TP Cần Thơ: Hành trình 12 năm thắp sáng hy vọng cho các gia đình mong con, hiếm muộn

12 năm là một chặng đường mang đến những phép màu cho hàng nghìn tổ ấm của khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ.

Khoa ngày càng hoàn thiện và lớn mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng dịch vụ, kỹ thuật, khẳng định được vị trí của mình trong lĩnh vực chuyên sâu Hỗ trợ sinh sản và là nơi thắp sáng hy vọng cho các gia đình mong con, hiếm muộn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Từng bước phát triển vững chắc

Với tâm huyết mang những kỹ thuật IVF về với khu vực ĐBSCL, ngày 14/7/2010, Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, nay là Khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ được thành lập và được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là trung tâm đầu tiên của vùng ĐBSCL và cũng là đơn vị thứ 13 của cả nước thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Chia sẻ thêm về những phát triển vượt bậc trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Phan Vinh - Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, trong 12 năm hoạt động, IVF Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần mang lại nhiều hy vọng hơn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Về chuyên môn, số lượng khám bệnh tăng qua mỗi năm, đến nay đã tiếp nhận hơn 70.000 cặp vợ chồng đến khám và điều trị. Tỷ lệ thành công đạt 60,8%. Đặc biệt, kỷ niệm 12 năm cũng là cột mốc đánh dấu 1.000 bé ra đời từ Thụ tinh trong ống nghiệm tại IVF Cần Thơ.

anh-01-1657784408.jpg

 Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ, 12 năm thắp sáng hy vọng cho các gia đình mong con, hiếm muộn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Về cơ sở vật chất, khoa có 2 khu vực khám và điều trị với đầy đủ chức năng gồm phòng khám, phòng siêu âm, phòng xét nghiệm, phòng Labo, phòng thủ thuật. Khoa không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại như Hệ thống laser hỗ trợ phôi thoát màng, tủ nuôi cấy phôi thế hệ mới cùng các phương tiện khác phục vụ việc khám, chẩn đoán và điều trị. Về danh mục kỹ thuật, khoa đẩy mạnh phát triển thêm Ngân hàng tinh trùng, phôi, noãn; các kỹ thuật Nam khoa; kỹ thuật nuôi cấy phôi Ngày 5, nhằm nâng cao chất lượng điều trị hiếm muộn.

Về quản trị chất lượng, khoa luôn tuân thủ các quy trình theo chuẩn S.O.P (Quy trình thao tác chuẩn). Trong năm 2021, khoa đạt chứng nhận chất lượng VN-ARQA (Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng cho đơn vị Hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam). Về hợp tác quốc tế, khoa phối hợp với các trung tâm IVF trong và ngoài nước như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Mỹ Đức, Bệnh viện Đại học Washington - Hoa Kỳ,..., để không ngừng cập nhật, nghiên cứu các phương pháp mới trong hỗ trợ sinh sản.

Về truyền thông, khoa xây dựng nhiều kênh thông tin như báo đài, website, facebook, youtube... để mang đến những thông tin về hiếm muộn cần thiết. Trong những năm qua, số lượng khách hàng tiếp cận ngày càng tăng. Công tác đào tạo, hằng năm khoa tổ chức các khóa đào tạo Bơm tinh trùng vào buồng tử cung, các lớp sinh hoạt chuyên đề để cập nhật kiến thức hỗ trợ sinh sản đến các đồng nghiệp trong khu vực ĐBSCL.

Về nghiên cứu khoa học, hằng năm khoa luôn duy trì thực hiện nghiên cứu khoa học. Số lượng đề tài NCKH cấp cơ sở tăng về số lượng lẫn chất lượng, có tính ứng dụng cao, được UBND thành phố cấp bằng ứng dụng. Ngoài ra, khoa cũng đang thực hiện một số đề tài cấp thành phố với cỡ mẫu nghiên cứu lớn và tính ứng ứng dụng cao.

Chăm sóc khách hàng, với phương châm luôn “kề vai sát cánh” với khách hàng, IVF Cần Thơ có đội ngũ chăm sóc khách hàng để hỗ trợ từ lúc mới vào khám, trong suốt quá trình điều trị, khi mang thai và sau sinh đến 5 năm. Ngoài ra, quản lý nhận diện người bệnh, khoa đặc biệt chú trong vấn đề an toàn, chống nhầm lẫn trong điều trị hiếm muộn. Các công nghệ hiện đại như nhận diện mã vạch, vân tay, khuôn mặt được sử dụng từ lúc đầu tiên tiếp nhận người bệnh đến khi thực hiện thủ thuật.

