Vì vậy, ngày 27/7/2016, UBND Cần Thơ có Quyết định 2377/QĐ-UBND điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đô thị du lịch sinh thái Cồn Ấu lần thứ nhất. Lần điều chỉnh này đã tách đất khu công trình du lịch từ 6,123 ha thành 4,564 ha là đất ở (biệt thự) và còn lại 1,559 ha đất xây dựng khu công trình du lịch (bungalow).

1a-3-1650015453.jpg
1b-2-1650015377.jpg
1c-2-1650015425.jpg
Những “di tích” cuối cùng trên Cồn Ấu (Văn Dương)

Một năm sau, ngày 19/7/2019, UBND thành phố Cần Thơ tiếp tục điều chỉnh lần 2 bằng Quyết định 1708/QĐ-UBND với nội dung điều chỉnh ranh giới một số lô nền biệt thự, bổ sung công trình hạ tầng, mật độ xây dựng của lô đất biệt thự.

Tuy nhiên, cả 2 lần điều chỉnh quy hoạch chi tiết này vẫn là thay đổi tính chất của dự án từ đất du lịch thành khu đất ở và khu du lịch. Dù vậy, UBND thành phố Cần Thơ cũng không thực hiện các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy định tại Luật quy hoạch đô thị (Khoản 1, Điều 49). Điều này dẫn đến hình thành các khu có chức năng ở nhưng không có những dịch vụ cơ bản theo Quy chuẩn Quy hoạch. Đồng thời, việc này cũng làm cho tính chất khu Quy hoạch không còn phù hợp với Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Những “đại gia” nào có mặt tại Cồn Ấu?

Dù cách bến Minh Kiều chỉ 800m nhưng Cồn Ấu mới chỉ được biết đến qua các tour du lịch sinh thái của Công ty Cataco, chủ đầu tư dự án Khu du lịch Phù Sa rộng 30ha tại đây vào năm 2006. Năm 2008, chính quyền thành phố dự kiến giao “đảo” này thêm cho 2 nhà đầu tư là HTX Hữu Nghị và Công ty CP xây dựng công trình 586.

Duyên bất thành, Cồn Ấu trở thành nơi bị “Quy hoạch treo” suốt gần 10 năm khiến 250 nhân khẩu của 70 hộ dân nơi đây “tiến thoái lưỡng nan”. 

Và rồi, Novaland đến, mọi thứ thay đổi. Dự án 19,43ha dù có điều tiếng cuối cùng cũng triển khai. Khu resort - khách sạn cũng đã hoàn thành đưa vào vận hành với tên gọi là Azerai Phù Sa. Đây là khu nghỉ dưỡng cao cấp gồm 60 bungalow và 45 biệt thự timeshare cùng nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng đẳng cấp. 

2-10-1650015376.jpg
Khu nghỉ dưỡng Azerai Phù Sa của Công ty CP đầu tư địa ốc NoVa (Ảnh: Internet)

Tuy vậy, ngày 1/11/2018, bằng Quyết định số 2856/QĐ-UBND, UBND TP Cần Thơ đã chấp thuận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Cồn Ấu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Tân Phương Đông

Theo đó, diện tích 11,154 ha trong khuôn viên 19,434 ha đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (thừa ủy quyền UBND thành phố) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất từ Novaland sang Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Tân Phương Đông. Quy mô của phần dự án chuyển nhượng có diện tích 11,154 ha gồm các công trình xây dựng theo quy hoạch như 47 căn biệt thự, nhà điều hành khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu thể dục thể thao và bến tàu...

Mặc dù một phần dự án đã chuyển một phần sở hữu cho Tân Phương Đông nhưng Công ty CP đầu tư địa ốc NoVa vẫn tiếp tục xin điều chỉnh cục bộ đối với toàn bộ diện tích Quy hoạch (bao gồm cả phần chuyển nhượng). Điều này không phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị (Khoản 7, Điều 19), chủ đầu tư dự án tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư. 

Chưa hết, ngày 29/5/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương xây dựng dự án sân golf Cồn Ấu có diện tích 77,31ha, tại khu vực Cồn Ấu, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Vốn đầu tư dự án là 1.139,5 tỉ đồng. Mục tiêu là đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf 18 lỗ. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm. Tiến độ thực hiện: Giai đoạn xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình là sau 30 tháng kể từ ngày phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Hoàn thành và đưa vào sử dụng toàn bộ dự án quý I/2021. Giai đoạn vận hành từ năm 2021 đến năm 2069.

3-3-1650015376.jpg
Phối cảnh dự án sân golf của Vinpearl (Ảnh: Internet)

UBND Cần Thơ cũng vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sân golf này có quy mô 18 lỗ và do Công ty Cổ phần Vinpearl làm chủ đầu tư. Khu vực đánh golf với hệ thống các đường golf được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Khu sân golf 18 lỗ được thiết kế 72 par với tổng chiều dài các đường golf là 6.437m. Công trình thương mại, dịch vụ là công trình điểm nhấn trong sân golf, bố trí các công trình tiếp đón, dịch vụ sân golf nằm phạm vi giữa sân golf.

Như vậy, thêm một “đại gia” có mặt tại Cồn Ấu, cộng với 3 nhà đầu tư trước đó là Cataco (30ha) và Nova + Tân Phương Đông (20ha).