Những cảm xúc vỡ òa

Xúc động được chạm vào hạnh phúc thiêng liêng làm cha mẹ, gia đình chị L.N.A.L (40 tuổi) và anh S.L (53 tuổi) rất cởi mở về hành trình gian nan của mình. Năm 2018, vợ chồng anh chị tìm đến Khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện theo lời truyền miệng của nhiều gia đình được điều trị hiếm muộn thành công. Anh S.L có quốc tịch Thái Lan, trước đây anh từng thực hiện kỹ thuật thắt ống dẫn tinh 2 bên trong khi chị mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Do thắt ống dẫn tinh đã lâu nên anh không có tinh trùng trong tinh dịch. Đây là trường hợp khó trong điều trị hỗ trợ sinh sản. Cuối cùng, nhờ được can thiệp bằng kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh (PESA) và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, vợ chồng anh đã hạnh phúc đón thiên thần nhỏ chào đời.

anh-02-1657784408.jpg

Cặp song thai ra đời trong niệm vui của các y bác sĩ cùng gia đình.

Bên cạnh đó, khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện còn hỗ trợ rất nhiều trường hợp thành công trong hành trình “tìm con”, minh chứng cho những điều “kỳ diệu” của y học hỗ trợ sinh sản hiện đại. Qua đó, còn là nguồn động lực to lớn cho những ai đang trong hoàn cảnh tương tự có thêm hy vọng.

Lớn mạnh hơn từng ngày

Với vị thế là một trong những trung tâm IVF của ĐBSCL, ngoài việc thực hiện các kỹ thuật công nghệ cao trong lịch vực hỗ trợ sinh sản, để tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng ở xa, khoa còn triển khai khám và điều trị theo yêu cầu vào thứ bảy hàng tuần (từ 6h30 đến 11h). Đồng thời, sẵn sàng tư vấn nhiệt tình và cụ thể cho các cặp vợ chồng qua điện thoại trực tiếp hoặc qua tin nhắn Fanpage IVF Cần Thơ. Các cặp vợ chồng có vấn đề thắc mắc hay lo lắng muốn gặp bác sĩ tư vấn mà không thể tới bệnh viện khám, có thể liên lạc qua hai phương thức trên để được hỗ trợ.

Đặc biệt thời gian qua, khoa đã tổ chức thành công được 4 chương trình ưu đãi “Thắp sáng hy vọng” dành cho các cặp vợ chồng đang mong con tiến gần đến với hạnh phúc làm cha mẹ. Trong thời gian triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ, ưu đãi thụ tinh trong ống nghiệm, khoa Hỗ trợ sinh sản có thể tự hào với hơn 70.000 lượt khách hàng tin cậy. Trong thời gian sắp tới, khoa sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình ưu đãi về hiếm muộn và nam khoa để tiếp cận được với tất cả các đối tượng khách hàng.

anh-03-1657784408.jpg

Hạnh phúc đón song thai của cặp vợ chồng mong con.

“Có thể nói, chặng đường 12 năm không quá dài nhưng với những người gắn bó với chuyên ngành hỗ trợ sinh sản như chúng tôi, đó là một chặng đường đầy thử thách, đầy trăn trở nhưng cũng tự hào và hạnh phúc. Trăn trở với muôn vàn nỗi niềm khác nhau từ người hiếm muộn, hạnh phúc khi được đồng hành cùng họ trong hành trình chạm đến mơ ước thiêng liêng. Ngoài những thành tựu mà khoa Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện đã đạt được thời gian qua thì vẫn còn không ít trường hợp mà y học chưa thể can thiệp. Do đó, chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để giúp các gia đình hiếm muộn, đặc biệt là các trường hợp khó không rơi vào bế tắc trong hành trình tìm con” - BSCKI. Trần Ngọc Thảo - Phó Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ chia sẻ.

BSCKII Nguyễn Hữu Dự - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ chia sẻ, kết quả đạt được 12 năm qua là nền tảng vững chắc để Khoa Hỗ trợ sinh sản tiếp tục triển khai nhiều kỹ thuật mới như: trưởng thành trứng non trong ống nghiệm, sàng lọc và chẩn đoán di truyền tiền làm tổ, mang thai hộ và nâng tỷ lệ thành công điều trị hiếm muộn đạt khoảng 60,8%. Đó cũng là cơ sở để khoa trở thành Trung tâm IVF của Đồng bằng sông Cửu Long, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật để người dân trong vùng được hưởng thụ những tiến bộ kỹ thuật của y học trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản.